Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, người lớn chúng ta lại phải đau đầu suy nghĩ, chuẩn bị sắm tết. Lo từ mâm ngũ quả đến gói bánh trưng, từ cây đào, cây quất đến quà biếu gần xa. Trong số vô vàn công việc phải chuẩn bị cho ngày Tết không thể không kể đến việc chuẩn bị lì xì cho đám trẻ nhỏ. Và câu chuyện chuẩn bị tiền lì xì như thế nào quả thực cũng khiến cho không ít người lớn phải lao đao.
Tiền lì xì hay còn gọi là tiền may mắn được trao cho trẻ nhỏ trong những bao lì xì đỏ thắm vào mỗi dịp tết đến. Thế nhưng càng ngày cái hay, cái ý nghĩa ban sơ của việc trao hồng bao ngày tết này đang dần mất đi bởi sự xuất hiện của những suy tính đề cao vật chất của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Trẻ con ngày nay dường như chỉ chăm chăm vào giá trị của tờ tiền bên trong bao lì xì thay vì lời chúc và giá trị tinh thần đằng sau mỗi chiếc lì xì được chuẩn bị. Trong khi đó người lớn vừa lo chuẩn bị tiền lì xì, vừa phải cân nhắc xem lì xì đáp lễ như thế nào để không bị coi là “bủn xỉn”. Chính vì thế những năm gần đây, thay vì lì xì trẻ con bằng tiền mặt, rất nhiều người đã quyết định tặng sách như một món quà đầu năm.
Bởi lẽ, sách từ lâu đã được coi là kho tàng tri thức, là kho báu của nhân loại. Nếu ví cuộc đời là một chuyến hành trình dài thì sách chính là điểm dừng chân cho tâm hồn. Đọc sách không chỉ giúp người lớn có những phút giây tĩnh lặng, bình tâm lại giữa sóng gió và bộn bề cuộc sống mà còn giúp lũ trẻ có thể hoà mình vào thế giới mộng mơ, vào những cuộc phiêu lưu, thám hiểm không có smartphone, không có sự so sánh vật chất thiệt hơn.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có chia sẻ rằng: Sách cũng là sản phẩm “của đời in ra” nhưng khác với tiền, sách in ra để đọc, để bồi dưỡng tâm hồn và khám phá tri thức chứ không phải dùng làm công cụ thanh toán. Và khi được tặng một cuốn sách, chắc chắn không đứa trẻ nào bắt gặp trong đầu mình ý nghĩ lật xem giá bìa để bình phẩm “bác này rộng rãi, dì kia keo kiệt” như lúc nôn nóng mở “hồng bao”.
Thật là tuyệt vời nếu ngày đầu năm mới, vừa nhìn thấy cô chú cậu mợ hay bạn của ba mẹ đến nhà, trẻ con ùa ra, nhao nhao “Sách của con đâu?” thay vì “Tiền lì xì của con đâu?”. Chỉ riêng sự thay đổi đó thôi đã đủ để các bậc phụ huynh mỉm cười, để các nhà văn hóa bớt băn khoăn than thở “văn hóa đọc đang xuống cấp” và để chàng thi sĩ trong thơ Kiên Giang không còn rầu rĩ: Kiếp tôi là kiếp làm thơ/ Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi. Vì trong những cuốn sách được lì xì đầu năm đó, chắc chắn thế nào cũng có... vài tập thơ!
Còn gì tuyệt vời hơn khi trong dịp năm mới, bạn nhận được một lời chúc chứa chan tình cảm, một lời động viên, khích lệ qua một cuốn sách được tặng bởi những người thân yêu. Cũng còn hạnh phúc nào bằng khi ta dành tặng không chỉ bố mẹ mà cả những người bạn, người đồng nghiệp và cả đám trẻ nhỏ những cuốn sách mang thông điệp yêu thương đầu năm mới.
Hiểu được những trăn trở về việc chọn “món quà đầu năm”, Alpha books tổ chức chương trình Món quà tri thức, trao gửi ân tình, một sự kiện vô cùng ý nghĩa giúp chúng ta gửi tặng những “bao lì xì tri thức” tới tận tay những người ta yêu quý.
Không còn lo lắng, cân nhắc về việc lì xì bao nhiêu là hợp lý. Tặng sách đầu năm vừa thể hiện được tấm lòng chân thành của người chọn sách lại vừa củng cố văn hoá đọc mà cũng khiến người nhận cảm thấy rõ giá trị món quà qua từng trang sách.
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Tết này, hãy lì xì sách, đừng lì xì tiền!
Báo chí viết về chiến dịch Lì xì sách
“Những ngày thơ ấu” là một trong những tác phẩm tiếp nối “Việt Nam danh tác”
Hà Nội xưa và nay- Lắng nghe giai điệu đô thành theo nhịp chuyển động của thời đại