Liệu bạn có quyền tin vào mọi thứ bạn muốn tin hay không?
Liệu bạn có quyền tin vào mọi thứ bạn muốn tin hay không?
Quyền được “tin mọi điều tôi muốn tin” thường gán với những niềm tin mù quáng, nơi người ta lờ đi mọi bằng chứng và lý lẽ hiển nhiên: “Tôi tin rằng cái trò biến đổi khí hậu chỉ toàn là lừa bịp cả. Mặc xác người ta nói gì thì nói, tôi đếch tin là tôi đếch tin, thế thôi!”. Nhưng liệu rằng, đó có thật sự là một quyền chính đáng của con người?
Quyền được Biết là một quyền chính đáng của con người. Tôi có quyền được biết các điều khoản trong hợp đồng lao động, chẩn đoán của bác sĩ về bệnh lý của tôi, điểm số tôi đạt được ở trường, các cáo trạng mà tôi vướng phải và chi tiết các cáo buộc đó… Nhưng, niềm tin không phải tri thức.

 

Niềm tin cần thực tế: để niềm tin có thể trở thành sự thật. Thật ngớ ngẩn, như nhà triết học phân tích G. E. Moore đã quan sát vào những năm 1940 và nói rằng: “Trời mưa nhưng tôi không tin là trời mưa”. Niềm tin khao khát chân lý, nhưng có những người từ chối điều đó. Niềm tin có thể là sai, có thể không được đảm bảo bằng các chứng cứ xác thực hay lý luận logic. Niềm tin cũng có thể rất được coi trọng về mặt đạo đức hoặc không: niềm tin về giới tính, chủng tộc, niềm tin về nuôi dưỡng con cái cần đi kèm với dạy dỗ bằng bạo lực, niềm tin rằng người già không nên sống quá lâu, niềm tin rằng “thanh lọc sắc tộc” là một giải pháp chính trị cấp tiến,... Với những sai lầm về mặt đạo đức kiểu này, chúng ta phán xét và lên án không chỉ những hành động liên quan mà còn cả chính nội tại những niềm tin đó, việc người ta nuôi dưỡng những niềm tin đó và trở thành những kẻ sùng bái.

 

Related image

 

Những niềm tin như thế lại khiến cho chúng ta cho rằng: tin tưởng là một hành động tự nguyện hoàn toàn. Nhưng niềm tin thường giống như trạng thái của tâm trí hay thái độ hơn là hành động tự quyết. Một số niềm tin, chẳng hạn như giá trị cá nhân, thường không được chọn một cách có chủ ý: chúng được “thừa hưởng” từ cha mẹ và được “mua lại” từ những người xung quanh, vô tình bị giả định bởi những tin đồn và định kiến trong suy nghĩ - những giá trị chúng ta không tự mình quyết định được. Ví dụ, bạn sinh ra trong một gia đình hoàng tộc giàu có, bạn sẽ được tạo “niềm tin” rằng mình là kẻ thượng đẳng, và người ngoài cũng sẽ suy nghĩ y như vậy. Nhưng thực tế liệu có thật như vậy hay không? Bởi thế, tôi nghĩ rằng, việc bạn “đạt được niềm tin” hay không không phải là một vấn đề, mà chính việc duy trì những niềm tin như vậy và từ chối việc tìm ra sự thật mới là sai.

 

 

Nếu nội dung của một niềm tin được đánh giá là sai về mặt đạo đức thì toàn bộ niềm tin ấy cũng không còn giá trị.

 

 

Tin rằng một dân tộc này kém cỏi hơn phần còn lại của nhân loại không chỉ là một suy nghĩ mang tính phân biệt chủng tộc mà còn là một suy nghĩ sai hoàn toàn, dù những người sùng bái thì cứ một mực tin là đúng. Sự giả dối của một niềm tin là điều kiện cần nhưng không phải điều kiện đủ để khiến niềm tin đó trở nên vô đạo đức, cũng như sự xấu xa và trần trụi của một niềm tin cũng sẽ không khiến nó trở nên không chấp nhận nổi. Than ôi, có những chân lý thực sự về mặt đạo đức mà niềm tin chả đóng góp vai trò gì cả. Những sự xấu xa bao trùm thế giới này đôi khi được tạo ra bởi những những niềm tin nhảm nhí.

 

Related image

 

“Mày là ai mà dám bảo tao tin cái này hay không tin cái khác?” - Đó là câu ngụy biện chúng ta vẫn thường phải nghe mỗi khi đề cập đến vấn đề niềm tin đúng và sai, lời ngụy biện mang tính thách thức và ngụ ý rằng việc xác nhận niềm tin là vấn đề quyền lực của ai đó mà bỏ đi vai trò của thực tế. Niềm tin phải là những điều phù hợp với tâm trí và thế giới, dù cho đôi lúc nó trở nên khô khốc và thiếu mộng mơ. Niềm tin không thể vô trách nhiệm, không phải là thứ mua lại và giữ lại một cách vô trách nhiệm. Người ta có thể bỏ qua bằng chứng, chấp nhận tin đồn hoặc những lời vô căn cứ, gạt đi những mâu thuẫn với những niềm tin khác, ôm lấy những suy nghĩ viển vông hoặc bày tỏ sử cổ xúy cho những thuyết âm mưu tầm phào. Niềm tin không nên vô trách nhiệm như thế.

 

 

Niềm tin không thể vô trách nhiệm, không phải là thứ mua lại và giữ lại một cách vô trách nhiệm.

 

 

Tôi không có ý định đưa các bạn trở lại với chủ nghĩa hiện thực cực đoan vào thế kỷ 19 như William K. Clifford, người luôn khăng khăng: “Sai, sai hết rồi. Lúc nào cũng thế, ai cũng thế, đâu cũng thế, sai lầm là khi tin vào những thứ không có bằng chứng rõ ràng.” Clifford luôn cố gắng ngăn chặn sự “vô trách nhiệm trong việc hình thành niềm tin” một cách mù quáng. Thay vào đó, trong bất kì một xã hội phức tạp nào, một số niềm tin quan trọng nhất của chúng ta về thế giới và viễn cảnh tương lai phải được hình thành dựa trên những niềm tin không có đủ bằng chứng. Trong hoàn cảnh ấy, một người với “niềm tin” sẽ cho phép chúng ta tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn, và đôi khi chính niềm tin tạo nên sự phát triển.

 

Related image

 

Quyền tin, hay bất kì quyền nào khác cũng có giới hạn và trách nhiệm. Nhưng đáng buồn thay, nhiều người dường như lại nuôi dưỡng một niềm tin quyệt đối với những gì họ muốn tin. Sự thiếu hiểu biết một cách cố ý và kiến thức sai lầm thường được ngụy biện bằng việc: “Tôi có quyền tuyệt đối với niềm tin của tôi”. Người ta khăng khăng rằng việc con người lên mặt trăng là lừa bịp, Barack Obama là người Hồi Giáo, Trái Đất phẳng, chẳng có gì gọi là biến đổi khí hậu… Trong những trường hợp ấy, quyền được tin là thứ quyền tiêu cực, tâm trí bị đóng kín và họ chẳng sẵn sàng cho bất kì một luồng tư tưởng nào khác. Họ có thể là những “tín đồ” thực sự, nhưng không bao giờ là những tín hữu của sự thật.

Niềm tin dường như trở thành nền tảng căn bản cho sự tự do của mỗi người. Niềm tin hình thành thái độ và động cơ, hướng dẫn sự lựa chọn và hành động. Niềm tin và sự hiểu biết được hình thành trong một cộng đồng cũng mang lại những lợi ích nhất định. Nhưng nếu một niềm tin là sai trái, vô đạo đức và vô trách nhiệm thì niềm tin cũng nguy hiểm như một bệnh dịch. Với loại đó, chúng ta không có quyền được tin.

Theo Aeon.

Phương Anh

Trạm Đọc.

 

Tags: