Lần đầu tiên nhận được thông báo từ Amazon rằng một cuốn sách mà tôi đã đọc xong vừa được cập nhật, tôi giật mình và nghĩ: “Sách đâu thể tự cập nhật được.” Trong suốt thập kỷ qua, dường như mỗi năm đều có một vài công nghệ mới dành riêng cho việc đọc sách, và giúp chúng ta quản lý việc đọc của mình dễ dàng hơn.
Để có thể sử dụng thời gian hiệu quả nhất, tôi luôn tính toán mọi thứ xung quanh mình. Nếu bạn tạm ngưng đọc bài viết này và tra google từ “most connected” (kết nối nhiều nhất), bạn sẽ thấy kết quả hiện ra với tên tôi (Chris Dancy) là “người có kết nối nhiều nhất trên thế giới”.
Chính xác thì điều này có ý nghĩa gì? Nói một cách đơn giản thì tôi là người kiểm soát các dữ liệu của mình - vốn đang trôi nổi ngoài vũ trụ, để biến chúng thành những công cụ có ích cho bản thân. Bạn biết không, có cả một kho dữ liệu khổng lồ của bạn trên Internet. Vậy nếu bạn cũng có thể hiểu rõ bản thân mình giống như Internet hiểu về bạn, bạn có thể làm gì để giúp cho cuộc sống của mình tốt hơn?
Từ việc theo dõi các trang web thường truy cập cho đến cách nhịp tim chúng ta thay đổi khi gặp ấn tượng mạnh, tôi đã không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào trong việc tối ưu hóa cuộc sống của mình. Mặc dù tôi có thể kể ra hàng tá bài học mà tôi đã tích lũy được, nhưng chung quy lại thì chỉ có ba điều đơn giản sau:
Chúng ta không thể đo lường được những gì mình quan tâm, vì vậy, chúng ta thường quan tâm đến những thứ chúng ta có thể đo lường. Đây là thách thức lớn nhất của chúng ta khi sống trong môi trường đang bị quá tải kết nối. Có thể tôi đã giàu hơn, gầy hơn và thành công hơn, nhưng tôi không hề cảm thấy hạnh phúc hơn sau khi nhìn vào những con số của cuộc đời mình - trên thực tế, tôi còn mắc chứng “rối loạn stress hậu sang chấn dữ liệu” (data PTSD). Có quá nhiều con số trong cuộc đời chúng ta, và theo tôi thì đôi khi những dữ liệu Internet chỉ nên để ở trên Internet thôi.
Chúng ta không trưởng thành hơn chỉ qua việc đếm số bước đã đi đâu; chúng ta trưởng thành hơn vì đã sử dụng chúng. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường nghĩ rằng bí quyết thành công là định lượng, và mỗi ngày họ nhắc bạn đếm xem mình đã làm những gì, làm được bao nhiêu. Nhưng tôi có thể khẳng định với bạn rằng bạn cần phải hành động hướng đến mục tiêu lớn của mình trước và cuối cùng mới là lúc quan tâm đến việc đo lường. Hãy tạo ra một thành quả xứng đáng trước khi bạn nghĩ đến việc kiểm tra số lượng. Đôi khi cần có một con gà đẻ quả trứng trước khi bạn có thể ăn sáng, đúng không?
Chúng ta cần sắp xếp các mục tiêu quan trọng của đời mình lên trước thay vì dành cả đời chỉ để sắp xếp mọi thứ. Trong thời đại mà mọi thứ đều chạy theo nhu cầu, và tạo thêm nhu cầu nếu có thể, thật khó để chúng ta “kiếm ra” thời gian cho những việc mà mình thực sự coi trọng. Lời khuyên của tôi là chỉ cần liệt kê những điều có giá trị với bạn và sau đó đảm bảo bạn sẽ dành thời gian trong ngày cho chúng. Như vậy, bạn sẽ không sợ bị các công nghệ xung quanh - những nhu cầu mới, làm xao nhãng, và từ đó bạn đã có thể bắt đầu kiểm soát được chúng.
Vậy thì với ba bài học trên, bạn có thể áp dụng cho việc đọc của mình như thế nào? Trước tiên, HÃY ĐẢM BẢO RẰNG BẠN COI TRỌNG VIỆC ĐỌC. Với tôi thì đọc sách cũng giống như thiền; tôi nhận ra mình ít tức giận hơn, di chuyển chậm hơn và suy nghĩ sáng suốt hơn sau khi đọc khoảng 30 phút. Nếu bạn coi trọng việc đọc, vậy thì đừng lo, bạn đang bước trên con đường dẫn đến việc đọc nhiều hơn.
