Khi văn học thiếu niên không né tránh hiện thực tàn khốc của chiến tranh
Khi văn học thiếu niên không né tránh hiện thực tàn khốc của chiến tranh
Dựa trên những sự kiện có thật về Thế chiến thứ hai và những chương trình bí mật do Đức Quốc xã thực hiện, Max - Bi kịch của “Chủng tộc thượng đẳng” và Cây vĩ cầm Ave Maria đã tái hiện lại bức tranh về một trong những thời kì u tối nhất của lịch sử nhân loại.
Ngày 1/9/1939, Đức tấn công Ba Lan, buộc Anh và Pháp tuyên chiến, Thế chiến thứ hai chính thức nổ ra, khởi đầu một chuỗi thảm kịch phủ rộng trên hầu khắp hành tinh, với nỗi đau kéo dài và những hậu quả không thể nào đo đếm hết được. Người Do Thái tại châu Âu bị bắt bớ, hành hạ và thảm sát trong những căn phòng hơi ngạt, nhà hỏa thiêu, bị ép lao động đến kiệt sức trong các Trại tập trung. Những hành động phi nhân tính bị đẩy lên đến cùng cực khiến loài người, đến mãi sau này, vẫn phải ngỡ ngàng.

Từ câu chuyện về những vết thương trong lịch sử thế giới đó, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã ra đời như La Vita È Bella, The Pianist, Chuộc tội, Khi đàn sếu bay qua…, và trong văn học là Gắng sống đến bình minh, Adoft Hitler, Kẻ trộm sách, Nhật ký Anne Frank…

Đẫm máu và không khoan nhượng bất cứ ai, dù là ở độ tuổi, giới tính nào, vòng xoáy của Thế chiến thứ hai đã chạm đến cả những thành phần yếu đuổi nhất trong xã hội: Người già, trẻ em và thiếu niên. Điều ấy đã được thể hiện rõ nét qua hai tiểu thuyết vừa ra mắt gần đây là Max - Bi kịch của “Chủng tộc thượng đẳng” của Sarah Cohen-Scali và Cây vĩ cầm Ave Maria của Kagawa Yoshiko.

Cây vĩ cầm Ave Maria

Câu chuyện của Cây vĩ cầm Ave Maria kể về Hannah Janssen – cô bé người Do Thái là thần đồng âm nhạc - cũng là thành viên trong dàn nhạc Trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã. Như bao cô bé cùng trang lứa, Hannah ngây thơ, trong sáng và có một tình yêu bất tận với âm nhạc. Nhưng cũng giống như Anne Frank, tâm hồn mơ mộng của Hannah lại bị thử thách giữa thời chiến. Hannah và các thành viên trong dàn nhạc của Trại tập trung buộc phải diễn tấu trước các phòng hơi ngạt, nhà hỏa thiêu, dùng âm nhạc để “che lấp” những tiếng gào khóc của tù nhân. Và vì vậy, Hannah cũng có một “cuộc chiến” của riêng em – cuộc chiến với những hoài nghi của bản thân về giá trị đích thực của âm nhạc trước một hiện thực quá tàn khốc trong Trại tập trung.  

Cùng với đó, Max - Bi kịch của “Chủng tộc thượng đẳng” đã hé lộ những sự thật rùng mình về Lebensborn – chương trình bí mật do Thống chế Himmler khởi xướng nhằm tạo ra hàng trăm nghìn những đứa trẻ Aryan “thượng đẳng” và thuần chủng để thống trị thế giới. Những đứa trẻ không biết về quá khứ và gia đình của mình, buộc phải rời xa vòng tay mẹ từ tấm bé, hoặc bị bắt cóc từ những vùng lãnh thổ bị Đức Quốc xã chiếm đóng, được nuôi dạy để trở thành thứ vũ khí lạnh lùng phụng sự Đế chế.

Max - Bi kịch của "Chủng tộc thượng đẳng
Khai thác những khía cạnh khác nhau về Thế chiến thứ hai và chủ nghĩa phát xít, Max - Bi kịch của “Chủng tộc thượng đẳng” và Cây vĩ cầm Ave Maria đã mang đến cái nhìn đa diện về lịch sử, vén màn những bí mật bị che phủ - những bí mật cần được phơi bày như một bài học đắt giá dành cho thế hệ trẻ.

Với Cây vĩ cầm Maria, Thế chiến thứ hai với sức tàn phá ghê gớm đã đem đến những nỗi đau về cả thể xã và tinh thần cho những người Do Thái, đặc biệt là trẻ em. Nhưng có lẽ trong những trang văn xen lẫn buồn đau, người ta vẫn có thể bắt gặp những chi tiết ấm áp tình người le lói. Có những người Đức sẵn sàng dang tay bảo vệ người Do Thái vô tội, cho họ trú ẩn trong nhà mình, tìm cách bảo vệ họ trong Trại tập trung. Và ngay cả những tên lính gác trong Trại tập trung cũng có những phút giây yếu lòng trước sự cảm hóa nhiệm màu của âm nhạc.

Max - Bi kịch của “Chủng tộc thượng đẳng” lại có cách tiếp cận hiện thực trực diện và không hề né tránh. Trên các trang review sách quốc tế, một số độc giả thế giới còn khẳng định, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm quen với cách kể quá sắc lạnh của nhân vật chính – một đứa trẻ tàn nhẫn! Là đứa trẻ đầu tiên của chương trình Lesbenborn, cùng với ngày sinh của Hitler, được chính Hitler đặt tên, số phận đã định đoạt cho Max - hay còn gọi là Konrad – nhân vật “tôi”, là một kẻ phản diện, “đứa con đẻ” của Chủ nghĩa Quốc xã. Max lạnh lùng, tàn nhẫn, thậm chí là với chính đồng loại. Dần chứng tỏ phẩm chất, Max tham gia vào các chương trình của Tổ chức, thậm chí khi mới bốn tuổi, Max đã góp một phần không nhỏ vào chương trình bắt cóc những đứa trẻ Ba Lan có ngoại hình Aryan để thực hiện việc “Đức hóa” chúng.

Xuyên suốt những trang văn với giọng điệu đầy sắc lạnh và thậm chí là tàn nhẫn, người đọc vẫn nhận thấy những “tín hiệu” về ánh sáng nhân bản của con người Max. Rằng là “con đẻ” của chủ nghĩa phát xít, nhưng Max không thể xóa bỏ phần “con người” trong mình. Em vẫn khát khao tình mẫu tử, hơi ấm vòng tay mẹ. Đâu đó trong em vẫn sẵn lòng làm mọi việc, bất chấp hiểm nguy để bảo vệ một người Do Thái xa lạ. Và dù phải trả giá đắt cho những gì mình đã gây ra, Max vẫn là kẻ đáng thương. Bởi xét cho cùng, khi chiến tranh xảy đến, những tổn thất sẽ in hằn lên cả hai chiến tuyến. Bằng việc kể lại cuộc đời mình, Max chính là một bằng chứng sống tố cáo tội ác ghê rợn của chủ nghĩa phát xít. Chính tác giả cũng thừa nhận, dù cố gắng giữ lối viết trung dung, khách quan, nhưng độc giả vẫn cảm nhận được sự cảm thương của tác giả dành cho nhân vật Max.

Max - Bi kịch của “Chủng tộc thượng đẳng” đã giành 12 giải thưởng tại Pháp, trong đó có giải Prix Sorcières năm 2013. Trang Cuckoo Review nhận định: “Cuốn sách có nhiều chi tiết dường như là quá trưởng thành so với đối tượng độc giả trẻ, nhưng là một cuốn sách mà bất cứ học sinh trung học nào cũng cần đọc.” Cây vĩ cầm Ave Maria đã đạt giải vàng Huân Chương Sakura của Hiệp hội thư viện trường học Nhật Bản.

Tô Lệ Trân

 

Hướng đến Ngày Sách Việt Nam (21/4) và kỉ niệm 74 năm ngày chiến thắng Phát xít (9/5), NXB Kim Đồng - Wings Books tổ chức buổi tọa đàm nhân dịp ra mắt tiểu thuyết lịch sử "Max - Bi kịch của Chủng tộc thượng đẳng" và “Cây vĩ cầm Ave Maria” với tên gọi SỐ PHẬN CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ TRONG THẾ CHIẾN II.

* Chương trình có sự tham gia của các diễn giả:
- Nhà phê bình Mai Anh Tuấn
- Dịch giả Nguyễn Hồng Vân

Thời gian: 09:30 - 12:00 sáng Chủ Nhật (7/4/2019)
Địa điểm: Toong Coworking Space, Tầng 3, số 08 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội

* Chương trình có sự đồng hành của đối tác truyền thông: Trạm Đọc (tramdoc.vn)

Wings Books xin dành tặng 15 phần quà sách, sổ tay cho 15 bạn đăng kí qua đường link và đến tham dự chương trình sớm nhất: http://bit.ly/Dang-ki-tham-du-Toa-dam