Mỗi chiếc bút chì đều mang trong mình một lời hứa
Mỗi chiếc bút chì đều mang trong mình một lời hứa
Adam Braun, người sáng lập Pencil of Promise (PoP), một tổ chức đã xây dựng được hơn 200 trường học trên khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, giúp cho các trẻ em nghèo có hơn 30 triệu giờ học. Điều gì đã thúc đấy anh làm điều đó? Có lẽ đoạn trích sau đây trong cuốn sách "Lời hứa về một cây bút chì" sẽ cho bạn câu trả lời rõ nhất.
Thông qua nỗ lực điều phối điều kỳ diệu của ban quản lý, văn phòng đại diện của Học kỳ Trên biển có thể đảm bảo rằng học kỳ ở nước ngoài của chúng tôi không bị hủy bỏ và đã sắp xếp để chúng tôi có thể tiếp tục khóa học trong khi họ sửa chữa tàu MV Explorer. Khi đi từ trạm dừng chân này đến trạm dừng chân tiếp theo, ở trong các khách sạn và nhà nghỉ, nhiều học viên đã sưu tầm các món quà lưu niệm ở mỗi nước. Một số sưu tầm ly rượu có tên của thành phố mà họ dừng chân được khắc bằng tiếng địa phương. Số khác mua mũ hoặc sưu tầm chai bia. Một vài người chụp ảnh với người thú Beanie Babies trước các địa danh nổi tiếng. Chúng tôi là sinh viên đại học, nên mỗi người đều tìm cho mình một món đồ lưu niệm vừa túi tiền để ghi lại nơi mà mình đã đặt chân đến và nhớ về mình đã có được ở đó. 

 

Dù không thích những món đồ lưu niệm lặt vặt, nhưng quả thật tôi cũng muốn sưu tầm thứ gì đó để sau này có thể nhớ lại và trân trọng. Trước khi lên tàu, tôi quyết định sẽ hỏi một đứa trẻ ở mỗi nước, “Nếu em có thể có bất cứ thứ gì trên đời, em muốn có gì nhất?” Việc này cho tôi cơ hội kết nối với ít nhất một đứa trẻ ở mỗi nước. Tôi nhờ các em viết ra câu trả lời của mình, và khi trở về, tôi sẽ làm một tấm bản đồ câu trả lời của các em. Tôi đoán mình sẽ nghe thấy những câu trả lời như “một chiếc tivi màn hình phẳng”, “một chiếc iPod” hoặc “một chiếc xe ô tô xịn”. Tôi nghĩ mình sẽ thu thập được một loạt các câu trả lời tương tự như những gì mà tôi muốn có khi còn bé - món đồ chơi mới nhất, chiếc xe mới coóng hay một ngôi nhà mới rộng rãi. 

 

Khi một cô bé rất đáng yêu ở Hawaii đến gần tôi và hỏi liệu chúng tôi có thể làm bạn không, tôi đồng ý mà không chút do dự. “Nhưng trước hết, anh có một điều quan trọng muốn hỏi em,” tôi nói. “Nếu có thể có bất cứ thứ gì trên đời, em muốn có gì nhất?”

 

Em đưa ngón tay lên cằm ra chiều nghĩ ngợi và  và láu lỉnh liếc nhìn mẹ. “Được khiêu vũ ạ,” em trả lời với một cái gật đầu đầy tự tin. 

 

Tôi cười. “Không, ý anh là  nếu em có thể có bất cứ thứ gì trên đời ấy, em muốn có gì nhất?”

 

Cô bé mỉm cười, giờ thì đã hiểu rõ câu hỏi của tôi. “Được khiêu vũ ạ!” Em đáp lại đầy vui vẻ.

 

“Wow, tuyệt quá!” tôi vừa nói vừa cười lớn. Câu trả lời của cô bé cho thấy rõ sự chân thật. Tôi nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời mình và nhận ra nhiều khoảnh khắc trong số đó liên quan đến việc nhảy múa ngẫu hứng - trong lần đầu tiên đi xem buổi hòa nhạc của Michael Jackson, tại bữa tiệc bất ngờ cho sinh nhật lần thứ 40 của cha tôi, trong ngày Hội khiêu vũ hàng năm ở trường, v.v… Những niềm vui thuần khiết nhất luôn ở ngay trước đó trước tất cả chúng ta, và chúng chẳng liên quan gì đến địa vị, sự công nhận hay khao khát vật chất. Rõ ràng là có nhiều điều tôi cần phải học từ cái nhìn trong sáng của những con người mà tôi gặp trên hành trình, vì vậy tôi quyết định sẽ dành nhiều thời gian đặt câu hỏi hơn là cố gắng đưa ra câu trả lời trong suốt thời gian còn lại của chuyến đi. Lắng nghe bằng cả trái tim là kỹ năng có giá trị hơn nhiều so với việc nói thao thao bất tuyệt.

 

Tại Bắc Kinh, tôi đã hỏi một bé gái đứng ở gần lối vào Tử Cấm Thành, em mong muốn có thứ gì nhất trên đời, và nhận được câu trả lời, “Một cuốn sách.”

 

“Thật không? Em có thể có bất cứ thứ gì mà.” tôi thúc giục. 

 

“Một cuốn sách anh ạ.”

 

Mẹ cô bé giải thích rằng em rất thích đến trường, nhưng không có cuốn sách nào. Giấc mơ của đứa trẻ này là có một thứ mà tôi coi là mặc nhiên mỗi ngày. 

 

Ở Kowloon, Hong Kong, tôi hỏi một cậu bé muốn có gì nhất trên đời. Anh trai của cậu dịch câu hỏi của tôi, sau đó dịch giúp câu hỏi: “Một phép màu”.

 

Dọc sông Mekong ở Việt Nam, tôi đã hỏi một cô bé sáu tuổi nhút nhát xem em muốn có gì nhất. Cô bé lí nhí trả lời trong khi mắt vẫn dán vào lớp bùn nâu, nhão nhoét dưới chân. “Em muốn mẹ khỏe lại. Mẹ em ốm và phải nằm trên giường cả ngày, em chỉ muốn được mẹ dắt đến trường thôi.”

 

30 ngày sau khi chúng tôi bắt đầu chuyến đi, tôi thức giấc khi những ánh mặt trời đỏ rực bao phủ khắp cảng Chennai, Ấn Độ. Tâm trí của tôi để cả và việc đến Varanasi.

 

Sông Hằng ở Varanasi là một trong những con sông bẩn nhất thế giới - bị ô nhiễm nặng nề bởi chất thải công nghiệp và sinh hoạt - nhưng cũng là dòng sông linh thiêng nhất. Tôi đã muốn đi bộ dọc theo triền sông kể từ khi xem cảnh tượng trong bộ phim Baraka, và trải nghiệm trong trận bão biển khiến khao khát của tôi ngày càng cháy bỏng. Trong khoảng thời gian dài lê thê khi tôi không biết mình sẽ sống hay chết, tôi đã cầu nguyện nhiều chưa từng thấy. Cảm giác rằng tôi còn có nhiều việc phải làm - tôi có một mục đích sống - chỉ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Giờ đây, việc duy nhất tôi phải làm là tìm ra xem chính xác mục đích đó là gì. Tôi nghĩ tôi có thể tìm thấy một vài câu trả lời ở sông Hằng, con sông thiêng của Ấn Độ giáo và là một trong những vùng đất sùng đạo nhất thế giới. 

 

Đêm đầu tiên ở Ấn Độ, tôi bị sốt rất cao. Lúc đến sân bay vào sáng hôm sau, người tôi ướt sũng mồ hôi lạnh và nhiệt độ cơ thể lên đến gần 39,5oC. Tôi để mọi người đi qua trạm kiểm soát kinh doanh trước, còn mình cố gắng bình tâm và lấy lại sức, tôi sợ rằng nếu mọi người biết tôi bệnh, họ sẽ không để tôi tham gia chuyến đi. Với chiếc ba lô nặng trịch trên vai, tôi cố nhìn thẳng, và khi đến lượt tôi phải bước qua chiếc máy dò kim loại, tôi nhìn xuống và thấy chân mình liêu xiêu. 

 

Điều tiếp theo tôi biết là tôi nằm ngửa trên sàn, ngước lên thấy hai nhân viên an ninh Ấn Độ đang kêu to. Tôi đã xỉu đi. Hai nhân viên, mỗi người một bên xốc tôi dậy. Nửa tỉnh nửa mê, tôi nghĩ họ đang đưa tôi vào tù. Thế nhưng, thay vào đó họ gỡ ba lô của tôi ra, đặt nó lên băng tải quét tia X quang và đưa tôi qua máy dò kim loại. Ở phía bên kia, họ đeo ba lô lên vai tôi và chỉ tôi đến cửa lên máy bay ở phía trước.

 

Khi tôi đến cửa, một học viên khác tiên lại và hét lên, “Cậu ở chỗ quái nào thế? Cả nhóm đã tìm cậu khắp nơi! Mặt cậu sao thế? Trông như ma ấy. Cậu đổ mồ hôi ướt hết áo kìa.”

 

Tôi nói với cậu ấy rằng tôi vừa bị xỉu. “Đừng nói cho ai biết,” tôi van nài. Không gì có thể ngăn tôi đến Varanasi. Do ốm quá, nên tôi quyết định sẽ tắm ở sông Hằng khi chúng tôi đến đó. Tôi nghĩ thế này là tệ lắm rồi, mình không thể nào thấy tệ hơn nữa, vì vậy chỉ nước thánh mới giúp được mình.

 

Những ngày sau đó, tôi đỡ sốt hơn. Ban đêm, chúng tôi đến ga xe lửa ngoài thành phố Agra, ở đây tôi được tận mắt chứng kiến một điều chưa từng thấy trong đời: từng đám trẻ con chân trần, lấm lem từ đầu đến chân, đi xin tiền và đồ ăn. Chúng quá bé để có thể đi một mình. Tôi nhìn thấy những đứa bé khoảng bốn tuổi bế một đứa khoảng sáu tháng tuổi trong tay và đi xin. Nỗi khốn khổ trên khuôn mặt chúng thật ám ảnh.

 

Chúng tôi đã được cảnh báo trước rằng việc cho tiền những đứa trẻ ăn xin sẽ biến chúng trở thành công cụ kiếm tiền hiệu quả của những băng đảng xã hội, những kẻ đã tống chúng ra đường phố và kéo dài thời gian ép chúng ở đó. Một số người trong chúng tôi mua thức ăn cho bọn trẻ, nhưng vẫn cảm thấy bất lực và chán nản. Tôi không biết làm thế nào để giúp chúng. Tôi đã thức cả đêm để ngẫm nghĩ về những gì nhìn thấy. 

 

Sáng hôm sau, chúng tôi đến Agra Fort, một ngôi đền mái đỏ tuyệt đẹp trong khuôn viên Taj Mahal. Nhưng tôi không thể để tâm đến các kiến trúc xung quanh mình. Tâm trí của tôi vẫn luẩn quẩn với suy nghĩ về những đứa trẻ ăn xin trên đường phố, và tôi quyết định sẽ hỏi một trong số chúng câu hỏi của tôi. Chúng chẳng có gì. Nếu có thể có bất cứ thứ gì, chúng muốn có gì nhất?

 

Tôi tách đoàn và bắt gặp một cậu bé có đôi mắt nâu to tròn lúc trước thì ăn xin, nhưng giờ đang ngồi một mình. Khi tôi đến gần em để nói chuyện, một người đàn ông đã đến thông dịch cho chúng tôi. Tôi giải thích rằng tôi có một câu hỏi dành cho cậu bé. Tôi đang thực hiện ý tưởng ở mỗi nước sẽ hỏi một đứa trẻ câu hỏi, nếu em có thể có bất cứ thứ gì trên đời, đó sẽ là thứ gì? Tôi muốn biết, cậu bé này muốn có gì nếu em có thể có bất kỳ điều gì? Cậu bé ngẫm nghĩ vài giây, sau đó trả lời một cách tự tin:

 

“Một cây bút chì ạ.”

 

“Em chắc chứ?” tôi hỏi. Cậu bé không có gia đình, không có gì cả, nhưng yêu cầu của em lại quá đỗi giản dị. 

 

Những người đàn ông khác lại gần và bắt đầu xem vào câu chuyện giữa chúng tôi. Họ hối thúc cậu bé, “Cháu có thể có bất cứ thứ gì. Anh ta có thể tặng nó cho cháu đấy!”

 

Cậu bé vẫn không thay đổi mong muốn của mình: “Một cây bút chì ạ.”

 

Tôi có một cây bút chì màu vàng số hai trong ba lô. Tôi lấy nó ra và đưa cho cậu bé.

 

Khi chiếc bút từ tay tôi qua tay cậu bé, khuôn mặt cậu rạng rỡ hẳn lên. Cậu nhìn nó như thể đó là một viên kim cương. Những người đàn ông giải thích, cậu bé chưa bao giờ được đi học, nhưng cậu đã thấy những đứa trẻ khác viết bằng bút chì. Tôi choáng váng khi biết cậu bé chưa từng một lần được đến trường. Sau đó, tôi trấn tĩnh lại và nhận ra đó là hiện thực đối với nhiều trẻ em trên thế giới.

 

Liệu một thứ gì đó, chỉ nhỏ nhoi như một cây bút chì, nền tảng của giáo dục, có thể mở khóa tiềm năng của một đứa trẻ hay không?

 

Đối với tôi, cây bút chì đó chỉ là một dụng cụ để viết, nhưng đối với cậu bé kia, nó là một chiếc chìa khóa. Nó là một biểu tượng. Nó là cánh cổng đến với sự sáng tạo, sự hiếu kỳ và khả năng. Tất cả những nhà phát minh, kiến trúc sư, nhà khoa học, nhà toán học vĩ đại ban đầu đều là một đứa trẻ, chẳng cần gì khác ngoài một cây bút chì trên tay. Mẩu gỗ hình trụ với lõi than chì ấy có thể trao cho cậu bé cơ hội khám phá thế giới mà nếu không cậu sẽ chẳng bao giờ được tiếp cận. 

 

Đến tận thời điểm đó, tôi vẫn luôn nghĩ rằng mình còn quá trẻ để có thể tạo ra sự khác biệt nào đó. Có người từng nói với tôi, nếu không có khả năng quyên được một khoản lớn cho một tổ chức từ thiện, tôi chẳng thể nào thay đổi được cuộc sống của ai. Nhưng thông qua hành động nhỏ là trao cho một đứa trẻ một cây bút chì, niềm tin cố hữu ấy đã vỡ tan. Tôi nhận ra rằng ngay cả những con sóng lớn cũng bắt đầu từ những gợn sóng nhỏ. Đây là việc mình cần làm, tôi nghĩ, thay vì cho tiền hoặc chẳng gì cả, mình sẽ cho tụi nhóc mà mình gặp trên đường những cây bút. 

 

Ngày hôm sau, chúng tôi lên đường đến Varanasi với hàng chục sinh viên khác và một số giáo sư hướng dẫn trong độ tuổi 50-60 trong chuyến đi năm ngày. Chúng tôi đến Varanasi vào dịp nơi đây đang diễn ra lễ Shivratri, lễ hội tôn vinh thần Shiva , thần cải biến, của người Hindu. Hàng năm, hàng ngàn người đã đổ về thành phố mừng sự kiện linh thiêng này. chúng tôi lên kế hoạch sẽ đi ngắm hoàng hôn trước, sau đó mới đi ngắm bình minh vào hôm sau, và chúng tôi có thể sẽ được chứng kiến cảnh mọi người hỏa thiêu thi thể trên sông Hằng trong chuyến đi ngắm bình minh. Hướng dẫn viên của chúng tôi, Vanay, là một người vô cùng sùng đạo. Trong chuyến đi ngắm hoàng hôn, anh giải thích rằng nếu được hỏa táng trên bờ sông Hằng, người chết sẽ được đưa thẳng lên cõi niết bàn ở thế giới bên kia. Nhưng lễ hỏa táng bên bờ sông rất đắt tiền, và hầu hết mọi người đều không đủ khả năng để làm trọn lễ- vì thế những người nghèo thường bọc vải thi thể của người thân và thả nổi xác xuống sông. Sáng hôm sau, chúng tôi sẽ được thấy cảnh này.

 

Nhóm người đi thăm hôm trước tặng chúng tôi một bức tuyệt đẹp chụp cảnh bờ sông trong ánh nến lung linh, nhưng tôi không muốn trải nghiệm cảnh tượng này qua ống kính của một chiếc máy ảnh. Tôi muốn đắm mình trong nó. Tôi muốn tắm mình trong làn nước đó như một người dân địa phương.

 

Tôi hỏi Vanay, “Nó bẩn đến mức nào?”

 

“Về mặt sinh học mà nói, nó rất bẩn,” anh nói. “Nhưng về tâm linh mà nói thì tôi tin rằng đây là nước của Thượng đế, sao Thượng đế có thể làm tổn thương chúng ta được?”

 

Vanay sau đó cúi xuống, vục nước sông vào tay và uống một ngụm. Cả thuyền há hốc miệng kinh ngạc. Còn tôi, mừng thầm. Tôi đã tìm thấy một đồng minh. 

 

Trong bữa tối hôm đó, tôi lặng lẽ nói với một vài người bạn rằng sáng hôm sau, khi đi ngắm bình minh, tôi sẽ xuống sông Hằng. Mọi người nhanh chóng truyền tai nhau và một thầy giáo đi cùng tiến lại chỗ tôi. “Chúng tôi không cho phép em làm thế,” ông nói. “Em sẽ bệnh nặng nếu uống nước và có thể dính phải ký sinh chết người. Em tuyệt đối không được xuống nước.”

 

Tôi nói với thầy rằng tôi tôn trọng lời khuyên của thầy, nhưng tôi sẽ tự ra quyết định cho mình.

 

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm và mặc sẵn quần đùi bên trong quần bò để có thể nhảy xuống sông khi thích hợp. Tôi lại gặp thầy giáo đi kèm một lần nữa, và thấy nhắc nhở tôi, “Nếu em xuống nước thì đừng nghĩ đến việc quay lại xe.” Vợ ông, cũng là một giáo sư, hùa vào, “Làm thế nguy hiểm lắm đấy. Nếu em đổ bệnh do nước bẩn, mà chắc chắn là thế, chúng tôi sẽ phải bỏ em lại.”

 

“Em không muốn khiếm nhã, nhưng thầy cô không phải là cha mẹ em,” tôi nói dứt khoát.

 

Trước khi chúng tôi lên xe, Vanay đến gần tôi. “Nhiều người đang lo. Tôi nghe nói cậu muốn xuống nước. Sao thế?”

 

“Đó là dòng nước linh thiêng nhất trên đời mà,” tôi trả lời, có cảm giác như một kỷ lục bị phá vỡ. “Tôi muốn cầu nguyện và thiền ở một trong những nơi mà tôi tin là gần với Thượng đế nhất. Có thể tôi chẳng phải là tín đồ Hindu, nhưng bất cứ nơi nào mà những người khác đều một lòng cậu nguyện, theo tôi, đều rất thiêng.”

 

Anh đặt tay lên vai tôi. “Hay lắm. Nhưng đừng cứ thế mà nhảy xuống nhé… Tôi sẽ chỉ cho cậu biết nên xuống ở đâu sau chuyến đi.”

 

Tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi có một đồng minh.

 

Trong chuyến đi bình minh, chúng tôi thấy người dân ở mọi độ tuổi đang tắm trên sông. Một người đàn ông nằm thiển nổi, một người kahcs thì dạy các con mình những nghi lễ buổi sáng.

 

Khi chúng tôi quay lại bờ sông, lúc cả nhóm mải mê chụp ảnh những khu nhà xung quanh, Vanay gật đầu ra hiệu cho tôi và chỉ vào mấy chiếc bậc dẫn xuống dòng nước. Tôi kín đáo đi sang bên đó, cởi quần bò và chỉ mặc chiếc quần đùi. Tôi đi xuống bờ sông rồi xuống nước. Tôi đằm cả người trong nước, không nghĩ ngợi gì, tôi ngụp đầu xuống và mở miệng, để nước ào vào miệng như cách tôi thường làm trong bồn tắm hoặc hồ bơi. Tôi ngoi lên mặt nước và phun nước ra mà không màng đến sai lầm mà tôi có thể mắc phải khi đưa vào người thứ nước linh thiêng nhất - nhưng cũng ô nhiễm nhất thế giới này. Giờ mọi sự đã rồi.

 

Khi đằm mình sâu trong nước, tôi nhắm mắt lại và cầu nguyện. Mười phút sau, khi tôi lên bờ, một pháp sư cao tuổi với chiếc áo choàng màu nghệ tây, khăn đóng màu cam và suối tóc trắng gọi giật tôi lại: “Tại sao cậu lại xuống sông Hằng?”

 

Tôi cho ông biết lý do, ông nắm lấy tay tôi đặt vào lòng bàn tay ông. Ông rút ra một cuộn dây màu đỏ và vàng tươi rồi cuốn dây hai vòng quanh cổ tay tôi. Ông nhắm mắt lại và chúc phúc và cầu cho tôi được che chở, sau đó nói với tôi đây là dây thánh Varanasi.

 

Một nhóm các cậu bé Ấn Độ túm tụm quanh chúng tôi. Chúng tôi đi cùng nhau qua vài khu nhà, nhưng trước khi tản đi, các em xin tôi tiền. Thay vì đưa tiền, tôi thò tay vào túi và lấy ra mấy cây bút chì. Tôi đưa cho mỗi cậu bé một cây. Sự thay đổi ở các em xuất hiện ngay lập tức. Các em bắt đầu vẽ lên những mảnh giấy mà một chủ cửa hàng cho các em và tập viết chữ để khoe nhau. Các em có một ý thức mới về tự do, đây là một kiểu độc lập mới mẻ. Tôi xúc động khi thấy chỉ một hành động nhỏ nhoi cũng có thể mở ra một ý thức mới về khả năng, sự trầm trồ và kết nối ở những người gần như chẳng có gì như thế nào. Các ý tưởng bắt đầu tràn ngập tâm trí tôi, nhưng tôi kiềm mình lại để không quá phấn khích. Thế nhưng, dù cố gắng thế nào đi nữa, tôi cũng không thể gạt ra khỏi đầu hình ảnh cậu bé cầm cây bút chì trong tay. 

 

Trạm Đọc - Readstation 

Tags: