Bạn thường vẽ thần chết thế nào? Hẳn là không thể thiếu lưỡi hái, xương sọ, áo choàng gớm ghiếc... Bạn có bao giờ nghĩ thần chết sẽ dịu dàng vào nhà, lịch sự uống cà phê, và trở thành một người thầy tận tụy dạy trẻ con về ...cái chết, một bài học không thể thiếu của cuộc sống? Cuốn sách tranh đến từ Đan Mạch Khóc, buồn nhưng không bao giờ gục ngã của tác giả Glenn Ringtved và hoạ sĩ minh hoạ Charlotte Pardi sẽ cho bạn trải nghiệm hoàn toàn mới đó.
Chỉ riêng cái tên Thần Chết đã đủ tiêu chuẩn cho nhân vật này vào đóng vai phản diện rồi, và đó là điều mà độc giả và ngay cả những cô bé cậu bé trong truyện đều trông đợi khi câu chuyện bắt đầu. Thần Chết bước vào câu chuyện với vai trò một địch thủ đe doạ cướp đi người bà thân yêu của bốn đứa trẻ, và lũ trẻ quyết phải chặn Thần Chết lại. Nếu là một câu chuyện phiêu lưu thông thường, chắc hẳn sẽ có một cuộc đấu trí giữa lũ trẻ đầy mưu mẹo và Thần Chết đầy quyền năng, để rồi Thần Chết buông tay đầu hàng và để lũ trẻ sống hạnh phúc bên bà mình mãi mãi.
Nhưng bạn sẽ không gặp sự thông thường đó trong câu chuyện này, một câu chuyện đã để Thần Chết vào nhà lũ trẻ một cách dịu dàng nhất, không mang theo cả lưỡi hái vì “không muốn làm lũ trẻ hoảng sợ,” và lịch sự ngồi ở bàn uống cà phê. Chỉ qua nửa cuốn sách, vai trò của Thần Chết đã thay đổi từ một địch thủ để đối phó thành một người thầy tận tình của lũ trẻ.
Tạo hình của Thần Chết cũng không có chút gì của vẻ đáng sợ thông thường. Hình ảnh đầu tiên của Thần Chết là một kẻ trùm toàn thân màu đen, chỉ để lộ ra một chiếc mũi dài. Dù là một hình ảnh bí ẩn đủ để người đọc cảm thấy kiêng dè với nhân vật này, ít nhất tạo hình ấy cũng ít đáng sợ hơn tạo hình thông thường của Thần Chết trong văn hoá phương Tây, một bộ xương mặc áo choàng và cầm lưỡi hái. Ở những trang sau, mặt Thần Chết hiện lên rõ hơn, và đó là gương mặt của một cụ già, khắc khổ, buồn bã, nhưng không có vẻ đe doạ.
Từ Chúa tể Địa ngục Hades của thần thoại Hy Lạp đến Diêm Vương trong quan niệm Phật giáo, không vị thần nào gắn với cái chết mà không sử dụng những quyền lực đáng sợ đủ đe doạ bất cứ ai. Thế nhưng vị Thần Chết trong cuốn sách tranh này thì lại không thể hiện một chút quyền lực siêu nhiên nào, mà chỉ có trong tay sức mạnh của lời lẽ. Thần Chết dùng một câu chuyện để giải thích về cái chết, và trong vai trò người kể chuyện Thần Chết cũng thân thương không kém gì bà của bọn trẻ, với một giọng kể “truyền cảm và du dương,” một điều thật khó tưởng tượng nếu ta tiếp tục nghĩ về Thần Chết như một kẻ thủ ác.
Ở Thần Chết này ta còn bắt gặp những cảm xúc giống một con người bình thường hơn là một Thần Chết. Thần Chết ít khi được miêu tả với nhiều cung bậc cảm xúc, mà chỉ thường thấy nhất với những cảm xúc tiêu cực. Thần Chết trong “Chuyện kể về ba anh em” mà J.K. Rowling từng nhắc đến trong bộ truyện Harry Potter chỉ có cảm xúc tức giận khi bị hụt mất con mồi, hay cảm xúc cay đắng khi phải đem cho tấm Áo khoác Tàng hình của mình. Còn cảm thấy “thật hạnh phúc khi được ngồi xuống và nghỉ ngơi trong chốc lát” thì có lẽ chỉ có vị Thần Chết trong cuốn sách tranh này thôi.
Có người nói rằng trái tim của Thần Chết đã không còn sự sống và đen sạm như than, nhưng điều đó không đúng. Bên dưới chiếc áo choàng đen như mực của Ngài là một trái tim đỏ rực giống như ánh hoàng hôn đẹp đẽ nhất và nó đang vang lên những nhịp đập chan chứa tình yêu lớn lao với sự sống.
Ta luôn lầm tưởng rằng Thần Chết là kẻ đe doạ sự sống. Bạn đã bao giờ nghĩ theo cách này chưa, rằng chính Cái Chết là một phần không thể thiếu của Cuộc Sống?
Thần Chết chính là hiện thân của cái chết trong văn hoá của chúng ta. Một cách nhìn mới về Thần Chết, không độc ác, không gian xảo, mà dịu dàng, tận tuỵ, chính là một cách thay đổi thái độ với cái chết. Cuốn sách tranh Khóc, buồn nhưng không bao giờ gục ngã, tuy được coi là sách thiếu nhi, nhưng cũng cần thiết không kém với những người đã lớn.
Bạn có thể đặt mua cuốn sách Khóc, buồn nhưng không bao giờ gục ngã tại đây: https://goo.gl/ixxcGS
Đọc thêm về nội dung cuốn sách tại đây
Thanh Huệ/Trạm Đọc