Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi - Cuộc đời này rất khó sống nhưng lại rất đáng sống
Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi - Cuộc đời này rất khó sống nhưng lại rất đáng sống
Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi là cuốn sách giúp người đọc hướng đến với một cuộc đời trọn vẹn hơn nhờ nếp sống kỷ luật, đồng thời mang đến những góc nhìn sâu sắc về tình yêu, tôn giáo và những phước lành.
Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi
(59 lượt)
Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi là cuốn sách giúp người đọc hướng đến với một cuộc đời trọn vẹn hơn nhờ nếp sống kỷ luật, đồng thời mang đến những góc nhìn sâu sắc về tình yêu, tôn giáo và những phước lành. Trên thực tế, cuộc sống này luôn có những con đường chẳng mấy người đi, bởi nó luôn chứa đựng vô vàn khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, tác giả sẽ từng bước hướng dẫn bạn đi qua con đường đầy thử thách nhưng cũng cực kỳ xứng đáng ấy. 

 

Kỷ luật và Thói quen trì hoãn 

 

Sự thật là cuộc đời này không đẹp như mơ, và chấp nhận thực tế này sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Mỗi ngày mới là một thách thức không lường trước, và việc bạn ý thức được điều này đã khởi động quá trình tìm kiếm giải pháp rồi. 

Bên cạnh việc xem kỷ luật là công cụ hướng đến sự trưởng thành tinh thần, chúng ta còn phải có phương pháp đúng đắn. Một trong những cách được tác giả gợi ý là tự kỷ luật bản thân, bắt đầu bằng việc phải ưu tiên làm việc khó trước, để dành việc dễ làm sau cùng – hay phải biết cách Trì hoãn Ham muốn.

Tuy nhiên, một số người lại hành động ngược lại. Họ chọn cách sống trì hoãn, theo kiểu “sướng trước đã, hậu quả tính sau”. Những người chọn cách sống này không phải là do họ kém cỏi. Có mấy ai không muốn chọn làm việc dễ trước rồi dành hết ngày để vật lộn với những công việc khó nhai còn lại? Bằng cách phớt lờ hay trì hoãn những công việc khó khăn, họ sẽ không phải đối diện với thực tế rằng bản thân còn non nớt và nhiều hạn chế. Nếu họ trì hoãn không làm, chẳng ai có thể chê cười họ vì bất kỳ lý do gì. 

Tuy vậy, đến một ngày họ sẽ phải tự đối mặt với những khó khăn và cho bản thân mình một cơ hội để rèn luyện tính kỷ luật, đồng thời nhận lãnh trách nhiệm với chính cuộc đời mình. 

 

Kỷ luật còn là Tôn trọng Sự thật, biết Nhận lãnh Trách nhiệm và Cân nhắc Trước sau

 

Để dành việc dễ làm sau cùng chỉ là một trong các phương pháp rèn luyện kỷ luật. Bên cạnh đó, bạn còn cần phải Nhận lãnh Trách nhiệm với cuộc sống của bản thân.

Bạn có thường nghe thấy câu “Đây không phải vấn đề của tôi” không? Đây là phản ứng thường thấy khi người ta không muốn phải tự tay xử lí vấn đề nào đó. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng: trốn tránh không giải quyết được gì cả, vì vấn đề vẫn còn ở nguyên đó!

Tác giả M. Scott Peck đã nhiều lần thốt lên trong vô thức: “Đây không phải vấn đề của tôi!” khi còn là thực tập sinh của Khoa Tâm thần học. Có những lúc ông thấy rất khó chịu và mệt mỏi vì phải làm việc nhiều giờ hơn các thực tập sinh khác. Nhưng khi trao đổi với quản lý bệnh viện, người này đã nói với ông: “Vấn đề này không phải của tôi. Anh nên tự cân đối thời gian sao cho hợp lý.”

Suốt một thời gian dài, tác giả đã cực kỳ giận dữ vì người quản lý ấy không giải quyết vấn đề thuộc quyền hạn của mình, trong khi thực chất chính tác giả mới đang là người đang trốn tránh trách nhiệm. Tự ông đã đăng ký chứ không ai ép ông phải làm thêm giờ. 

Một công cụ khác để rèn luyện kỷ luật chính là Tôn trọng Sự thật, điều này đòi hỏi bạn phải thành thật đối diện với thực tế cuộc sống. Đây là sẽ làm nhiệm vụ khó khăn bởi thế giới này không ngừng thay đổi, và bạn phải nỗ lực phản tư để cập nhật thế giới quan của mình. Đó là lý do tại sao thỉnh thoảng ta sẽ thấy có những người luôn cư xử 1 cách kỳ quặc bởi họ tin thế giới quan – hay tấm bản đồ nhận thức của bản thân là chính xác! Và họ sẽ mất rất nhiều thời gian để tự nhận thực và sửa lại bản đồ nhận thức của mình!

Giữ cân bằng – hay Cân nhắc Trước sau cũng giúp củng cố ý thức kỷ luật. Cân bằng, nghĩa là từ bỏ thói quen xấu hay hành vi cực đoan khiến bạn rơi khỏi cán cân cuộc sống. Đó là những điều mà bạn tưởng sẽ làm tăng thêm chút gia vị cho cuộc sống, nhưng cuối cùng lại thường kết thúc rất tồi tệ.

Tác giả minh họa cho điều này bằng một trải nghiệm trong quá khứ của ông. Ông từng đạp xe hết tốc lực để thả dốc, để cho cảm giác khoái chí chạy khắp cơ thể và không tài nào ngừng lại được, để rồi kết thúc bằng cú đâm vào bụi cây. Từ đó ông nhận ra, từ bỏ cảm giác khoái chí có thể khiến ta rất khó chịu, nhưng hậu quả của trạng thái mất cân bằng cuộc sống sẽ còn mệt mỏi hơn nhiều.

 

Tình yêu gắn liền với đời sống tinh thần và tự kỷ luật.

 

Xuyên suốt lịch sử, nhân loại đã bàn luận rât nhiều về bản chất của tình yêu, nhưng đơn giản nhất thì tình yêu chính là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của bản thân và người mình yêu thương. Có một điều quan trọng bạn cần biết, đó là trước khi yêu thương người, bạn cần học cách yêu lấy bản thân. Quá trình này cũng tương tự như khi cha mẹ dạy trẻ cư xử sao cho đúng mực. Trước nhất, cha mẹ cần phải làm gương để trẻ noi theo.

Yêu thương rất cần sự nỗ lực. Nhiều người khao khát, mong muốn thể hiện tình yêu, nhưng ít người thực sự biết yêu. Người muốn nuôi dưỡng tâm hồn là người nghiễm nhiên chọn yêu thương, vì vậy hành động của họ cũng rất tình cảm.

Khát khao thể hiện tình yêu và Hành động chọn yêu thương khác nhau ở những câu nói như thế này. “Tôi muốn nấu cho em một bữa thật ngon” – với câu nói này, sau đó bạn có thể không làm gì. Còn “Tôi sẽ nấu cho em một bữa thật ngon” thì chắc chắn bạn sẽ làm đúng như lời đã nói. Do tình yêu đòi hỏi nỗ lực như vậy nên tình yêu sẽ mang theo kỷ luật vào cuộc sống của bạn – hay nói chính xác hơn, chính tình yêu làm bạn nỗ lực rèn luyện kỷ luật hơn. 

Khi tình yêu sinh ra, trái tim bạn tựa như một bể năng lượng tràn đầy. Bể năng lượng ấy cũng giúp bạn hoàn thiện bản thân, vì tự thân tình yêu có sức mạnh bồi đắp tình yêu thương. Nhưng để duy trì mối quan hệ tình cảm thì luôn cần có kỷ luật.

 

Tình yêu không phải cảm xúc. Tình yêu là hành động có ý thức đi kèm nguy cơ.

