Khi Satya Nadella lên nắm quyền Giám đốc Điều hành tại Microsoft vào đầu năm 2014, ông đã tuyên bố sẽ đưa cả công ty lên đến một tầm cao mới của một kỷ nguyên phát triển vượt bậc, và quả thật những gì ông làm được cũng chứng tỏ Nadella đang đi đúng hướng trên con đường đã vạch ra của mình.
Điểm mấu chốt mà Nadella tập trung thúc đẩy chính là “tư tưởng cấp tiến”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học hỏi lẫn nhau, rút kinh nghiệm từ chính những sai lầm trước đó của mình, từ đó ngày càng củng cố va phát triển, hoàn thiện bản thân hơn nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn với Dina Bass đến từ Bloomberg, Nadella đã chia sẻ rằng cuốn sách “Mindset: The New Psychology of Success” xuất bản vào năm 2007 bởi Giáo sư tâm lý học Carol Dweck tại Đại học Stanford đã giúp ông rất nhiều trong việc hình thành bản năng, nhân cách cũng như các nguyên tắc “tư tưởng cấp tiến”, cuối cùng lấy đó làm tiêu chuẩn cốt lõi mà ông đang áp dụng ngay tại Microsoft.
Dưới đây là những dòng chia sẻ của Nadella:
“Có một quan điểm khá đơn giản đã được Giáo sư Carol Dweck nhắc đến, trong đó nói rằng nếu bạn chọn 2 người, một người ‘liên tục học hỏi’ và một người thuộc loại ‘biết tất cả mọi thứ’, người thứ nhất sẽ luôn giành được ưu thế hơn so với đối thủ còn lại xét trên tổng thể, kể cả khi ban đầu họ chưa chứng tỏ được rõ năng lực của mình cho lắm.”
Cuốn sách của Dweck đã tập trung khai thác những khía cạnh sâu xa của vấn đề trên, đề cập đến việc một số người có những tư tưởng được “lập trình sẵn” từ trước, rằng tài năng của họ là tự nhiên theo bản năng bên trong con người, do đó việc cố gắng hơn nữa được cho là tốn công vô ích. Trong khi đó, số khác lại có được “tư tưởng cấp tiến”, tin rằng mọi thứ đều có thể được tìm ra cách giải quyết nếu cống hiến và làm việc chăm chỉ.
“Không phải ai thông minh nhất cũng là người giỏi nhất,” trích lời Dweck trong cuốn sách của mình.
Quả thực, triết lý trên đã có tác dụng rất tích cực đối với sự phát triển và tăng trưởng của Microsoft, tiến tới ảnh hưởng lên cả cơ chế sản xuất mảng máy tính của mình sau thất bại ở thị trường smartphone. Từ đó, Nadella đã tiến hành cân nhắc thêm nhiều phương án trong tương lai, bao gồm cả những góc độ liên quan đến đối thủ khó chịu Linux và thách thức đi kèm.
Trích lời Nadella trên Bloomberg: “Tôi cần phải thư giãn đầu óc, tự hỏi mình rằng ‘Có lúc nào mình đã quá cứng nhắc, hay có lúc nào mình đã không áp dụng theo tiêu chuẩn đã đề ra hay không?’ Nếu có thể hoàn toàn làm chủ được nó, tôi tin rằng công ty sẽ thu được nhiều thành tựu sáng chói hơn nữa đúng như những kỳ vọng của mọi người.”
Đồng sáng lập ra Microsoft - Bill Gates - cũng là một độc giả hâm mộ những triết lý của Carol Dweck trong cuốn “Mindset” đã đề cập phía trên.
Những nhận xét và chia sẻ của Nadella đã giúp cho “Mindset” vượt lên đứng top những cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon mặc dù nó đã ra đời được 6 năm.
Về nội dung của cuốn sách, Dweck đã tiến đến giải thích lí do tại sao tài năng không phải là yếu tố duy nhất giúp chúng ta nắm giữ thành công, mà là cách chúng ta hình thành suy nghĩ và quan điểm về nó. Bà đã nhấn mạnh rằng việc chúng ta quan trọng hóa vai trò của khả năng ban đầu không hoàn toàn khích lệ những tư tưởng tiến bộ, mà còn có thể phản tác dụng, dẫn đến cản trở thành tích. Với một động lực và phương pháp đúng đắn, chúng ta luôn thu được những kết quả tích cực, tương tự như việc giáo dục con trẻ bằng cách đánh vào lòng tự trọng của chúng. Tầm quan trọng của một suy nghĩ có thể thay đổi kết quả của cả một quá trình, dựa trên nghị lực và sự kiên nhẫn - vốn đã được áp dụng bởi nhiều người nổi tiếng trên thế giới - chính là nội dung cơ bản và chính yếu nhất mà Dweck muốn truyền đạt lại cho người đọc.
Xem thêm: Nuôi dưỡng tư duy cầu tiến: Đừng tin ai bảo bạn bất tài
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Genk