Tiếp theo, ĐỪNG QUAN TÂM TỚI MẤY CUỐN SÁCH ĐƯỢC ĐỀ XUẤT BỞI THUẬT TOÁN MÁY TÍNH. Chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình đánh giá của chúng ta và đó sẽ là một lỗ hổng thật sự trong quá trình học hỏi. Khi chúng ta bị cuốn vào vòng quay “chỉ đọc những gì mình thấy thích”, chúng ta tự nhiên sẽ muốn né tránh những thứ nằm ngoài nhu cầu vì nghĩ chắc nó sẽ chán lắm. Thay vào đó, hãy đọc một vài cuốn sách mà bạn sẽ hiếm khi đọc hoặc ít được nhắc đến. Giống như món salad làm cho chế độ ăn uống của chúng ta lành mạnh hơn, những cuốn sách mà ban đầu chúng ta thường không quan tâm, sau này biết đâu sẽ là món salad cho việc đọc.
Sau đó, HÃY THỬ THEO DÕI THỜI GIAN ĐỌC CỦA BẠN. Tôi sử dụng một ứng dụng có tên là Life Cycle (tạm dịch: vòng đời): Đó là một biểu đồ tròn đơn giản cho tôi biết thời gian một ngày của tôi trôi qua như thế nào. Và cuối mỗi tháng, tôi phải đảm bảo rằng những thứ tôi coi trọng không bị giảm đi so với tổng phần trăm thời gian của tôi. Ví dụ, tôi coi trọng bạn bè, những kết nối thân thiết và thiền: khi thời gian của những điều này bắt đầu giảm, tôi biết đã đến lúc mình phải tập trung dành thời gian cho chúng nhiều hơn.
HÃY CÂN NHẮC VỀ ĐẶC TÍNH CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN: EBOOK, SÁCH IN VÀ SÁCH NÓI - mỗi loại đều có những lợi thế và bài học đáng kể để bạn biến việc đọc trở thành trải nghiệm sâu sắc hơn. Điều tôi thích nhất về ebook đó là chúng làm nổi bật từng phần, và sau đó so sánh các phần yêu thích của tôi với xu hướng của đám đông. Còn sách in sẽ luôn là lựa chọn dành cho những gì tôi xem trọng như: mùi, cảm giác và âm thanh khi lật từng trang.
Trong cuốn sách Don’t Unplug: How Technology Saved My Life and Can Save Yours Too (tạm dịch: Đừng ngắt: Công nghệ đã cứu rỗi cuộc đời tôi và cũng có thể cứu bạn), tôi đã viết về cách tôi đánh lừa giấc ngủ và sự chú ý của mình bằng cách sử dụng sách nói. Sách nói có một khả năng kỳ diệu trong việc thay đổi tốc độ nói. Tại sao cần thay đổi tốc độ của sách nói? Bởi vì, nếu bạn đang phải vật lộn với chứng mất ngủ, việc nghe một cuốn sách ở tốc độ ¾ bình thường sẽ giúp đầu óc bạn chậm lại trước khi ngủ. Với vấn đề ở hướng ngược lại, tức là khi bạn không thể tập trung vào một cuốn sách vì não bạn đang cố thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, trong trường hợp đó, tôi sẽ tăng tốc độ đọc sách gấp đôi. Điều đó khiến não tôi phải tập trung lắng nghe từng từ để theo kịp tốc độ đọc.
Cuối cùng, ĐỪNG BỎ QUA CÁC ĐIỀU KIỆN MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH BẠN. Hiện nay, điện thoại thông minh của chúng ta có thể đo được ánh sáng, âm thanh và thậm chí cả áp suất khí quyển trong không gian sống của bạn. Hãy thử nghĩ đến việc tải một ứng dụng hình ảnh có thể đo được ánh sáng (tôi thích đọc trong ánh sáng có độ rọi khoảng 120 LUX) và ứng dụng âm thanh để kiểm tra tiếng ồn xung quanh phòng (bạn nên đọc ở nơi âm thanh khoảng 65 dB).
Mặc dù tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nghiêng hoàn toàn về vai trò độc giả hoặc tác giả - tôi cũng không thích thế - nhưng ít nhất tôi tự coi mình như một người ủng hộ người đọc. Vậy nên với tư cách đó, lời khuyên chân thành của tôi dành cho các bạn đọc là: Đừng bao giờ ngắt kết nối với công nghệ, chúng có thể giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc đọc và đọc nhiều hơn.
Thanh Trần | Readitforward.com
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Trạm đọc sách miễn phí của chàng trai 25 tuổi dành cho người dân Huế