Các đế chế ngôn từ - Lịch sử thế giới nhìn từ góc nhìn ngôn ngữ
Các đế chế ngôn từ - Lịch sử thế giới nhìn từ góc nhìn ngôn ngữ
“Ngôn ngữ, điềm lành, giống như một thứ cây dây leo, tâm trí ai mà không bị nó thuyết phục?” - Các đế chế ngôn từ.

Cuốn sách "Các đế chế ngôn từ" mở đầu bằng thời điểm mà tác giả cho rằng có tác động c.h.ế.t người khi, trong một cuộc chạm trán đầy kịch tính trên con đường đắp cao băng qua một hồ nước ở Mexico, Hernan Cortes đã gặp Montezuma, và sau khi họ tán dương nhau bằng ngôn ngữ riêng, ông bắt đầu quá trình thuộc địa hóa của mình.

Các sự kiện khác cũng có thể phục vụ mục đích của Nicholas Ostler trong công trình nghiên cứu “lịch sử thế giới qua góc nhìn ngôn ngữ” của ông: Thuyền trưởng Cook gặp thổ dân ở Queensland, hoặc một người Ấn Độ đặt chân lên đất Campuchia vào thế kỷ thứ nhất, và từ đó đưa tiếng Phạn vào Đông Nam Á. Ông nói rằng trong cả hai trường hợp đều có cộng đồng ngôn ngữ này xen vào giữa cộng đồng ngôn ngữ khác, và tiến trình lịch sử đều đã thay đổi.

Ostler đã mở ra một con đường phân tích lịch sử mới, nơi “các động lực ngôn ngữ” trở thành một công cụ để nghiên cứu xã hội. Ông lập luận rằng các cộng đồng ngôn ngữ đóng vai trò lớn hơn trên sân khấu thế giới so với các quân vương và chính khách. Ông đã trích dẫn câu trả lời của Bismarck năm 1898 khi được hỏi về một sự kiện quan trọng trong lịch sử gần đây: “Bắc Mỹ nói tiếng Anh.” Các liên minh đã tạo thành lịch sử thế kỷ 20 là một minh chứng lâu dài cho câu nói đó.

Tác giả "Các đế chế ngôn từ" Nochilas Ostlter. Ảnh. FEL

Ostler xem xét sự thăng trầm của các ngôn ngữ, cùng lý do một số ngôn ngữ bén rễ còn số khác lại lụi tàn. Ông phá bỏ giả định rằng sức mạnh quân sự và kinh tế là chìa khóa. Ông đặt ra nhiều câu hỏi, chẳng hạn như: Tại sao tiếng Sogdia – ngôn ngữ của các thương nhân hùng mạnh trên Con đường Tơ lụa - lại không bao giờ bén rễ? Tại sao sau 500 năm cai trị của La Mã, người Hy Lạp, Syria và Ai Cập vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Hy Lạp chứ không phải tiếng Latin?

Ngược lại, làm thế nào mà tiếng Phạn lại được sử dụng trên khắp Đông Nam Á trong khi nó xuất hiện mà không cần binh đao? Mặt khác, sự lan rộng của tiếng Phạn được trợ lực bởi những giáo lý Phật giáo viết bằng chính ngôn ngữ này. Tôn giáo chính là chìa khóa. Tương tự, không thể tưởng tượng được Hồi giáo sẽ ra sao nếu không có phương tiện truyền bá là tiếng Ả Rập.

Ostler gợi ý rằng sức hút tuyệt đối của một ngôn ngữ có thể thúc đẩy sự trỗi dậy của nó, với tiếng Anh là ví dụ hiện đại điển hình, còn tiếng Nga, thứ tiếng đang mất dần vị thế ở nhiều vùng đất mà nó từng thống trị thì ngược lại. Tại các quốc gia mới nổi ở Trung Á, vốn bị ràng buộc với nhau bởi ngôn ngữ chung của Nga, ngôn ngữ thứ hai hiện nay cũng là tiếng Anh.

Như Ostler đã chỉ ra, sẽ là hấp tấp nếu cho rằng tiếng Anh sẽ duy trì được vị thế độc tôn hiện tại. Gần đây, một cột mốc quan trọng đã lan truyền trên internet, khi lần đầu tiên lưu lượng truy cập bằng tiếng Anh vượt quá tổng lượng truy cập bằng các ngôn ngữ khác. Hơn nữa, những cư dân đơn ngữ của thế giới nói tiếng Anh thể hiện sự tự mãn hiếm có; hầu hết mọi nơi khác, đa ngôn ngữ vẫn là tiêu chuẩn.

Bằng mọi quy luật được đưa ra, cuốn sách này hấp dẫn ở độ chi tiết, cùng với các loại chữ viết và bản dịch của nó.

Tiếng Phạn có câu châm ngôn như sau: “Ngôn ngữ, điềm lành, giống như một thứ cây dây leo, tâm trí ai mà không bị nó thuyết phục?”

Tác giả cuốn sách

Nicholas Ostler (sinh năm 1952) tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, triết học và kinh tế học tại Balliol College, Oxford, sau đó nhận bằng Tiến sĩ ngôn ngữ học và tiếng Phạn tại Viện Công nghệ Massachusetts dưới sự hướng dẫn của nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky. Ông hiện là Chủ tịch của Tổ chức bảo tồn các ngôn ngữ đang bị đe dọa (Foundation for Endangered Languages), Anh, và là tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị như Ad Infinitum (2007), The Last Lingua Franca (2010), Password to Paradise (2016)...

Theo Micheal Church

Tags: