Giải trí đến chết: 20 năm vẫn thời sự?
Giải trí đến chết: 20 năm vẫn thời sự?
Xuất bản cách đây 20 năm, nhưng cuốn sách “Giải trí đến chết” của tác giả, nhà giáo dục, phê bình văn hóa người Mỹ Neil Postman dường như vẫn cập nhật so với ngày hôm nay.

Trong cuốn sách này tác giả Postman phân tích về tác động ăn mòn của truyền hình và phương tiện truyền thông điện tử đối với văn hóa con người. Đồng thời đưa ra cái nhìn tiên tri về những gì sẽ xảy ra khi chính trị, báo chí, giáo dục, tôn giáo trở thành đối tượng của giải trí trong thời đại bùng nổ công nghệ số hiện tại.

Câu hỏi đặt ra là: một cuốn sáchvới những linh cảm cấp bách về nguy cơ sâu xa của truyền hình, liệu có còn tính thời sự với thời đại ngày nay; khi thời điểm xuất bản cuốn sách thế giới vẫn chưa bị xâm chiếm bởi Internet, điện thoại di động, máy tính xách tay, hàng trăm kênh truyền hình cáp, DVD, blog, màn hình phẳng, HDTV và iPod?

Để đánh giá sự phù hợp của cuốn sách với hiện tại, Andrew Postman, con trai của tác giả, đã đưa cuốn sách cho nhiều sinh viên,  những người từ 18 đến 22 tuổi ngày nay đang sống trong một môi trường truyền thông rất khác với môi trường đã tồn tại vào năm 1985. Mối quan hệ của họ với ti vi cũng khác bây giờ. Khi đó, MTV đang ở giai đoạn sơ khai. Ngày nay, tin tức chạy thành dải dài, quảng cáo ở góc màn hình, các chương trình “thực tế” hay 900 kênh truyền hình được coi là những điều bình thường. Ti vi không còn chiếm thế độc tôn trong môi trường truyền thông nữa. “Thời gian sử dụng thiết bị” cũng có nghĩa là hàng giờ đồng hồ ngồi trước máy tính, màn hình video, điện thoại di động và thiết bị cầm tay. Đa nhiệm trở thành tiêu chuẩn. Sự yên tĩnh đã được thay thế bằng vô số tạp âm. Đây là một thế giới khác.

Tác giả Neil Postman

Và câu trả lời mà Andrew Postman nhận được là: Trong cuốn sách, Postman đưa ra quan điểm rằng, mọi người không còn dành thời gian để chiêm nghiệm nữa. Ví dụ một sinh viên chia sẻ: “Khi tôi đến một nhà hàng, mọi người đều đang sử dụng điện thoại di động của họ, nói chuyện hoặc chơi game. Tôi không có khả năng ngồi yên tại chỗ.

Một sinh viên chỉ ra rằng, Arnold Schwarzenegger tuyên bố ứng cử chức thống đốc bang California trên show truyền hình The Tonight Show. Maria lưu ý thêm, việc đơn giản hóa quá mức mọi thứ và tư duy “phân mảnh” do xem ti vi có thể đã góp phần dẫn tới sự phân biệt Bang Đỏ/ Bang Xanh tại nước Mỹ. Một người khác ghi nhận sự xuất hiện của một loạt “tạp chí Kinh Thánh” kiểu mới, với trang bìa có phong cách giống các tạp chí tuổi teen, với những dòng ghi trên trang bìa như “10 mẹo hàng đầu để đến gần Chúa hơn”. “Đó là một thế giới mà tôn giáo lại đi bắt chước MTV”, một sinh viên nói. Những người khác thì tự hỏi, liệu việc ngày càng nhiều trẻ em bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn thiếu tập trung có phải là một dấu hiệu cho thấy con ngươi có nhu cầu cần được kích thích liên tục hay không.

Nhiều sinh viên (“cả sinh viên cánh hữu lẫn cánh tả”, giáo sư nói) đặc biệt thích thú với nhận xét của Neil Postman về việc giới truyền thông chuyển đổi tin tức rất đột ngột: Ngay sau khi thuật lại một sự kiện kinh hoàng, ví dụ như một vụ cưỡng hiếp, một vụ hỏa hoạn cấp độ 5 hoặc hiện tượng nóng lên toàn cầu, thì người đưa tin lại vui vẻ dẫn sang câu chuyện về việc Janet Jackson bị “lộ hàng” hoặc phát quảng cáo về một loại bia. Điều này tạo ra một chuỗi thông tin rất ngẫu nhiên, quá chênh lệch về quy mô và giá trị, đến mức mất đi tính mạch lạc, thậm chí khiến người xem cảm thấy bị “loạn não”.

“Giải trí đến chết” là một cuộc điều tra, một lời than thở - đúng vậy, nhưng cuốn sách còn hướng đến những điều lớn lao hơn. Nó thôi thúc độc giả hành động. Đó là một sự phản công với tin tức truyền hình hằng ngày, thứ mà Neil Postman miêu tả là: “vô nghĩa, chỉ toàn những thông tin cung cấp cho chúng ta điều gì đó để bàn luận nhưng không thể dẫn đến bất kỳ hành động nào có ý nghĩa”.

Cuốn sách "Giải trí đến chết"

Ông đã đặt ra những câu hỏi hay đến nỗi chúng có thể được áp dụng cho những thứ không phải truyền hình, về tất cả các kiểu phát triển mang tính biến đổi, về các sự kiện đã xảy ra từ sau năm 1985, về những thứ diễn ra sau khi ông qua đời, về mọi điều vẫn chưa được định hình. Những câu hỏi này có thể tiếp tục được sử dụng cho nhiều thế hệ sau (mặc dù một ngày nào đó, “nhiều thế hệ sau” có thể chỉ là một giai đoạn kéo dài 3 năm).

Câu hỏi của ông có thể dành cho tất cả các công nghệ và phương tiện truyền thông. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta quá say sưa với những thứ này? Chúng giải phóng chúng ta hay bỏ tù chúng ta? Chúng cải thiện hay làm tổn hại nền dân chủ? Chúng khiến các nhà lãnh đạo có trách nhiệm hơn hay vô trách nhiệm hơn? Hệ thống của chúng ta sẽ minh bạch hơn hay mờ ám hơn? Chúng biến chúng ta thành những công dân tốt hơn hay những người tiêu dùng chi mạnh tay hơn? Những sự đánh đổi ta phải thực hiện liệu có xứng đáng không? Nếu như câu trả lời là không đáng, nhưng chúng ta vẫn không thể ngăn mình đón nhận những điều mới mẻ hấp dẫn (bởi đó là bản năng của chúng ta), vậy thì ta có thể đưa ra những chiến lược nào để duy trì quyền kiểm soát? Để duy trì nhân cách? Để tìm kiếm những điều ý nghĩa?

Neil Postman không “keo kiệt” về những điều này. Ông không bao giờ thiếu lạc quan, điều ông ấy thiếu là sự chắc chắn. “Chúng ta phải cẩn thận trong việc khen ngợi hoặc lên án vì tương lai có thể có những điều bất ngờ”, ông viết. Ông ấy cũng không sợ ti vi (như một số người đã nghĩ). Ông viết: “A-Team và Cheers không phải là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Mà vấn đề nằm ở các  chương trình như  60  Minutes, Eyewitness News và Sesame Street”.

Một học viên của Neil Postman, đồng thời cũng là một giáo sư, cho biết các sinh viên của ông ấy đón nhận Giải trí đến chết còn hào hứng hơn những người đã đọc cuốn sách cách đây 5 hoặc 10 năm. “Khi cuốn sách lần đầu tiên ra mắt, nó đã đi trước thời đại và một số người không hiểu được tầm vóc của nó”, ông nói. “Đó là một cuốn sách của thế kỷ XXI được xuất bản vào thế kỷ XX”.

VH (Trạm đọc)

Tags: