Chương trình Shark Tank và câu trả lời cho câu hỏi kinh điển: Chúa có tồn tại không?
Chương trình Shark Tank và câu trả lời cho câu hỏi kinh điển: Chúa có tồn tại không?
Hôm trước, tôi có xem chương trình Shark Tank trong lúc đang đọc sách. Tôi ít chú ý chương trình này, nhưng lúc đó đang đọc cuốn: “Ngôn ngữ của Chúa”, thấy liên quan quá.

Trong tự nhiên, cá mập (Shark) là loài động vật đứng hàng đầu trong chuỗi thức ăn. Chúng đóng vai trò quan trọng giúp duy trì hệ sinh thái môi trường khỏe mạnh, bảo tồn đa dạng sinh học và củng cố năng suất tự nhiên. Nếu theo cách nhìn cực đoan của thuyết tiến hóa thì chúng tiêu diệt các sinh vật ốm yếu và chính điều đó kích thích các giống loài ở vị trí thấp hơn trở nên tiến hóa hơn.

“Ngôn ngữ của Chúa” là cuốn sách do nhà di truyền học Francis Collins viết. Ông nguyên là Giám đốc dự án Giải mã gen người và đã đứng cạnh tổng thống B.Clinton vào giờ phút ngài tổng thống tuyên bố: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là tấm bản đồ quan trọng và kỳ diệu nhất mà nhân loại từng khám phá”.

Toàn bộ cuốn sách của ông tập trung trả lời câu hỏi mà vài trăm năm nay, kể từ khi khoa học phát triển, nhất là từ “Thuyết tiến hóa” của C. Darwin - thế giới khoa học và tâm linh đã không ngừng tranh cãi: Liệu Chúa có tồn tại không?

Luật Đạo đức – bằng chứng cho sự tồn tại của Chúa

Khởi đầu là một nhà toán học, tiến sĩ hóa lý, Collins từng hoàn toàn vô thần. Rồi tiếng gọi bên trong thôi thúc ông bước sang lĩnh vực y khoa. Từ chữa bệnh ông chuyển sang nghiên cứu sinh học và di truyền học. Càng đi sâu vào nghiên cứu khoa học, ông càng cảm thấy sự thay đổi sâu sắc bên trong mình và thật kỳ lạ, ông nhận ra mình trở thành người có Đức tin.

Ông, cũng như nhiều nhà khoa học khác, khám phá ra rằng, mặc dầu thuyết tiến hóa nhìn từ góc độ khoa học, đã được chứng minh là đúng đắn ở rất nhiều phương diện – thế nhưng từ hàng ngàn năm lịch sử loài người, tồn tại một điều mà thuyết tiến hóa không giải thích được. Đó là cái mà Collins gọi là Luật Đạo đức. Đó là thứ luật được tuân theo khắp nơi, được viết ra, nói lên bằng âm nhạc, nghệ thuật, lịch sử, triết học, chính trị…. Luật Đạo đức giống nhau ở mọi dân tộc, màu da, trình độ phát triển. Nó đề cập tới lòng vị tha, thương yêu, giúp đỡ cưu mang người khác, lên án sự tàn bạo, dối lừa …

Lòng vị tha chẳng hạn. Đây là khái niệm vị tha sâu sắc, là sự trao tặng không vụ lợi của một người dành cho người khác mà không hề có động cơ vị kỷ. Khi chứng kiến kiểu tình yêu thương và lòng độ lượng đó, chúng ta có cảm giác tôn trọng và ngưỡng mộ. Theo Collins, nếu chú tâm lắng nghe tiếng nói nội tâm, mà đôi khi chúng ta gọi là lương tâm ấy, chúng ta sẽ thấy bên trong mỗi con người đều tồn tại sự thôi thúc và sẻ chia tình yêu thương, cho dù chúng ta thường xuyên cố gắng phớt lờ nó.

Ông viết: « Thật đáng ngạc nhiên là Luật Đạo đức sẽ yêu cầu tôi nhảy xuống cứu một người sắp chết đuối, thậm chí cả khi anh ta là kẻ thù của tôi ». Rõ ràng điều này đi ngược với sự lạnh lùng của khái niệm chọn lọc tự nhiên là chỉ kẻ mạnh mới sống sót và kẻ yếu sẽ bị tiêu diệt.

Ở một đoạn khác, ông nói : « Tôi đã bắt đầu cuộc hành trình khám phá đầy tri thức nhằm khẳng định chủ nghĩa vô thần của mình. Giờ đây nó bị tiêu tan bởi lý lẽ của Luật Đạo đức (và rất nhiều nội dung khác), buộc tôi phải chấp nhận sự hợp lý, đáng tin cậy của giả thuyết về khả năng tồn tại của Chúa. Thuyết bất khả tri, vốn đã tưởng là một bến đậu an toàn thứ hai, giờ đây có vẻ như một sự thoái thác trách nhiệm to lớn thường thấy. Niềm tin vào Chúa giờ đây dường như hợp lý hơn là hoài nghi ».

« Ngôn ngữ của Chúa » là một cuốn sách không dễ đọc, vì nó chứa rất nhiều kiến thức về khoa học, đặc biệt là di truyền học. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những dòng tư tưởng suy ngẫm sâu sắc được tham chiếu từ nhiều góc độ : cả tôn giáo tâm linh lẫn khoa học, từ cổ chí kim (cổ ở đây được tính từ khởi thủy trái đất khoảng 4,5 tỷ năm trước), cộng với rất nhiều câu chuyện trải nghiệm tâm linh thực tế của chính tác giả trong quá trình làm việc như một bác sĩ và như một nhà nghiên cứu di truyền học.

 

Chúa có tồn tại không?

 

Trở lại chương trình Shark Tank hôm qua. Dự án khởi nghiệp: “Khu vườn của mẹ”, được trình bày bởi một start-up còn rất trẻ. Chẳng cần phải là một “Shark” cũng thấy dự án của anh quá đơn sơ, chưa thành hình hài cụ thể từ tài chính tới nhân sự cũng như sản phẩm. Rõ ràng đây chỉ là một chú cá non yếu về mọi mặt và khả năng cao là sẽ bị thị trường tiêu diệt ngay từ trứng nước.

Thế nhưng, dự án lại gọi vốn thành công. Các “shark” vừa lạnh lùng từ chối một công ty mỹ phẩm có doanh số hàng tỉ và được trình bày rất hoành tráng ngay trước đó – nhưng lại mềm lòng sẵn sàng cùng nhau bỏ vốn đầu tư hoặc hỗ trợ dự án đầy “ảo tưởng” ấy từ quỹ đất tới kênh phân phối.

Sự hồn nhiên, chân thật, tình yêu với mẹ của Trần Đạt là những giá trị cực kỳ quý giá trong đời sống con người – tuy nhiên lại chưa bao giờ được coi là lợi thế trên thương trường. Ấy vậy mà lại làm cá mập cũng phải xúc động và từ bỏ nguyên tắc số 1 của họ là: “Không lợi nhuận, không đầu tư” – để xuống tiền.

Rõ ràng là Francis Collins đã có lý khi nói về sự tồn tại của Chúa – thông qua bằng chứng rõ rệt nhất về ngài là Luật Đạo đức - nếu nhìn vào kết quả cuộc gọi vốn cho “Khu vườn của mẹ”.

“Ngôn ngữ của Chúa” thực sự là một trong những cuốn sách tâm linh sâu sắc nhất dưới góc nhìn khoa học.

Tags: