Nhìn chung, các lối suy nghĩ ảnh hưởng đến cách đầu óc chúng ta vận hành, đưa ra quyết định và tương tác với người khác gọi là xu hướng định kiến trong nhận thức. Nhiều định kiến trong số đó có thể làm sai lệch nhận thức của chúng ta về những gì sẽ xảy ra – ví dụ như trong các cuộc bầu cử, xu hướng phát triển kinh tế và cả cuộc sống hàng ngày của chúng ta nữa - cho dù chúng ta có đang nhìn về tương lai 50 năm hay 50 phút sau.
Đó không phải là điều quá tồi tệ, theo Don Moore, giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh UC Berkeley Haas. “Những gì mà một nhà tâm lý học như tôi nói về tại sao con người lại thiếu khả năng suy xét hợp lý khi dự đoán tương lai thì nghe có vẻ khá là đáng buồn”, ông nói. “Tuy nhiên, bạn luôn có thể chọn góc nhìn lạc quan”. Con người không hoàn hảo, nhưng chúng ta vẫn là những sinh vật có khả năng dự đoán tương lai tốt nhất trên hành tinh. “Đúng, chúng ta không thể tính toán hoàn hảo những lợi ích và tổn thất trong tương lai. Tuy nhiên, như vậy là đã rất giỏi so với tinh tinh rồi”.
Con người không hoàn hảo, nhưng chúng ta vẫn là những sinh vật có khả năng dự đoán tương lai tốt nhất trên hành tinh.
Một tin tốt nữa là chúng ta có thể - ít nhất là ở một mức độ nào đó - vượt qua những định kiến nhận thức cố hữu của bản thân. Bước đầu tiên là có thể xác định ra những định kiến đó, và biết khi nào thì tâm trí dễ bị lung lay nhất. Từ đó, chúng ta có thể vượt qua được những suy nghĩ trong chính bộ não của mình.
1. Hiệu ứng “Biết tuốt”
Đôi khi, điều đó có nghĩa là tin tưởng trong khoảng thời gian trước khi xảy ra sự việc rằng chúng ta thật sự có thể biết được diễn biến tiếp theo. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 là một ví dụ điển hình; khi những phản ứng sốc ban đầu được nhanh chóng thay thế bằng vô số lời khẳng định “Tôi đã biết trước rồi mà”. Các nghiên cứu cho thấy rằng bất kể dự đoán trong thực tế của chúng ta có thể là gì, một khi chúng ta biết được kết quả, chúng ta thường có xu hướng suy nghĩ làm tăng độ chính xác của các dự đoán ban đầu lên tới 20%. Trong phiên bản không chuẩn xác này của ký ức, mọi thứ đều trở nên dễ đoán hơn và chúng ta hiểu chúng rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, nhiều khi sự thiên vị nghĩ bản thân biết tuốt này cũng có thể đánh lừa, khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta hẳn đã bỏ lỡ những manh mối hiển nhiên.
“Chúng ta trở thành nạn nhân của hiệu ứng thiên vị biết tuốt này khi chúng ta nhìn về quá khứ và nói, ‘Ồ, nhẽ ra tôi nên biết điều đó sẽ xảy ra chứ nhỉ’, Moore nói. “Chúng ta nghĩ rằng nếu mình thông minh hơn một chút là có thể dự đoán được tương lai rồi.”
Dù bằng cách nào đi chăng nữa, chúng ta cũng có thể tránh dự đoán dựa trên hiệu ứng biết tuốt bằng cách chuẩn bị cho nó trước một khoảng thời gian. Bằng cách xem xét tất cả các kết quả tiềm năng, chúng ta sẽ không bị nhìn nhận một điều gì đó là hiển nhiên sẽ xảy ra, trong khi thực sự nó không phải thế.
2. Định kiến lạc quan, hay “mơ tưởng” (wishful thinking)
Moore chỉ ra nghiên cứu cho thấy rằng hình dung những sự việc tốt đẹp lý tưởng cho bản thân có thể khiến ta lạc quan hơn về khả năng thật sự đạt được điều đó. “Thỉnh thoảng, chúng ta nghe được những lời khuyên rằng mình nên hình dung về bản thân và hoàn cảnh của mình theo cách mà mình muốn”, ông nói. Đó là lời khuyên kiểu mẫu về suy nghĩ lạc quan, và đúng là nó giúp chúng ta phấn chấn hơn về tương lai của mình, nhưng chỉ mỗi tưởng tượng không thì tương lai đó sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Tất cả chúng ta đều muốn những điều tốt đẹp cho bản thân và chúng ta muốn tin rằng những điều đó là có thể. Nhưng chúng ta có xu hướng dựa vào điều này hơi quá nhiều
Việc tưởng tượng một cách trực quan bản thân mình sẽ trở nên giàu có hay có một cơ thể đẹp đẽ cân đối không thể thay đổi hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc sống. Nhưng nếu ta bắt tay vào lập kế hoạch cho nó – sau khi tưởng tượng sẽ được điểm cao trong bài kiểm tra hoặc sẽ có kết quả tốt trong một cuộc thi thể thao, và có thêm có động lực để học tập và rèn luỵện - điều đó mới mang lại sự khác biệt,” ông nói. “Sau đó, chúng ta mới có thể thực sự bắt đầu làm những việc, dù khó khăn, nhưng thực sự đưa ta đến được mục tiêu.”
3. Định kiến trầm trọng hóa (salience bias)
Chẳng hạn, sau vụ khủng bố ngày 9/11, nhà tâm lý học Harvard Jennifer Lerner đã tiến hành một nghiên cứu trong đó có tới 20% số người được hỏi nghĩ rằng có khả năng cao họ sẽ bị thương hoặc thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố trong năm tiếp theo. Moore chỉ ra nghiên cứu trên là một ví dụ rõ ràng về xu hướng trầm trọng hóa vấn đề.
“Xác suất phần trăm dân số có khả năng chịu hậu quả từ khủng bố chỉ là 0,001%, nhưng có đến 20% mọi người nghĩ rằng họ sẽ bị ảnh hưởng ư? 20% là một con số rất lớn”, ông nói. “Tính chất nghiêm trọng của vụ khủng bố hiện hình một cách nổi bật trong số những nỗi lo lắng của chúng ta về tương lai. Trong thực tế, có nhiều khả năng chúng ta sẽ chết vì ngã cầu thang hơn là bị đánh bom”.
Lo lắng và sợ hãi là cần thiết; hầu hết thời gian, chúng giúp ngăn chúng ta làm những điều ngu ngốc hoặc đẩy bản thân vào nguy hiểm. Nhưng, Moore nói, chúng ta nên tập trung sự lo lắng của mình vào những nguy cơ tiềm ẩn mà thực sự có thể phải đối mặt trong thực tế.
“Chúng ta thực sự nên lo lắng về tính dễ bị tổn thương của mình đối với những tai nạn thường ngày như tai nạn ô tô, hay sự nguy hại của việc chúi mũi vào màn hình điện thoại suốt cả ngày,” ông nói. “Đó là những rủi ro thực sự mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày, nhưng vì một số lý do, ta lại tập trung lo lắng về các vụ tai nạn máy bay và tấn công khủng bố.” Thế nên, về cơ bản, chúng ta nên ngừng nhắn tin trong khi lái xe, và tự nhủ rằng xác suất máy bay của mình bị rơi là rất nhỏ. Ta sẽ cảm thấy an toàn hơn nhiều và chắc chắn sẽ giảm bớt đi phần căng thẳng trong cuộc sống.
4. Định kiến phỏng chiếu (projection bias)
“Loại định kiến này mô tả xu hướng chúng ta đối chiếu hiện tại vào trong dự đoán ở tương lai”, Moore giải thích. “Bây giờ bạn đang đói, và bạn dự tính tương lai của mình phỏng theo cái đói của hiện tại và mua nhiều hơn số thức ăn mà bạn thực sự sẽ cần.”
Mua sắm trong khi đói là vô hại so với các trường hợp định kiến phỏng chiếu khác có thể ảnh hưởng đến chúng ta. Ở những dạng âm thầm nguy hại hơn, nó thể hiện ở xu hướng nghĩ rằng: trong tương lai chúng ta sẽ vẫn quan tâm nhiều đến những điều mà chúng ta đang quan tâm ngay bây giờ, và điều này có thể dẫn đến những quyết định sai lầm.Hãy cân nhắc kỹ xem liệu 2 năm nữa bạn có muốn có hình xăm như thế này trên lưng mình hay không?
“Nhiều người trẻ tuổi mắc phải vấn đề này bằng cách vội vã cam kết với những sự việc và vấn đề hiện tại mà không cân nhắc rằng mình có thực sự còn quan tâm đến chúng tương lai hay không,” Moore nói. Và “nhiều người đã phải tốn rất nhiều tiền mới xóa được hình xăm mà hồi trẻ, với những suy nghĩ non dại, họ đã hăm hở xăm lên cơ thể mình”.
Vượt qua định kiến này đòi hỏi sự kiên nhẫn và kế hoạch kỹ càng. “Với những thứ như mua sắm hàng tạp hóa, ít phụ thuộc vào trực giác hơn, vì thế chúng ta có thể lập ra một danh sách hoặc các quy tắc và quá trình chọn lựa”, theo Moore. “Hãy tuân theo danh sách mua sắm của bạn, thay vì chọn bất cứ thứ gì bạn thích khi nhìn thấy chúng trong siêu thị”. Với những việc quan trọng hơn, danh sách mua sắm này có thể được thay thế bằng một bảng liệt kê những mục tiêu cần đạt được trong cuộc sống để đối chiếu trước khi bạn đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào. Yếu tố tuổi tác cũng khá quan trọng. Mặc dù người lớn tuổi vẫn thường xuyên gặp vấn đề với định kiến phỏng đoán kiểu này, nhưng họ sẽ ít có khả năng cam kết với điều gì đó trước khi thực sự chắc chắnsẽ gắn bó với nó. “Có lẽ là do họ đã trải qua nhiều điều trong cuộc đời và đã thấy những thay đổi trong chính bản thân mình”, Moore nói. “Tôi nghĩ rằng những người lớn tuổi thường ít khẳng định về những dự đoán trong tương lai”. Vì vậy, ngay cả khi bạn thực sự, thực sự, thực sự muốn xăm một bức chân dung của một ngôi sao mới nổi trên mạng xã hội Vine trên tấm lưng trần của mình, hãy thư thả vài năm và nghĩ lại xem mình có còn muốn làm thế nữa không.
5. Định kiến giảm dần tiệm cận (Hyperbolic discouting bias)
Chúng ta thích các thú vui ngắn hạn hơn là các phần thưởng dài hạn.
Định kiến giảm dần theo đường cô-nic này là một thiên kiến nhận thức khiến chúng ta khó có thể nhìn nhận mình trong tương lai đúng như chính bản thân mình vốn có. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể chọn các thú vui ngắn hạn hơn là các phần thưởng dài hạn; tại sao chúng ta dành tối thứ Hai để xem Netflix trên chiếc ghế dài, bất kể điều đó có ảnh hưởng gì tới danh sách việc cần làm thứ Ba; và tại sao tiết kiệm cho lương hưu khiến ta cảm thấy như bị lấy mất tiền khỏi túi ngay bây giờ, như thể việc đó là để mang lại lợi ích cho một người xa lạ nào đó trong tương lai xa vời chứ không phải cho chính mình vậy.
Giải pháp cho loại định kiến này khá đơn giản: hãy nhận biết và làm quen với chính hình ảnh bản thân mình trong tương lai. Nhà tâm lý học Hal Hershfield, giáo sư tại UCLA, người nghiên cứu về tác động của thời gian lên sự phán xét của con người, yêu cầu sinh viên của mình vượt qua định kiến giảm dần tiệm cận bằng cách xem một bức ảnh làm cho khuôn mặt mình già đi nhiều tuổi trước khi đưa ra bất cứ quyết định gì về tài chính. Để bắt chước phương pháp này, hãy thử tưởng tượng ra hình ảnh mình trong tương lai, có thể là vài ngày, vài tháng, hoặc vài năm tới.
“Sau khi nhìn thấy hình ảnh đó, ta sẽ dễ dàng đưa ra quyết định có lợi cho phiên bản tương lai của bản thân hơn”, Moore nói. “Chúng ta thường hào phóng và nhân ái hơn với những người mà chúng ta biết rõ”.
Và bản thể tương lai của chúng ta sẽ cảm ơn chúng ta vì điều đó.
Theo Medium
Thảo Tâm (dịch)