Có hai con cá con đang bơi cùng nhau, và chúng nó tình cờ gặp một con cá già hơn đang bơi theo hướng khác, con cá này gật đầu chào tụi nó và nói, “Chào buổi sáng các chàng trai, nước thế nào rồi?” Và hai chàng cá bơi tiếp một đoạn, sau đó rốt cuộc một con nhìn con kia rồi nói, “Nước là cái quái gì nhỉ?”
Nếu các bạn lo là tôi dự định tự trình hiện mình ra đây như một con cá già thông thái sắp giải thích nước là gì cho những con cá trẻ như các bạn, thì xin đừng lo. Tôi chẳng phải con cá già gì đâu. Cái ý của câu chuyện cá này đơn thuần là vầy, những thực tại hiển nhiên nhất, thường gặp nhất, quan trọng nhất lại thường là những cái khó thấy nhất và khó nói đến nhất. Khi phát biểu thành một câu tiếng Anh, tất nhiên đây chỉ là một lời vô vị tầm thường, nhưng sự thật là khi lối sống của người trưởng thành suốt ngày cứ lặn ngụp trong công việc thì những lời vô vị tầm thường có thể có tầm quan trọng sống-chết.
Phần lớn những thứ mà tôi thường tự động đoan chắc về nó, hoá ra hoàn toàn sai và ảo tưởng. Đây là một ví dụ về cái sai thậm tệ về một điều mà tôi thường tự động quả quyết chắc chắn: Mọi thứ theo kinh nghiệm trực tiếp của bản thân đều hậu thuẫn cho điều tôi tin tưởng trong lòng rằng tôi là cái rốn tuyệt đối của vũ trụ, là kẻ thực nhất, sống động và quan trọng nhất đang tồn tại. Chúng ta hiếm khi nói về kiểu tự đặt mình vào trung tâm một cách tự nhiên và căn bản thế này, bởi vì cả xã hội ghê tởm nó. Nhưng tất cả chúng ta hầu hết đều vậy. Nó là thiết lập mặc định (default-setting) của chúng ta, được gắn cứng vào bảng thần kinh của ta ngay từ mới sinh ra. Hãy nghĩ về điều đó: Không có trải nghiệm nào các bạn có mà các bạn không ở vào vị trí trung tâm tuyệt đối. Cõi sống như các bạn trải nghiệm nó nằm ngay đó trước mặt bàn, hoặc đằng sau bạn, bên trái hoặc bên phải bạn, trên TV của bạn, hoặc trên màn hình của bạn, hoặc bất kì thứ gì đi nữa. Những ý nghĩ và cảm giác của người khác bằng cách chi đó phải được truyền đạt tới bạn, nhưng cái của bạn thì ngay tức thì, rất khẩn cấp, rất thực.
Xin đừng lo, tôi chẳng có giảng đạo cho các bạn nghe về lòng từ bi hoặc phải hướng đến kẻ khác hoặc về những cái gọi là đức tính đâu. Đây đâu phải vấn đề về đức tính. Nó là vấn đề về chuyện tôi chọn làm cái việc mà phần nào sẽ biến đổi hoặc sẽ giúp tôi thoát khỏi thiết lập mặc định tự nhiên dính cứng trong tôi, vốn sẽ đặt nặng cái tôi ở trung tâm đúng nghĩa của nó, và sẽ thấy và diễn giải mọi thứ thông qua thấu kính của cái tôi. Những ai có thể điều chỉnh cái thiết lập mặc định của mình theo cách này thường được xem là người “thích nghi tốt”, điều mà tôi đề nghị với các bạn đây không phải là một từ ngẫu nhiên đâu.
Thực tế rõ ràng là các bạn sinh viên mới tốt nghiệp chưa mường tượng ra được “ngày này qua ngày nọ” thực sự nghĩa là gì đâu. Tình cờ đó lại là toàn bộ, phần lớn cuộc đời trưởng thành của người Mĩ mà chẳng ai nói tới trong mấy bài diễn từ ở lễ tốt nghiệp. Một phần như vậy liên quan tới sự nhàm chán, công việc hàng ngày, và những chuyện bực mình lặt vặt nữa. Các bậc cha mẹ và những người lớn hơn ở đây sẽ biết rất rõ những điều tôi sắp sửa nói ra.
Thử ví dụ bằng một ngày trung bình của người trưởng thành, bạn thức dậy buổi sáng, đến công ti làm công việc văn phòng đầy thử thách dành cho người mới tốt nghiệp, và bạn làm việc chăm chỉ suốt 8-10 tiếng đồng hồ, và cuối ngày bạn mệt lả người và có phần căng thẳng và bạn chỉ muốn về nhà ăn tối thật ngon lành và có lẽ sẽ thư giãn trong một tiếng đồng hồ, và sau đó leo lên giường ngủ sớm bởi vì, tất nhiên rồi, hôm sau bạn lại phải dậy, rồi làm lại tất cả chuyện đó. Nhưng rồi bạn nhớ ra ở nhà chẳng còn đồ ăn. Bạn không có thời giờ đi chợ bởi vì công việc ngập đầu, và thế là sau giờ làm việc bạn phải chui vào xe rồi lái tới siêu thị. Lúc đó là giờ tan sở và giao thông phải vậy thôi: rất tệ. Vậy là đi tới cửa hàng lâu hơn bình thường, và cuối cùng bạn cũng tới được đó, lúc này siêu thị đông nghẹt, tất nhiên rồi vì giờ này mấy người đi làm khác cũng đang cố chen vào mua đồ mà. Nhưng bạn không thể chỉ vào rồi ra nhanh chóng được; bạn phải loanh quanh khắp mấy hành lang lộn xộn trong cái siêu thị rộng lớn, sáng choang để tìm món mình muốn mua và bạn phải điều khiển cái xe đẩy tệ lậu của mình luồn lách qua mấy chiếc xe đẩy của những người khác cũng đang mỏi mệt và vội vã (vân vân, vân vân, tôi nói ngắn bởi màn trình diễn này dài lắm) và rốt cuộc bạn đã lấy đủ lương thực cho bữa tối, có điều giờ bạn bỗng thấy không đủ quầy tính tiền cho dù cơn đổ xô này diễn ra vào cuối ngày. Thế là người ta đứng xếp hàng chờ tính tiền cả một hàng dài, cái hàng dài ngu ngốc và dễ làm người ta cáu gắt. Nhưng bạn đâu thể trút cơn giận lên cái cô đang xù đầu tính tiền cho khách, người đang bị quá tải công việc, và sự tẻ nhạt và vô nghĩa hàng ngày của cô này vượt quá sức tưởng tượng của bất kì ai trong chúng ta nơi đây.
Dù sao thì cuối cùng bạn cũng tới được quầy tính tiền, bạn trả tiền thức ăn, và rồi nhận được câu “Chúc một ngày tốt lành” bằng một giọng nói chắc chắn là giọng nói của tử thần, và rồi bạn phải mang mấy cái túi đồ bằng nhựa, đáng sợ, mỏng manh để lên xe đẩy mà chiếc xe đẩy này lại có một chiếc bánh ngu xuẩn cứ giật sang bên trái thật dễ làm người ta điên người, rồi bạn đẩy đi khắp bãi đậu xe đầy rác, gập ghềnh, chật cứng người, và rồi bạn phải lái xe cả một chặng đường xuyên qua đám xe cộ đông đúc, rề rà trong giờ cao điểm, vân vân và vân vân.
Ai ở đây cũng làm vậy, dĩ nhiên. Nhưng đó chưa phải một phần của cuộc sống thường nhật thực sự của các bạn sinh viên mới tốt nghiệp, ngày này qua tháng nọ sang năm kia.
Nhưng nó sẽ như vậy. Và ngoài ra còn nhiều việc làm nhạt nhẽo hơn, bực bội hơn, và dường như vô nghĩa hơn. Nhưng đó không phải chuyện cần bàn. Ý tôi muốn nói là cái điều tào lao vô vị gây nản lòng như vậy chính xác sẽ là nơi xuất hiện công việc lựa chọn. Bởi vì mấy lúc kẹt xe và những hành lang đông nghẹt và những hàng dài chờ tính tiền sẽ cho tôi thời gian suy nghĩ, và nếu tôi không đưa ra quyết định có ý thức về việc nghĩ thế nào và chú ý đến điều gì, thì tôi sẽ tức điên lên và đau khổ mỗi khi đi mua đồ. Bởi vì thiết lập mặc định tự nhiên của tôi đã chắc chắn rằng những tình huống thế này thực sự tất cả đều hướng về tôi cả thôi. Về cái đói của tôi, cơn mệt mỏi của tôi, về sự mong muốn về nhà của tôi, và dường như ai cũng chen vào ngáng đường tôi. Và tất cả những người ngáng đường tôi là ai? Và hãy nhìn xem hầu hết họ đáng ghét đến dường nào, và mấy người đứng ở hàng chờ tính tiền trông thật ngu như bò và mặt mày thật đờ đẫn, trông thật chẳng giống người, hoặc nhìn mấy người đứng giữa hàng mà nói chuyện điện thoại oang oang trông thật phiền hà và thô lỗ. Và thử nhìn xem chuyện này thật là bất công với tôi đến dường nào.
Hoặc là, tất nhiên, nếu tôi theo thiết lập mặc định của mình mà cư xử ý thức về xã hội hơn, thì tôi có thể trải qua thời gian kẹt xe buổi cuối ngày để tức giậc và kinh tởm tất thảy những chiếc xe đủ kiểu dáng đang đốt cháy biết bao thùng xăng dầu một cách lãng phí và ích kỉ, và tôi có thể chăm chăm cho rằng những cái nhãn khẩu hiệu yêu nước hay mộ đạo dường như bao giờ cũng được dán lên mấy chiếc xe ích kỉ đến phát tởm với tài xế là những tay xấu xí nhất, vô tâm và hung hăng nhất. và tôi có thể nghĩ đến chuyện mấy đứa cháu sau này sẽ bỉ bai chúng ta vì đã lãng phí toàn bộ nhiên liệu của tương lai, và vì đã làm khí hậu loạn xà ngầu lên, và chúng sẽ nghĩ tất cả chúng ta sao mà phá hoại, ngu ngốc và ích kỉ đến thế, và cái xã hội tiêu thụ thời hiện đại này sao mà bựa đến thế, vân vân và vân vân.
Nếu tôi chọn cách nghĩ như thế ở siêu thị và lúc lái xe trên đường, thì cũng ổn thôi. Nhiều người chúng ta cũng nghĩ vậy. Có điều nghĩ theo cách này thường quá dễ dàng và xảy ra tự động đến mức nó không phải là một lựa chọn. Nó là thiết lập mặc định tự nhiên của tôi. Nó là cách tôi tự động trải nghiệm những phần nhàm chán, nản lòng, đông đúc trong cuộc đời người trưởng thành khi tôi đang vận hành dựa trên cái niềm tin tự động, vô thức rằng tôi là trung tâm của cõi sống này, và nhu cầu và cảm giác tức thời của tôi là những thứ sẽ xác định nên những ưu tiên ở cõi sống này.
Chuyện là, tất nhiên rồi, còn có rất nhiều cách khác để nghĩ về những loại tình huống như vậy. Ở hoàn cảnh giao thông như thế, toàn bộ xe cộ dừng lại và cứ lề mề trước mặt tôi, không loại trừ khả năng rằng có một số người trong mấy chiếc xe thể thao kia đã từng gặp tai nạn kinh hoàng ở quá khứ, và giờ họ thấy lái xe thật ghê rợn đến mức các nhà trị liệu gần như ra lệnh họ phải lái một chiếc thể thao to lớn, nặng trịch để họ cảm thấy đủ độ an toàn để lái; hoặc là chiếc Hummer vừa mới cắt ngang đầu xe tôi có lẽ do một người cha cầm lái với đứa con nhỏ đang bị đau ốm chi đó ngồi ngay cạnh, và anh ta đang gấp gáp chạy tới bệnh viện, và anh ta hẳn là còn vội hơn và có lí do chính đáng để vội hơn tôi nữa – thực sự thì chính tôi mới là người ngáng đường anh ta.
Hoặc tôi có thể chọn cách buộc mình xem xét đến khả năng có người nào đó trong cái hàng chờ tính tiền này cũng chán chường và bực bội như tôi, và một số người có thể còn có cuộc sống khó khăn hơn, tẻ nhạt hơn hoặc đau thương hơn tôi nữa.
Một lần nữa, xin đừng nghĩ là tôi đang đưa lời khuyên đạo đức cho các bạn, hoặc tôi bảo là các bạn nên nghĩ theo cách đó, hoặc bất kì ai cũng mong các bạn cứ tự động làm vậy. Bởi vì chuyện đó thật khó. Nó cần có ý chí và nỗ lực, và nếu bạn như tôi, thì có những ngày bạn không thể làm được vậy, hoặc hoàn toàn không muốn làm vậy.
Nhưng hầu hết thời gian, nếu bạn chú tâm đủ để tự cho mình sự lựa chọn, bạn có thể chọn cách nhìn khác đối với người phụ nữ mập mạp, đôi mắt đờ đẫn, trang điểm quá đà vừa mới hét vào mặt đứa con ở hàng chờ tính tiền. Có lẽ cô ta không thường hay như vậy. Có lẽ cô ta phải thức suốt ba đêm liền khi nắm tay người chồng đang chết dần vì căn bệnh ung thư xương. Hoặc có lẽ chính người phụ nữ này là một viên chức lương thấp ở phòng quản lí xe cộ, người vừa mới hôm qua đã giúp vợ hay chồng bạn giải quyết được một vấn đề tồi tệ, gây khó chịu và thủ tục rườm rà chỉ bằng một cử chỉ ân cần nho nhỏ trong việc hành chính. Tất nhiên là không có điều gì có thể, nhưng nó cũng chẳng phải điều bất khả. Nó chỉ phụ thuộc vào chuyện bạn muốn nghĩ về điều gì. Nếu bạn tự động chắc chắn rằng bạn biết thực tại là gì, biết ai và cái gì thực sự quan trọng, và bạn vận hành dựa trên cái thiết lập mặc định của mình, thì bạn, cũng như tôi, có thể sẽ không nghĩ đến những khả năng xảy ra vốn sẽ không làm ta bực mình và khổ sở. Nhưng nếu bạn thực sự học được cách nghĩ, cách chú ý, thì bạn sẽ biết còn có những chọn lựa khác. Điều đó thực sự nằm trong khả năng của chính bạn để có thể trải nghiệm theo cách khách một tình huống kiểu địa ngục dành cho người tiêu thụ, đông nghẹt người, nóng bức, rề rà, bạn sẽ thấy nó không chỉ có ý nghĩa mà còn thiêng liêng, và háo hức như lửa đốt với những nguồn sức mạnh tương tự những cái tạo nên các vì sao: tình yêu, tình bằng hữu, cái nhất thể huyền bí của mọi sự nằm sâu thẳm trong lòng bạn.
Không nhất định là cái thứ huyền bí đó phải đúng. Chỉ có thứ duy nhất là sự Thật viết hoa mới là cái bạn cần quyết định xem mình sẽ cố gắng thấy mọi sự ra sao. Điều này, tôi muốn nói, chính là tự do của một nền giáo dục thực sự, của việc học cách thích nghi tốt. Bạn phải quyết định có ý thức điều gì ý nghĩa và điều gì không. Bạn phải quyết định mình nên tôn sùng điều gì.
Bởi vì ở đây có những thứ khác đúng. Ở cuộc sống hàng ngày phải lặn ngụp trong việc, không có thứ gì là vô thần hết. Không có một thứ gì không tôn sùng. Ai ai cũng tôn sùng. Lựa chọn duy nhất chúng ta có là tôn sùng điều gì. Và khi chọn một loại thần thánh hay một thứ tín ngưỡng nào đó để tôn sùng – dù đó có là JC hay Allah, Yahweh hay Thánh Mẫu Wicca, hay Tứ diệu Đế, hay một tập hợp các nguyên tắc đạo đức bất khả xâm phạm nào đó – thì lí do nổi trội cho chọn lựa đó là gần như bất kì thứ gì khác bạn tôn sùng sẽ ăn tươi nuốt sống bạn. Nếu bạn tôn sùng tiền bạc và các thứ – nếu chúng ở chỗ bạn xác định là ý nghĩa thực sự trong đời – thì bạn sẽ không bao giờ có đủ, không bao giờ cảm thấy được là mình có đủ. Đó là sự thật. Tôn sùng cơ thể, vẻ đẹp và sức quyến rũ gợi cảm rồi bạn sẽ luôn cảm thấy mình xấu xí, và khi thời gian và tuổi tác bắt đầu chứng tỏ cho bạn thấy, bạn sẽ chết cả triệu lần để rồi rốt cuộc chúng sẽ làm bạn đau buồn . Ở một mức độ nào đó, tất thảy chúng ta đều biết mấy thứ vầy. Nó được hệ thống hoá thành những huyền thoại, những cách ngôn, những sáo ngữ, những câu chuyện nhạt thếch, những bài thơ trào phúng, những câu chuyện ngụ ngôn: khung sườn của mọi câu chuyện vĩ đại. Toàn bộ mánh lới là giữ sự thật ngay phía trước bằng sự ý thức hàng ngày.
Tôn sùng quyền lực, kết cuộc bạn sẽ cảm thấy yếu đuối và e sợ, và bạn sẽ cần nhiều quyền lực hơn đối với người khác hơn bao giờ hết để làm chính nỗi sợ của bạn chết lặng đi. Tôn sùng trí tuệ, muốn được xem là kẻ thông minh, kết cuộc bạn sẽ cảm thấy mình như kẻ ngu ngốc, kẻ lừa đảo, luôn có nguy cơ bị người ta phát hiện ra. Nhưng điều xảo quyệt về những hình thức tôn sùng này không phải kà chúng xấu xa hay tội lỗi; mà là chúng thuộc về vô thức. Chúng là những thiết lập mặc định.
Chúng là hình thức tôn sùng mà bạn cứ dần dần trượt vào đó, ngày này qua ngày nọ, càng lúc càng tuyển lọc ra những thứ bạn sẽ thấy và cách bạn đo lường giá trị mà không bao giờ nhận thức đầy đủ rằng đó là những điều bạn đang làm.
Và cái gọi là cõi sống thực sẽ không ngăn bạn vận hành cái thiết lập mặc định của mình, bởi vì thế giới của con người và tiền bạc nó cứ ầm ầm một cách hoan hỉ dọc theo cái bể đời của những nỗi sợ hãi, tức giận, thất vọng, khát khao, và của lòng tôn sùng cái tôi. Nền văn hoá hiện tại của bản thân chúng ta đã kiểm soát những nguồn sức mạnh này theo những cách sinh ra sự sung túc, sự thoải mái và sự tự do cá nhân đến phi thường. Tự do để trở thành chúa tể của cái vương quốc nhỏ bé với kích cỡ hộp sọ của chính chúng ta, cô độc nằm ở trung tâm của mọi sáng tạo. Dạng tự do này có nhiều thứ để khuyến nghị nó. Nhưng tất nhiên còn có nhiều loại tự do khác nữa, và cái dạng quý giá nhất mà bạn sẽ không nghe nói đến nhiều nó sẽ nói về nhiều thứ ở ngoài cõi sống to lớn bên ngoài của việc giành được, đạt được và trưng ra. Loại tự do quan trọng thực sự liên quan đến sự chú tâm, và nhận thức, và kỉ luật, và thực sự có thể quan tâm đến người khác và hi sinh cho họ, hết lần này đến lần khác, bằng nhiều cách nho nhỏ vụn vặt mỗi ngày.
Đó là tự do thực sự. Đó là việc ta được giáo dục, và hiểu được phải nghĩ như thế nào. Lựa chọn này là cái vô thức, là thiết lập mặc định, là sự cạnh tranh khốc liệt, là cảm thức cứ liên tục gặm nhấm về chuyện có được, và mất đi, một thứ vô tận nào đó.
Tôi biết mấy thứ này có thể nghe không được vui, không được phấn khởi cũng chẳng tạo niềm cảm hứng dữ dội theo kiểu mà người ta mong đợi ở một bài diễn từ tại lễ tốt nghiệp. Theo như tôi có thể thấy, vấn đề ở đây là sự Thật viết hoa, với toàn bộ những điều tinh tế hoa mĩ đã bị tước bỏ hết. Tất nhiên, các bạn được tự do nghĩ về chuyện này theo bất cứ kiểu gì bạn muốn. Nhưng xin đừng rũ bỏ nó đơn giản như những bài thuyết giáo vung vẩy ngón tay của Tiến sĩ Laura. Cái thứ tôi muốn nói ở đây thực sự không phải về đạo đức, tông giáo, tín điều hay về những câu hỏi to tát khác thường về cuộc đời sau cái chết.
Sự Thật viết hoa là về cuộc sống trước khi chết.
Nó nói về giá trị thực sự của một nền giáo dục thực sự, vốn là thứ gần như không liên quan gì đến tri thức, và mọi thứ đều liên quan đến sự nhận thức giản đơn; nhận thức về những thứ có thật và căn cốt, những thứ giấu mình khỏi cái cảnh tượng rõ ràng xung quanh ta, lúc nào cũng vậy, đến nỗi chúng ta phải luôn tự nhắc đi nhắc lại bản thân mình:
“Đây là nước.”
“Đây là nước.”
Duy Đoàn Chuyển ngữ
Blog: Chiếc nón
Nguồn:
Trích dịch từ bài diễn từ của David Foster Wallace tại buổi lễ tốt nghiệp ở trường Kenyon College, Gambier, Ohio, Mĩ, vào ngày 21/5/2005. Bản trích dịch này phần lớn dựa theo bản của tờ The Guardian (http://www.theguardian.com/books/2008/sep/20/fiction) và có thêm vào một số đoạn (trích từ văn bản đầy đủ) theo quan điểm chủ quan của người dịch.