Jackie Kennedy: Chân dung một biểu tượng
Jackie Kennedy: Chân dung một biểu tượng
Không chỉ là tượng đài thời trang và sắc đẹp, Jackie Kennedy còn mãi mãi chinh phục hậu thế với phẩm chất mẫu mực của bà.
Mùa thu năm 1952, cô gái trẻ Jacqueline gây xì xào trong giới thượng lưu bằng việc đi làm phóng viên ở tờ Washington Times Herald. Năm 1960, cử tri chỉ trích phu nhân ứng viên tổng thống “rằng bà quá hiện đại.” Năm 1961, “Phụ nữ Mỹ (79%), hơn cả đàn ông (59%) đã bị Quý bà Kennedy quyến rũ.”


Không thể phủ nhận rằng Jackie Kennedy là biểu tượng của thời đại. Bất chấp mọi phàn nàn vì lối sống và phong cách tân thời của mình, Jackie liên tục tạo ra những xu hướng mới khiến không chỉ người Mỹ phát cuồng. Nhưng tóc bồng nhuộm đen và váy ngắn trên bắp chân không phải tất cả. Hơn nửa thế kỷ sau vụ ám sát cố tổng thống Kennedy, người ta vẫn ngả mũ trước một Đệ nhất Phu nhân thông minh, can trường và hết mình vì tình yêu.

12 giờ 30 phút ngày 22 tháng 11 năm 1963, một tiếng nổ nhức óc xé toang bầu trời Dallas và nhuộm đỏ bộ váy hồng Channel của Jackie. Hai phát súng liên tiếp đã bắn vỡ hộp sọ của JFK, giết chết vị tổng thống trẻ gần như ngay tức khắc. Bàng hoàng và đau đớn, “Đệ nhất Phu nhân ru dỗ chồng mình và cố gắng giữ ông ở trạng thái có ý thức.” Nhưng bà không gục ngã.

Cả tuổi thanh xuân của mình, Jackie đã đem lòng yêu nghị sĩ đào hoa Kennedy. Dù chồng mình liên tiếp dính đến những vụ bê bối tình ái với háng tá các cô đào Hollywood, thì Maud Guillaumin trong cuốn Bản lĩnh Jackie Kenndy đã miêu tả rằng bà luôn nhẫn nhịn như “những phu nhân Nhật Bản.” Jackie hiểu rõ giá trị và nét quyến rũ của mình. Các ả đào chỉ có thân hình nóng bỏng, còn bà có một kho tàng kiến thức về lịch sử, văn chương và thơ ca để đàm đạo cùng Jack.

Tình yêu mãnh liệt của Jackie kiên quyết đến phút cuối cùng. Bà đã cùng chồng vượt qua khủng hoảng dàn tên lửa Cu Ba cùng những cuộc giải phẫu lưng, Guillaumin kể lại trong chương 9 “Nước mắt của Jack.” “Ngoài việc củng cố tinh thần, hệt như thói quen của mình, Jackie cố gắng giúp chồng thư giãn.” Và giờ đây, khi trước mặt bà chỉ còn là tấm drap trắng cùng một cái xác không hồn, Jackie vẫn cương quyết tôn thờ ông.

Jackie Kennedy cùng con gái quỳ trước linh cữu cố tổng thống JFK

Bà không thay váy. Dẫu bản thân là “người ưa sạch sẽ đến bệnh hoạn,” Jackie dứt khoát xuất hiện với bộ váy hồng và đôi găng tay trắng loang lổ máu. “Tôi muốn cả thế giới nhìn thấy những gì chúng đã làm với chồng tôi!” Và Jackie làm thật. Sứ mệnh cuối cùng của bà dưới danh nghĩa Đệ nhất Phu nhân, và dưới danh nghĩa người vợ yêu quý của Jack, chính là bảo tồn những di sản ông để lại và “khiến cho ký ức về ông trở thành bất tử.”

 

“Tôi muốn cả thế giới nhìn thấy những gì chúng đã làm với chồng tôi!”

 

60 camera. 175 triệu người xem truyền hình. 1200 khách mời. Hơn 4000 nhân viên an ninh. Chương 16 của tiểu sử Bản lĩnh Jackie Kennedy đã lột tả chi tiết và đầy đủ sự trang trọng của lễ tang và tinh thần của người tổ chức; Jackie muốn hình ảnh cuối cùng của chồng thật trang nghiêm và bất diệt. “Ở giữa đám rước không chê vào đâu được, bà đứng thẳng hệt như người đàn bà canh giữ khu đền thiêng.”

Có lẽ Jacqueline chính là người sát cánh và người canh giữ sự nghiệp chính trị ngắn ngủi nhưng rực rỡ của JFK. Nếu không có sự thông minh quyết đoán cùng tình yêu sâu sắc quyết liệt của bà, chắc hẳn cố tổng thống Kennedy đã không được nhớ đến nhiều như vậy.

Viết về Jackie Kennedy bằng hình thức hồi tưởng đan xen hiện thực với mốc thời gian là vụ ám sát, Maud Guillaumin đã tái hiện sinh động một Quý bà đầy bản lĩnh và xứng đáng là biểu tượng thập niên 60. Cuốn sách mở ra một góc nhìn đầy đủ hơn về người phụ nữ ít được biết đến với độc giả Việt Nam này, để người đọc hiểu hơn và trân trọng hơn về một huyền thoại nước Mỹ.

Trang Sâu 
Trạm Đọc