 

Chúng ta thường cho rằng tình yêu là cảm xúc chứ không phải là hành động, quan niệm này có thể gây ra ngộ nhận. Cảm xúc yêu liên quan đến việc gắn kết tình cảm, nghĩa là mức độ cảm xúc mà chúng ta đặt vào một người hoặc một vật. Khi hai người lạ tình cờ trở nên thân thiết cũng vậy, họ cũng sẽ cảm thấy sự gắn kết tình cảm như thể cả thế giới chỉ còn lại hai người. Nhưng cảm xúc này không kéo dài, nó thường chỉ xuất hiện ở một thời điểm nhất định. Trong khi tình yêu chân thành chỉ có thể nảy sinh khi thường xuyên quan tâm đến nhau. Thậm chí, tình yêu không nhất thiết phải xuất phát từ cảm xúc rung động như thường thấy, vì tình yêu không chỉ là những gắn kết tình cảm.

Trong một cuộc hôn nhân đúng nghĩa, đôi bên có thể bất đồng quan điểm, có thể giận hờn, nhưng vẫn sẽ hỗ trợ nhau cùng hoàn thành mục tiêu chung. Ở họ có sự tận tâm tự nguyện dành cho nhau, điều đó quan trọng hơn tất thảy các cảm xúc nhất thời. Tuy nhiên, để tình yêu bền lâu thì tận tâm là chưa đủ, cần có một ý thức rằng tình yêu có thể biến mất.

Yêu một người nghĩa là chú ý đến họ và hỗ trợ cho họ phát triển. Điều này đòi hỏi bạn đặt mọi thứ sang một bên để thực sự lắng nghe người yêu cũng như quan tâm đến trải nghiệm của họ. Khi đó, bạn sẽ có cơ hội mở rộng khả năng của bản thân và hiểu thêm về đối phương. 

Nhưng, xin nhớ rằng bạn không thể yêu ai mà không kèm với nguy cơ có thể đánh mất họ! Trong một mối quan hệ tình cảm, luôn tồn tại nguy cơ đôi người đôi ngả, dẫn đến sự đau lòng và cô đơn cho đương sự. Đó dẫu sao cũng là một phần cái giá của tình yêu. 

 

Tôn giáo làm cho thế giới quan được rộng mở nhờ tiếp thu góc nhìn mới.

 

Tôn giáo là gì? Với nhiều người, đó là tập hợp của những luật lệ, nghi thức tâm linh cần tuân thủ và là việc gia nhập một nhóm tín đồ. Có thể thấy định nghĩa này quá chật hẹp!

Tôn giáo nên được hiểu là một hệ đức tin do văn hoá định hình. Nếu hiểu như vậy thì tất cả chúng ta đều có tôn giáo, nhưng chuyện đó chẳng can hệ gì đến thần thánh hay Thượng đế cả. Hãy cứ xem “tôn giáo” là một cách nói khác của từ “thế giới quan”, một tập hợp các quan điểm về thế giới được hình thành từ giáo dưỡng và văn hoá trong gia đình.

Như một ví dụ trong sách, góc nhìn này về tôn giáo giúp cho người đàn ông tên Stewart, một người vô thần mắc chứng trầm cảm, khám phá thế giới quan cá nhân, tìm thấy tôn giáo riêng của mình và cải thiện đời sống tinh thần. Stewart nhận ra hệ niềm tin trong anh phản ánh thế giới này là một nơi xấu xa, đầy rẫy những thế lực thù địch cứ lăm le trừng phạt nếu anh phạm lỗi. Niềm tin này nảy sinh từ hoàn cảnh lớn lên trong một môi trường cha mẹ bạo hành và khiếp sợ thần quyền. Câu chuyện này cho thấy thế giới quan ít khi dựa trên niềm tin của các thành viên gia đình mà phần lớn bị ảnh hưởng bởi hành động, hành vi của những người trong cuộc.

May mắn thay, chúng ta vẫn có thể nuôi dưỡng và phát triển đời sống tinh thần nếu chịu tiếp thu góc nhìn mới qua những trải nghiệm mới.

Nếu là một nhà khoa học, có lẽ bạn sẽ không ngừng đặt câu hỏi khám phá thế giới và thu thập thông tin để xây dựng chính kiến cho bản thân. Tinh thần này sẽ giúp bạn miễn nhiễm với quan niệm tôn giáo của bậc cha mẹ. Bạn không cần phải gắn mình vào thế giới quan hạn hẹp của họ nếu bản thân bạn luôn sẵn sàng tiếp nhận những giá trị mới của cuộc sống và muốn xây dựng hệ giá trị riêng. Và xin hãy nhớ rằng, đừng để những trải nghiệm trong quá khứ ảnh hưởng đến vẻ đẹp của thế giới tâm linh!

 

Giải thích “Phước lành” bằng những việc đời thường.

 

Có lẽ bạn đã từng nghe qua bài thánh ca bắt đầu với ca từ “Phước lành huyền diệu! Âm thanh ngọt ngào ấy…” Vì giai điệu này quá nổi tiếng nên từ “phước lành/ân điển” thường gợi nhớ đến nghĩa “huyền diệu”.

Vậy thực ra “Phước lành” là gì? Và nó có diệu kỳ như người ta hay nói không?

“Phước lành” thực chất là khái niệm được dùng khá phổ biến để bảo vệ thân thể và tinh thần con người, kể cả trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.

Có một sự thật thú vị rằng, nếu bạn bị chứng rối loạn thần kinh chức năng (còn gọi là “rối loạn chuyển đổi”) thì một nhà tâm thần học giỏi có thể xác định nguyên nhân phát sinh, tình trạng của triệu chứng. Tuy nhiên ông ta lại không thể giải thích vì sao một số người mắc chứng này không bị trở nặng, cũng như vì sao nhiều người vẫn sống tốt mặc dù họ từng gặp phải tổn thương tâm lý khủng khiếp trong quá khứ.

Có một bệnh nhân, vốn là một doanh nhân cực kỳ thành công, nhưng bị mắc chứng rối loạn chuyển đổi mức độ nhẹ. Trong quá trình trưởng thành, anh ta bị tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần, bao gồm thời gian bị ghẻ lạnh khi chung sống với gia đình nhận nuôi và khoảng thời gian ở tù khi còn niên thiếu.

Các chuyên gia điều trị có thể thăm khám và chữa trị cho anh ta nhưng lại không thể lý giải cách người đàn ông này vượt qua khoản thời gian khó khăn năm xưa như thể nào để trở thành một thành đạt. Tác giả Scott Peck cho rằng, sự việc đó chỉ có thể giải thích bằng cách thừa nhận rằng luôn có một thế lực bên ngoài bảo vệ con người, nhờ đó mà họ đủ sức chống chọi với những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Đó chính là Phước lành!

“Phước lành”, có lẽ không chỉ đem lại khả năng hồi phục tinh thần một cách đáng kinh ngạc mà còn là nguồn năng lượng thúc đẩy con người phát triển. 

 

“Phước lành” còn xuất hiện trong giấc mơ và trong những vận may bất ngờ.

 

Con người thường có khuynh hướng chủ động phân loại sự vật, hiện tượng theo hiểu biết của họ. Chúng ta biết rõ một chiếc dép khác với một chiếc thuyền ca-nô, nên để làm rõ các thứ, ta xếp chúng vào hai nhóm: giày và thuyền. Nhưng hiện tượng “phước lành” lại nằm ngoài khả năng tri giác thông thường, nó giống phép lạ đến từ tiềm thức và trạng thái mơ của con người.

Qua tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, Peck đã tìm thấy bằng chứng chứng minh tiềm thức có thể khéo léo định hướng các diễn biến tâm lý thông qua những giấc mơ cụ thể.

Các phân tích cho thấy rằng một số giấc mơ có chức năng cảnh báo nguy cơ. Mơ cũng là một biểu hiện của “phước lành”, bởi vì nó cũng đóng góp vào quá trình trưởng thành tinh thần của con người.

Theo tác giả, người ta đã từng ghi nhận những hiện tượng mơ giống nhau giữa người với người, hoặc cùng nhìn thấy các hình ảnh tâm linh giống nhau. Những hiện tượng tâm linh này minh họa cho khái niệm đồng phương tương tính – một biểu hiện khác của “phước lành” qua hành vi.

Đồng phương tương tính là sự trùng hợp thường xuyên của những sự kiện có vẻ không liên quan đến nhau, và cũng như “phước lành”, rất khó giải thích hiện tượng này. Nhiều trường hợp đồng phương tương tính đã được ghi nhận nhưng vẫn không có cách giải thích khoa học cho việc tại sao hai con người có thể mơ cùng một giấc mơ hoặc nhìn thấy cùng một hình ảnh tâm linh.

Những hiện tượng dạng này thường được xem là có lợi cho người trải nghiệm nó, hay còn gọi là vận may bất ngờ, khái niệm “vận may bất ngờ” này được định nghĩa trong từ điển Merriam-Webster là “vô tình bắt gặp điều quý giá hoặc tốt đẹp”.

Chính bản thân tác giả cũng đã từng trải nghiệm chuyện này khi ông đang viết một tác phẩm khác. Lần đó do bị mất cảm hứng sáng tác, ông tìm đến một nông trại ở xa nhà. Vợ của bạn ông, một người bình thường vốn khá lạnh lùng và không mấy thiện cảm với tác giả, bất chợt bước vào phòng và đưa cho ông một quyển sách. Mặc dù chắc chắn người phụ nữ ấy không biết gì về công việc của tác giả, nhưng quyển sách mà bà đưa cho ông có tựa là “How People Change” của Allen Wheelis – và đó chính là tư liệu rất phù hợp giúp ông có động lực tiếp tục công việc đang dang dở. Tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận “phước lành”, ngay cả trong những thời điểm đời thường nhất.

 

Căn nguyên tội lỗi của loài người chính là lười biếng, thứ ngăn cản sự trưởng thành về tinh thần.

 

Câu chuyện về Adam và Eve ở Vườn Địa đàng có nhắc đến nguyên tội này. Một con rắn đã thuyết phục Eve ăn trái của cây tri thức, mặc dù Chúa Trời đã cấm hành vi đó. Như vậy, chúng ta có thể rút ra rằng nguồn gốc thực sự của tội lỗi này là do Adam và Eve đã không hỏi Chúa hoặc bàn với nhau về lí do thứ quả đó bị cấm, và vì vậy không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc mình phạm phải.

Nói cách khác, lười biếng cũng được xem như tội lỗi: vì đã không dành thời gian để nghiêm túc tự vấn chính mình. Nếu muốn tránh xa tội lỗi và có những quyết định đúng đắn, bạn cần dụng tâm tự đặt ra những câu hỏi để hiểu lí do sâu xa của những việc mình làm. Tất nhiên việc này không hề dễ dàng gì. Muốn giải tỏa mâu thuẫn giữa Chúa Trời và con rắn bên trong ta không đơn giản, ta cần truy vấn mỗi bên và đồng thời phải đối mặt với toàn bộ những gốc rễ rắc rối của bản thân. 

Lười biếng vừa là tội lỗi, nhưng đồng thời cũng là rào cản lớn nhất ngăn cản sự phát triển đời sống tinh thần. Kiểu lười biếng này không liên quan đến cuộc sống gia đình hay tinh thần trách nhiệm trong công việc. Bạn vẫn có thể làm việc đến 60 tiếng một tuần, lo liệu chu đáo cho gia đình nhưng vẫn lười biếng không chăm lo cho đời sống tinh thần của mình.

Đời sống tinh thần không phát triển có thể khiến nhiều người sợ thay đổi đến mức chỉ chăm chăm bám víu sự thoải mái ít ỏi mà họ đang có. Nhiều người luôn thấy sợ những điều mới lạ, họ cũng chẳng quan tâm cập nhật thế giới quan. Nếu cứ mãi sợ hãi và lười biếng như thế thì hành trình trưởng thành tinh thần cũng sẽ mãi dậm chân tại chỗ. 

Nhưng cuộc sống không nhất thiết phải như thế. Chỉ cần ý thức được là đang có tồn tại kháng cự bên trong là bạn đã bắt đầu bước đầu tiên trong hành trình phá bỏ định kiến và chướng ngại trên hành trình trưởng thành tinh thần. Để nuôi dưỡng đời sống tinh thần, chúng ta cần duy trì tình yêu thương và tư duy cởi mở đón nhận những góc nhìn mới, kể cả năng lượng kỳ bí mà hữu hiệu của “phước lành”. Đi trên con đường vắng dấu chân này quả thực không hề dễ dàng, nó đòi hỏi người lữ hành phải nỗ lực, có ý chí và có tính kỷ luật cao. 

Theo Tuệ Tri

Tags: