Lược sử của nhân loại về cảm xúc
Lược sử của nhân loại về cảm xúc
Trong từng trang sách "Lược sử của nhân loại về cảm xúc", Firth-Godbehere đưa độc giả tham gia vào một hành trình hấp dẫn và sâu rộng về vai trò trung tâm thường bị đánh giá thấp của cảm xúc đã diễn ra trong các hình thái xã hội loài người trên khắp thế giới và xuyên suốt lịch sử – từ Hy Lạp cổ đại đến Gambia, Nhật Bản, Đế chế Ottoman, Đế quốc Anh, và hơn thế nữa.

Con người chúng ta thích coi bản thân là những sinh vật có lý trí, với tư cách là một loài đã dựa vào những tính toán và trí tuệ để tồn tại. Nhưng nhiều khoảnh khắc quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta ít liên quan đến lý trí mà liên quan nhiều hơn đến cảm xúc.

Các sự kiện từ nguồn gốc của triết học đến sự ra đời của các tôn giáo lớn trên thế giới, sự sụp đổ của đế chế La Mã, Cách mạng Khoa học và một số cuộc chiến đẫm máu nhất mà nhân loại từng trải qua không thể được hiểu đúng nếu chúng ta không nhận biết và hiểu cảm xúc.

Tác giả tiến sĩ Richard Firth – Godbehere chỉ ra rằng cảm xúc là một khái niệm “mà những người phương Tây nói tiếng Anh đã đặt trong một chiếc hộp cách đây hai trăm năm… cảm xúc là thứ xảy ra trong não được phát minh vào đầu thế kỷ 19.”

Những nhà tư tưởng cổ đại đã nói về tính khí, đam mê hoặc tình cảm – những thuật ngữ cổ xưa giờ được thay thế bằng một thuật ngữ chung duy nhất: “cảm xúc”. Các nhà thần học Kitô giáo sau này, dẫn đầu là Thánh Augustinô, đã kết luận rằng bản thân cảm xúc không tốt hay xấu; giá trị của chúng được xác định dựa trên cách chúng được sử dụng. Bất kỳ cảm xúc nào cũng có thể là tội lỗi nếu được sử dụng vì lợi ích cá nhân.

Trong thời hiện đại, chúng ta gần như đã loại bỏ ý tưởng phổ biến rằng kiểm soát cảm xúc là dấu hiệu của người văn minh. Ngày nay, thể hiện cảm xúc là điều có thể chấp nhận được và ngay cả những ham muốn vật chất (tức là “sự thèm muốn”) cũng không sao nếu một người thể hiện “khẩu vị tốt”.

Trong từng trang sách Lược sử của nhân loại về cảm xúc, Firth-Godbehere đưa độc giả tham gia vào một hành trình hấp dẫn và sâu rộng về vai trò trung tâm thường bị đánh giá thấp của cảm xúc đã diễn ra trong các hình thái xã hội loài người trên khắp thế giới và xuyên suốt lịch sử – từ Hy Lạp cổ đại đến Gambia, Nhật Bản, Đế chế Ottoman, Đế quốc Anh, và hơn thế nữa.

Ông bắt đầu ở Hy Lạp cổ đại với những triết gia nổi tiếng mà các tác phẩm của họ đã định hình bức tranh trí tuệ của châu Âu và kết thúc với khả năng của trí tuệ nhân tạo có cảm xúc. Ở giữa, ông đi từ cơn thịnh nộ của một nữ hoàng châu Phi đến sự sỉ nhục của một Trung Quốc bị tàn phá bởi thuốc phiện, từ nỗi sợ hãi đã thúc đẩy các cuộc săn lùng phù thủy đến niềm tự hào đã thúc đẩy Cuộc đua không gian. Hãy xem cảm xúc luôn chiếm vị trí trung tâm như thế nào trong hành trình này.

Mặc dù được mô tả như một cuốn sách lịch sử, nhưng Lược sử của nhân loại về cảm xúc đi sâu phân tích và trình bày cả những kiến thức trong tâm lý học, khoa học thần kinh, triết học, nghệ thuật, để từ đó minh họa sống động cách hiểu và trải nghiệm cảm xúc của loài người đã thay đổi như thế nào theo thời gian, và niềm tin của chúng ta về cảm xúc. Cho đến khi trang cuối cùng được gấp lại, chúng ta sẽ thấy cách các cảm xúc đã định hình sâu sắc về loài người hiện đại cùng thế giới chúng ta đang sống ra sao.

Nhiều học giả dường như đã đọc và tìm hiểu mọi thứ về chủ đề họ chọn, nhưng hiếm khi tìm được người có thể biến cơ sở dữ liệu khổng lồ này thành một cuốn sách thú vị, hấp dẫn, và dễ tiếp cận. Paul Johnson và Yuval Noah Harari đã làm được điều đó; và nay là Firth-Godbehere. Không ngạc nhiên khi cuốn sách này đã được xuất bản bằng hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới.

Tiến sĩ Richard Firth-Godbehere là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về cảm xúc. Ông cũng là một nhà nghiên cứu và tư vấn độc lập về lịch sử, ngôn ngữ, khoa học và triết học về cảm xúc, đồng thời là Nghiên cứu viên danh dự tại Trung tâm Lịch sử Cảm xúc, Đại học Queen Mary London. Ông đã nhận được bằng tốt nghiệp xuất sắc của Đại học London. Sau đó, Firth-Godbehere đã giành được hai giải thưởng về nghiên cứu xuất sắc, cùng với bằng Thạc sĩ của Đại học Cambridge và bằng Tiến sĩ của Đại học Queen Mary London.

Tags: