“Dặm đường tôi đi” và dấu ấn Võ Quang Huệ trên hành trình từ BMW, BOSCH đến VINFAST
“Dặm đường tôi đi” và dấu ấn Võ Quang Huệ trên hành trình từ BMW, BOSCH đến VINFAST
Nhắc đến cái tên Võ Quang Huệ người ta lại biết đến ông nhiều dưới danh nghĩa “chiến tướng” của ông Phạm Nhật Vượng, là người có công đầu trong việc đưa những chiếc ô tô “made in Việt Nam” đầu tiên ra mắt công chúng thành công. Những câu chuyện làm nghề, những câu chuyện “thâm cung bí sử” sẽ lần đầu tiên được chính người trong cuộc chia sẻ đến độc giả thoogn qua cuốn sách "Dặm đường tôi đi - Hành trình từ BMW, BOSCH đến VINFAST".
Dặm Đường Tôi Đi - Hành Trình Từ BMW, BOSCH Đến VINFAST
(2 lượt)
Vài năm trước, một nhà báo tên tuổi viết trên Facebook đại ý nói anh Võ Quang Huệ là một trong những người Quảng Nam dễ thương. Nhà báo nói trong một bối cảnh nọ nên chỉ giới hạn trong những người ở một tỉnh miền Trung. Riêng tô thì cho rằng anh Huệ là một người Việt Nam dễ thương, chứ không riêng Quảng Nam. Dễ thương vì anh vui tính, chân thật và hiểu biết, mỗi lần gặp trò chuyện là quên hết thì giờ.

Cho đến khi đọc hồi ký Dặm đường tôi đi, tôi còn thấy anh Huệ dễ thương về nhiều nghĩa khác nữa. Có hoài bão, có ý chí hướng thượng, luôn nỗ lực học tập, rèn luyện bản thân. Anh còn là người rất hạnh phúc vì ngoài việc thành công trên đường đời, anh đã đem được thành quả học tập và kinh nghiệm làm việc tại một xứ tiên tiến đóng góp vào việc phát triển của quê hương. Sự kiện anh thuyết phục Bosch chuyển quyết định đầu tư dự án công nghệ cao từ Trung Quốc sang Việt Nam và nỗ lực giúp VinFast sản xuất ô tô thương hiệu Việt trong 22 tháng là hai trong nhiều mẩu chuyện đọc rất thú vị.

Anh Võ Quang Huệ sinh trưởng trong một gia đình khá giả ở Ngã Tư Bảy Hiền. Nhờ điều kiện kinh tế thuận lợi mà anh sớm làm quen với ô tô, ước mơ sẽ thành một chuyên gia và đóng góp vào việc xây dựng ngành công nghiệp này tại Việt Nam. Cuộc đời của anh sau đó gắn kết chặt chẽ với ngành ô tô.

Sang Đức du học anh chọn ngành cơ khí ô tô. Chế độ học tập đi đôi với thực hành của đại học Đức cùng với nỗ lực cá nhân, khi tốt nghiệp anh đã trở thành một chuyên gia có năng lực. Anh nộp đơn xin việc, được tất cả các công ty ô tô hàng đầu của Đức chấp nhận và anh đã chọn làm việc cho BMW. Sau 25 năm làm việc tại BMW với nhiều cương vị quan trọng tại Đức, Mexico, Ai Cập, anh muốn về Việt Nam làm việc thì đúng lúc Bosch muốn đầu tư ở nước ta nên đã mời anh tham gia. Khoảng 12 năm sau đó, đúng lúc anh chuẩn bị về hưu thì Vingroup tiếp cận, mời anh phụ trách dự án VinFast.

Sự thành công liên tiếp đó là kết quả của nỗ lực học tập không ngừng của anh. Không chỉ cố gắng mà anh biết cách học, biết những gì cần phải học. Thời còn đi học ở Đức trước 1975 anh tham gia tích cực trong phong trào phản chiến nên việc học phải bị sao nhãng. Sau năm 1975 anh quyết chí học trở lại, với tinh thần “khi lựa chọn theo phong trào thì rất mãnh liệt, nhưng khi chấm dứt thì cũng dứt khoát, dành toàn bộ năng lượng tập trung vào học tập và làm nghề một cách đến nơi đến chốn”. Do đó, dù phải vừa làm thêm vừa học mà anh đã thành tài, xin việc ở đâu cũng được chấp nhận.

Tinh thần “dứt khoát” (khi đã có mục tiêu), “tập trung", “đến nơi đến chốn” đã xuyên suốt hành trình nghề nghiệp của anh sau này. Chẳng hạn ta thấy rõ tinh thần đó khi đọc đến đoạn anh đi học thêm tiếng Anh hay việc học hàm thụ ngành quản trị kinh doanh để có thể đảm nhận các chức vụ cần đến các kỹ năng đó. Về học tiếng Anh, khởi đầu bằng nhu cầu phải làm việc với đối tác người Philippines nhưng học rất triệt để, bài bản, từ Đức sang Anh học một khóa ngắn hạn sáu tuần, khi ở Hà Nội thì học lớp ban đêm ở trường chuyên Amsterdam, v.v.. khi đó đã trên 40 tuổi. Khi làm ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của BMW, ý thức được là phải cần kiến thức về quản lý ở cấp cao, anh đã đăng ký học hàm thụ về ngành quản trị kinh doanh ở Đại học Hagen.

Nhờ vốn tiếng Anh và khả năng quản lý, anh được BMW bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo các cơ sở của BMW tại Mexico rồi Ai Cập.

Theo tôi, hai dấu ấn anh Huệ để lại ở Việt Nam là Bosch và VinFast, và cả hai đều là những câu chuyện rất hay, rất thú vị.

Sau một thời gian dài làm việc cho BMW, năm 2006 anh Huệ muốn trở về Việt Nam khởi nghiệp. Đúng lúc Bosch, công ty hàng đầu thế giới về ngành linh kiện ô tô, dự định lập công ty con tại Việt Nam, và anh được Bosch yêu cầu thực hiện dự án này. Anh muốn nhân cơ hội này đóng góp thiết thực vào công nghiệp hóa của Việt Nam nên đã cố gắng thuyết phục Tập đoàn Bosch đầu tư lớn với các cơ sở sản xuất hiện đại, với trung tâm nghiên cứu triển khai. Để thuyết phục được Bosch, anh Huệ đã nghiên cứu các phương án và chuẩn bị rất chu đáo. Anh đã chớp được thời cơ khi biết Bosch có kế hoạch đầu tư lớn ở Trung Quốc. Anh sang Trung Quốc tìm hiểu, so sánh các điều kiện về chính sách giữa Trung Quốc và Việt Nam, mời lãnh đạo Bosch sang thăm Việt Nam, trình bày ưu thế và tính khả thi của Việt Nam, v.v. Cuối cùng anh đã thành công trong việc thuyết phục Bosch chuyển dự án đầu tư từ Trung Quốc đến Việt Nam, đặt ngay nhà máy tại khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai). Đây là dự án đầu tư lớn nhất tại Việt Nam của Âu châu vào thời điểm đó và là dự án sản xuất linh kiện ô tô đầu tiên của Bosch ở Đông Nam Á. Vài năm sau đó, anh lại thuyết phục Bosch lập trung tâm công nghệ và phần mềm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là Trung tâm R&D của Bosch lớn nhất ở Đông Nam Á. Đặc biệt ấn tượng là trung tâm này bắt đầu bằng vài chục người, sau 10 năm đã tăng lên trên 4.000 chuyên gia, gồm nhiều kỹ sư, tiến sĩ cơ khí và phần mềm công nghệ thông tin.

Về VinFast, khi đọc hồi ký này, ta biết được nhiều chi tiết thú vị, chẳng hạn cách tiếp cận người tài của Vingroup, đối thoại giữa Chủ tịch Phạm Nhật Vượng và chuyên gia Võ Quang Huệ trong buổi gặp đầu tiên (năm 2017), tác phong làm việc của ông Vượng với các lãnh đạo của tập đoàn, v.v. Ở đây tôi chỉ bàn về thái độ quyết đoán, tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của anh Huệ. 

Khi nghe ông Phạm Nhật Vượng ngỏ ý muốn lập kế hoạch sản xuất xe thương hiệu Việt trong vòng hai năm và nhờ anh Huệ đảm trách, anh rất bất ngờ vì kinh nghiệm của anh trong ngành ô tô chưa thấy có tiền lệ. Ngay cả BMW, công ty ô tô hàng đầu của Đức, khi đầu tư ở South Carolina (Mỹ) cũng phải mất bốn năm mới cho ra dòng xe đầu tiên. Nhưng trong lòng anh lại trỗi dậy mong ước cháy bỏng từ lâu là sản xuất được xe thương hiệu Việt nên muốn nhân cơ hội này thực hiện mong ước đó. Về tính khả thi, anh chợt nghĩ ngày nay là thời đại toàn cầu hóa, phân công quốc tế đã chuyển sang các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu, một nước muốn sản xuất một ngành công nghiệp không cần phải làm từ đầu và làm tất cả. Ô tô cũng vậy, có thể thuê thiết kế mẫu mã, mua công nghệ và các linh kiện cơ bản rồi tự mình sản xuất theo ý muốn, sau đó sẽ từng bước xây dựng công nghệ hỗ trợ và nghiên cứu triển khai.

Với suy nghĩ đó anh Huệ đã nhận lời, nhưng chỉ đảm nhận phần xây dựng kịch bản công nghệ – kỹ thuật, và quản lý đề án cho đến khi ô tô thương hiệu Việt ra đời, chứ không nhận trọng trách kinh doanh lâu dài. Anh định sau vài năm khi những dòng xe đầu tiên của VinFast ra đời anh sẽ rút lui vì đã đến tuổi muốn nghỉ hưu.

Nhưng để đạt mục tiêu quá lớn trong thời gian ngắn, anh Huệ đã phải làm việc cật lực. Anh kể là trong thời gian làm việc cho BMW và Bosch anh chưa bao giờ mang công việc về nhà, về nhà là dành thì giờ cho gia đình. Nhưng từ khi đảm nhận vai trò chủ chốt của VinFast anh phải bỏ thông lệ riêng ấy. Ngoài ra, trong năm đầu anh phải thường xuyên bay đi Ý,

Đức, Anh, Nhật... với lịch bay dày đặc. Cuối cùng chiếc xe Vin-Fast đầu tiên đã xuất xưởng chỉ sau 22 tháng. Trước khi giã từ VinFast năm 2020, anh Huệ đã góp phần xây dựng trung tâm đào tạo, trung tâm R&D và các kế hoạch tự chủ sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Đối với hiện thực Việt Nam, hồi ký Võ Quang Huệ có ít nhất hai hàm ý quan trọng. Thứ nhất, thành công trên đường đời không nhất thiết phải có bằng cấp cao. Nhất là bằng tiến sĩ chẳng liên quan gì đến năng lực của một chuyên gia giỏi cả lý thuyết và thực hành, của một lãnh đạo công ty thành công. Quan trọng nhất là học đến nơi đến chốn, học thêm những gì

cần thiết cho công việc mới và luôn quan tâm đến văn hóa nghề nghiệp. Thứ hai, hoạt động của Công ty Bosch Việt Nam mà anh Huệ làm Tổng Giám đốc cho thấy thế nào là một dự án đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao. Đây là một bài học, một trường hợp điển hình tiên tiến ở Việt Nam. Dự án FDI chất lượng cao, ngoài trình độ công nghệ cao, phải đến từ một công ty đã xác lập quản trị kinh doanh tiên tiến, xác lập văn hóa và đạo đức trong kinh doanh và luôn giữ chữ tín. Trong môi trường đầu tư còn nhiều mặt tiêu cực ở Việt Nam, những dự án FDI như của Bosch là những điển hình tiên tiến cần được nhân rộng.

Qua các trang tự sự của anh Võ Quang Huệ, tôi cũng cảm nhận anh là người rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì yêu mến cả Việt Nam, nơi anh sinh ra và lớn lên, và nước Đức là nơi đã giáo dục và tạo điều kiện để anh thành danh.

Tokyo, khai bút đầu năm 2024

– TRẦN VĂN THỌ

Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản

Tags: