Harvard Business Review: 6 dấu hiệu của một nơi làm việc tuyệt nhất quả đất
Harvard Business Review: 6 dấu hiệu của một nơi làm việc tuyệt nhất quả đất
Bạn dành gần như 1/3 cuộc đời ở văn phòng. Do đó, việc lựa chọn được một môi trường làm việc lý tưởng, thỏa mãn nhiều nhất các yêu cầu của bạn sẽ mang đến cho bạn một cuộc sống vui vẻ, dễ chịu hơn.
Vậy một nơi làm việc lý tưởng nhất sẽ được đánh giá theo những tiêu chí nào. Hãy cùng các nhà nghiên cứu của Harvard Business Review xem xét dựa trên các tiêu chuẩn:
 

 

1. Nơi mà bạn được làm chính bạn

 

 
Khi nhắc tới việc tôn trọng sắc thái mỗi cá nhân, các công ty thường chỉ quan tâm tới đa dạng giới tính, chủng tộc, lứa tuổi… mà thường chưa để ý tới những điều tinh tế hơn: quan điểm, thói quen suy nghĩ, cá tính và “sức mạnh nội tại”. Ví dụ, công ty tài chính có một anh IT thích mặc quần soóc đi dép lê, một công ty thời trang hipster lại “tòi” ra một anh bận comple nhưng chẳng ai thấy khó chịu, hay những người có giờ làm chẳng-giống-ai vẫn hỗ trợ tốt đồng nghiệp thích làm việc giờ hành chính.
 

 

2. Không lừa dối, bóp méo sự thật

 

 
Một môi trường làm việc tuyệt vời là nơi không có hiện tượng “tam sao thất bản”, bóp méo, thêu dệt thông tin, nhất là những tổ chức có quy mô lớn. Điều này bao gồm cả những vấn đề tồn đọng khi làm việc, tình hình kinh doanh hay thậm chí là những vấn đề nhạy cảm như lương, thưởng…
 

 

3. Hỗ trợ nhân viên phát triển năng lực cá nhân

 

 
Công ty lý tưởng sẽ khiến những nhân viên giỏi nhất trở nên giỏi hơn và ngay cả những người kém nhất cũng thấy được họ có thể tiến bộ hơn những gì mình nghĩ. Các công ty hàng đầu thường hỗ trợ nhân viên của mình phát triển năng lực theo nhiều cách khác nhau: tạo ra một môi trường để mọi người có thể tương tác, hỗ trợ nhau sáng tạo, tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng mềm hay một cách rất sáng tạo là để nhân viên đào tạo các tình nguyện viên. Đôi khi, lợi nhuận từ đầu tư của một công ty còn nằm ở tỷ lệ nghỉ việc thấp.
 

 

4. Cho nhân viên sự tin tưởng

 

 
Trên thực tế, mọi người đều sẽ đều thấy tự hào khi là một phần của một cái-gì-đó to lớn, trở thành một nhân viên ở một nơi mà họ thấy yên tâm, tin tưởng. Không ai muốn làm việc ở một nơi chỉ chuyên “tẩy não” nhân viên bằng những ưu điểm viển vông. Những công ty, tổ chức lý tưởng như vậy thường là những nơi có sự đồng điệu giữa lý tưởng của nhân viên và giá trị mà doanh nghiệp mang lại. Ví dụ, những nhân viên của BMW sẵn sàng thức tới 4h sáng để cùng thảo luận, thực nghiệm những ý tưởng khiến sản phẩm xe của hãng trở nên an toàn hơn.
 

 

5. Mỗi ngày đi làm đều là một ngày ý nghĩa

 

 
Công việc, chắc chắn cần có trách nhiệm. Tuy nhiên, khi nói tới trách nhiệm, hãy trả lời các câu hỏi: nhiệm vụ được giao có hợp lý không? Chúng có ý nghĩa gì? Chúng có phát huy hết tác dụng hay không? Nếu bạn là một nhân viên, và thấy “mù mịt” với những câu hỏi này, thì rất có thể đó là một tín hiệu “SOS”.
 

 

6. Có quy trình làm việc nghiêm ngặt và hợp lý

 

 
Dù thoải mái tới đâu, một môi trường làm việc lý tưởng sẽ có đủ các quy trình, quy chuẩn chuẩn mực để tạo sự công bằng cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ, chất lượng kinh doanh. Những luật lệ đóng vai trò hỗ trợ nhân viên nâng cao hiệu quả công việc và phục vụ cho mục tiêu chung của tổ chức chính là lý do thuyết phục nhất để họ tuân theo.
 
*Bài viết được tham khảo từ cuốn “Xây dựng nền Văn hóa doanh nghiệp đỉnh cao”
Trạm đặc biệt dành tặng mã YEUSACH22 - Giảm 5% tối đa 10.000 ₫ cho các đơn hàng có giá trị tối thiểu 99.000 ₫ tại Tiki Trạm Đọc
Tags: