Đọc 'Leonardo Da Vinci' để chiêm ngẫm hành trình sống của một vĩ nhân kiệt xuất
Đọc 'Leonardo Da Vinci' để chiêm ngẫm hành trình sống của một vĩ nhân kiệt xuất
“Leonardo Da Vinci” là cuốn sách mở đầu cho “Tủ sách nghệ thuật” của Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam.

Trang bìa cuốn sách là bức tranh sơn dầu được cho là chân dung của Leonardo Da Vinci do một hoạ sĩ vô danh vẽ vào khoảng những năm 1600. Bức hoạ này hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Uffizi, tại thành phố ngàn năm tuổi nước Ý, Florence, nơi được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất châu Âu.

Trong ấn phẩm đặc biệt này, Công ty Omega đã in màu toàn bộ ruột sách bằng giấy Couche Matt của Nhật. Bìa áo ôm được cán sần UV láng bóng, thúc nổi tên sách và tên tác giả, với kỹ thuật in hiện đại tiên tiến, giữ nguyên thiết kế bìa của bản gốc. Ngoài ra, bìa cứng được ép nhũ dòng chữ “LEONARDO DA VINCI” trên loại giấy ganh vân sần chuyên dụng, chất lượng, bồi cartoon.

Trong suốt 64 năm sinh sống ở Ý, Leonardo Da Vinci chưa bao giờ được xem là một vĩ nhân hay thiên tài. Chỉ khi đến Pháp, ông mới được coi là hiện thân cho một trí tuệ xuất chúng, vừa là hoạ sĩ, nhà thơ, triết gia, nhà văn, nhà tổ chức biễu diễn ở các lễ hội, nhà khoa học, kỹ sư, nhà sáng chế, nhà giải phẫu học, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị, nhà thực vật học lại vừa là nhạc sĩ.

Điều khiến ông trở nên khác biệt so với những người thông minh, xuất chúng chính là năng lực sáng tạo, khả năng sử dụng trí tưởng tượng để lĩnh hội kiến thức. Tất cả chúng ta đều nhìn thấy các chú chim bay lượn tự do trong không gian nhưng bạn đã bao giờ dừng lại để quan sát và trả lời câu hỏi liệu một chú chim có nâng cánh lên cao với tốc độ bằng với khi nó đập cánh xuống hay chưa? Leonardo đã quan sát hiện tượng đó và đưa ra câu trả lời rằng, điều này tuỳ thuộc vào mỗi loài chim. Không dừng lại ở đó, sau hai mươi năm quan sát, ông đã tập hợp những ghi chú của mình thành một luận thuyết hoàn chỉnh. Luận thuyết này mở đầu bằng các khái niệm về trọng lực và mật độ, kết thúc với tiên liệu về sự ra đời của một thiết bị bay mà ông thiết kế và so sánh các bộ phận của nó với các bộ phận trên cơ thể của một chú chim.

Một điểm khác tạo ra nét riêng biệt ở thiên tài Leonardo nằm ở tính đa dạng. Không ai lại sáng tạo trên nhiều lĩnh vực được như ông. Ông vừa là hoạ sĩ của 15 tác phẩm hoàn thiện như Mona Lisa, Bữa tiệc cuối cùng, Đức Mẹ với cây kéo sợi, Nàng Leda và con thiên nga… vừa là người vẽ các hình giải phẫu đẹp vô song dựa trên rất nhiều ca mổ xác người, nghĩ cách nắn dòng các con sông, giải thích hiện tượng phản chiếu ánh sáng từ Trái Đất tới Mặt Trăng, mổ phanh quả tim đang đập của một con lợn để quan sát hoạt động của các tâm thất, thiết kế các nhạc cụ âm nhạc, dàn dựng các buổi trình diễn, dùng các mẫu hoá thạch để giải thích về cơn Đại hồng thuỷ, và sau đó còn vẽ cơn Đại hồng thuỷ đó…

Leonardo từng viết rằng “Một ngày có ích mang lại một giấc ngủ ngon”, “vậy nên một đời lao động chăm chỉ mang lại một cái chết yên bình”. Và “cái chết yên bình” đã đến với ông vào ngày 2 tháng 5 năm 1519, ba tuần sau sinh nhật lần thứ 67 của ông.

“Leonardo được chôn tại nhà thờ của Lâu đài Amboise, nhưng vị trí hiện tại của nó lại là một bí ẩn khác. Nhà thờ đó đã bị phá đi vào đầu thế kỷ XIX, sáu mươi năm sau, khu vực đó bị đào xới, và người ta tìm thấy những mẩu xương có thể là của Leonardo. Đám xương được chôn trở lại tại nhà nguyện Thánh Hubert cạnh lâu đài và trên thành mộ có in dòng chữ nói rằng đây là nơi lưu giữ “xương cốt được cho là” của Leonardo.

Như vẫn luôn là vậy với Leonardo, trong nghệ thuật và trong cuộc đời ông, cả lúc ông sinh ra lẫn khi qua đời, vẫn luôn có một tấm màn bí ẩn. Chúng ta không thể vẽ chân dung cuộc đời ông bằng những đường nét rõ ràng, mà cũng chẳng nên làm như vậy, bởi ông cũng không muốn vẽ Mona Lisa theo cách đó. Có gì đó thật đẹp khi ta dành lại một chút cho trí tưởng tượng của riêng mình. Leonardo biết rằng những viền nét của thực tế chắc chắn mờ nhoà. Cách tốt nhất để ta tiếp cận cuộc đời ông chính là dùng cách mà ông đã tiếp cận thế giới: đầy tò mò và ngưỡng vọng những điều kỳ diệu vô biên”.

Trên tất cả, điều khiến người đọc cảm nhận được sự vĩ đại của Leonardo Da Vinci không phải chỉ là bức hoạ Mona Lisa, Bữa tiệc cuối cùng hay hàng ngàn trang sổ tay ghi chép cùng chú thích chi tiết của ông, những màn trình diễn công phu do ông tạo ra mà quan trọng hơn còn ở cách ông đã sống hết mình, làm việc một cách chân chính, dành trọn cuộc đời cho đam mê, lý tưởng của mình tới tận những giây phút cuối cùng. Và vì vậy, cuốn sách này dành cho tất cả mọi người. Nó đã phá vỡ định kiến cho rằng, “Nghệ thuật chỉ dành cho công chúng cao cấp và có chuyên môn”.

Để có thể hoàn thành cuốn tiểu sử đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Leonardo Da Vinci, nhà văn, nhà báo người Mỹ, Walter Isaacson (sinh năm 1952) đã dành ba năm khảo cứu tỉ mỉ trên 7.200 trang ghi chép các ý tưởng và phác thảo của Leonardo đồng thời tham khảo nhiều phân tích của các nhà nghiên cứu khác.

Ông Walter Isaacson từng giữ chức Giám đốc điều hành của Viện Aspen – tổ chức nghiên cứu chính sách và giáo dục có trụ sở tại Washington D.C, Chủ tịch của CNN và Chủ bút tờ Time. Ngoài Leonardo Da Vinci, ông cũng là tác giả của các cuốn Hồi ký Steve Jobs; Einstein: Cuộc đời và vũ trụ; và Tiểu sử Kissinger. Vào năm 2012, nhà báo Walter được xướng tên trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất do tờ Time bình chọn. Một năm sau đó, ông được Hội Nghệ thuật Hoàng gia Mỹ trao tặng Huy chương Benjamine Franklin. Và vào năm 2015, ông tiếp tục được Đại học Vanderbilt tặng Huy chương Nichols-Chancellor. Walter Isaacson từng tự hào rằng, cuốn sách Leonard Da Vinci là đỉnh cao trong sự nghiệp viết lách của ông.

Jenny

Tags: