Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi - Cuốn sách giúp bạn khám phá bản chất của các mối quan hệ và của một tinh thần trưởng thành
Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi - Cuốn sách giúp bạn khám phá bản chất của các mối quan hệ và của một tinh thần trưởng thành
Đây là một cuốn sách thực sự thú vị, những ai không biết về tâm lý cũng có thể hiểu được dễ dàng bởi tác giả sử dụng ngôn ngữ rất đơn giản, đưa ra rất nhiều ví dụ từ đời thực và kinh nghiệm trị liệu tâm lý.
Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi
(17 lượt)
Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi là một cuốn sách viết về chủ để Tâm lý, Các tổn thương tâm lý, Tình yêu và Hành trình trưởng thành tinh thần. Cuốn sách cung cấp những công cụ và giải pháp an toàn, thực tiễn và dễ dàng thực hiện, giúp bạn đọc hướng đến một cuộc đời hạnh phúc. Thông qua quá trình điều trị các bệnh nhân cũng như những trải nghiệm bản thân, tác giả cuốn sách – bác sĩ tâm lý M. Scott Peck, cho chúng ta thấy rằng để có được một cuộc đời hạnh phúc nhất thiết phải đạt được sự trưởng thành về tinh thần. Đây tuy là lối tắt, nhưng lại Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi. 

Cuốn sách này được chia thành bốn phần: Kỷ luật, Tình yêu, Trưởng thành & Tôn giáo và Phước lành. Sau đây là một số những tóm tắt ngắn gọn về những phần trên: 

 

Phần 1: Kỷ luật

 

Ngay từ những dòng đầu tiên đã là những lời khẳng định đanh thép từ chính tác giả: “Cuộc đời này rất khó sống”, và ta phải chấp nhận sự thật này. Một khi đã thực sự hiểu và chấp nhận, thì việc cuộc sống này có khó khăn hay không sẽ không còn là việc đáng bàn cãi. Bởi thông qua toàn bộ quá trình đối diện và giải quyết các vấn đề cá nhân, chúng ta mới nhận ra cuộc sống có ý nghĩa như thế nào. 

Nhưng thay vì chấp nhận, người ta lại không ngừng than vãn, một cách ồn ào hoặc trong âm thầm, về mức độ trầm trọng của các vấn đề, gánh nặng cũng như khó khăn, như thể cuộc sống phải là điều gì đó dễ dàng.

Tác giả mang đến cho người đọc bốn công cụ để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Những công cụ này là:

  1. Trì hoãn ham muốn
  2. Nhận lãnh trách nhiệm
  3. Tôn trọng sự thật
  4. Cân nhắc trước sau
  • Trì hoãn ham muốn

Trì hoãn ham muốn là quá trình lên kế hoạch cho những gian khó và niềm vui sướng trong cuộc sống, từ đó gia tăng cảm giác vui sướng, và đó cũng chính là thành quả sau khi đã đối mặt, trải nghiệm và vượt qua gian khó.

Hầu hết trẻ em được dạy công cụ hay quy trình lập kế hoạch này từ khá sớm, đôi khi ngay từ khi mới 5 tuổi. Ví dụ, thỉnh thoảng, khi chơi trò chơi, một đứa trẻ 5 tuổi sẽ nhường cho bạn chơi trước, để sau đó tận hưởng lượt chơi của mình. Nhưng khi lớn lên, chúng ta lại có xu hướng quên đi điều này.

  • Nhận lãnh Trách nhiệm

Ta không còn cách nào khác ngoài việc chính ta phải giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Với bất kỳ vấn đề nào, ta phải nhận trách nhiệm về vấn đề trước rồi mới giải quyết. Ta không thể giải quyết vấn đề bằng cách nói: “Đó không phải là vấn đề của tôi”. Ta cũng không thể giải quyết vấn đề bằng cách hy vọng người khác sẽ giải quyết cho mình. Ta chỉ có thể giải quyết vấn đề khi nói: “Đây là vấn đề của tôi và tôi phải giải quyết nó”. Nhưng rất nhiều, rất nhiều người tìm cách tránh né nỗi đau từ những vấn đề của bản thân bằng cách tự nhủ: “Vấn đề này là do người khác gây ra cho tôi, hay do hoàn cảnh xã hội nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi, và do đó, việc giải quyết vấn đề này còn tùy vào người khác hay xã hội. Đó thực sự không phải là vấn đề cá nhân của tôi.”

  • Tôn trọng sự thật

Công cụ thứ ba của Kỷ luật là Tôn trọng sự thật. Càng nhìn rõ thực tế của thế giới này, ta càng được trang bị tốt hơn để đối phó với nó.

Quan điểm của chúng ta về thực tại giống như một tấm bản đồ ta sử dụng để xoay xở với những thăng trầm trong cuộc sống. Nếu bản đồ đúng và chính xác, ta sẽ biết mình đang ở đâu và dễ dàng quyết định điểm đến tiếp theo. 

Mặc dù điều này hiển nhiên như vậy, nhưng hầu hết mọi người ít nhiều đều chọn cách phớt lờ. Họ phớt lờ điều này vì con đường đi đến thực tại không hề dễ dàng.

Trước hết, chúng ta không phải sinh ra đã có bản đồ trong tay, ta phải tạo ra chúng và việc này đòi hỏi nỗ lực. Càng nỗ lực cảm kích và nhận thức thực tại, tấm bản đồ của ta càng lớn và chính xác. Nhưng nhiều người không muốn thực hiện nỗ lực này. Bản đồ của họ nhỏ và sơ sài, tầm nhìn của họ về thế giới hạn hẹp và sai lệch. Đến cuối tuổi trung niên, hầu hết mọi người đã từ bỏ nỗ lực. Họ cảm thấy chắc chắn bản đồ của họ đã đầy đủ và chính xác.

Vấn đề lớn nhất của việc lập bản đồ là chúng ta phải liên tục sửa đổi nó. Vật đổi sao dời, bản thân thế giới không ngừng thay đổi, chúng ta cũng vậy. 

Điều gì sẽ xảy ra khi một người đã nỗ lực rất lâu để hình thành một quan điểm hữu dụng về thế giới, tức là có được một tấm bản đồ có vẻ hữu ích, khả dụng, nhưng sau đó lại phải đối mặt với những thông tin mới ngụ ý rằng quan điểm đó là sai và phần lớn tấm bản đồ cần phải được vẽ lại? Sự việc đầy đau khổ này dường như thật đáng sợ. Thay vì cố gắng thay đổi bản đồ, có thể người đó sẽ cố gắng phá hủy thực tại mới.

Đáng buồn thay, người như vậy cuối cùng sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để bảo vệ một quan điểm lỗi thời về thế giới, thay vì năng lượng cần thiết để sửa đổi và chỉnh lại cho đúng bản đồ ngay từ đầu.

  • Cân nhắc trước sau: 

Sự cân bằng là công cụ thứ tư được tác giả mô tả. Cân bằng là kỷ luật mang lại cho chúng ta sự linh hoạt. Sự linh hoạt phi thường là điều cần thiết để sống thành công trong mọi lĩnh vực hoạt động.

Những người dũng cảm phải liên tục thúc đẩy bản thân trở nên hoàn toàn trung thực, nhưng cũng phải có khả năng giữ kín toàn bộ sự thật khi thích hợp. Để trở nên tự do, ta phải nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm của bản thân. Nhưng khi làm như vậy, ta phải có bản lĩnh từ chối những trách nhiệm không thực sự thuộc về mình. Để trở thành một người có nguyên tắc và hiệu quả, để sống khôn ngoan, ta phải trì hoãn sự ham muốn hàng ngày và hướng đến tương lai. Nhưng để có một cuộc đời vui vẻ, ta cũng phải sống trong hiện tại và hành động một cách tự nhiên.

Theo tác giả, bản chất của sự cân bằng này là “phải biết cách buông bỏ”. Ông giải thích điều đó bằng một ví dụ: Năm lên 9 tuổi, lúc mới học cách đi xe đạp, ,trong khi đạp xe, ông tăng tốc và cảm thấy rất phấn khích, nhưng vấn đề đã xảy ra. Ông nhận thấy một khúc cua gắt, nhưng trong cơn phấn khích này, việc bóp thắng dường như là hành động tự trừng phạt. Vì vậy, ông quyết định giữ nguyên tốc độ, đồng thời cố quẹo cua, kết quả là khiến bản thân bị trầy trụa, chảy máu và chiếc xe đạp mới bị móp méo.” Ông đã mất “cân bằng”. Ông đã không sẵn lòng từ bỏ tốc độ, sự phấn khích để duy trì sự cân bằng.

Vì vậy, tác giả cho rằng kỷ luật là phải giữ cân bằng.

 

Phần II: Tình yêu 

 

Tác giả định nghĩa tình yêu là ý muốn mở rộng bản thân nhằm mục đích nuôi dưỡng sự phát triển tinh thần của chính mình hoặc của người khác. Tình yêu không đến một cách ngẫu nhiên, đây là một hành vi của ý chí – tức vừa là ý định, vừa là hành động. Yêu thương không phải là một việc dễ dàng. Trái lại, yêu thương là sự nỗ lực. Trước khi mô tả tình yêu thương là gì, tác giả đã khám phá bản chất của tình yêu thương bằng cách xem xét những ngộ nhận về tình yêu.

Đầu tiên, câu nói “phải lòng ai đó” là một câu nói sai lầm. Có hai vấn đề với điều này, một là ta không phải lòng con cái, cha mẹ hay bạn bè của mình. Ta chỉ phải lòng khi có động cơ tính dục một cách có ý thức hay vô thức. Vấn đề thứ hai là trải nghiệm phải lòng này chỉ là tạm thời. Cảm giác yêu ngây ngất đặc trưng cho trải nghiệm phải lòng luôn qua đi. Sự lãng mạn thăng hoa luôn tàn lụi.

Tương tự, ông mô tả những quan niệm sai lầm khác về tình yêu như –tình yêu lãng mạn, sự hy sinh bản thân, tình yêu không phải là một cảm giác, v.v.

Vậy, nếu những điều đó không phải tình yêu, thì tình yêu là gì?

Tác giả cho rằng tình yêu là sự tự kỷ luật; là sự tách bạch. Người có tình yêu chân chính luôn coi người mình yêu là người có bản sắc hoàn toàn riêng biệt. Hơn nữa họ luôn tôn trọng và thậm chí khuyến khích sự tách bạch này, cũng như những cá tính độc đáo của người mình yêu.

Tình yêu không phải là sự phụ thuộc. Khi một người nói mình không thể sống thiếu người kia, thì đó không phải là tình yêu mà là một mối quan hệ ký sinh. Tình yêu đích thưc là hai con người có thể sống tốt khi không có nhau, nhưng lại chọn sống cùng nhau để trở nên tốt hơn.

Khi yêu thương thực sự, ta mở rộng bản thân. Khi mở rộng bản thân, ta phát triển. Càng yêu thương, ta càng trở nên lớn lao hơn. Tình yêu đích thực giúp ta phát triển bản thân và vị kỷ.

 

Phần III: Trưởng thành và Tôn giáo

 

Ở phần thứ ba này, tác giả nói rằng mọi người đều có tôn giáo. Chúng ta thường có xu hướng tin rằng tôn giáo phải bao gồm niềm tin vào Thượng Đế hay một số nghi lễ, nhưng theo tác giả, điều này không đúng. Đối với tác giả, tôn giáo chính là thế giới quan của ta.  Chúng ta chấp nhận mọi thứ, kể cả tôn giáo mà không thắc mắc, như thể mọi thứ đều được truyền lại.

“Một trong những vấn đề của chúng ta là ít ai phát triển được một quan điểm sống tách biệt. Mọi thứ thuộc về chúng ta, thậm chí cả cảm xúc, hầu như đều là vay mượn.”

Để đạt được một tâm trí ổn định và sự phát triển tinh thần, ta phải phát triển ‘tôn giáo’ của riêng mình, và không dựa vào tnhững người đi trước. Ta phải xem xét, nghi ngờ, trải nghiệm và có kỷ luật để có được thế giới quan riêng.

 

Phần IV: Phước lành

 

Ở phần IV, tác giả nói về Vô thức. Ông nói rằng vô thức của chúng ta thông tuệ hơn nhiều so với ý thức.

Theo ông, phước lành là một phép mầu ban cho tất cả mọi người, nhưng chỉ một số ít chúng ta thực sự nhận thấy và tận dụng. Đó là một món quà.

Tác giả giải thích các đặc điểm của Phước lành đó là: có chức năng nuôi dưỡng; và cơ chế vận hành của phước lành rất khó nắm bắt, hoặc hoàn toàn mơ hồ; Phước lành xuất hiện một cách thường xuyên; nguồn gốc của phước lành nằm ngoài ý thức con người.

Ông cho biết, đó là một phép mầu và con đường dẫn đến phép mầu này trái ngược với xu hướng tự nhiên của chúng ta. Cần phải nỗ lực thì mới bước đi được trên con đường nhiệm mầu này. Cần phải không ngừng can đảm thì mới bước đi được trên con đường này, và đó là lý do tại sao có rất ít người trải qua hành trình đó.

Đây là một cuốn sách thực sự thú vị, những ai không biết về tâm lý cũng có thể hiểu được dễ dàng bởi tác giả sử dụng ngôn ngữ rất đơn giản, đưa ra rất nhiều ví dụ từ đời thực và kinh nghiệm trị liệu tâm lý. Đây không phải là cuốn “sách tâm linh” mà người ta thường lầm tưởng. Trái lại, sách rất thực tế. Mọi điều tác giả nói đều có thể áp dụng vào cuộc sống. Nhưng, để áp dụng thì bạn cần phải nỗ lực.

Mời bạn lắng nghe trích đoạn sách nói của cuốn Con đường chẳng mấy ai đi:

Công ty Cổ phần Văn hoá & Công nghệ Tuệ Tri 

Được thành lập vào tháng 11 năm 2021 bởi những các cá nhân có kinh nghiệm, nhiệt huyết và đam mê với ngành sách, Tuệ Tri sở hữu 2 thương hiệu Tri BooksDự án 451. Mặc dù là cái tên còn khá non trẻ, Tuệ Tri đã mạnh dạn đặt mục tiêu hàng đầu là mang đến cho bạn đọc những cuốn sách có đề tài hay, nội dung chất lượng, hợp thời.

Tags: