Chặng đường dài đến với Tự Do
Chặng đường dài đến với Tự Do
Trong khi cha tôi kể lại các trận đánh lịch sử và kể cho chúng tôi biết về các chiến sĩ Xhosa anh hùng thì mẹ khích lệ chúng tôi bằng các bài ngụ ngôn và các truyền thuyết Xhosa được truyền tụng từ nhiều thế hệ. Các câu chuyện này kích thích trí tưởng tượng trẻ con của chúng tôi và thường chứa đựng một bài học đạo đức…Đây là câu chuyện đơn giản, nhưng thông điệp của nó có tính vĩnh hằng - đức hạnh và lòng hào hiệp sẽ được đền đáp hậu hĩnh…
Cuộc đời của những vĩ nhân, những người dũng cảm dám hy vinh luôn luôn hấp dẫn tôi. Vì thế, tôi đọc hồi ký của Nelson Mandela đầy mê mải và đây hẳn là một trong những cuốn hồi ký rất có giá trị. Dù có thể nhiều người sẽ thấy cuốn sách thật buồn tẻ, đơn điệu bởi cái giọng kể đều đều, bình thản, không cường điệu, không hô hào của Mandela nhưng cũng có thể cả một cuộc đời đấu tranh cho dân tộc Phi, cho việc xoá bỏ chủ nghĩa apartheid ở Nam Phi, và việc ngồi tù trong suốt 28 năm (1962-1990) đã làm tính cách và khiến cho văn phong của ông có vẻ trầm hùng kỳ lạ. 

Cuộc đời Nelson Mandela đầy ắp những sự kiện và sự kiện nào cũng đặc biệt. Nelson Mandela sinh ngày 18 tháng 7 năm 1918. Ông từng là chủ tịch ANC, Tổng thống người Phi đầu tiên của Nam Phi, người suốt đời đấu tranh cho nền độc lập và chống chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi và trên toàn châu Phi. Lần theo mọi câu chuyện ông kể về cuộc đời mình, bạn đọc sẽ hiểu toàn bộ sự nghiệp hoạt động chính trị của ông, từ những ngày sống trong bộ tộc Xhosa với câu chuyện cắt bao da qui đầu theo tục lệ truyền thống, đến những ngày tháng học tại ngôi trường truyền thống Fort Hart với những thanh niên dân tộc Phi, đến những chuyến đi mạo hiểm ông ở khắp châu Phi và cuộc chiến đấu cuối cùng ở nhà tù Roblen Island.

Ông viết, “Trong khi cha tôi kể lại các trận đánh lịch sử và kể cho chúng tôi biết về các chiến sĩ Xhosa anh hùng thì mẹ khích lệ chúng tôi bằng các bài ngụ ngôn và các truyền thuyết Xhosa được truyền tụng từ nhiều thế hệ. Các câu chuyện này kích thích trí tưởng tượng trẻ con của chúng tôi và thường chứa đựng một bài học đạo đức…Đây là câu chuyện đơn giản, nhưng thông điệp của nó có tính vĩnh hằng - đức hạnh và lòng hào hiệp sẽ được đền đáp hậu hĩnh…Cuộc đời tôi, giống như phần lớn người Xhosa thời đó, hình thành do phong tục, nghi lễ và sự kiêng kỵ. Đó là điểm khởi đầu và kết thúc của cuộc đời chúng tôi; tất nhiên là như thế. Đàn ông đi theo con đường cha vạch ra, còn phụ nữ, đi theo cuộc đời như mẹ họ ngày trước”. (Trang 19-20) Có lẽ chính những câu chuyện đó, những sự kiện đó đã làm khuôn đúc và bệ đỡ để ông hình thành tư tưởng và định hướng sự nghiệp chính trị của mình.

Đối với những người như Nelson Mandela, cái giá phải trả để giành được vinh quang cũng là quá lớn. 28 năm ngồi tù là một quãng thời gian quá dài, nếu thời trai trẻ là những năm tháng có ý nghĩa trong cuộc đời con người thì đối với ông, đó là ở trong nhà tù. Một nửa cuộc đời của Mandela ở trong tù và là một nửa đáng giá nhất của đời người. Mandela ngồi tù từ năm 34 tuổi đến năm 62 tuổi. Không chỉ có thế, ông lần lượt phải chia tay người vợ đầu tiên của mình vì bà không thể chịu được cuộc sống làm vợ một người như Mandela. Ông cũng không có mặt khi 2 đứa con của ông qua đời. Nhưng trong câu chuyện ông kể, không thể thiếu được câu chuyện về Nomzamo Winifred, người vợ hai, chỗ dựa hậu thuẫn quan trọng của ông. Nhưng chỉ hai năm sau khi ông ra tù, năm 1992, họ lại chia tay nhau. Dường như những người chiến đấu như ông không thể có một đời sống riêng tư ổn định. Như ông nói, “cuộc sống của tôi là tranh đấu, vì thế, có rất ít chỗ cho gia đình. Đó luôn luôn là điều tiếc lớn nhất, và nỗi mất mát đau khổ nhất của cuộc đời tôi”.

Ngay trang đầu tiên, Nelson Mandela viết “Tôi tặng cuốn sách này cho sáu đứa con của mình: Madiba và Makaziwe (con gái đầu lòng), cả hai đều không còn nữa, cho Makgatho, dành cho bố sự ủng hộ và tình yêu thương quí báu; cho 21 đứa cháu và 3 đứa chắt – chúng mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui sướng; và tặng cho các bạn, các đồng chí và bạn chiến đấu Nam Phi của tôi, những người mà tôi phụng sự, những người mà lòng dũng cảm, lòng quyết tâm và chủ nghĩa yêu nước của họ luôn là nguồn cảm hứng của tôi”.

Tôi nhớ tới một câu nói không rõ là của ai đó “Mọi con đường dẫn đến Tự Do đều bắt đầu từ trường học”. Có lẽ con đường dẫn đến Tự Do của ông bắt nguồn từ những năm tháng ấu thơ học trong bộ tộc người Xhosa, rồi học tại Fort Hart. Năm 1993 cùng với de Klerk, ông được giải Nobel Hoà bình. Nhưng sự tự do và bình đẳng của người Phi ở Nam Phi mới là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, là thành quả, là phần thưởng cho cả sự nghiệp chiến đấu của ông.

Dịch giả Nguyễn Văn Đoá đã thực sự dành nhiều công sức cho tác phẩm này khi văn phong dịch của ông sáng sủa, gọn gẽ, không khô cứng mà đầy chất văn chương. Cả hai tập sách hầu như không có lỗi, đó quả thực là điều đáng ngạc nhiên trong bối cảnh dịch thuật và xuất bản hiện nay. Chỉ có một điều đáng tiếc duy nhất đó là cuốn sách không hề có mục lục. Vì thế, nếu bạn có cuốn sách này, xin hãy in mục lục từ phần giới thiệu này và kẹp vào cuốn sách, bạn sẽ đọc cuộc đời Nelson Mandela dễ dàng hơn. Ngoài ra, nếu dịch giả bổ xung thêm một số chú thích về con người, các bộ tộc, các địa danh và các tổ chức của người Phi thì chúng ta hẳn sẽ dễ hình dung và nắm bắt được những điều Nelson Mandela kể.

Trân trọng giới thiệu với các bạn.

Tags: