“Những ngày thơ ấu” là một trong những tác phẩm tiếp nối “Việt Nam danh tác”
“Những ngày thơ ấu” là một trong những tác phẩm tiếp nối “Việt Nam danh tác”
Sau thành công của loạt sách “Việt Nam danh tác” trong nhiều năm, Nhã Nam một lần nữa làm sống lại những kiệt tác kinh điển của văn học Việt Nam với bốn đầu sách nổi tiếng, nhằm tiếp nối và nâng cao sức hút của văn học Việt.

Năm 2014, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam lần đầu ra mắt bộ sách Việt Nam danh tác, bao gồm các tác phẩm Miếng ngon Hà Nội (Vũ Bằng), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Gió đầu mùa (Thạch Lam), Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam) Việc làng (Ngô Tất Tố). Bộ sách là một nỗ lực vinh danh giá trị, giới thiệu lại, tiếp thị lại với bạn đọc những gì đã một thời là tinh tuý của văn học Việt Nam trong một môi trường đọc đang biến đổi phức tạp với những trào lưu tiếp thu ồ ạt văn hoá ngoại lai. Bộ sách nhận được sự đón nhận và ủng hộ nồng nhiệt từ độc giả khắp nơi trên cả nước, ghi dấu thành công của văn học Việt thế kỷ XX trong lòng người đọc quốc dân.

Bộ sách "Việt Nam danh tác" năm 2014

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, ông Dương Thanh Hoài - phó giám đốc Công ty Nhã Nam - đã nói về việc đơn vị này tái bản những tác phẩm này:

Văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt kể từ giai đoạn 1930-1945, cần được xuất bản lại một cách chọn lọc, nhằm giới thiệu lại, tiếp thị lại với công chúng mới, với bạn đọc trẻ để có một chỗ đứng, một vị thế rõ ràng trong thị trường sách như một thứ tinh hoa văn học, góp phần nào đó vừa trung hòa vừa cạnh tranh lành mạnh với những xu hướng “sến”, “xổi”, “ngoại lai”, thị trường hóa ở mức thái quá của xuất bản hiện nay.

Tiếp nối thành công của bộ sách, mới đây, Nhã Nam, liên kết với Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, ra mắt 4 tác phẩm tiếp theo trong bộ Việt Nam danh tác, gồm: Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Lạnh lùng (Nhất Linh), Gánh hàng hoa (Khái Hưng - Nhất Linh) và Sợi tóc (Thạch Lam).

Những cuốn sách được chọn tái bản trong "Việt Nam danh tác" năm nay

Trong đó, hồi ký Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng được thực hiện theo bản in của Nhà Xuất bản Đời Nay năm 1940, bao gồm thiên hồi ký cùng tên và 4 truyện ngắn khác. Tranh minh họa trong sách được lấy lại trong các truyện của Nguyên Hồng đăng trên Báo Ngày Nay. 

Tiểu thuyết Lạnh lùng của Nhất Linh là tiếng nói lên án lễ giáo phong kiến kìm hãm con người, được in theo bản của Nhà Xuất bản Đời Nay năm 1940, cùng tranh minh họa do chính tác giả vẽ. Tiểu thuyết viết chung Gánh hàng hoa của Khái Hưng và Nhất Linh đậm chất lãng mạn, cũng được in theo bản của Nhà Xuất bản Đời Nay năm 1934, tranh minh họa do Nhất Linh vẽ.

Tập truyện ngắn Sợi tóc của Thạch Lam gồm 5 truyện ngắn: Dưới bóng hoàng lan, Tối ba mươi, Cô hàng xén, Tình xưa, Sợi tóc, được in theo bản của Nhà Xuất bản Đời Nay năm 1942, tranh minh họa được lấy từ các truyện ngắn của Thạch Lam đăng trên Báo Ngày Nay.

Nhân dịp ra mắt 4 cuốn sách này, từ ngày 15 đến 30-1, Nhã Nam tổ chức triển lãm tranh bìa 12 tác phẩm trong bộ Việt Nam danh tác, gồm: Những ngày thơ ấu, Lạnh lùng, Gánh hàng hoa, Sợi tóc, Kép Tư Bền, Ai hát giữa rừng khuya, Lều chõng, Bốn mươi năm "nói láo", Mười hai bến nước, Số đỏ, Tiếng thu, Vang bóng một thời, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Bộ tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, do Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tuyển chọn từ năm 2014 đến nay đã ra mắt được 44 tác phẩm của 27 tác giả, chia thành hai mảng văn xuôi và thơ.

Trạm Đọc | tổng hợp từ Nhã Nam, Báo Hà Nội Mới

 

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khi văn học thiếu niên không né tránh hiện thực tàn khốc của chiến tranh

Nhà xuất bản Mai Lĩnh - Chiếc nôi vàng một thuở

Thành quả sau 5 năm của đường sách Tp. HCM

"Nỗi buồn chiến tranh" - viết về chiến tranh thời hậu chiến, từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp (1)

Tags: