Dưới đây là bốn cuốn sách hay nhất về triết học hiện đại mà tôi khám phá được trong những năm gần đây. Chúng bao gồm nhiều chủ đề khác nhau và (hầu hết) là những cuốn sách thú vị. Nếu tiếp cận chúng với tinh thần cởi mở thì chúng có thể khơi dậy lại cảm giác ngạc nhiên cho bạn.
1/ “Seven ways of looking at pointless suffering” (Tạm dịch: 7 cách nhìn vào sự đau khổ vô nghĩa) của Scott Samuelson
Năm nay, một số người đã nhờ tôi gợi ý về những cuốn sách để bắt đầu tìm hiểu thêm về triết học và tôi nghĩ cuốn sách này cũng là điểm khởi đầu tuyệt vời như bất kỳ cuốn sách nào khác.
Có hai điều tôi yêu thích ở cuốn sách này. Đầu tiên là Samuelson tạo nên một cuốn sách xoay quanh một trong những câu hỏi cơ bản của triết học: làm thế nào để chúng ta biện minh và đối phó với những đau khổ không đáng có trên thế giới? Cuốn sách là một chuyến tham quan thú vị về những quan điểm chính trong suốt lịch sử - từ Hy Lạp cổ đại và Cơ đốc giáo đến Phật giáo và Khổng Tử.
Điều thứ hai tôi thích là Samuelson đặt nền tảng của cuộc thảo luận triết học của mình vào thế giới thực. Ông là giáo viên tình nguyện tại một nhà tù địa phương, vì vậy từ những cuộc thảo luận giữa anh và các tù nhân nơi ông giảng dạy, ông đã đưa ra nhiều vấn đề triết học về đau khổ.
2/ “Godel, Escher and Bach: An Eternal Golden Braid” (Tạm dịch: Godel, Escher, Bach: mối liên kết vàng vĩnh cửu) của Douglas Hofstadter
Thành thật mà nói, tôi đã cố đọc “Godel, Escher and Bach” hai lần khác nhau trong 3 năm qua và đều thất bại. Nhưng lần này tôi đã vượt qua được và tôi vô cùng biết ơn mình vì đã làm thế. Tôi có 2 ý kiến về cuốn sách này:
- Chưa xét đến nội dung, chỉ xét về hình thức thì cuốn sách này cũng rất đáng xem qua. Cuốn sách là sự kết hợp của số học, âm nhạc học, nghệ thuật thị giác, sinh học phân tử, Thiền tông, triết học cổ đại và những cuộc đối thoại nhỏ vui nhộn với những con vật biết nói và bằng cách nào đó gắn kết tất cả chúng lại với nhau một cách gọn gàng thành một cuốn sách 800 trang về những nghịch lý, hệ thống tự quy chiếu, AI , và ý thức. Lượng chất xám và nỗ lực dành cho cuốn sách này thật đáng kinh ngạc. Đây có thể là cuốn sách ấn tượng nhất mà tôi từng đọc trong đời, dù nó có giá trị thế nào đi chăng nữa.
- Phải mất một khoảng thời gian dài thì bạn mới có thể tiếp cận được điểm chính của cuốn sách. Trên thực tế, phải đọc xong gần 700 trang bạn mới tiếp cận được. Trong lời nói đầu của ấn bản kỷ niệm, Hofstadter đã nói rằng hầu hết những người đọc GEB thực sự không hiểu được điểm chính của nó, một phần có thể là do ông cũng không hiểu được nó cho đến chương cuối cùng.
Quan điểm của ông là các hệ thống, cho dù chúng là các chuỗi DNA hay logic hình thức hay ngôn ngữ lập trình máy tính hay bộ não con người, đều có khả năng tự tham chiếu và vốn không toàn vẹn. Sự tự tham chiếu và không toàn vẹn này tạo ra cảm giác nghịch lý, chẳng hạn:
Câu sau đây là sai.
Câu trước lại là đúng.
Sau đó, ông lập luận rằng chính sự xuất hiện của các hệ thống tự tham chiếu này đã tạo nên nền tảng của ý thức. Về cơ bản, cái mà chúng ta hiểu là “cái tôi” chỉ đơn thuần là một biểu tượng được xây dựng trong tâm trí và luôn tương tác với mọi biểu tượng khác mà tâm trí tạo ra. Theo nghĩa đó, những gì chúng ta coi là ý thức là một hệ thống tương tác liên tục linh hoạt giữa biểu tượng “cái tôi” của tâm trí và biểu tượng “khác” của nó.
Tuy không thực hiện như luận điểm của ông nhưng đây là một lý do khác khiến tôi yêu thích cuốn sách này - nó giải thích tại sao vật chất có thể tự sắp xếp thành những mẫu thông tin đến mức nó có thể “xoay tròn” và bắt đầu xử lý lượng thông tin ngày càng lớn hơn đến mức nó trở nên “có ý thức” và điều này diễn ra như thế nào, và đây thực sự là một điều hết sức đặc biệt và hiếm có.
3/ “I am dynamite!: A life of Nietzsche” (Tạm dịch: Tôi là thuốc nổ!: Cuộc đời của Nietzsche) của Sue Prideaux
Nếu năm 2017 tôi thích đọc Kant, thì 2018 là năm tôi yêu Nietzsche. Tôi không ngờ mình lại thích cuốn “I am dynamite”, thậm chí tôi còn không mong đợi mình sẽ thích nó. Tôi mua nó vì muốn sử dụng một trong những ý tưởng của Nietzsche trong một phần của cuốn sách mới của mình và tò mò về một số chi tiết tiểu sử của ông. Cuốn sách này được ca ngợi là cuốn sách nhân văn và chính xác nhất về cuộc đời của Triết gia này. Tôi đã đọc hết cuốn sách, từ đầu đến cuối, trong ba ngày.
Tôi không thể đặt nó xuống. Nó không chỉ được viết một cách tuyệt vời, mà cuộc đời của Nietzsche rất thú vị. Có thể sinh ra đã mắc chứng rối loạn thần kinh, Nietzsche đã sống phần lớn cuộc đời mình trong những cơn đau dữ dội. Ông không thể tiếp xúc với ánh sáng rực rỡ. Có lần ông đã ở trong phòng tối cả tuần liền. Ông bị đau nửa đầu suy nhược. Những chấn thương trong thời gian quân ngũ đã khiến ông tập tễnh và việc điều trị bệnh kiết lỵ và bệnh bạch hầu không đâu vào đâu đã khiến đường tiêu hóa của ông bị hủy hoại. Cơ thể ông là một mớ hỗn độn.
Xét về mọi mặt, lẽ ra ông sẽ sống một cách suy sụp, khốn khổ. Tuy nhiên, ông lại sống một cuộc đời mãnh liệt, không gục ngã. Ông đã thu hút và hòa nhập một nhóm gồm những người nổi tiếng, giáo sư, hoàng gia và những người có tư tưởng tự do. Về mặt trí tuệ, suy nghĩ của ông đã vượt qua những vực sâu. Ông có tầm nhìn gần như tiên tri về tương lai của nền văn hóa phương Tây cũng như thế giới.
Tôi đã đọc ba cuốn sách khác của Nietzsche và luôn cảm thấy không đủ. Một ngày nào đó, tôi muốn đọc tất cả các tác phẩm lớn của ông.
4/ “This life: Secular faith and spiritual freedom” (Tạm dịch: Cuộc sống này: Đức tin trong thế tục và tự do trong tâm linh) của Martin Hagglund
Để mà nói, tôi không thích một phần ba cuối cùng của cuốn sách vì tôi nghĩ nó thật khủng khiếp. Nhưng hai phần ba đầu tiên thì nó rất hay và sâu sắc, tôi không thể không thừa nhận rằng đây là cuốn sách tôi thích nhất năm 2018. Phần giới thiệu của cuốn sách dài tới 35 trang nhưng nó thật đáng giá.
Đây là một cuốn sách triết học. Triết học có xu hướng trở thành a) một công việc tuyệt đối phải vượt qua, thường khó hiểu, hoặc b) một trong những trải nghiệm đọc tuyệt vời nhất trong cuộc đời bạn (đó là lý do khiến những cuốn sách tôi thích luôn là sách triết học). Cuộc sống này đôi khi thật ngoạn mục vì sự đơn giản và sâu sắc của nó.
Cuốn sách cố gắng tạo ra một nền tảng đạo đức thế tục, điều mà các triết gia đã làm trong nhiều thiên niên kỷ. Điểm khởi đầu rất đơn giản: tất cả chúng ta đều chết. Đây có thể là sự thật chủ quan duy nhất mà tất cả chúng ta đều biết. Và chính từ sự hiểu biết của chúng ta về cái chết của chính mình đã khiến cuộc sống trở nên khan hiếm và có giá trị. Vì vậy, mọi ý nghĩa trong cuộc sống đều bắt nguồn từ việc chúng ta nhận thức được cái chết của chính mình. Sau đó, Hägglund dành phần lớn dung lượng của cuốn sách để đưa ra một loạt lập luận bắt nguồn từ nhận thức này - niềm tin tôn giáo về cuộc sống vĩnh cửu là gốc rễ của mọi hành vi phi đạo đức như thế nào; quyền tự do lựa chọn ý nghĩa riêng của mình là việc sử dụng trí óc khó khăn nhất nhưng quan trọng nhất như thế nào; mong muốn thoát khỏi cái chết chắc chắn buộc chúng ta phải tránh những gì mang lại cho chúng ta ý nghĩa trong cuộc sống.
Sau đó, khoảng 220 trang, cuốn sách mang tính chính trị, thậm chí còn hơn thế, nó hoàn toàn là về chủ nghĩa Marx. Hägglund cố gắng lập luận rằng chủ nghĩa Marx là sự mở rộng hợp lý của khuôn khổ đạo đức mà ông đã thiết lập trong 2/3 đầu cuốn sách. Nhưng tôi cho rằng nó không hiệu quả vì có cảm giác ông bước ra khỏi chuyên môn của mình. Ông dường như bị lạc đề trong một số phần, cố gắng hết sức để hòa hợp niềm tin chính trị với niềm tin triết học của mình. Kết quả là những lập luận về kinh tế, phương tiện sản xuất, tăng trưởng,... nếu nói nhẹ thì là ngây thơ, nặng hơn thì là sai hoàn toàn.
Mặc dù vậy, tôi vẫn muốn giới thiệu tới các bạn 200 trang đầu của cuốn sách vì phần này được viết và giải thích một cách tuyệt vời. Nội dung sâu sắc và khẳng định cuộc sống mà không mang tính tôn giáo. Thực tế, phần nội dung này là trải nghiệm đọc tốt nhất của tôi trong năm 2019.
- Trạm Đọc
- Theo Mark Manson