Những câu hỏi như vậy và vô vàn những vấn đề nóng hổi, thú vị khác sẽ lần lượt được giải đáp khi bạn đọc hết những cuối sách dưới đây:
“Siêu dự báo – Những phương pháp dự đoán trên tầm chuyên gia” – Philip E Tetlock và Dan Gardner
Số trang: 382 trang
Siêu dự báo là cuốn sách được tác giả đúc kết sau nhiều năm triển khai Dự án Phán đoán tốt (GJP), một dự án nghiên cứu về dự báo được Cơ quan Hoạt động Dự án Nghiên cứu Tình báo Công nghệ cáo Hoa Kỳ (IARPA) tài trợ. Dự báo không phải là công việc có nguyên tắc nhưng các nhà siêu dự báo thường xử lý câu hỏi theo cách tương đối giống nhau và bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể làm theo.
Chẳng hạn như, trước các câu hỏi lớn, chúng ta hãy chia nhỏ thắc mắc đó thành những câu hỏi nhỏ hơn, xem xét những yếu tố chúng ta đã biết hoặc chưa biết. Tiếp đó, ta hãy sử dụng góc nhìn từ bên ngoài để loại bỏ những suy nghĩ phiến diện mà chúng ta dễ mắc phải. Bước tiếp theo là sử dụng góc nhìn bên trong để suy xét và đánh giá các giả định của bạn. Bạn cũng đừng quên tìm hiểu những điểm tương đồng và khác biệt trong quan điểm giữa bạn và mọi người, từ đó tổng hơp tất cả các góc nhìn khác biệt thành một góc nhìn duy nhất. Tetlock và Gardner gọi đó là “mắt chuồn chuồn”.
Cuốn sách có lối dẫn dắt rất hấp dẫn. Bạn sẽ hiểu được cách tư duy của các nhà siêu dự báo qua các nhiều ví dụ đời thường cũng như các vấn đề quốc tế như: “Có bao nhiêu người làm nghề lên dây đàn piano ở Chicago?”; “Liệu các cơ quan điều tra của Pháp và Thuỵ Sĩ có tìm thấy nồng độ polonium trong cơ thể ông Yesser Arafat hay không?”; “Đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ về việc Iraq sở hữu vũ khí hạt nhân có hợp lý không?”…
Nhận xét về Siêu dự báo – Những phương pháp dự đoán trên tầm chuyên gia, Jason Zweig, một cây viết nổi tiếng trên Wall Street Journal, cho rằng: “Đây là cuốn sách quan trọng nhất về kỹ năng ra quyết định, kể từ sau Tư duy nhanh và chậm”.
Buông bỏ buồn buông – Ajahn Brahm
Số trang: 253 trang
Tác giả của cuốn sách này tự xem mình là một Phật tử từ năm ông mới 16 tuổi sau khi đọc những cuốn sách nhà Phật lúc còn đi học. Năm 23 tuổi, thầy được sư trụ trì của ngôi chùa Wat Saket tại Bangkok (Thái Lan) cho thọ giáo. Sau đó, thầy đã dành 9 năm để tu tập theo truyền thống “Tu thiền trong rừng” dưới sự hướng dẫn của thiền sư Ajahn Chah. Năm 32 tuổi, thầy được cử đến trợ giúp cho việc thành lập một tu viện trong rừng, gần thành phố Perth, Tây Úc. Hiện tại, thầy là sư trụ trì của tu viện Bodhinyana (Giác Thừa) và là Giám đốc Tâm linh của Hiệp hội Phật giáo Tây Úc.
Buông bỏ buồn buông của thầy là tập hợp hơn 70 câu chuyện thú vị với nhiều tình tiết vui tươi, lồng ghép những suy tư từ trải nghiệm của thầy từ khi chưa xuất gia cho đến khi mới bắt đầu quy y và tới tận lúc đã là trụ trì của một tu viện Phật giáo lớn và nổi tiếng ở Úc. Qua những câu chuyện của thầy, người đọc cảm nhận được những điều tươi đẹp trong thế giới nội tâm của chính bản thân mình và bao triết lý sâu sắc của đạo Phật về sự buông xả, bình an, lòng từ bi, tôn trọng, tha thứ và tình yêu vô điều kiện.
Và bạn đang từng bước từng bước tiến đến sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng và an lạc cho nội tâm của mình.
“Sống trong thời viễn tưởng? Chuyện người và máy” – Nguyễn Vạn Phúc
Số trang: 241 trang
Tác giả của cuốn sách là một nhà báo, một cây viết bình luận trên các báo như Vietnam Investment Review, Saigon Times Daily, Vietnam News, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn và từng làm Tổng thư ký toà soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Cuốn sách này là tuyển tập các bài viết của tác giả đã được đăng trên Tuổi Trẻ Cuối tuần và Thời báo Kinh tế Sài Gòn dưới các bút danh Nguyễn Vạn Phú, Sỹ Phu, Nguyễn Vũ… Các bài viết của tác giả đều xoay quanh chủ đề về nhiều thay đổi trong cuộc sống do công nghệ đưa đến cùng với những tác động cả tốt lẫn xấu đối với đời sống của chúng ta. Độc giả sẽ bắt gặp trong cuốn sách các chủ đề hấp dẫn về Bitcoin là gì, vì sao Google, Facebook không phải đóng thuế, trí tuệ nhân tạo… Ở mỗi bài viết, tác giả đều đưa ra những bình luận rất sâu sắc và thực sự mở ra trước mắt bạn cả một chân trời tri thức bổ ích.
Được biết, tác giả đã dành gần 5 năm để viết “Sống trong thời viễn tưởng? – Chuyện người và máy”. Mục đích của cuốn sách là chỉ ra những bất ổn, phi lý trong xã hội sùng bái, lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ máy móc và thông tin mà chúng ta đang sống.
Từ Beirut đến Jerusalem – Hành trình “Đi để hiểu” Trung Đông của một nhà báo Mỹ - Thomas Friedman
Số trang: 766 trang
Cuốn sách đầu tiên làm nên tên tuổi cho Thomas Friedman và mang đến cho ông giải Pulitzer, được viết bằng giọng văn hài hước nhưng cũng chất chứa thái độ châm biếm, đả kích và cả những trăn trở không nguôi vào niềm tin của con người và sự thật trong chiến tranh.
Những hiểu biết của bạn về Trung Đông sẽ được mở rộng và đào sâu thêm qua những phân tích và suy nghĩ của Thomas Friedman trong khoảng thời gian ông đảm nhiệm vai trò phóng viên thường trú của tờ The New York Times vào thập kỷ1980 của thế kỷ trước. Sự hiện diện và tác nghiệp của Thomas Friedman tại Trung Đông chính là nhằm tìm lời đáp cho câu hỏi vì sao tấm thảm hoà bình ở Trung Đông cứ tháo ra dệt lại bao nhiêu lần mà vẫn chưa thành. Ông cũng hiểu sâu sắc khát vọng đã được khắc lên một tấm đá hoa cương của người dân nơi đây: “Nói có với cuộc sống. Nói không với chiến tranh”.
Từ Beirut đến Jerusalem còn phản ánh tâm can của Thomas Friedman về một giai đoạn của cuộc đời, trên cái nền xung đột triền miên ở Trung Đông. Hay nói chính xác, đó là cuộc hành trình tìm về nguồn cội của một người Mỹ gốc Do Thái. Ông từng chia sẽ đầy cảm động rằng: “Cuốn sách chính là con đường từ Beirut tới Jerusalem mà tôi đã rong ruổi, bằng cách này hay cách khác, suốt thời trưởng thành của mình. Đó là con đường khác thường, hài hước, thi thoảng có bạo lực và thường là không thể lường trước được”.
Minh Phương