“Độ” bìa sách: Có vi phạm luật?
“Độ” bìa sách: Có vi phạm luật?
Như Báo SGGP đã phản ánh, gần đây, 2 trang Xunabooks và Linh Đan Book đã mua tiểu thuyết Hai số phận của nhà văn Jeffrey Archer (giá bìa 110.000 đồng) từ nhà sách Minh Thắng, sau đó nâng cấp bìa rồi bán với giá 2,5 triệu đồng/cuốn. Câu chuyện hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận, cùng với đó là vấn đề được đặt ra, liệu việc nâng cấp bìa có sai luật?

Ý kiến trái chiều

Ngoài tiểu thuyết Hai số phận, trong thông báo bán sách của Xunabooks còn có ấn phẩm Muôn kiếp nhân sinh của Nguyên Phong, do First News liên kết với Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TPHCM ấn hành.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News, bức xúc: “Đây là việc làm vi phạm bản quyền, hành vi sản xuất hàng giả để kinh doanh. Họ cần xin phép và có sự đồng ý của First News, về tình và lý. Họ làm để trưng bày là chuyện khác, nhưng làm để bán là có dấu hiệu cạnh tranh với First News, khiến bạn đọc dễ ngộ nhận với ấn bản giới hạn của First News, gây mất uy tín. Trong khi, First News chỉ công bố một bản duy nhất, là đơn vị giữ bản quyền hợp pháp và có giấy phép xuất bản đầy đủ”.

Vấn đề đặt ra ở đây, liệu một người mua sách rồi về “độ” bìa, sau đó bán lại với giá cao, có vi phạm pháp luật? Luật sư Nguyễn Thanh Nhã, Công ty Luật TNHH Celigal, cho rằng, căn cứ theo Nghị định 131/2013, Nghị định 22/2018 và khoản 5, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, việc thay đổi bìa sách nếu không được sự đồng ý của tác giả thì có dấu hiệu “xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm” bởi tồn tại yếu tố tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm.

“Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ quy định, để xác định có sự xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, tác giả cần chứng minh hành vi này gây phương hại danh dự và uy tín của tác giả. Từ đó mới có căn cứ để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý theo quy định pháp luật. Thực tế, tác giả khó chứng minh, bởi yếu tố gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả rất khó xác định”, luật sư Nguyễn Thanh Nhã cho biết. 

Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã, nhìn từ góc độ các NXB, nếu chứng minh được việc cá nhân, tổ chức khác mua sách về, tiến hành “độ” bìa rồi bán lại với giá cao gấp nhiều lần gây thiệt hại cho NXB, có thể khởi kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo thủ tục tố tụng dân sự. Nhưng, việc chứng minh thiệt hại là không dễ. 

Tuy nhiên, luật sư Vũ Huy Cường, Văn phòng Luật sư Hiếu và cộng sự cho rằng, khi một người bỏ tiền ra mua sách thì cuốn sách thuộc quyền sở hữu của chính người đó. Họ được pháp luật bảo hộ bằng các quy định trong Bộ luật Dân sự bao gồm: quyền chiếm hữu của chủ sở hữu (Điều 186), quyền sử dụng (Điều 189) và quyền định đoạt (Điều 192).

“Tại Điều 194, quyền định đoạt của chủ sở hữu, quy định chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Khi có quyền định đoạt thì họ có quyền bán”, luật sư Vũ Huy Cường nói thêm. 

Chọn sách tại Đường sách TPHCM trong những ngày dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế 

Trên cương vị là Giám đốc Bản quyền của Nhã Nam, ông Nguyễn Xuân Minh thường xuyên giao dịch và trao đổi với nhiều tác giả lẫn đối tác nước ngoài. Liên quan đến bìa sách, ông Minh cho biết, ngoại trừ sách trong nước, thông thường, khi mua bản quyền sách từ đối tác nước ngoài, trong hợp đồng sẽ có yêu cầu được duyệt bìa (ấn bản tiếng Việt) hoặc có yêu cầu riêng về bìa, chủ yếu từ tác giả. Sau khi được chủ sở hữu duyệt, sẽ tiến hành làm hồ sơ bản thảo để NXB duyệt. Thông tin đăng ký như thế nào thì trên bìa phải thể hiện đúng các thông tin ấy. 

Đặt trường hợp có người mua sách của Nhã Nam rồi về “độ” bìa, sau đó bán với giá cao hơn, ông Minh cho biết, ông không có ý kiến. Ông lý giải: “Tôi nghĩ là không phạm luật. Theo tôi biết, trên thế giới, chưa có quốc gia nào cấm việc “độ” bìa, không ai cấm việc họ đem bán món đồ của mình, miễn là họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Việc này không hẳn vi phạm bản quyền vì cuốn sách đó đã được lưu hành, họ mua về độ lại bìa và bán”.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT) cho biết, khi một người thực hiện việc mua bán thì phải theo quy định của Luật Xuất bản, những quy định liên quan đến phát hành, phải có giấy phép kinh doanh và giấy phép phát hành nếu là tổ chức.

“Còn trường hợp cụ thể phải căn cứ trên từng cuốn sách, xem đó là tổ chức hay cá nhân thì mới trả lời chính xác được. Trường hợp nếu hoạt động “độ” bìa sách trở thành một nghề chuyên nghiệp, làm việc đó một cách chuyên nghiệp thì họ phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký phát hành”, ông Nguyên nói.

Như vậy, chuyện đơn vị “độ” bìa sách rồi bán có vi phạm pháp luật hay không, đến nay vẫn chưa rõ. Hành lang pháp lý là có, nhưng áp dụng ở từng trường hợp cụ thể lại được hiểu khác nhau. Sự thiếu thống nhất này tạo ra những tiền lệ không tốt cho ngành xuất bản.

Theo HỒ SƠN - SGGP

Tags: