Tại sao bạn lại không thể thay đổi chính mình? Bởi toàn bộ ý tưởng về sự thay đổi chỉ đơn giản là một sự ngẫu hứng, một thứ ngẫu nhiên nào đó bạn tự tạo ra để khiến mình cảm thấy tốt hơn (hoặc tệ hơn).
Ngày hôm qua, tôi đã viết một bài báo. Hôm nay, tôi cũng vậy. Thế thì liệu tôi có thay đổi gì không?
Cả có và không đều là câu trả lời, phụ thuộc vào cách tôi định nghĩa thế nào là thay đổi. Về mặt kỹ thuật, bạn vừa thay đổi lại vừa không hề thay đổi. Điều đó chỉ phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận vấn đề. Điều khiến bạn quyết định đó là thay đổi hay không nằm ở sự tưởng tượng được vẽ lên trong đầu bạn.
Tôi có thể quyết định rằng “Thay đổi bản thân” có nghĩa là có 1 tỷ đô. Và sau đó tôi sẽ loanh quanh mãi với việc đánh bại chính bản thân mình và chẳng có nổi khả năng để “thay đổi” phần đời còn lại nữa. Do vậy, đó chẳng phải một định nghĩa hữu ích.
Hoặc tôi cũng có thể cho rằng “Thay đổi bản thân” có nghĩa là không chấm khoai tây chiên với tương cà nữa. Nếu thế, sự thay đổi thực dễ dàng. Nhưng định nghĩa về “thay đổi” lúc này còn ý nghĩa gì nữa không? Chắc là không rồi.
Thay đổi là gì?
Khi mọi người nằm xung quanh rên rỉ với các bác sĩ trị liệu hay vợ cũ rằng họ cuối cùng sẽ "thay đổi" bản thân, họ đang hứa hẹn một điều gì đó tưởng tượng và giả tạo. Nếu họ đã từng nói dối và bây giờ ngừng nói dối, họ đã "thay đổi" chưa? Đó có phải một hẹn ước vĩnh viễn và cố định? Họ sẽ không bao giờ nói dối nữa? Và ngay cả khi họ không làm thế, liệu nó có quan trọng không? Xin hãy cho chúng tôi — hàng triệu người vợ cũ đang bực mình được biết.
Chúng ta không biết thay đổi là gì bởi vì chúng ta không biết chúng ta là cái quái gì. Nếu tôi thức dậy vào ngày mai và làm điều ngược lại với tất cả những gì tôi làm hôm nay, tôi có phải là người đã thay đổi không? Hay tôi chỉ đơn giản là cùng một người quyết định thử những điều khác nhau?
Và quan trọng hơn là, ai quan tâm?
Tôi thì không rồi. Và chắc các bạn cũng thế cả.
Đây chính là vấn đề với từ “thay đổi”: Nó liên quan đến cả nhân dạng (identity) của chính bạn. Và một khi có liên quan đến nhân dạng, bạn sẽ trở nên thực sự gắn bó với những điều tưởng tượng. Bạn ném những điều phù hợp, tự đánh bại chính mình, đổ lỗi cho người khác và quyết định rằng thực tế là bạn chỉ là một mảnh nhảm nhí vô giá trị không có hy vọng trong cuộc sống này.
Có người nói thế này: “Tôi muốn đi tập gym hằng tuần”. Lại cũng có thể nói thế này: “Đã đến lúc tôi thực sự thay đổi và trở thành mẫu người sẽ đi tập gym hằng tuần rồi”.
Câu đầu thì thật đơn giản. Bạn muốn đi tập gym. Ừ thì đi thôi (hoặc không).
Nhưng câu thứ hai thì thể hiện rằng bạn sẽ đi tập gym, bạn phải toàn tâm toàn ý tái phát triển lại mình. Và nó sẽ cực kì khuấy động cảm xúc và quyết tâm. Nếu bạn thành công (thực ra là không đâu), bạn sẽ có được cảm giác hạnh phúc khi được “tân trang” lại chính mình, điều này sẽ kéo dài đến lần tiếp theo bạn cảm thấy điên rồ và muốn “thay đổi” lần nữa. Nếu bạn thất bại, bạn sẽ tự trách bản thân mình vì thói lười biếng không thể tha thứ.
Và đó là vấn đề liên quan đến việc nhận dạng danh tính của bạn. Nếu/Khi bạn thất bại ở một cái gì đó, bạn bắt đầu suy nghĩ: "Có lẽ tôi đang đùa cợt bản thân mình. Có lẽ tôi không phải là một trong những tuýp người tập gym kia. Có lẽ chỉ đơn giản vì đấy không phải kiểu của mình thôi. Thế nên thôi thử làm gì nữa?” Vì bạn đã quyết định những hành động tùy ý này đại diện cho tính toàn bộ tính cách của bản thân, bạn sẽ nhìn nhận thất bại của mình và cố gắng nhấc mông dậy, xỏ chân vào chiếc quần yoga như một phán quyết về giá trị của bạn trên tư cách một con người. Bạn sẽ ghét bản thân mình. Và bạn sẽ ít có động lực để “thay đổi” hoặc làm bất cứ điều gì khác trong tương lai.
Mặt khác, nếu bạn thành công, thì giống như tất cả các loại thuốc, bạn sẽ đạt được mức thỏa mãn cao và nhanh chóng thoát ra khỏi những kìm nén của bản thân. Nhưng sớm thôi, khi những thỏa mãn ấy giảm đi, bạn sẽ lại cần tìm cho mình một loại “thay đổi” khác và theo đuổi chúng. Bạn sẽ có thể trở thành một kẻ nghiện thay đổi bản thân, như cách mà Erics Clapton nghiện cocain hay Edgar Allan Poe nghiện rượu và chết vì ngã úp mặt xuống mương nước.
Đây có một cái tips xịn xò cho bạn này: Chẳng có cái gì gọi là “tuýp người tập gym” hết. Chỉ có những người đi tập gym. Tương tự, cũng chẳng có cái gì gọi là “tuýp người hiệu quả” cả. Đó chỉ là những người thường làm mọi thứ một cách hiệu quả thường xuyên thôi. Chẳng có ai được gọi là “tuýp người đáng yêu”, chỉ có những người không ích kỷ.
Vấn đề không phải lúc nào cũng là ở bạn (Thực tế, hiếm khi thế lắm)
Trong cuốn sách “Nghệ thuật của việc đếch quan tâm”, tôi có viết về tầm quan trọng của việc duy trì một nhân dạng càng ít xác định càng tốt. Đó là bởi vì khi chúng ta liên quan đến nhân dạng của mình - khi chúng ta quyết định một vài hành vi hay đại diện nhất định như giá trị của mình dưới tư cách một con người - thì mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn một cách cảm tính. Và khi mọi chuyện thành ra như vậy, chúng ta chẳng chú ý được gì khác hơn những ngỡ ngẩn ngu si.
Thay vào đó, hãy nghĩ rằng cuộc đời bạn chỉ đơn thuần là một kết quả dài hạn của những hành động và quyết định mà thôi. Nếu bạn giống như mọi người thì đa số những hành động này mới chỉ là gần tối ưu mà thôi. Và hầu hết điều mà chúng ta ngụ ý khi nói rằng mình muốn “thay đổi” bản thân chỉ đơn giản là chúng ta muốn đưa ra những quyết định và hành động tối ưu hơn một chút.
Đã rất nhiều năm, tôi ghét buổi sáng. Hầu như cả cuộc đời mình, tôi đều dậy muộn. Điều này phần nào đã gây ra một đống rắc rối. Tôi phải làm việc cả ngày, rồi sau đó còn phải ngồi tới nửa đêm để làm việc tiếp. Sau đó tôi sẽ mệt mỏi và ức chế kinh khủng cả ngày hôm sau. Thế là tôi lại phải thức khuya vào ngày hôm sau để cố gắng làm cho xong mọi việc. Cho đến cuối tuần, tôi gần như mệt muốn chết. Bởi vậy, để giải thoát, tôi lại ra ngoài uống rượu, tiệc tùng linh đình thả cửa - điều mà trên thực thế chỉ làm tôi đuối hơn trong cả tuần sau.
Bằng cách nào đó tôi vẫn xoay xở để tạo dựng cho mình một sự nghiệp đàng hoàng. Đừng hỏi tôi làm như thế nào nhé (Câu trả lời là cả một xe thùng caffein ấy). Nhưng thay vào đó tôi nhận ra rằng tôi vẫn làm tốt mọi chuyện bất chấp những thói quen xấu của mình, tôi làm vì bản thân. Tôi biến nó trở thành một phần của mình và quyết định đó là nhân dạng của chính mình. Tôi tự nhủ: “Ờ, mình tệ thật đấy. Nhưng con mẹ nó chứ cái việc dậy sớm, con mẹ nó cái việc đi ngủ sớm. Mình cần đếch gì chứ? Nhìn con xem mẹ ơi, con có thể làm việc cả đêm mà!”
Và bạn chỉ có thể làm thế khi 22 tuổi, không phải 32.
Vào lúc tôi U30, tôi bắt đầu vật lộn với năng suất làm việc của chính mình. và thay vì nhận ra thói quen tệ lậu của mình, tôi nói với bản thân: “Tốt thôi, mình chỉ đơn giản không phải là tuýp người của buổi sáng.” “Ồ, tôi không làm theo mấy cái lịch trình buổi sáng được.” Nếu tôi không nhận ra điều đó thì nó tương đương với việc tôi đã từ bỏ trước cả khi bắt đầu. Những lúc tôi cố gắng dậy sớm hay tập thể dục hay ăn uống lành mạnh, tôi luôn vật lộn đấu tranh và tự nhủ: “Thấy không? Buổi sáng đếch dành cho mình tí nào cả.”
Cuối cùng, tôi vẫn phải vượt qua chính mình. Tôi phải quyết định, bạn biết đấy, rằng tôi không biết mình là thằng quái nào hay tôi đang làm quái gì, nhưng tôi biết rằng dù theo khía cạnh lịch sử hay khoa học hay thần thoại, và bất kỳ ai không phải một kẻ ngu đều biết, rằng dậy sớm và bắt đầu một ngày mới với một lịch trình đơn giản và tươi đẹp chính là một cách sống khỏe mạnh và hiệu quả.
Và thế là tôi bắt đầu làm. Tôi gạt bỏ cái nhân dạng cũ rích của mình đi bởi đây rõ ràng là một việc nên làm. Giờ đây tôi dậy sớm. Và tôi suy nghĩ (một cách khá thường xuyên), ăn một chút rau xanh và viết lách ngay khi có thể.
Và điều đó liệu có biến tôi thành “tuýp người của buổi sáng” hay không? Có khiến tôi trở thành “tuýp người hiệu quả” hay không? Ai mà biết được cơ chứ? Cũng làm gì có ai quan tâm? Tôi thì không rồi. Bởi đó là do tôi vốn chẳng quan tâm đến việc tôi có thể làm điều đó.
Giữ cái “tôi” của bạn tránh xa những quyết định, bởi vì nhiều khả năng, đó không thực sự “vì bạn” đâu. Chỉ cần đơn giản hỏi bản thân mình rằng: “Điều này có tốt không?” Có à, thế làm thôi!
Và nếu bạn thất bại? Đó vẫn là một điều tốt chứ? Nếu có thì làm lại thôi. Và nếu, tại bất kì một lúc nào đó, bạn lại nhận ra có chẳng tốt như bạn từng nghĩ thì khi đó hãy dừng lại.
Hết chuyện.
Thay đổi hành động của bạn, đừng thay đổi chính bạn
Hầu hết chúng ta cảm thấy bị mắc kẹt trong những thói quen nhất định bởi ta thường hay chìm trong những thói quen thiếu lành mạnh một cách đầy cảm tính. Một người hút thuốc không chỉ hút thuốc. Họ phát triển một thứ nhân dạng của mình xung quanh việc hút thuốc, làm thay đổi cuộc sống xã hội, thói quen ăn uống ngủ nghỉ, cách họ nhìn nhận bản thân mình và những người xung quanh. Họ trở thành “tuýp người hút thuốc” đối với gia đình và bạn bè, họ phát triển mối quan hệ với thuốc là giống như cách bạn và tôi phát triển một mối quan hệ với thú cưng hay đồ chơi yêu thích.
Khi một ai đó quyết định “thay đổi” bản thân họ và từ bỏ việc hút thuốc, họ về cơ bản là đang cố gắng “thay đổi” toàn bộ nhân dạng của chính mình - tất cả những mối quan hệ, thói quen và những giả định đã được đặt ra suốt ngần ấy năm để làm một điều kỳ lạ. Nên chẳng có gì thắc mắc khi họ thất bại.
Bí quyết bỏ thuốc là (hoặc thay đổi thói quen) là nhận ra nhân dạng của chính bạn - khuôn khổ tinh thần phức tạp mà bạn nghĩ ra và gắn cái “tôi” của mình - rằng nó không thực sự tồn tại. Nó là tùy ý, là bề nổi mà thôi, và nó có thể được nâng lên hoặc giảm đi hoàn toàn theo ý muốn. Bạn không phải là tuýp người hút thuốc, bạn chỉ đơn giản là lựa chọn việc hút thuốc. Bạn không phải tuýp cú đêm, bạn chỉ là người lựa chọn việc hoạt động vào ban đêm và ngủ vùi vào buổi sáng. Bạn không phải là tuýp người năng suất kém, bạn chỉ là đã lựa chọn những việc không mấy hữu ích. Bạn cũng chẳng phải là tuýp khó gần, chỉ là bạn tạm thời cảm thấy không được yêu thương.
Và việc thay đổi những hành động này cũng đơn giản như chính việc … thay đổi hành động của bạn vậy. Mỗi lần một chút. Quên chuyện “phông bạt”, quên trách nhiệm xã hội đi bởi trên thực tế, việc chia sẻ ý tưởng của mình với một người thường gây phản tác dụng. Hãy quên đi việc để ý quá mức đến những gì người khác nghĩ về bạn, bởi có quá nhiều người không biết bạn là ai, kể cả chính bạn. Nhân dạng của bạn chỉ là thứ được dựng lên dựa trên những gắn bó cảm xúc, là ảo ảnh trong sa mạc, là chai tương cà trong chiếc tủ lạnh rống tuếch.
Và cách nhanh nhất để thay đổi bản thân bạn là nhận ra rằng, bạn chẳng có gì để mà thay đổi cả.
Theo Mark Manson.