Kiểm soát Trí tuệ xúc cảm - Hãy bắt đầu từ sự tỉnh thức
Kiểm soát Trí tuệ xúc cảm - Hãy bắt đầu từ sự tỉnh thức
Bộ sách không phải là cuốn bách khoa toàn thư về Trí tuệ xúc cảm và nó cũng không hề được xây dựng như vậy. Bộ sách là sự gợi mở, đề xuất, góp ý nhẹ nhàng giúp bạn cải thiện Trí tuệ cảm xúc của bản thân mỗi ngày.
Bộ sách Trí tuệ xúc cảm của HBR ( HBR Emotional Intelligence)
(15 lượt)

Tôi còn nhớ vào năm 2 đại học, ngày đầu tiên tôi đến giảng đường môn Những nguyên tắc cơ bản của Khoa học não bộ, một câu nói nổi tiếng cho tư tưởng Phật giáo được giáo sư tình chiếu trên màn hình: “Vạn sự tại tâm". Ông hỏi chúng tôi: “Câu nói này liên quan thế nào tới những điều chúng ta sẽ thảo luận trong môn này?”. Tuyệt nhiên vào thời điểm đó, không một ai có câu trả lời, tôi cũng thế.

Mãi sau này tôi mới hiểu ra rằng, thế giới đối với chúng ta xét cho cùng cũng là sản phẩm của não bộ sinh ra từ vật chất thực tại; và rằng những điều ta cảm thấy, nhìn thấy, nghe thấy cũng đều nằm ở trong tâm trí mà ra. Chiếc váy màu vàng-trắng hay xanh đen cũng là do não bộ của ta quyết định. Vũ trụ luôn thay đổi và tâm trí con người cũng vì thế mà biến đổi theo. Đôi khi sự bất ổn này khiến tâm trí ta rối bời, căng thẳng, mất tập trung. Làm sao để giữ cho tâm luôn bình giữa vạn vật xoay vòng từng tíc tắc?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh một bài phỏng vấn đã nói: “Hơi thở có ý thức. Hơi thở luôn ở đó với tôi. Và khi tôi ý thức về hơi thở thì cũng là lúc tôi đang sống, đang hiện hữu.” Đây là những quy tắc cốt lõi của tỉnh thức (mindfulness), một trong những giải pháp mà ngày càng có nhiều nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn áp dụng để giúp chúng ta đạt được thế tâm bình. Càng hướng sự tập trung của chúng ta về một điều nhất định (thường là hơi thở) và không để suy nghĩ lan man xâm chiếm tâm trí, chúng ta càng dễ dàng đạt tới tỉnh thức.

Ellen Langer, trong bài phỏng vấn với Alison Beard, đã mở đầu cuốn “Tỉnh thức" với định nghĩa tỉnh thức là chủ động dành sự chú ý, tập trung tới những điều mới, là đặt bản thân vào hiện tại, nhạy cảm với thực tế, bối cảnh và quan điểm đang hiện hữu. Đây cũng là một trong những cách tiếp cận cốt lõi của bộ sách Trí tuệ Xúc cảm của Harvard Business Review đối với các vấn đề liên quan tới cảm xúc như hạnh phúc, thấu cảm, lắng nghe một cách chú tâm...được đề cập xuyên suốt 10 cuốn của bộ sách này. 

Theo Langer, tỉnh thức giúp các cá nhân đạt được năng suất cao hơn, giúp ghi nhớ tốt hơn, sáng tạo hơn. Tỉnh thức nhắc nhở chúng ta tập trung vào công việc hiện tại và hoàn thành nó một cách tốt nhất, thay vì lo lắng hay chỉ trích bản thân tại sao không thể làm nhiều việc khác. Chính từ sự lưu tâm này mà mỗi cá nhân sẽ trở nên nhanh nhạy hơn với sự thay đổi, trở nên lôi cuốn và khiến mọi người thích thú hơn. 

Dù khái niệm có vẻ mơ hồ, nhưng để thực hành tỉnh thức trong đời sống hằng ngày là điều rất đơn giản. Hai thói quen cơ bản nhất là tự vấn và tự rèn luyện. Tự vấn nghĩa là luôn đặt ra câu hỏi cho bản thân, quan sát tâm trí của chính mình có đang đi lạc đâu đó, có đang ở trong chế độ “lái tự động" - làm việc trong vô thức, theo thói quen - hay không? Tự rèn luyện nghĩa là dành ra một chút thời gian mỗi ngày, có thể chỉ là 5-10 phút để rèn luyện và nhắc nhở não bộ về tỉnh thức: nhắm mắt và ngồi thẳng lưng, thư giãn và tập trung hoàn toàn vào hơi thở, đếm mỗi nhịp thở vào ra và cố gắng chỉ suy nghĩ về nó. Theo thời gian, những bài tập nhỏ này chính là những bài cardio cho não bộ của bạn làm quen với tỉnh thức CHị và biến nó trở thành một thói quen suy nghĩ và làm việc. 

Nghe có vẻ khuôn mẫu và lý thuyết, nhưng kỳ thực việc luyện tập tỉnh thức, nhất là thông qua các bài tập thiền định hoặc suy nghĩ chú tâm có thể khiến cấu trúc và cách thức hoạt động của não bộ chúng ta thay đổi. Kết quả tổng hợp của một nhóm các nhà khoa học tại Đại học British Columbia và Đại học Công nghệ Chemnitz cho thấy luyện tập tỉnh thức tác động đến 8 vùng não khác nhau. Trong những vùng này, hai vùng có giá trị nhất với công việc là vùng vòng cung vỏ não trước (ACC) liên quan tới khả năng tự điều chỉnh và hồi hải mã - vùng liên quan mật thiết tới trí nhớ và cảm xúc. Tỉnh thức khiến những khu vực này hoạt động ổn định và hiệu quả hơn nhiều so với bình thường, từ đó giúp cho chúng ta dễ dàng đối mặt với hoàn cảnh thay đổi, dễ dàng chấp nhận, thích ứng và phục hồi sau những hoàn cảnh tiêu cực mà công việc có thể mang lại.

Mặc dù vậy, tỉnh thức không phải là chìa khoá vạn năng cho mọi vấn đề về tâm lý, cảm xúc mà chúng ta có thể gặp phải trong công việc lẫn đời sống. Đôi khi chính việc ép buộc bản thân phải lạc quan, phải tập trung và tỉnh táo lại trở thành áp lực phái sinh khiến chúng ta mệt mỏi hơn. Tỉnh thức cũng không phải là cách duy nhất để cải thiện sức khoẻ tâm lý cho cộng đồng vì điều ấy vô tình đưa một bài toán chung của cộng đồng lên vai của mỗi cá nhân. Đặc biệt các nhà lãnh đạo, họ không thể chỉ đưa những bài học về tỉnh thức và ép nhân viên tham gia rồi cho rằng những vấn đề liên quan tới cảm xúc sẽ được giải quyết một cách triệt để. 

Chủ đề về “Tỉnh thức” chỉ là trọng tâm của một cuốn trong tập hợp 10 quyển sách của bộ sách Trí tuệ Xúc cảm này, nhưng nó xuất hiện xuyên suốt trong tất cả các chủ đề khác nhau vì nó mang tính ứng dụng cao đối với mọi mặt của tâm lý con người. Ở trong chỉnh thể lớn hơn, bộ sách là tập hợp các bài viết theo chủ đề liên quan tới Trí tuệ cảm xúc trên tạp chí Harvard Business Review danh tiếng. Những bài viết đều là sự chắt lọc, tổng hợp từ ý kiến, nghiên cứu, khảo sát của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tâm lý, khoa học não bộ, tư vấn chính sách...Mỗi một quyển tập trung về một vấn đề khác nhau, chú trọng vào môi trường làm việc và các nhà lãnh đạo. Quan điểm cổ hủ cho rằng trong môi trường chuyên nghiệp, đặc biệt là với những người đứng đầu, cảm xúc là thứ dễ chi phối hành động chủ quan và có thể dẫn tới những quyết định sai lầm. Trong xã hội, rất nhiều người đề cao những vị lãnh đạo “máu lạnh", cách thức lãnh dạo duy lý, thay vì chú ý tới những vấn đề nền tảng mang tính con người như cảm xúc, suy nghĩ duy tâm. Thực tế đã cho thấy đây là những suy nghĩ vô cùng sai lầm. Thói quen lãnh đạo này không chỉ tạo ra một môi trường bàng quan, một nhà lãnh đạo độc tài như triết gia Plato (428 - 348 TCN) đã nói - “Cái giá cho sự vô cảm trước những vấn đề cộng đồng là một người lãnh đạo gian ác". Nó còn là một tác động hai chiều, vừa tạo những căng thẳng áp lực lên cả người lãnh đạo lẫn những nhân viên. Nhân viên cảm giác không được thấu hiểu, quan tâm hay đồng cảm. Điều này sẽ làm giảm năng suất, sự tín nhiệm cũng như trung thành của họ đối với người lãnh đạo. Kết quả là một vòng lặp tịnh tiến khiến người lãnh đạo càng trở nên mệt mỏi khi không thể tìm kiếm sự ủng hộ từ chính nhân viên của mình. 

Với cách thức trình bày dễ đọc dễ hiểu, đi kèm những dẫn chứng cụ thể, các kết quả nghiên cứu nhiều năm, bộ sách HBR Trí tuệ xúc cảm không hề giáo điều mà rất gần gũi, mang tính ứng dụng cao. Số lượng bài viết trong mỗi cuốn cũng vừa đủ, không dàn trải hay lan man mà trực tiếp đề cập tới các vấn đề khác nhau liên quan tới mỗi chủ đề, người đọc sẽ dễ dàng tìm thấy cho mình những lời khuyên hữu ích, thiết thực. Hình thức trình bày cũng vô cùng đa dạng, từ những bài lý luận, hướng dẫn cụ thể cho đến các trích dẫn phỏng vấn hay là báo cáo nghiên cứu, giúp cho những cuốn sách trở nên đa chiều và thú vị hơn. Ngôn ngữ sử dụng rất đời thường, những khái niệm phức tạp được diễn giải bằng những từ ngữ đơn giản khiến đối tượng nào cũng có thể tiếp cận. Dù bộ sách được phát hành bởi một tạp chí chuyên về vận hành, quản lý và lãnh đạo, chủ đề cũng tập trung vào những khía cạnh này, những điều được trình bày trong cuốn sách, từ tỉnh thức cho đến thấu cảm, từ chuyên tâm cho đến những cách đối đầu với nghịch cảnh, đều liên quan tới mỗi người trong chúng ta.

Cảm xúc là thứ mang tính bản năng, dù ở bất cứ môi trường nào: công việc hay đời sống cá nhân. Nó đáng được và nên được tôn trọng, không chỉ bởi mục đích nhân văn mà còn bởi sức ảnh hưởng của nó tới mối quan hệ giữa người với người, thứ mấu chốt quyết định chất lượng công việc và tình cảm cá nhân. Bộ sách không phải là cuốn bách khoa toàn thư về Trí tuệ xúc cảm và nó cũng không hề được xây dựng như vậy. Bộ sách là sự gợi mở, đề xuất, góp ý nhẹ nhàng giúp bạn cải thiện Trí tuệ cảm xúc của bản thân mỗi ngày. Nếu bạn đang cảm thấy bất an, tiêu cực, thường xuyên chìm đắm vào những suy nghĩ không đầu cuối làm ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống cá nhân, hoặc đơn giản, bạn muốn trở thành một con người tử tế, có sức ảnh hưởng một cách tự nhiên và tích cực tới mọi người xung quanh, bộ sách này là dành cho bạn. Mỗi cuốn sách nhỏ, đủ nhẹ để có thể mang đi khắp nơi, bỏ vào túi xách và giở ra nhâm nhi bên cạnh ly cà phê mỗi khi nghỉ ngơi lúc làm việc; nhưng cũng đủ nặng để khiến bạn suy nghĩ về từng câu, từng dòng cô đọng rất nhiều tri thức được tĩnh lũy từ những cá nhân xuất chúng và thành công.  

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

HBR Guide 2021: Từ ý tưởng kinh doanh tới hoạch định tài chính, quản lý nhân sự

HBR 20 Minute Manager - 20 phút mỗi ngày để làm chủ thời gian để làm chủ chính mình

Bí quyết giúp doanh nghiệp vượt “cơn sóng thần” COVID-19

Tags: