Những bước chân mang lại lớp lớp hy vọng như sóng biển
Những bước chân mang lại lớp lớp hy vọng như sóng biển
Đây chính là lời mở đầu của nhà hoạt động thư viện Nguyễn Quang Thạch cho cuốn sách "Những bước chân hy vọng" vừa ra mắt của anh.

Bước chân giúp tôi khám phá nhiều ngóc ngách vườn nhà, đồng ruộng, núi non, sông hồ trong tuổi thơ. Bước chân trong những đêm lạnh giá giúp tôi chứng minh rằng càng giá rét, tôm cá càng đi về vùng nước sâu để tránh rét, chịu rét đi đơm thì sẽ có nhiều tôm cá. Bước chân trong tuổi thơ và những thành quả lao động là nền tảng giúp tôi tự tin.

Bước chân giúp tôi thấu hiểu sự vất vả của người nông dân trên đồng ruộng, hiểu sự thiếu cơ hội tiếp cận tri thức của con cái họ.

Bước chân giúp tôi đến những gia đình nông thôn nghèo khó ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Trị, Quảng Nam...giúp tôi gặp con cái nông dân từ mọi miền tổ quốc làm công nhân ở các khu công nghiệp ở Vũng Tàu và lao động rời quê mưu sinh ở Sài Gòn, Hà Nội… Bước chân đã giúp tôi rút ra bài học rằng hãy đến với người nghèo bằng đôi chân, trái tim và bộ não biết phân tích.

Nhà hoạt động thư viện Nguyễn Quang Thạch trong chuyến đi bộ xuyên Việt kêu gọi cho chương trình SHNT

Bước chân là phương tiện đầu tiên tôi sử dụng học cách khảo sát, phỏng vấn khi còn là sinh viên để hiện thực mục tiêu cuộc đời là tạo nên cuộc cách mạng thư viện để hàng chục triệu người sống ở nông thôn, đặc biệt là trẻ em được nghe và đọc sách như trẻ em con gia đình trung lưu Hà Nội, Sài Gòn, và trẻ em Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản.

Bước chân đến với người nông thôn trong nhiều năm đã cung cấp các thông tin đầu vào giúp tôi tạo các loại tủ sách và công thức kèm theo phù hợp với vùng miền, văn hóa, thu nhập để hàng chục triệu người nông thôn, gốc nông thôn dễ dàng đưa sách đến tay con trẻ.

Bước chân giúp tôi thấy con đường và hy vọng. 

Nhiều triệu bước chân của tôi và người đồng hành trên quãng đường 1.750 km từ Hà Nội vào Sài Gòn, là tâm lực thúc đẩy nhiều triệu nông dân, cựu học sinh, hàng chục ngàn hiệu trưởng, hàng trăm ngàn cô giáo nông thôn hành động xây dựng Tủ sách Phụ huynh/ Tủ sách Lớp học/  Tủ sách Lớp em để hơn 15 triệu trẻ em được nghe và đọc sách như trẻ em Hà Nội, Sài Gòn, Mỹ, Tây Âu…. Những triệu bước chân đã đánh thức trách nhiệm lãnh đạo Bộ giáo dục và Đào tạo. Công văn 6841 ngày 31/12/2015 ra đời như là ‘chính sách mềm’ để khu vực dân sự và các trường học cùng nhau xóa nạn đói sách và ít đọc sách ở nông thôn. Những triệu bước chân đã thúc giục nhiều cá nhân trong xã hội lập các nhóm đưa sách về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong những năm qua.

Mắt trái bị hỏng luôn thúc giục bước chân, trái tim và trí não của tôi lao động không ngừng nghỉ để mục tiêu đưa sách về nông thôn được hoàn thành trước khi mắt phải bị rủi ro như ác mộng trong hơn 20 năm qua.

Đến nay, Chương trình Sách hóa Nông thôn do tôi khởi xướng và tác động xã hội và chính sách mềm của nó, cùng với sự chung tay hành động của người Việt Nam trong và ngoài nước gồm cả khu vực dân sự và chính quyền, đặc biệt ít nhất 400.000 nông dân Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… đã tạo nên ít nhất 30.000 Tủ sách Phụ huynh/ Tủ sách Lớp em, Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Giáo xứ… mang lại cơ hội nghe và đọc sách của nhiều trẻ em nông thôn.

Những bước chân bền bỉ tạo nên các loại tủ sách và công thức giản đơn để ai ai cũng có thể mang sách đến con trẻ nông thôn.

Bước chân tạo nên phong trào Mừng tuổi sách, tặng sách trẻ em trong các dịp lễ.

Bước chân đã tạo nên nhiều triệu niềm hy vọng bởi con trẻ được nghe và đọc sách là niềm hy vọng của tương lai xã hội tốt đẹp.

Bước chân tạo nên những hiệu ứng ngoài mong đợi là người Việt Nam có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm đưa sách về nông thôn với bạn bè thế giới tại trụ sở UNESCO và Thư viện Quốc hội Mỹ. Bước chân người Việt Nam đã sang Ấn Độ xây dựng tủ sách. Nhiều triệu bước chân sẽ tiếp tục có mặt ở 30 bang của Ấn Độ trong những năm tới góp phần giúp trẻ em nông thôn Ấn Độ được nghe và đọc sách.

Đọc thêm bài review về cuốn sáchNhà hoạt động thư viện Nguyễn Quang Thạch và những bước chân hy vọng

Nguyễn Quang Thạch, Khởi xướng Sách hóa Nông thôn Việt Nam

Tags: