Cửa Hiệu Tự Sát- Có thật sự tồn tại một thế giới song song
Cửa Hiệu Tự Sát- Có thật sự tồn tại một thế giới song song
“ Cửa Hiệu Tự Sát” hay chính là “ The Suicide Shop” - cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của nhà văn Jean Teule được ra mắt công chúng và được chuyển thể thành phim vào năm 2013. Cuốn tiểu thuyết đã gây ra một làn sóng lớn cho dư luận.

Ban đầu là vì nội dung “ Phản Địa Đàng” của nó, Jean Teule đã vẽ ra một thế giới mà ở đó cái chết nhẹ tựa lông hồng. Sau đó là vì cái kết của tác phẩm.Là một cái kết khó lý giải hay đó là điều hợp lý nhất để kết thúc tác phẩm “ kỳ dị” này? “ Cửa hiệu tự sát” sẽ không hề làm bạn thất vọng đâu.

 Đừng “dại dột”, đừng đọc “ Cửa Hiệu Tự Sát” nếu:

“ Cửa hiệu tự sát” là một cuốn tiểu thuyết hiếm hoi thuộc thể loại “ Phản Địa Đàng” được chuyển thể thành phim hoạt hình với một góc nhìn dí dỏm và hài hước hơn về một thế giới - nơi cái chết được tôn vinh. Nếu đây là lần đầu bạn nghe về “ Phản Địa Đàng” thì đây là một thể loại tiểu thuyết mà ở đó có một thế giới khác song song với thế giới mà chúng ta đang sống, một thế giới trái ngược với thế giới của địa đàng. Jean Teule đã vẽ nên một thế giới “ Phản Địa Đàng” nơi mà cái chết được tôn vinh, nỗi buồn được trân trọng và việc tìm đến cái chết là một điều thiêng liêng mà ai cũng sẽ phải làm. Ở nơi đó thế giới không có gì ngoài nỗi buồn và sự u uất. Cái chết thì nhẹ tựa lông hồng còn sự sống và niềm vui thì lại được coi là bất thường và quái dị.  

Tuy đã được chuyển thể thành phim hoạt hình có vẻ dễ xem và dễ tiếp nhận hơn nhưng “ Cửa Hiệu Tự Sát” vẫn luôn khiến cho những người đọc nó phải suy nghĩ, phải suy tâm rất nhiều. Mang lại một năng lượng khá nặng nề vì cuốn sách đã khiến cho cái chết không còn xa vời, không còn đáng sợ như con người vẫn nghĩ mà ngược lại là một sự rất thân quen, rất gần, cái chết chưa bao giờ nhẹ nhàng và hợp lý đến như vậy. 

Chính vì lẽ đó, nếu như bạn có cho mình một tâm hồn mỏng manh, dễ bị suy tâm và ám ảnh về cái chết thì bạn nên xem phim trước khi đọc cuốn sách này. Bởi vì bạn sẽ không biết mình sẽ ám ảnh và rơi vào dòng suy nghĩ về cái chết nhiều đến mức nào khi bạn đọc cuốn sách này lần đầu tiên đâu.  

Địa Đàng và thế giới song song

“ Cửa Hiệu Tự Sát” là một cuốn tiểu thuyết khá ngắn chỉ vẻn vẹn 188 trang giấy và là một cuốn tiểu thuyết có cốt truyện khá đơn giản nhưng lại vô cùng đặc biệt. Cuốn sách kể về một thế giới mà nơi đó cái chết trở thành nhu cầu thiết yếu của con người và cái chết có thể mua được bằng tiền hoặc rất nhiều tiền. Nơi bán “cái chết” đó là một cửa hiệu nhỏ mang tên “Cửa hiệu tự sát” của gia đình dòng họ nhà Tuvache. Ở cửa hiệu này không ban cho bạn cái chết mà sẽ bán cho bạn cách thức để chết. Giống như biển hiệu được đặt trước cửa hàng : “ Quý khách đã thất bại trong cuộc sống? Đến với chúng tôi quý khách sẽ thành công trong cái chết”.  

Gia đình nhà Tuvache sẽ bán cho bạn tất cả những gì mà bạn cần chuẩn bị cho một cái chết. Từ tư vấn xem bạn hợp với cách chết nào: treo cổ, uống thuốc độc, dùng đao, hít khí độc hay chỉ đơn giản là một túi nilon với cơ chế khi buộc chặt vào rồi thì không thể cởi ra, chính vì lẽ đó bạn có thể chùm nó lên đầu và cứ thế chết ngạt. Không những lo cho cái chết của khách hàng mà gia đình nhà Tuvache còn có luôn dịch vụ hậu sự và đám tang sau cái chết. Đến với “ Cửa hiệu tự sát” bạn chẳng cần mang gì ngoài mang theo mong muốn được chết và lý do để chết.  

Vậy ở nơi như thế nào mà cái chết lại được phổ biến đến vậy? Jean Teule đã rất tài tình khi vẽ ra một thế giới không chỉ cái chết được tôn vinh mà nỗi buồn và sự u uất còn bao trùm lên tất cả những con người nơi đây.Họ buồn và không cười ngay từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên.Đến khi trưởng thành thì chỉ mong chờ cái chết của mình tựa như chúng ta mong chờ đến sinh nhật tuổi thứ 18. Không chỉ buồn mà ý nghĩ tiêu cực luôn hiện thức trong từng suy nghĩ và hành động của họ. Giống như con gái lớn nhà Tuvache, Marilyn- cô được miêu tả là cô gái có vẻ đẹp tuyệt vời đến mức không có đứa con gái nào trong làng có thể sánh bằng ấy vậy mà cô luôn nghĩ mình xấu đến mức không ai dòm ngó. Hay đứa con trai lớn nhà Tuvache, Vincent- cậu ta mang trong mình dòng máu của một nghệ sĩ nhưng cậu luôn tin rằng mình luôn mang dòng máu tự sát và có thể chết bất cứ lúc nào. 

Ở thế giới này, câu chuyện cổ tích được kể hằng đêm trước khi đi ngủ là câu chuyện về cái chết tự sát của một ai đó, sinh nhật tuổi 18 là dấu mốc không phải để trưởng thành mà là để đến gần hơn với cái chết. Cái chết luôn là sẽ là tự sát. Muốn tự sát là điều sẽ được tri ân,thông cảm, an ủi và ủng hộ. Nơi tự sát là điều đương nhiên. Nơi cái chết tự sát thì hoàn toàn được ủng hộ nhưng giết người đề chết thì chắc chắn không.Và nhà Tuvache đã giữ được truyền thống này trong suốt nhiều thế hệ. Ở nơi này bạn phải thật sự muốn chết thì mới được chết. 

Có một điều đặc biệt ở cốt truyện này là gia đình nhà Tuvache dù ai cũng muốn được thực hiện cái chết của chính mình nhưng họ không thể vì họ tin rằng mình sẽ phải là người cuối cùng chết vì nếu chết rồi thì ai sẽ là người giúp người khác chết đây. Họ coi đó là một sứ mệnh thiêng liêng cao cả. 

Sứ mệnh ấy thiêng liêng cao cả đến mức ông trời đã ban cho họ một thiên sứ- một thiên sứ đầu tiên xuất hiện giữa thật nhiều ác quỷ- Alan- con trai út nhà Tuvache.   

Sự Cứu Rỗi- Thiên Thần Bé Nhỏ Giữa Địa Ngục

Chương đầu tiên của tác phẩm- Alan xuất hiện với một nụ cười rạng rỡ- dự đoán cho một tương lai bị đảo lộn của gia đình nhà Tuvache. 

Alan sinh ra và lớn lên trong niềm vui và hạnh phúc lạc quan. Cậu bé đã đem đến một thế giới mới cho nhà Tuvache- thế giới của Địa Đàng.  

Bố Alan- ông Mishima: Alan đến và khiến cho ông biết rằng thế giới của ông rất đẹp và hạnh phúc bởi ông luôn có gia đình bên cạnh. Chỉ thật sự chuẩn bị mất đi gia đình và mất đi cửa hàng thì ông mới biết rằng là mình muốn sống nhiều như thế nào. 

Mẹ Alan- bà Lucrece: Tình yêu của bà dành cho Alan lớn hơn tất thảy mọi thứ. Alan xuất hiện bù đắp cho quá khứ tồi tệ của bà khi bà bị mẹ bỏ rơi. Alan hồn nhiên, luôn yêu mẹ và chắc chắn không bỏ rơi bà “ nhìn thấy Alan như thể nhìn thấy người mẹ đang thật sự quay trở lại”. 

Chị gái Alan- Marilyn: Alan khiến cô tin rằng mình thật sự đẹp đến nhường nào khi tặng cho cô một chiếc khăn lụa trắng nhân ngày sinh nhật. Nhờ điều ấy mà cô đã có được tình yêu của cuộc đời mình- thứ khiến cô tin vào bản thân và tin vào cuộc sống hạnh phúc và đáng sống này.  

Anh trai Alan- Vincent: Alan làm cho cậu nhận ra rằng mình mang dòng máu một nghệ sĩ nghệ thuật thực thụ với trí sáng tạo vô biên của mình chứ không phải dòng máu tự sát như cậu vẫn nghĩ. 

Alan đến với gia đình nhà Tuvache tình cờ và nhẹ nhàng như một thiên sứ. Cậu bé mang đến sự lạc quan và hạnh phúc. Cậu âm thầm thay đổi tất cả mọi thứ trong cửa hiệu, biến cửa hiệu tự sát thành một cửa hiệu hạnh phúc bán đồ lưu niệm. Cửa hiệu không còn thì không còn ai có thể chết và cứ như thế cậu đã thay đổi cuộc sống của tất cả con người trong thế giới ấy. 

Trào Lưu Tự Sát- Đáng Thương Hay Đáng Trách

Tuy rằng là một tác phẩm hư cấu nhưng nhà văn Jean Teule đã không thể vẽ được nó nếu như không có những gam màu của thế giới thực. 

Điều đặc biệt là tất cả tên nhân vật trong tác phẩm đều được lấy giống tên của những người nổi tiếng đã từng chết vì tự sát. 

Liệu có phải chăng qua tác phẩm này Jean Teule muốn phản ánh một thực tại xã hội khi một nhóm người khao khát được chết nhiều hơn cả sống? 

Vậy thì trào lưu tự sát- đáng thương hay đáng trách? 

Có lẽ phần nhiều là cả hai. Đáng trách vì sự sống hay cái chết, hạnh phúc hay đau khổ đều nằm ở cách ta nhìn nhận thế giới này, nằm ở thái độ và cách đối diện với những điều khó khăn mà có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đáng thương là vì sẽ chẳng ai biết muốn chết không đồng nghĩa với việc không sợ chết. Cái chết thì luôn luôn đáng sợ, muốn chết chỉ là không còn muốn sống nữa mà thôi. 

Cái kết- Là Thực Hay Mơ

Là một cuốn tiểu thuyết ngắn, nội dung đơn giản nhưng “ Cửa Hiệu Tự Sát” lại có một cái kết dài và khá khó hiểu.  

“ Alan đã xong nhiệm vụ của mình, cậu buông tay”  

Tại sao Alan lại quyết định làm thế khi mà gia đình của cậu chỉ còn cách cuộc sống hạnh phúc và thật nhiều tiếng cười chỉ một hai bước chân nữa thôi? 

Cái kết để lại cho độc giả khá nhiều suy ngẫm và khó hiểu. Tuy nhiên có lẽ nó thật sự có lý. 

Jean Teule đã mang Alan đến như một giấc mơ đẹp để thay đổi toàn bộ cuộc sống của những con người nơi đây. Sự thay đổi này và cả Alan nữa có thể là mơ có thể là thực.Có thể là sau khi tỉnh dậy thì cả gia đình nhà Tuvache hay thậm chí là cả thành phố sẽ quay về như lúc đầu không có gì thay đổi. Tuy nhiên thật tâm đã có sự thay đổi trong suy nghĩ và nhận thức của họ.  

Alan nhỏ bé như niềm hạnh phúc và hy vọng được sống còn sót lại trong mỗi con người nơi đây. Alan đến để đánh thức niềm hy vọng và khát khao hạnh phúc ấy. Và khi xong việc thì cậu biến mất nhẹ nhàng như cách mà cậu đến. 

Alan chính là tiềm thức tích cực trong mỗi con người. 

Một cái kết ý nghĩa!  

Tác giả: Đào Ngọc Diệp

Tags: