Thuyết âm mưu có từ thời cổ Hy Lạp?
Thuyết âm mưu có từ thời cổ Hy Lạp?
Nhà triết học Karl Popper (1902 – 1994) cho rằng nhiều thuyết âm mưu có nguồn gốc trong lòng tin của người cổ Hy Lạp vào các vị thần toàn năng với các kế hoạch của họ đối với loài người. Bài viết của Scotty Hendricks, nhà bình luận của tạp chí “Big Think”, phân tích những quan điểm của Popper và suy nghĩ về việc các thuyết âm mưu có quan hệ thế nào với tư duy và tâm lý của chúng ta, vì sao chúng cho thấy chúng ta không có khả năng chấp nhận những sự ngẫu nhiên.
Khái niệm “Thuyết âm mưu” lần đầu tiên được nhắc đến năm 1909. Cho mãi đến những năm 1960 nó không hề có gì liên quan với chứng hoang tưởng bộ phận hay các trạng thái mê sảng. Khi quan niệm này có ý nghĩa như hiện nay thì trong một thời gian ngắn đã xuất hiện vô số các thuyết âm mưu khác nhau. Từ sự khẳng định chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch và tiến hành vụ khủng bố 11/9 đến ý kiến cho Elvis Presley (1935 – 1977, “ông vua nhạc Rock&Roll” – ND) đã tạo nên cái chết của mình, một tư tưởng chung bao trùm là các sự kiện lớn trên thế giới là một bộ phận của một kế hoạch lớn. Một số thuyết âm mưu thực ra là đúng, còn số khác thì không.

 

Tuy nhiên, dù thuật ngữ này gần đây mới có thì tư tưởng cơ bản của nhiều thuyết âm mưu cho rằng các sự kiện đã được hoạch định và thực hiện bởi những thế lực hùng mạnh và bí ẩn đã có từ hai ngàn rưỡi năm trước. Ít nhất thì nhà triết học Karl Popper cũng nghĩ thế.

Trong bài tiểu luận ngắn Thuyết âm mưu về xã hội, Popper bắt đầu bằng sự mô tả thế giới quan của người cổ Hy Lạp. Đối với họ, các Thần rất quan tâm đến mọi công việc của con người và bất kỳ điều gì xảy ra đều có sự đồng thuận ngầm của họ. Những sự kiện như cuộc chiến tranh thành Troy là hệ quả trực tiếp sự can thiệp của các thần vào công việc của con người. Popper tin rằng lòng tin này không bao giờ phai nhạt và rằng hiện nay, thay cho các Thần, các nhà thuyết âm mưu cho rằng các sự kiện đã được dàn dựng bởi “những người và nhóm người có thế lực khác nhau – những nhóm gây sức ép độc ác, họ bị buộc tội là đã lên kế hoạch tạo ra cuộc Đại Suy Thoái và tất cả những cái ác mà chúng ta phải hứng chịu.”

Liệu rằng sau cuộc chiến thành Troy còn có mưu đồ nào khác?

Popper cho rằng nhiều thuyết âm mưu là dựa trên tư tưởng coi mọi kết quả của cuộc sống xã hội là bằng chứng cho thấy có một trật tự được sắp đặt từ trước và rằng cái ngẫu nhiên hiếm khi xảy ra, mà nếu có thì là chúng xác đáng. Ông nêu lên hai lý do vì sao mọi người quan tâm đến thế giới quan này. Thứ nhất là vì mọi người thường không biết được những hậu quả không thể tính trước trong cuộc sống trần thế và xem thường chúng khi cố giải thích nguyên nhân của những sự kiện lớn và thứ hai là vì mọi người có thói quen nghĩ rằng tất cả những sự kiện đã được sắp đặt từ các sự kiện trước đó.

Ông đưa ra thí dụ về một người mua nhà. Việc mua bán này sẽ làm cho giá của tất cả các nhà còn lại cao lên một chút. Người mua không có ý định nâng giá các ngôi nhà khác, nhưng điều đó vẫn xảy ra. Các nhà thuyết âm mưu, những người tin rằng tất cả các sự kiện kinh tế xã hội lớn là đều đã được hoạch định, khi đó sẽ cho rằng có một tổ chức nào đó của các nhân viên bất động sản đã cố ý nâng giá. Phải hiểu việc mua bán có tác động không tính trước được đến giá cả như thế nào thì mới hiểu ở đây không có âm mưu nào cả và việc thổi giá là nằm ngoài dự tính.

Popper cho rằng điều xảy ra với nhà cửa và nền kinh tế thì cũng xảy ra với xã hội và các khoa học xã hội. Việc không biết các nguyên nhân thực sự kết hợp với việc tìm kiếm chúng sẽ đưa đến những thuyết âm mưu lớn.

Thuyết âm mưu xuất phát từ sự thiếu tỏ tường

Điều này có lý giải được tất cả các thuyết âm mưu? Có đúng đấy là do sự không biết các nguyên nhân không thể tính trước?

Popper chủ yếu nói về một loại thuyết âm mưu. Đó là thuyết cho rằng phần lớn, nếu không phải tất cả, những sự kiện lớn là đã được hoạch định và thực hiện bởi một số phe nhóm có thế lực để thu lợi từ đó. Những thuyết này tìm cách giải thích vì sao các sự kiện xảy ra. Ông không nói đến những thuyết “lá cờ giả” [1] hay những thuyết coi chính phủ đã che giấu sự tồn tại của người ngoài hành tinh.

Ông cũng không nói rằng không có thuyết âm mưu nào đúng. Đôi khi mọi người có âm mưu làm những việc quan trọng và hành động theo những kế hoạch đã vạch, việc đó là có, nhưng hiếm khi xảy ra. Ông dẫn ra trường hợp phản ứng của Hitler đối với cái mà ông ta coi là âm mưu của toàn thế giới chống lại nước Đức như một kiểu “phản âm mưu” khi phần đông người Đức đã làm cái việc tước quyền công dân, tẩy chay và cuối cùng là giết hại người Do Thái. Việc kế hoạch này không thành và bị bại lộ không làm cho nó kém đi tính chất âm mưu.

Có phải mọi thuyết âm mưu đều là mê tín như Popper nghĩ? Có lẽ là không, như nhà tư tưởng lớn của “Big Think” Cass Sunstein đã nhắc chúng ta rằng “phạm vi lý giải của Popper là rất hạn chế” trong bài viết của ông về các thuyết âm mưu. Tuy nhiên, Popper đã đưa cho chúng ta một công cụ để hiểu vì sao những tư tưởng kỳ dị như thế lại có thể sống được. Nhiều người không hiểu hoặc không muốn hiểu là đôi khi những sự kiện ngẫu nhiên cũng có hệ quả lớn và không ai kiểm soát được mọi điều.

Những sự kiện quan trọng lại có những nguyên nhân lí giải thật... lạ lùng [2]

Cuối cùng, cứ nghĩ là có một kẻ mạnh nào đó kiểm soát được mọi điều, để cảm thấy mình được an ủi; dù cho thông tin mà chúng ta có được về các âm mưu đã xảy ra cho thấy các kẻ mạnh đã không biết cách giữ bí mật của mình để đạt được những điều Popper nói.

Theo Big Think

Ngân Xuyên (dịch)

Chú thích:

[1] - Thuyết “Lá cờ giả” nói về những chiến dịch được thực hiện nhằm mục đích thuyết phục dư luận xã hội rằng những chiến dịch này là do các tổ chức hoặc quốc gia khác thực hiện.

[2] - Chú thích ảnh trong bài gốc: “Lee Harvey Oswald sau khi bị bắt. Các thuyết âm mưu cho rằng hắn không phải hành động một mình trong vụ mưu sát tổng thống Kennedy chính là loại thuyết mà Popper nói đến. Chúng ta không muốn thừa nhận hoặc không thể hiểu làm sao một sự kiện lớn như thế lại có nguyên nhân lạ lùng thế. Chúng ta đòi hỏi một sơ đồ rộng hơn.”

Tags: