Hội đồng xét giải thưởng văn học nghệ thuật: Hãy rõ tiêu chí và đừng cảm tính
Hội đồng xét giải thưởng văn học nghệ thuật: Hãy rõ tiêu chí và đừng cảm tính
Tập “Tiểu luận và phê bình” của Mai Quốc Liên được đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây là công trình khảo cứu hay những bài nghiên cứu đơn lẻ tập hợp lại? Có mấy bạn đọc biết điều đó? Tác động đến xã hội của tập sách này như thế nào chưa rõ. Thế nhưng, nó lại được xét “ở chiếu cao hơn” so với Giải thưởng Nhà nước với các tác phẩm như “Tướng về hưu” và “Những ngọn gió Hua Tát” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hay tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng đến nay phát hành hàng triệu bản…

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT) là sự thể hiện chính sách tôn vinh đối với những cống hiến của giới văn nghệ sĩ nước nhà. Nếu hội đồng xét duyệt không đúng, không công tâm sẽ làm giảm uy tín của giải, giảm ý nghĩa của chính sách. Dư luận đang dậy lên những băn khoăn về việc xét duyệt của hội đồng cấp Bộ VHTTDL mang tính cảm tính.

Dư luận thở dài về việc NSND Trần Văn Thủy và NSND Đào Trọng Khánh “trượt” khỏi danh sách trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT lĩnh vực điện ảnh. Ngày 8.7, trên Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL cho biết: “Căn cứ kết quả kiểm phiếu bầu của các thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực điện ảnh, cụm tác phẩm phim tài liệu: “Những người dân quê tôi”, “Phản bội”, “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế” và “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” do NSND Trần Văn Thủy đại diện làm hồ sơ đăng ký tác phẩm, và cụm tác phẩm phim tài liệu: “Một thế kỷ – một đời người”, “Giọt nước giữa đại dương” do NSND Đào Trọng Khánh đại diện làm hồ sơ đăng ký tác phẩm không đạt đủ số phiếu đồng ý 80% của tổng số thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước có mặt tại cuộc họp, nên không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 133/2018/NĐ-CP của Chính phủ”.

Khi trả lời phóng viên báo chí về tiêu chí xét duyệt hồ sơ xét giải thưởng, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTTDL) nói: “Các hội đồng chuyên ngành xét hồ sơ trên tiêu chí tác phẩm, không phải trên tiêu chí đánh giá tác giả. Vì vậy có những tác giả nổi tiếng nhưng tác phẩm gửi xét tặng lại chưa đáp ứng tiêu chí, không đạt đủ số phiếu của hội đồng”.

Thế nhưng, liệu hội đồng của Bộ VHTTDL đã thực sự công tâm xét duyệt, thẩm định các tác phẩm được đề nghị lên Hội đồng Nhà nước để xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT chưa? Nếu chỉ xét trên khía cạnh giành các giải thưởng tại các kỳ liên hoan phim quốc tế, liên hoan phim quốc gia, giải Cánh diều của Hội Điện ảnh thì chắc rằng NSND Trần Văn Thủy và NSND Đào Trọng Khánh “hơn đứt” NSƯT Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải).

Song điều trớ trêu là cùng mảng phim tài liệu, nhưng những bộ phim tài liệu của NSƯT Phan Thế Dõng như: “Du kích Củ Chi”, “Đội nữ pháo binh Long An”, “Hạt lúa vành đai” ít người biết đến hơn lại được Hội đồng ở Bộ VHTTDL bỏ phiếu cao hơn, và giành vị trí được đề cử lên Hội đồng Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.

Trong danh sách đề nghị ban đầu của Hội Điện ảnh Việt Nam trình lên Hội đồng của Bộ VHTTDL xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh còn có nhà biên kịch Hoàng Văn Bổn với các tác phẩm kịch bản phim: “Người Hàm Rồng”; “Chiến đấu giữ đảo quê hương”; “Những cô gái C3 quân giải phóng”; “Trận địa trên sông Cấm”; “Từ trận đầu đánh thắng”.

Việc xem xét đề nghị các tác phẩm kịch bản để xét do Hội đồng cơ sở của Hội Điện ảnh Việt Nam thì không có gì để bàn cãi. Vậy nhưng tại sao vào năm 2012, các tác phẩm kịch bản của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ như: “Trên vĩ tuyến 17” (kịch bản phim truyện); “Biển gọi” (kịch bản phim truyện); “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (biên kịch thứ nhất phim truyện); “Em bé Hà Nội” (biên kịch thứ nhất phim truyện); “Mối tình đầu” (biên kịch thứ nhất phim truyện); “Thành phố lúc rạng đông” (biên kịch thứ nhất phim tài liệu) lại được Hội đồng cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị xét ở lĩnh vực văn học cho Giải thưởng Hồ Chí Minh? Thử hỏi đã có mấy bạn đọc được đọc các tác phẩm kịch bản này? Hay là chúng ta chỉ biết đến các bộ phim được sản xuất từ kịch bản?.

Trả lời câu hỏi của người viết về việc “trượt” khỏi danh sách đề nghị xét giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, NSND Đào Trọng Khánh than phiền: “Tôi còn nhiều tác phẩm được giải thưởng nữa nhưng Hội Điện ảnh Việt Nam chỉ chọn hai tác phẩm được giải Vàng làm về đề tài Đại tướng Võ Nguyên Giáp để xét giải. Lẽ ra họ có thể bổ sung thêm các tác phẩm khác để xét giải thì tốt hơn”.

Còn NSND Trần Văn Thủy buồn rầu cho biết: “Hiện tôi đang nằm Bệnh viện Quân y 354. Cuộc đời của tôi là được làm phim và tôi đã làm xong. Còn việc đánh giá phim là của hội đồng. Trước đây phim của tôi được giải thưởng quốc tế và các giải thưởng liên hoan phim trong nước cũng là của hội đồng. Nay bị loại khỏi danh sách cũng là của hội đồng. Phim của tôi làm đã lâu và ngày nay vẫn có người xem chứ không bị cất vào kho là tốt rồi. Còn nói gì về hội đồng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này ư? Có thể người ta không muốn người khác hơn mình…”.

Nói về tiêu chí và vấn đề công tâm của hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT thì có nhiều điều đáng bàn lắm. Đáng bàn về tiêu chí thì xin lấy một ví dụ như trong danh sách đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh ở lĩnh vực văn học có tác phẩm sách “Tiểu luận và phê bình” của Mai Quốc Liên (Vũ Hồng Ngự).

Với tác phẩm tiểu luận này là một công trình khảo cứu hay những bài nghiên cứu đơn lẻ tập hợp lại? Có mấy bạn đọc biết điều đó? Tác động đến xã hội của tập sách này như thế nào chưa rõ. Thế nhưng, tác phẩm “Tiểu luận và phê bình” này lại được xét “ở chiếu cao hơn” so với Giải thưởng Nhà nước với các tác phẩm văn học như “Tướng về hưu” và “Những ngọn gió Hua Tát” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

NSND Đào Trọng Khánh cũng “trượt” Giải thưởng Hồ Chí Minh

Đáng bàn cả về tiêu chí và công tâm của hội đồng thì xin lấy vài ví dụ. Ví dụ thứ nhất: Nếu như ở lần xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh kỳ trước thì họa sĩ Bùi Trang Chước – tác giả mẫu Quốc huy Việt Nam không đủ số phiếu của hội đồng. Nhưng ở lần này lại thông đồng bén giọt qua các cấp hội đồng.

Trong giới mỹ thuật ai cũng thán phục tài năng đồ họa của họa sĩ Bùi Trang Chước, mới đây lại được đặt tên phố ở Thủ đô Hà Nội mà sao cứ lận đận với Giải thưởng Hồ Chí Minh?

Ví dụ thứ hai là nhạc sĩ Phú Quang năm 2011 bị hội đồng loại khỏi danh sách xét Giải thưởng Nhà nước thì lần này số phiếu lại cao?

Ví dụ thứ ba là nhà văn Sơn Tùng từng được các cấp hội đồng từ cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam đến Ban thi đua khen thưởng Trung ương lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động năm 2011, tại sao hồ sơ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh lại bị loại từ cấp cơ sở? Nếu tác phẩm không thực sự “đặc biệt xuất sắc” sao có thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động? Tiểu thuyết “Búp sen xanh” đến nay phát hành hàng triệu bản, gây tiếng vang lớn tại sao lại không bằng tập tiểu luận của nhà văn Mai Quốc Liên?

Theo TỪ KHÔI - Báo Đại Đoàn Kết

Tags: