Cuốn bách khoa về ma quỷ Việt Nam: Ma quỷ dân gian ký
Cuốn bách khoa về ma quỷ Việt Nam: Ma quỷ dân gian ký
Cuốn sách “Ma quỷ dân gian ký” là một trong số ít những công trình hiếm hoi đề cập đến những câu chuyện về ma quỷ được truyền miệng văn hóa dân gian Việt Nam, không chỉ là trong văn hóa của dân tộc Việt mà còn trong văn hóa của những dân tộc thiểu số khác ở nhiều vùng miền.

Hầu hết người Việt Nam đều có ít nhất một vài lần nghe nói đến ma quỷ. Nhiểu người lúc thơ bé còn thưởng xuyên được người lớn kể cho những câu chuyện này với mục đích răn dạy, thậm chí là ... dọa nạt, để trẻ không làm một vài việc nguy hiểm nào đó. Lớn lên, có người phớt lờ những câu chuyện này vì không yêu thích hoặc sợ hãi; có người lại tò mò muốn nghe nhiều hơn dù sợ hãi...

Với những người thích tìm hiểu về chủ đề này thì "Ma quỷ dân gian ký" là một cuốn sách đáng chú ý. Đây là một bộ du khảo tập hợp các loài ma quỷ và hiện tượng tâm linh trong văn hoá truyền miệng ở Việt Nam, được chia làm các chương nhỏ, đi kèm với tranh vẽ theo phong cách dân gian hiện đại.

Mỗi chương sẽ gồm một chủ đề, với minh hoạ sống động và những thông tin đầy đủ về định nghĩa, đặc tính và niềm tin dân gian về các loại ma quỷ. Cuối sách là phần phụ lục các sáng tác thơ truyện liên quan đến ma quỷ dân gian.

Đây là tác phẩm mới được ra mắt của Họa sĩ Duy Văn và các công sự. 

Họa sĩ Duy Văn

Họa sĩ Duy Văn và các cộng sự đã cất công sưu tầm những truyện xưa tích cũ từ trong sách vở, các chuyến điền dã và cả từ hiểu biết của những người xung quanh. Kể từ đó, anh lập nên một bảng danh sách các loài ma quỷ và hiện tượng tâm linh ở Việt Nam.

Điểm đặc biệt là anh đã thổi được hồn cốt dân gian vào tác phẩm qua những nét vẽ kết hợp lối vẽ doodle và lối vẽ tranh dân gian như: Đông Hồ, Hàng Trống, Đồ Thế.... Trong lời giới thiệu, tác giả cho biết động lực lớn nhất của anh là để phát huy một nét văn hoá đã tồn tại từ lâu, nhưng thường đi theo những cấm kị, không được công nhận đúng mức; trong khi các nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc đều có những sự bảo tồn với văn hoá ma quỷ của họ thông qua các hình thức diễn trình, hoặc khai thác làm phim ảnh, thương mại.

Họa sĩ Duy Văn cho biết:

Nhiều câu chuyện ma ở Việt Nam hiện nay bị phóng đại lên khá nhiều vì bị hòa trộn bởi nhiều nền văn hóa khác nhau. Các hiện tượng tâm linh Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Nhật Bản, Trung Quốc... nên sai khác khá nhiều so với những tư liệu gốc của ông bà ta từ xưa. Ví dụ ma thì lúc nào cũng phải áo trắng tóc dài hay có những yếu tố mang tính hù dọa, hoặc là ma thường hại người, rồi những con quỷ có nanh vuốt ghê rợn. Những chi tiết đó đi xa hơn khá nhiều những kiến thức tâm linh ông bà ta đang lưu trữ”.

Trong khi:

"Ông bà ta dùng những hình ảnh ma quỷ để răn dạy con cháu một cách khéo léo. Thuở xưa nạn bắt cóc nhiều người ta nghĩ ra ông ba bị để con cái ngoan ngoãn ở nhà, không quấy phá. Nếu đời sống thôn quê có nhiều thành phần tiểu tiện bừa bãi mà không xử lí, chúng ta có Ma Lai, sẽ ăn phân và gây chết do đứt ruột. Từ đó mọi người chú ý giữ vệ sinh hơn. Đó chính là ý nghĩa nhân văn của ma quỷ trong dân gian.” 

"Ma quỷ dân gian ký" được đánh giá là một bộ sách tiên phong về lĩnh vực vừa quen vừa mới lạ với văn hoá Việt. Cuốn sách là nguồn tham khảo cực kì phong phú và đáng giá cho những cá nhân, tập thể làm các dự án sáng tạo ở Việt Nam, như nhà văn Di Li nhận xét: “Ma Quỷ Dân Gian Ký không chỉ là một cuốn sách để đọc, để cảm thấy thú vị mà còn là tư liệu tốt cho những nhà văn đang viết truyện kinh dị, hoặc các thể loại văn học có yếu tố huyền ảo”.

 

Tags: