Bạn có biết quan niệm về dạy trẻ của cha đẻ tập đoàn Sony ?
Nhan đề cuốn sách : "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" có thể gây sốc với nhiều người làm cha mẹ, thế nhưng đó chính là cuốn sách được viết rất mạch lạc, giản dị của Ibuka Masaru, cha đẻ của tập đoàn Sony.
Những kiến thức về giáo dục trẻ sớm ở giai đoạn ấu thơ được khởi xướng ở Nhật từ rất lâu, nhưng gặp phải sự phản ứng của nhiều bậc cha mẹ vì nghĩ rằng giáo dục sớm làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ sau này. Thế nhưng, cùng với sự tiến bộ khoa học, nghiên cứu thực tế đã chứng tỏ rằng giáo dục sớm giúp trẻ có thể phát huy hết mọi tiềm năng của trẻ.
Giáo dục sớm bao hàm những việc như: trò chuyện và đọc truyện cho trẻ nghe từ lúc lọt lòng, cho trẻ nghe và học nhạc từ sớm, dạy chữ sớm, cho trẻ chơi đồ chơi ghép hình phát huy khả năng sáng tạo chứ không cho xem tivi, chơi điện thoại, dẫn trẻ đi dạo trong công việc, bảo tàng, để trẻ tự lập, tự xúc ăn và tự làm vệ sinh cá nhân, không la mắng khi trẻ làm sai, khuyến khích trẻ khi trẻ có hứng thú làm gì, không so sánh trẻ với anh em hay bạn bè, luôn tôn trọng suy nghĩ và phát ngôn của trẻ … Chính điều đó khiến trẻ em Nhật tự lập từ rất sớm, ngoan ngoãn và lễ phép, tìm ra đam mê của bản thân ngay từ rất nhỏ.
Quan điểm của ông Masaru là giáo dục trẻ từ ấu thơ chỉ có mục đích duy nhất là: "Nuôi dạy một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ, có trí tuệ, thông mình và khỏe mạnh". Ông cho là trẻ em sinh ra đều như nhau (trừ các em bị mắc bệnh hay khuyết tật bẩm sinh), nên chỉ cần cha mẹ cho các em tiếp xúc với những gì cần thiết ở thời kỳ thích hợp thì chắc chắn cha mẹ nào cũng có thể nuôi dạy trẻ thành những người có tính cách và trí tuệ tuyệt vời.
Ông viết: "Triết lý cơ bản về giáo dục trẻ tuổi ấu thơ của tôi là đừng để những đứa trẻ trở thành những loài cây hoang dại". Theo ông, cho trẻ nghe nhạc, học violin từ sớm không nhằm mục đích biến trẻ thành những thiên tài âm nhạc. Dạy tiếng Anh, cho trẻ học chữ Hán cũng không có mục đích tạo ra những thiên tài ngôn ngữ học. Và giáo dục trẻ tuổi ấu thơ cũng không nhằm mục đích làm bước đệm cho trẻ vào trường chuyên, lớp chọn. Học đàn, học tiếng Anh, học chữ chỉ là một phương pháp giúp trẻ phát huy hết những khả năng trí tuệ vô hạn của mình mà thôi.
Tác giả khẳng định mấy luận điểm sau đây :
1. Với phụ nữ, không việc gì quan trọng hơn nuôi dạy con.
2. Dạy con bắt đầu từ dạy mẹ
3. Hãy nhìn con để học tập
4. Người mẹ quan trọng hơn người cha trong việc dạy con nên người.
5. Người mẹ thiếu tự tin thì không thể nuôi dạy con tốt
Ông đã dành một phần rất dài để bàn về vai trò của người mẹ trong việc dạy con từ ấu thơ. Ông nhấn mạnh sự vĩ đại của sức mạnh giáo dục từ người mẹ, điều mà nhiều phụ nữ trẻ còn thiếu. Nhiều người mẹ khi con còn nhỏ thì vô trách nhiệm, hoặc nuông chiều con, tới khi đi học lại dồn ép con học thì sẽ không bao giờ nuôi dạy được những đứa trẻ có lòng hiếu kỳ mãnh liệt, có tính độc lập tự chủ và có tâm hồn phong phú được.
"Giáo dục trẻ tuổi ấu thơ phải bắt đầu từ giáo dục người mẹ. Bản thân người mẹ phải mày mò tìm hiểu, học hỏi, suy nghĩ, tiến hành cách dạy con mình. Người mẹ cũng cần phải học, học để trở thành người tự tin, thực tiễn, để nuôi dạy con mình tốt nhất".
Cuốn sách : "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" chỉ dày có 200 trang nhưng từ hàng chục năm nay nó đã trở thành cuốn cẩm nang kinh điển, được gọi là "Lý luận Ibuka" về giáo dục, và được đón nhận khắp nước Nhật. Cách viết cũng đơn giản, ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và dễ áp dụng với tất cả mọi người.
Mei Ann.