Lego: Xây dựng lại văn hóa công ty bắt đầu bằng việc phá bỏ nó
Lego: Xây dựng lại văn hóa công ty bắt đầu bằng việc phá bỏ nó
Knudstorp và Ovesen đã quyết định xóa bỏ mọi tàn dư của sự tự tin thái quá và bày ra trước mắt mọi người tất cả những thực tế đầy khó khăn mà công ty đang đối mặt - Bí mật thế giới Lego.
Từ vực sâu, các nhà lãnh đạo Lego đã dần vực dậy thương hiệu đình đám của mình, bắt đầu từ văn hóa doanh nghiệp. Trích đoạn này được lấy ra từ cuốn sách "Bí mật thế giới Lego".

Xuyên suốt khoảng thời gian cuối thập niên 1990, khi giá trị kinh tế của Tập đoàn LEGO đang bị suy giảm từng ngày, thì các nhà điều hành doanh nghiệp tại Đan Mạch đã bầu chọn họ là công ty được ngưỡng mộ nhất trên cả nước. Và vào năm 2000, cả tạp chí Fortune và Hiệp hội Bán lẻ Đồ chơi Anh Quốc đã công nhận gạch LEGO là loại đồ chơi vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

Mặc dù sự xuống dốc ngày càng nhanh của LEGO đã khiến một số người lo lắng, nhưng sự lạc quan vẫn ngập tràn trong công ty sau những thành tích kể trên. Ngay cả các nhà quản lý của công ty và đối tác đều tin tưởng rằng cơn bão sẽ qua và ngày mai tươi sáng sẽ đến.

Knudstorp và Ovesen kết luận: Trước khi có thể bắt đầu hình dung những ý tưởng đổi mới phù hợp với LEGO, thì trước tiên họ cần phải thuyết phục mọi người rằng những thập niên tăng trưởng vượt bậc trong quá khứ không thể đảm bảo rằng công ty sẽ nhanh chóng phục hồi trong tương lai.

Vì vậy, không giống như con đường của những nhà lãnh đạo khác khi tìm cách xoay chuyển tình thế là vẽ ra một kế hoạch xán lạn để tập hợp mọi người cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn, Knudstorp và Ovesen đã quyết định xóa bỏ mọi tàn dư của sự tự tin thái quá và bày ra trước mắt mọi người tất cả những thực tế đầy khó khăn mà công ty đang đối mặt.

“Chúng tôi muốn phá vỡ văn hóa của quá khứ, Knudstorp nói. “Chúng tôi đã phải trải qua một quá trình đau đớn, kéo dài suốt một năm trước đó để vượt qua chính mình và nói: ‘Này, anh biết gì không? Chẳng có lý do gì để lạc quan tếu cả. Chúng ta không còn xứng là một thương hiệu toàn cầu như vẫn nói với mọi người. Chúng ta nói rằng mình đã góp phần quan trọng trong việc phát triển trẻ em, nhưng lại chẳng bán được bao nhiêu cả. Vậy có thực là chúng ta đã góp phần phát triển trẻ em không?”

Anh nói tiếp: “Công ty này giống như một công ty luôn tỏ ra lạc quan về những chiến lược to lớn và sự chăm sóc của mình đối với trẻ em thuộc mọi lứa tuổi. Thông điệp của chúng tôi là: [Bây giờ] hãy quên những tầm nhìn xa xôi hay các mục tiêu phát triển trẻ em chung chung đó đi. Hãy sẵn sàng hơn, chú trọng vào hành động hơn. Chúng ta hãy hoàn thành những mục tiêu của mình!”

Cải tạo nền văn hóa của LEGO, tức thay đổi hành vi và niềm tin của mọi người để giúp họ bớt tập trung vào những ý tưởng và những chiến lược đao to búa lớn mà tập trung hơn vào việc “hoàn thành những mục tiêu cụ thể, thực chất chính là tìm cách kết nối lại với những giá trị nền tảng đã từng làm nê tên tuổi LEGO ngay từ những ngày đầu.

Những giá trị của một tổ chức hay một công thể hiện những gì mà các lãnh đạo hay các đối tác của tổ chức, công ty đó quan tâm gìn giữ và bảo vệ. Giá trị không chỉ có tác dụng ràng buộc mọi người vào một tập hợp những niềm tin về cái đích mà doanh nghiệp có thể và nên hướng đến. Giá trị còn xác định những điều phù hợp với các đối tác và khách hàng của công ty đó.

Bằng cách tái sinh những giá trị truyền thống của LEGO, các nhà lãnh đạo của công ty đã tạo cơ hội để mang lại cho mọi người một tầm nhìn chung, tầm nhìn mà một lần nữa sẽ giúp công ty trở nên khác biệt so với cách tư duy “mọi người thế nào thì tôi cũng thể” vốn đang áp đảo trong ngành công nghiệp đồ chơi.

Đối mặt với một loạt những sự kiện làm xấu đi tình hình, Knudstorp có rất ít thời gian hình dung những gì cần làm để giúp công ty quay lại với những giá trị truyền thống đã từng dẫn dắt LEGO qua nhiều thập kỷ trước đây. Knudstorp hầu như chỉ biết hành động theo bản năng và anh kết luận rằng để có thể giúp LEGO quay lại với việc sản xuất ra những sản phẩm chủ lực (dù gì đi nữa đó vẫn luôn là những sản phẩm chủ lực) cho khách hàng cốt lõi của công ty, họ phải hồi sinh những nguyên tắc nền tảng từ thời sáng lập LEGO mà Ole và Godtfred Kirk Christiansen đã đặt ra nhiều năm về trước.

Đó là: Trải nghiệm vui chơi cùng LEGO không dựa trên bất kỳ sản phẩm nào khác, mà dựa trên gạch LEGO và hệ thống xây dựng; trọng tâm của các nhà thiết kế càng tập trung, thì càng tạo ra nhiều đổi mới mang lại lợi nhuận; LEGO cần quay lại với sự chân thực như trước; và con đường dẫn đến lợi nhuận phải bắt đầu từ các nhà bán lẻ. Khi được đặt cùng nhau, những giá trị thiết yếu được đề ra từ hơn nửa thế kỷ trước đã mang lại cơ hội tốt hơn để giúp LEGO chuẩn bị đương đầu với một tương lai đầy thách thức.

Để xây dựng một văn hóa trong đó những giá trị vững bền được đề cao, thách thức vô cùng to lớn đối với Knudstorp là làm sao tái sinh được những giá trị cốt lõi của Tập đoàn LEGO theo cách phù hợp với bối cảnh đương đại, như Majken Schultz, tác giả sách và là Giáo sư của Trường Kinh doanh Copenhagen, đã từng nói với Knudstorp: “Hãy sử dụng lịch sử của LEGO để tạo ra một diện mạo văn hóa mới. Knudstorp đồng ý với quan điểm đó và cách hành động của anh rất kiên quyết, thẳng thắn: “Đó không phải là điều chúng tôi có thể ung dung, thong thả thực hiện. Nhưng về cơ bản, chúng tôi phải đánh cắp những thứ từ quá khứ để diễn giải tương lai của mình”

Theo Bí mật thế giới Lego 

Tags: