Dạ thưa ngài, vì tôi cho rằng: việc anh ta ngã từ đỉnh tháp cao xuống mà chết, ấy là chuyện bình thường, nên tôi để báo cáo sau. Ngược lại giá mà anh ấy không chết, thì tôi đã báo cáo ngay rồi, vì đó mới là cái sự không bình thường-thưa ngài! Đó, phát hiện ra cái hài ngay cả ở chốn tôn nghiêm như tòa án, đã dường như làm giảm đi tính trầm trọng của vụ việc! Vấn đề là phát hiện cái hài hước như thế nào?
Dễ thấy, cái hài hước nảy sinh thường do sự trái với tự nhiên trong hành xử của con người. Đơn giản như mọi sự vật và hiện tượng vốn không trường tồn, nhưng người ta cố làm, cố mong ước, hay cố chứng minh cho sự bất diệt, từ đó nảy sinh điều hài hước, đôi khi còn là bi hài. Truyện kể rằng: Tề Cảnh Công (547 TCN - 490 TCN) nhìn cảnh nước Tề tươi đẹp, mà nước mắt chứa chan, tỏ ý với quần thần về sự tiếc nuối khi một ngày nào đó ngài phải rời xa ngai vàng.
Thưa đức vua, nếu một triều đại cứ được phép tồn tại mãi, hay một người được làm vua mãi, chẳng hạn như vua Nghiêu vua Thuấn mà giữ được ngai vàng cho đến bây giờ, thì giờ này chắc tôi và ngài, chỉ là những kẻ chăn vịt, đội nón lá đứng ngoài đồng-một quan cận thần đã tâu với nhà vua như vậy. Thật may mắn trong cái cơn cuồng si quyền lực của vị vua ấy, còn có một vị quan liêm chính thấu hiểu lẽ trời, nhìn thấy cái hài, mà kéo ngài ra khỏi cơn mê. Nhưng đó chỉ là một trong vô vàn các ví dụ về mong muốn bất diệt của loài người, và không phải ai cũng có cái may mắn như Tề Cảnh Công được người khác thức tỉnh ra khỏi ham muốn vô lý ấy.
Trong đời sống hằng ngày, đã có biết bao cặp uyên ương tan đàn xẻ nghé, hay sinh ra một đám “vịt trời” ngoài ý muốn, tạo nên những gia cảnh bị hài, cũng chỉ vì cái lẽ phải sinh con trai để có người nối dõi, âu cũng vì cái “máu mê” sự trường tồn mà ra?!
Những điều trái tự nhiên vốn thường được che đậy bằng sự giả tạo, nên tất nhiên sự giả tạo cũng là một tác nhân làm tăng cường tính hài hước. Hơn thế, sự giả tạo còn có khả năng bóp méo, biến những điều tưởng như khuôn vàng thước ngọc trở thành chuyện nực cười. Chúng ta đã từng phát động một mùa thi nghiêm túc, rồi tiếp đến một mùa thi thực sự nghiêm túc, hay từ đổi mới đến thực sự đổi mới. Rồi chẳng thế mà đã có khái niệm tối ưu, nhưng người ta vẫn phải thêm cái “nhất” để thành cái “tối ưu nhất”. Biết bao bản thành tích giả dối được dựng lên, mãi đến nhiều năm sau người ta mới làm được một phần như thế, để rồi kho tàng tiếu lâm được bổ sung thêm thể loại “tạm ứng trước thành tích” đó sao?!
Và khi người ta cứ cố tin vào sự giả tạo, bảo vệ và tôn vinh cái không tồn tại, thì tính hài hước lại tiếp tục đẩy cao thêm một tầng nữa!? Truyện ngụ ngôn xưa kể rằng, ngày đại hạn, lũ cóc nhái tìm cách vượt cái quan, vì cái ao nơi chúng ở sắp cạn kiệt. Cóc cụ phán rằng: nếu chúng bay không biết cách chuồn, mà cứ nghễu nghện qua đường, thì sẽ bị đánh chết hết. Thế rồi ba ba-cóc-lươn phối hợp, quấn chặt vào nhau như một quái vật ba đầu, hình thù kỳ dị, nghênh ngang qua đường. Chúng chẳng những tẩu thoát, mà còn được cả dân làng cúng vái vì cho rằng đã gặp được “linh vật” giáng trần cứu họ qua đại hạn.
Không những thế, dân làng còn lập đền thờ để ghi tạc sự tích, hàng năm mở lễ hội cúng tế, rồi lâu ngày tục lệ ấy trở thành truyền thống văn hóa, được dân làng ra sức duy trì. Ngày nay, chúng ta vẫn thường thấy không ít cơ quan, trường sở tổ chức những sự kiện thể hiện sự tự hào về những thành tích ảo được tô vẽ, dàn dựng trong quá khứ, rồi coi đó là truyền thống quý báu cần được bảo vệ, phát huy, trong khi lại nhắm mắt làm ngơ, bất chấp những sự tiêu cực, lạc hậu, ỳ trệ đang tồn tại rành rành trước mắt.
Nhìn nhận một cách nghiêm túc, việc nhận diện tính hài hước trong các sự vật là điều hết sức cần thiết, bởi nó làm lộ tẩy sự giả tạo, phơi bày bản chất, giảm thiểu sự huyền bí huyễn hoặc. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà những người mắc thói quan trọng hóa, nhiễm bệnh thành tích, những kẻ hãnh tiến, bịp bợm… rất không ưa cái hài. Và những ai nhận thức thiếu linh hoạt, thì óc hài hước theo đó cũng bị hạn hẹp, thậm chí họ không biết - không chịu nhận diện cái hài. Sự tự do trong nhận thức là một trong những điều kiện quan trọng để giúp người ta tăng khả năng nhận diện sự hài hước trong cuộc sống.
Có người nào đó đã nói: “Tự trào là đỉnh cao của hài hước”. “Tự trào” không chỉ mang lại tiếng cười mà còn có tác dụng xây dựng, hoàn thiện cá nhân, tổ chức, xã hội, và dân tộc, giúp con người có nhận thức chủ động hơn, đầy đủ hơn, cân bằng hơn, và bản chất hơn về mọi sự vật, hiện tượng. Và có lẽ đức tính này cũng là một trong những đức tính quý giá, mà giáo dục cần phải hướng tới!
Theo Tia Sáng
Dương Quốc Việt