Thế hệ trẻ tài giỏi nhưng ngày càng bất an
Thế hệ trẻ tài giỏi nhưng ngày càng bất an
Trong cuốn sách "Tính chuyên chế của chế độ nhân tài" tác giả tác giả Michael Sandel cho biết, trong xã hội công nghiệp hế hệ trẻ tài giỏi nhưng ngày càng bất an.

Trong buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách Tính chuyên chế của chế độ nhân tài diễn ra vào chiều ngày 15/6 tại ĐH Fulbright Việt Nam, những người làm giáo dục đã có dịp thảo luận về câu chuyện “nhân tài” vốn được tác giả Michael Sandel phân tích dựa trên tình hình thực tế ở nước Mỹ, đồng thời liên hệ đến thực tại ở Việt Nam với không ít vấn đề cần quan tâm.

Giáo sư Michael Sandel, một nhà triết học chính trị thuộc Đại học Harvard, vốn đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam qua các tác phẩm trước đó như Phải, Trái, Đúng, Sai và Tiền không mua được gì?. Tác phẩm mới nhất của ông - The Tyranny of Merit (Tính chuyên chế của chế độ nhân tài) - được viết trong những năm đại dịch đã nhắc chúng ta về một khoảng lặng cần thiết để chiêm nghiệm lại những vấn đề phức tạp của toàn cầu hóa, đặc biệt là khái niệm tài năng, thành công và phẩm giá.

Nhân tài đến từ đâu

Bắt đầu từ câu chuyện của nước Mỹ hiện đại và “giấc mơ Mỹ” của bao người, Tính chuyên chế của chế độ nhân tài đã khai phá góc nhìn rất khác về một khía cạnh trần trụi của xã hội Mỹ khi bất bình đẳng giàu nghèo trở nên ngày càng sâu sắc, xã hội phân hóa chưa từng thấy và bất kỳ mâu thuẫn nhỏ nào cũng có thể bùng phát thành cơn thịnh nộ.

Theo GS Sandel, chế độ nhân tài không chỉ tạo ra một cuộc chạy đua khốc liệt để đạt thành tích cao, mà còn tạo ra sự phân cực trong trường học và xã hội, đặc biệt là tầng lớp tinh hoa.

Theo bà Bùi Việt Lâm, Đại diện Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, sự bất bình đẳng có thể được nhìn thấy ở Việt Nam qua khoảng cách giáo dục giữa trẻ em ở nông thôn và trẻ em thành thị.

 

Tác phẩm Tính chuyên chế của chế độ nhân tài. Ảnh: O.P.

 

Còn theo TS Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (Trường Đại học Fulbright Việt Nam), giáo dục cùng với sự chăm chỉ, trách nhiệm có thể giúp con người đi lên bằng con đường học thức và đạt được thành công, tuy vậy vẫn có những hạn chế nhất định. Ông cho rằng vẫn có sự phân biệt rất tế nhị giữa trường đại học danh giá và trường đại học nói chung ở trên thế giới giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ông chỉ ra trên thực tế, số lượng học sinh nghèo ở Harvard chỉ khoảng 1,8% trong khi ở Princeton là 1,3%.

“Chìa khóa dẫn đến thành công chỉ có giá trị tương đối. Chúng ta sẵn sàng công nhận ở trong xã hội vẫn có sự bất bình đẳng. Nhưng cần phải giáo dục cho các em biết rằng họ may mắn có được những điều này và họ có trách nhiệm đóng góp lại cho cộng đồng. Đây là điều chúng ta đang thiếu khi tôn vinh chế độ nhân tài. Những nhân tài cần biết được rằng họ đang ở đâu và từ đâu họ có vị trí này, rằng một mình họ không thể trở nên tài giỏi nếu không có gia đình, cộng đồng và xã hội hỗ trợ. Đây là câu chuyện về giáo dục đạo đức và xác lập lại niềm tin đạo đức”, ông Nam khẳng định.

Thế hệ trẻ với áp lực phải thành công

Mặt tốt của chế độ nhân tài đó là cơ hội và chất lượng học tập được chú trọng và ngày càng tốt hơn. Là một người thuộc thế hệ 8X được đào tạo từ mô hình trường chuyên, lớp chọn, bà Bùi Việt Lâm cảm thấy may mắn vì được học chung với những bạn học giỏi, có động lực rất tốt để phấn đấu. Tuy vậy, sau này khi nhìn lại quá trình học ở trường chuyên ngày trước và bây giờ, bà lại có nhiều suy nghĩ.

“Trường chuyên được hình thành với mục đích rất tốt đẹp, nhưng khi người ta bắt đầu áp dụng những thước đo, nó lại biến thành áp lực cho các trường, các thầy cô và các em học sinh, làm biến tướng mục tiêu của giáo dục đi rất nhiều. Tôi tin rằng trẻ con khi bước chân vào trường học đều có một niềm vui rất trong sáng, nhưng chính vì một cỗ máy sàng lọc, vì bệnh thành tích khiến cho chúng ta càng ngày càng quên mất đi niềm vui ban sơ khi bước chân vào giảng đường”, bà chia sẻ.

Sau này, khi tham gia làm công tác tuyển sinh, được nói chuyện với nhiều bạn trẻ, bà Lâm nhận ra chính các bạn trẻ cũng luôn trăn trở một điều: “Ước gì có những thước đo khác để đánh giá mình”.

 

Người trẻ ngày càng trở nên hoang mang, lạc lối bởi áp lực đồng trang lứa. Ảnh: chaay_tee.

Theo bà, việc đánh giá một người tài giỏi không nên chỉ nhìn qua điểm số, bởi nó giống cây thước kẻ chỉ đo được đường thẳng. Nếu không có những tiêu chuẩn khác để đánh giá năng lực, tiềm năng, vẻ đẹp của các em học sinh, các em sẽ không có cơ hội được sống là chính mình, không có cơ hội để được trở nên khác biệt.

“Cuộc sống của các nhân tài trẻ ai cũng thấy được, lý do mà chúng ta phải đua tranh, là công việc tốt, thu nhập tốt, địa vị xã hội tốt và được sự tôn trọng, ngưỡng mộ từ mọi người. Nhưng nó cũng có mặt trái là những bạn trẻ ngày càng trở nên hoang mang, lạc lối bởi áp lực đồng trang lứa. Luôn sợ rằng bản thân chưa đủ tốt, sợ bị người khác đánh giá, sợ thua kém bạn bè, rồi vì vậy cũng không biết mình thật sự muốn làm gì, muốn trở thành ai”, bà Bùi Việt Lâm phân tích.

Với câu chuyện nhân tài ở Mỹ và câu chuyện giáo dục ở Việt Nam, Tính chuyên chế của chế độ nhân tài được kỳ vọng sẽ khơi ra nhiều vấn đề để thảo luận và gợi mở giải pháp. Thay vì ngạo mạn với tài năng và công trạng của mình, hay quá bi quan vì áp lực đồng trang lứa, chúng ta có thể tìm thấy sự cân bằng giúp vượt lên những thiên kiến về thành công và hạnh phúc hơn.

Theo Zingnews

Tags: