Đi vệ sinh nhiều hơn, làm việc sáng tạo hơn: Một bí kíp tạo ra những khoảnh khắc Eureka
Làm sao để khiến quả táo rơi?
Thời cổ đại, người Hy Lạp tin rằng tất cả những giây phút "A Ha" khởi sinh từ một trong chín nàng thơ (muse), những vị thần giúp mang đến cảm hứng cho người trần tục. Thời nay, chẳng mấy ai còn tin vào chuyện thần tiên đó nữa, nhưng dân tình vẫn rất yêu thích câu chuyện về những khoảnh khắc dâng trào cảm hứng. Như ông Newton và quả táo, hay ông Ác-si-mét và bồn tắm (dù cả hai chỉ là truyền thuyết), chúng ta rất máu nghe và chia sẻ những câu chuyện về tia chớp sáng tạo kiểu này.
Tuy nhiên, đối những người đòi hỏi phải sản xuất ra ý tưởng mới hàng ngày, những sự tích này không có tác dụng tạo ra Eureka lắm. Một số cách nuôi dưỡng sáng tạo hiệu quả khác như tắm nước nóng hay đi tản bộ lại khó để thực hiện khi đang ở chốn công sở. Mặc dù nghiên cứu vẫn chưa thể xác nhận được sự tồn tại của những nàng thơ thần thánh, các nhà khoa học cũng mang đến chúng ta một vài bài học về cơ chế và cách tạo Eureka thường xuyên hơn.
Khi eureka, bạn cảm thấy như có một tia chớp léo lên trong đầu, bởi vì nó thường đến lúc tâm trí bạn đang thư thái, thời điểm mà các nhà tâm lý đặt tên là giai đoạn ấp trứng. Ấp là giai đoạn khi mọi người tạm thời ngừng làm việc. Rất nhiều những nhân tài sáng tạo cố tình bỏ công việc sang một bên để nghỉ ngơi, tin rằng giai đoạn ấp này là lúc các ý tưởng bắt đầu "giao phối" với nhau trong vô thức. Một vài người còn làm vài dự án khác nhau trong cùng một thời gian cũng do tin rằng khi ý thức họ đang tập trung làm một cái, phần vô thức của họ sẽ tự động xử lý các công việc còn lại. Những sáng kiến bung nở sau giai đoạn ấp cũng như giống như lúc Newton ngồi tựa lưng suy nghĩ bên cây táo, hay lúc Ác-Xi-Mét ngâm mình trong bồn tắm.
Một nhóm các nhà nghiên cứu dẫn dầu bởi Sophie Ellwood gần đây tìm ra những bằng chứng thực tế cho lý thuyết ấp trứng này. Các nhà khoa học chia 90 sinh viên tâm lý thành ba nhóm. Mỗi nhóm được giao bài tập tưởng tượng ra tất cả các công dụng của một đồ vật thường ngày [Ví dụ: Bạn có thể làm gì với một viên gạch], và liệt kê các cách sử dụng ra giấy. Số ý tưởng được sản sinh ra sẽ là thước đo mức tư duy dị biệt, một nhân tố quan trọng của sáng tạo và một bước quan trọng để đạt được khoảnh khắc eureka.
Nhóm 1 làm bài trong 4 phút liên tiếp. Nhóm 2 bị ngắt mạch sau 2 phút, và được yêu cầu làm một bài tập sáng tạo liên quan (tìm từ đồng nghĩa với mỗi từ cho trước,) và sau đó được cho thêm 2 phút để hoàn thành bài tập ban đầu. Nhóm cuối cùng cũng bị ngắt mạch sau 2 phút, nhưng được cho làm 1 bài tập không liên quan gì đến sáng tạo (trắc nghiệm tính cách MBTI), rồi sau đó lại làm nốt bài tập đầu tiên. Sau cùng, nhóm nghiên cứu so sánh mức sáng tạo từ kết quả các sinh viên trong 3 nhóm.
Họ thấy rằng nhóm 3 (bị gián đoạn bởi một bài tập chẳng liên quan) đẻ ra được nhiều ý tưởng nhất, trung bình 9.8 ý, trong khi nhóm 2 (bị gián đoạn bởi một bài tập liên quan) được 7.6 ý và nhóm 1 (giải bài liên tục trong 4 phút) có kết quả tệ nhất 6.9 ý. Nhóm nghiên cứu đã chứng minh 1 cách khoa học lý thuyết cho rằng khoảnh thời gian ấp trứng, cho dù chỉ ngắn ngủi vài phút, có thể nâng cao kết quả sáng tạo của một người lên đáng kể.
Một lời giải thích khả dĩ cho những nghiên cứu này là khi gặp phải những vấn đề phức tạp, tâm trí bạn thường bị tắc nghẽn, chỉ biết suy nghĩ theo những lối mòn lâu nay. Khi làm việc không nghỉ ngơi, bạn bị đóng đinh vào các giải pháp cũ. Bạn sẽ chỉ ra nghĩ được những cách sử dụng quen thuộc của một viên gạch thay vì nghĩ ra gì đó đột phá.
Tạm cách ly với vấn đề và tập trung vào một việc hoàn toàn không liên quan sẽ cho đầu óc bạn chút thời gian để thôi bị ám ảnh bởi các giải pháp truyền thông. Sau đó, khi quay lại vấn đề ban đầu, tâm trí của bạn sẽ cởi mở hơn - đó chính là thời khắc eureka.
Thú vị hơn là nghiên cứu này đem lại hi vọng cho những nhân viên đa di năng. Còn nhớ Ellwood và đồng nghiệp phát hiện ra rằng nhóm tạm thời chuyển sang một công việc không liên quan lại đẻ ra nhiều ý tưởng nhất. Vậy nên, nếu bế tắc, hãy thử chuyển sang một công việc không liên quan lắm.
Nó có thể là một công việc hoàn toàn khác biệt hoặc những việc nhàm chán như trả lời email hay đi pha trà. Bất cứ thứ gì có thể ngắt bạn khỏi dòng suy nghĩ hiện tại và cho đầu óc bạn vài phút giải lao để nâng cao khả năng có eureka khi bạn quay lại làm việc. Vậy nên, nếu bạn cần phải sáng tạo thường xuyên, hãy xem xét đan xen lịch làm việc của mình với những công việc buồn chán, như đi vệ sinh, pha trà, nhìn ra cửa sổ...Khi bạn quay trở lại làm việc, có thể bạn sẽ hét lên "Eureka!".