Điểm hẹn của những người yêu sách
Chiều nào tan học, cậu học sinh lớp 3 Nguyễn Văn Phong (Trường tiểu học Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cùng nhóm bạn trong khu phố tới “Thư viện cộng đồng Điểm đọc Việt Nam” tại số 15, ngách 5, ngõ 2, phố Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Không cần làm thẻ ra vào, không cần phụ huynh tới đăng ký, hoàn toàn miễn phí khi đọc sách hay mượn mang về, các bạn nhỏ trong phố Đại Từ thích tới nơi đây vì có thể thoải mái tới chọn sách trên kệ, được ngồi trên bàn hay nằm bò ra sàn, tựa cửa sổ để đọc cuốn sách mình yêu thích.
Với nhiều bạn nhỏ trên phố Đại Từ, từ khi có thêm thư viện công cộng “Điểm đọc Việt Nam”, các bạn có thêm một nơi để tới chơi sau giờ học. Còn phụ huynh thì hoàn toàn yên tâm khi con cái hứng thú với những cuốn truyện, cuốn sách và chăm chỉ tới thư viện mỗi khi rảnh rỗi chứ không phải là chơi game hay lướt mạng.
Là người sáng lập dự án “Điểm đọc Việt Nam”, cô gái 9X Cao Thị Sao Mai được biết tới là một trong những thủ lĩnh trẻ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng khi vẫn là sinh viên. Dự án xuất phát từ sự thiếu thốn sách đọc khi còn nhỏ, cùng với trăn trở làm sao để giới trẻ và mọi người quan tâm hơn tới văn hóa đọc, Sao Mai đã bắt tay vào việc tạo ra một mạng lưới thư viện công cộng dành cho mọi người. Điểm đọc đầu tiên mà cô gái xứ Nghệ gây dựng từ năm 2018 là ngay tại nhà trọ của mình, với những giá sách đơn sơ, cùng một không gian đọc yên tĩnh, mở cửa cho mọi người đã trở thành địa điểm thường xuyên lui tới của nhiều bạn học sinh, sinh viên.
Sau ba năm triển khai, Sao Mai ước tính số lượng thành viên tham gia và hưởng ứng quyên góp sách lên đến gần 4.000 người. Ước mơ của cô gái nhỏ đã trở thành hiện thực khi mô hình “Điểm đọc Việt Nam” được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước, tạo ra mô hình chia sẻ không gian và sách miễn phí cho nhiều người.
Tinh thần vì cộng đồng
Là thư viện được thành lập vì cộng đồng nên điểm chung của các thư viện trong mạng lưới “Điểm đọc Việt Nam” là tính linh hoạt và gần gũi với mọi người. Mô hình này có thể đặt tủ sách tại quán cà-phê, trà sữa, một trung tâm Anh ngữ, nhà văn hóa cộng đồng của khu dân cư, thư viện của chùa, thư viện trường hay tại chính nhà riêng của các thành viên dự án.
“Thành viên” mới nhất của “Điểm đọc Việt Nam” mới được mở ngày 8-1 vừa qua, được đặt tại chung cư Happy House CT18 (đường Ngô Huy Quỳnh, Giang Biên, Gia Lâm, Hà Nội). Tại đây có những vị thủ thư đặc biệt, đó chính là các ông bà đã về hưu cùng gây dựng và duy trì thư viện như một điểm hẹn văn hóa cho các thế hệ cùng tới để đọc sách và giao lưu.
Điều mà cô thủ lĩnh trẻ Sao Mai tự hào là tinh thần trân trọng và phát triển văn hóa đọc đã lan tỏa mạnh mẽ tới các bạn trẻ. Rất nhiều học sinh, sinh viên không chỉ góp công sức mà tự nhận đó là trách nhiệm của bản thân. Bạn Nguyễn Mai Hoa, trưởng nhóm Điểm đọc Thường Tín (thôn Dương Tảo, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội) nhớ lại: “Khi còn là học sinh trung học, lần đầu biết tới thư viện miễn phí mang tên “Điểm đọc Việt Nam”, chúng em đã đi hơn 20 km tới để đọc sách. Từ sự tò mò, chúng em yêu thích và khao khát được mang mô hình thư viện này về cho các bạn trẻ vùng ngoại thành Hà Nội. Vậy là cả nhóm đã quyết tâm xây dựng bằng được thư viện tại quê hương mình”.
Chủ động tìm nguồn sách và địa điểm, nhóm duy trì số lượng sách lên tới gần 200 đầu sách với một lượng độc giả thường xuyên lớn. Tuy nhiên, do không tìm được địa điểm duy trì thư viện thường xuyên, còn Mai Hoa và các bạn giờ đã thành sinh viên đại học, nên nhóm quyết định phát triển thành thư viện sách nói. Nhờ đó, mạng lưới “Điểm đọc Việt Nam” sẽ không chỉ dừng lại ở những không gian xinh xắn dành cho đọc sách mà còn có thể giúp nhiều người khác được tiếp cận với tri thức mà không bị rào cản về không gian, thời gian.