Hà Nội từ góc nhìn văn chương
Hà Nội từ góc nhìn văn chương
Văn chương Hà Nội xưa nay vô cùng phong phú, đa dạng. Trong công việc giảng dạy, nghiên cứu, phê bình văn học mấy mươi năm qua, tác giả Bùi Việt Thắng đã nhiều lần “chạm bút đến các nhà văn gốc gác Hà Nội, hoặc các nhà văn viết về Hà Nội bằng một tâm cảm sâu thẳm”.

Cảnh sắc Hà Nội, lịch sử Hà Nội, văn hóa Hà Nội, con người Hà Nội từ lâu đã là đề tài được yêu thích. Hơn nửa thế kỷ sống trong lòng Hà Nội và có hơn bốn mươi năm theo sát tiến trình văn học Việt Nam đương đại, nhà nghiên cứu, phê bình Bùi Việt Thắng chọn “lối Hà Nội” của riêng mình qua lăng kính văn chương.

 Văn chương Hà Nội xưa nay vô cùng phong phú, đa dạng. Trong công việc giảng dạy, nghiên cứu, phê bình văn học mấy mươi năm qua, tác giả Bùi Việt Thắng đã nhiều lần “chạm bút đến các nhà văn gốc gác Hà Nội, hoặc các nhà văn viết về Hà Nội bằng một tâm cảm sâu thẳm”. Cuốn sách “Hà Nội từ góc nhìn văn chương” là tập hợp những tiểu luận - phê bình - hỏi chuyện - chân dung nhà văn; ở mỗi bài viết, tác giả luôn “cố gắng nương theo đối tượng cho phù hợp”. Chắt lọc kỹ càng 35 bài viết trải dài suốt hơn một phần tư thế kỷ, tác giả Bùi Việt Thắng đem đến cho bạn đọc những lát cắt về một số tác giả nổi tiếng từng sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Đó là khi nhìn lại “một sự nghiệp văn chương” của nhà văn Hoàng Ngọc Phách qua “Tố Tâm”, tác giả Bùi Việt Thắng khẳng định, dù hiện nay “có thể người ta gọi “Tố Tâm là tiểu thuyết ngôn tình”, nhưng tác phẩm ấy vẫn là “một cột mốc, một dấu ấn ghi nhận bước ngoặt trên chặng đường một thế kỷ của nền tiểu thuyết Việt Nam”. Viết về “duyên văn” của Nguyễn Công Hoan, tác giả nghiên cứu về tiếng cười đặc sắc mà nhà văn đã cất lên, qua tác phẩm của mình, vẫn còn ngân rung, dư ba, vang vọng đến tận bây giờ. Hay khi đọc lại Thạch Lam, tác giả cho rằng đó là một thứ văn xuôi giàu chất thơ, có nhịp điệu, không gấp gáp, xô bồ mà tự tại, “có khả năng tái tạo những rung động tâm hồn con người nhiều khi chỉ “khẽ như cánh bướm”...

Ngoài viết về Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Xuân Khánh..., tác giả Bùi Việt Thắng cũng dành mối quan tâm tới nhiều cây viết nổi tiếng khác như Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Khuê, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều... Độc giả cũng “gặp” trong cuốn sách của ông góc nhìn độc đáo như “Phố Thúy” khi viết về Đỗ Bích Thúy và tác phẩm “Cửa hiệu giặt là”, như “Ký ức lương thiện" khi nhắc đến Trung Sỹ và hồi ức “Chuyện lính Tây Nam”, hay “Hiện tượng Phạm Quang Long” - người luôn “hướng ngòi bút của mình tới các giá trị văn hóa, văn chương”...

Mỗi tác giả, bằng tác phẩm độc đáo của mình, bằng chất văn riêng, đã góp thêm mảng màu vào bức tranh sinh động của văn chương Hà Nội. Và, nhà nghiên cứu, phê bình Bùi Việt Thắng, từ góc nhìn của mình, giúp độc giả nhìn nhận rõ hơn hình khối, đường nét, sắc màu của bức tranh ấy, dù ông tâm sự rằng “trong khuôn khổ hạn hẹp của một cuốn sách khó có thể giới thiệu được nhiều hơn các tác giả đại diện cùng các tác phẩm tiêu biểu cho phẩm chất người Hà Nội”. Bởi thế, tác giả hy vọng, cuốn sách như “một gợi ý về cách tiếp cận văn chương Thủ đô nhìn từ phương diện văn hóa”.

Tác phẩm “Hà Nội từ góc nhìn văn chương” của nhà nghiên cứu, phê bình Bùi Việt Thắng đã được tặng Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2019. Gần đây, cuốn sách đã được NXB Hà Nội tái bản.

Theo Hà Nội Mới

Tags: