Trịnh Lữ có thói quen ghi lại những gì đang khiến mình bồi hồi hoặc mông lung, khiến chúng hiện ra, có hình hài tên gọi ở những con chữ mình chọn, để có được cảm giác là chúng có thật. Hai là chép lại những đoạn đọc được nghe được của thiên hạ, để học hỏi, ngẫm nghĩ, hoặc khẳng định cái tâm đắc của mình, như người tự học thường làm. Ghi và chép cũng như vẽ được ông coi như một cách để giao đãi với sự vật và tha nhân trong quá trình tự học, tự vấn bản thân.
Mở ra bằng Đạp xe đón Tết, Ghi chép kiếm tìm những âm giai mới cho bao thao thiết trong lòng người con mới trở về quê hương sau hàng chục năm trời xa cách trước bao ăm ắp, hối hả, ngồn ngộn say sưa của cái không khí "sắp Tết" của những năm đầu thế kỷ 21. Những suy tưởng lặng lẽ vì thế cứ mải miết hiển hiện qua từng ghi chép riêng lẻ như để tâm tình cùng bạn đọc. Con người tài hoa ấy - con người mải miết tìm hiểu thế giới, quên cả quê hương lại tự nhủ chẳng có gì quá muộn vì non sông gấm vóc cha ông để lại có tên có tuổi hẳn hoi, hỏi thì khắc biết. Bởi như ông khẳng định:
Hồn quê quả thực là một cái gì đó không thể mai một được. Tâm mình có liên lạc được với cái hồn quê mênh mang kia thì cuộc đời mới tiết lộ lí do của nó. Bổn phận là ở mình, chứ đâu ở quê hương.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất, không biết vì duyên cớ gì mà ông lại quyết định thi vào ban tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam. 15 năm ở đài, ông là phóng viên từng đi tác nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới, sau đó chuyển sang làm biên tập các bản tin quốc tế.
Năm 1987, Trịnh Lữ và gia đình chuyển sang Mỹ sinh sống khi ông nhận làm việc cho Quĩ dân số của Liên Hiệp Quốc. Ông đã tư vấn giúp nhiều cơ sở xây dựng chiến lược phát triển và cơ cấu tổ chức. Nỗi nhớ bố mẹ, nhớ đồng nghiệp, nhớ những nhôm nhoam, không ra nề ra nếp của đời sống vỉa hè, đường phố không khi nào nguôi ngoai nơi thân phận có cái số lang thang ấy. Để rồi một ngày, ông quyết định chấm dứt cuộc đời phiêu bạt và trở về Hà Nội lần theo những dấu vết kín đáo của cổ nhân để soi lại mình.
Mải miết trăn trở kiếm tìm vạt cỏ xanh quê nhà để rồi chợt nhận ra vạt cỏ xanh tưởng như đã rời xa bao năm nay nằm ngay trong tâm tưởng. Những gì vốn lưu đày trong ông bỗng chốc nhẹ bẫng, quá khứ thơ ngây, những giấc mơ từ thời bom đạn hay những mong đợi không tưởng ở hiện tại vẫn còn đó mà không còn là gánh nặng hai vai nữa.
Có đúng đời chỉ là những mẩu chuyện tản mạn tưởng chừng ngẫu nhiên, vì thế mà ta đọc chúng với thái độ nào thì đời thành ra thế mà thôi không? Mỗi câu chuyện được tạo dựng từ nguồn chất liệu đời sống dồi dào phong phú và đầy góc cạnh của chính cá nhân mà qua đó, ông kín đáo bày tỏ tâm tư sâu kín của ông về thời cuộc và ông nhỏ nhẹ nhắn nhủ bạn đọc cứ tùy ý chọn đọc, không đòi hỏi một trật tự trước sau.
Khép lại bằng Tết này có chuyện vẽ sen để nhìn lại năm 2020 đặc biệt kỳ lạ mà theo cảm quan của tác giả thì như một bức tranh, giữa một bố cục rất nhiều tương phản sáng tối gay gắt, chắc ai cũng vẫn thấy mình có những mảng đường nét nhẹ nhàng màu sắc trong sáng đẹp đẽ đầy cảm xúc tốt lành kèm bộ tranh sen mười hai bức bộc bạch những khao khát, những hoang tưởng và những thắc mắc của chính ông.
Ghi chép - Những lời trần tình của một người đã trải qua các biến cố xã hội, lịch sử, qua nhiều gian truân trong cuộc sống và nghề nghiệp như tấm tình ngàn đời, tấm tình sống mãi trong hồn cây cỏ và sông nước, bên trên những biến thiên vụ vặt của thế sự tham lam có tác động xã hội sâu rộng và sức sống lâu bền. Cuốn sách để những dư âm nghẹn ngào trước thềm năm mới cùng với nguồn ánh sáng của hy vọng và tương lai ở nơi những người trẻ Việt với tinh thần chân thực trong công việc và phương pháp khoa học đại diện cho nhiệt huyết và ước mơ Việt Nam.
Thanh Loan
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Nỗi u sầu trong Patrick Modiano (1)
Lì xì sách - Nét văn hóa mới cho một Tết Văn Minh
“Những ngày thơ ấu” là một trong những tác phẩm tiếp nối “Việt Nam danh tác”