Chúng ta là những kẻ nghiện Internet khó có thể cứu chữa
Chúng ta là những kẻ nghiện Internet khó có thể cứu chữa
Với sự phát triển vượt bậc của khoa học, kỹ thuật, con người ngày càng tạo được nhiều sản phẩm công nghệ tinh vi và thông minh hơn. Như một con dao hai măt, chúng vừa phục vụ đời sống, đem lại nhiều thỏa mãn về tinh thần và vừa dần biến ta thành nô lệ.

1. 

Năm 1957, nhà phê bình Dwight Macdonald viết: “Việc hút thuốc cho ta một thứ để cầm khi rảnh tay, còn báo chí cho ta thông tin để đọc khi đầu óc trống rỗng.” Nhưng với smartphone, bạn chẳng có nổi một lúc rảnh rỗi, bởi bộ não và đôi tay liên tục hoạt động để gõ bàn phím, ấn like, xem video trên Youtube và cả chơi Candy Crush nữa.

Theo thống kê của eMarket, trung bình người Mỹ mỗi ngày mất 5 tiếng rưỡi cho các thiết bị điện tử, một nửa số thời gian đó tiêu tốn cho chiếc smartphone. Các sinh viên nữ còn dùng smartphone tới 10 tiếng một ngày – theo một nghiên cứu gần đây tại trường Baylor University. 3/4 số người được khảo sát từ độ tuổi 18 đến 24 cho biết họ lập tức sờ vào smartphone mỗi sáng thức dậy. Một ngày, họ kiểm tra điện thoại khoảng 221 lần  (trung bình 4,3 phút/lần). Con số này thậm chí còn chưa là gì với một những người không để ý thói quen sử dụng điện thoại vô tổ chức. Dù vậy, trong năm 2015, 61% số người được hỏi khẳng định họ dùng điện thoại ít hơn những người xung quanh.

Bất ngờ là, chúng ta mắc thói quen phụ thuộc vào công nghệ một cách chóng vánh và chưa có tiền lệ trước đó. Từ thời điểm chiếc điện thoại cảm ứng đầu tiên của iPhone ra mắt tháng 7/2007, tiếp nối là chiếc điện thoại hệ điều hành Android vào một năm sau đó, doanh số bán smartphone toàn cầu đã tăng trưởng kỉ lục trong thị phần sản phẩm công nghệ tiêu dùng, từ 10% lên 40%. Tại Mỹ, tỉ lệ này đạt tới 50% ở thời điểm cách đây 3 năm. Và hiện tại, nếu bạn không sở hữu một chiếc smartphone thì hẳn người khác sẽ nghĩ bạn thật lập dị, lạc hậu, thậm chí thuộc về thế kỉ trước.

Chúng ta thấy được điều gì từ sự chuyển đổi nhanh chóng tới mức sau một đêm bạn bước ra đường và thấy ai ai cũng cắm cúi lướt một chiếc máy gì đó?

 


Bạn sẽ chẳng bao giờ cầm khư khư một chiếc điện thoại nếu nó không mang lại sự an toàn, tiện ích và niềm vui. Smartphone là sản phẩm tuyệt vời tích hợp mọi tính năng như chiếc máy tính xách tay cỡ 14 inch không phải lúc nào cũng xách theo được. Tuy nhiên, một số người dùng lại miêu tả smarphone là một sản phẩm đáng thất vọng, khiến họ bị phân tâm khỏi những việc khác. Trong một cuộc khảo sát năm 2015 của Pew, 70% người dùng đánh giá smartphone giúp họ mở rộng kết nối với thế giới bên ngoài trong khi 30% còn lại cho rằng smartphone như một chiếc dây xích. Gần một nửa người từ độ tuổi 18 đến 29 thừa nhận sử dụng điện thoại như một cách để tránh giao tiếp với mọi người xung quanh.

 

2.

Đó là khía cạnh đáng lo ngại của truyền thông và các thiết bị di động mà Sherry Turkle - nhà tâm lý kiêm xã hội học giảng dạy tại Trung tâm Công nghệ trường Đại học Massachusetts, Cambridge đề cập trong cuốn sách Reclaiming Conversation của mình. Sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng mối quan hệ giữa máy tính và con người, Turkle đi đến kết luận rằng cuộc cách mạng truyền thông đã làm suy giảm các mối quan hệ của chúng ta, bao gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả người yêu. Những ví dụ dẫn chứng tốt nhất cho luận điểm này là việc bố mẹ vì bận nghe điện thoại mà không quan tâm đến con cái trên bàn ăn, là những buổi gặp mặt bạn bè mà ai cũng dán mắt vào smartphone, là lớp học nơi giảng viên chỉ cho học sinh xem bài giảng sẵn trên video và slide, là những cuộc hẹn hò khi cả hai thiếu kĩ năng giao tiếp tới mức lại cúi đầu xuống điện thoại.

Trong cuốn Alone Together (2011), Turkle đã tìm ra gốc rễ của vấn đề này. Đó là sự thất bại của giới trẻ trong việc tiếp cận công nghệ và bị công nghệ cô lập đến độ không thoát ra được. Tác giả đã cùng thử nghiệm tương tác của robot và trẻ vị thành niên với các thiết bị công nghệ. Bà nhận thấy một dòng mô tả trên facebook hoặc một chiếc avatar trong game cũng làm chúng ta bị ảnh hưởng và phân tâm trong cuộc sống thật, kể cả khi người trẻ đang phải đối mặt với nỗi lo mất quyền riêng tư trước sự tồn tại của dữ liệu trực tuyến.

Trong một tác phẩm khác, Turkle đề cập đến chứng bệnh tâm thần khi nói về khả năng con người bị công nghệ cô lập. Bà cho rằng, giới trẻ ngày nay đang mất dần khả năng bộc lộ cảm xúc và thông cảm. “Đó là khả năng tìm kiếm một người ngoài đời thật để chia sẻ khi bạn cô đơn.” - Turkle viết. Bạn phải chia sẻ những gì mình nghĩ trên mạng xã hội để được mọi người chú ý và sự chú ý này giúp những bạn trẻ mới lớn tạm thời vượt qua nỗi lo sợ cô đơn đó.

Trong tác phẩm mới nhất, Turkle xem xét vấn đề này trên cương vị như một bác sĩ và một nhà dân tộc học. Bà tạm gác lại những dữ liệu phỏng vấn tại các trường cấp ba và đại học từ năm 2008 để thực hiện nghiên cứu mới. Theo đó, một giáo viên trung học tại New York đã buồn bã chia sẻ với bà rằng, học sinh hiện nay đang gặp vấn đề lớn trong việc lắng nghe và trò chuyện với giáo viên, thiếu kĩ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể, kĩ năng đánh giá - nhận xét, kĩ năng nhìn nhận vấn đề và cả kĩ năng tìm kiếm những người bạn đáng tin cậy. “Như thể chúng bị mắc hội chứng Asperger vậy” - một giáo viên đồng nghiệp phàn nàn (Asperger là hội chứng yếu kém về kĩ năng giao tiếp và đặc biệt là ngôn ngữ cơ thể, kèm theo những triệu chứng khác như rối loạn thần kinh, thích cô đơn và thường có các thay đổi về tính cách). Một nghiên cứu khoa học sử dụng các bài kiểm tra tâm lý đạt chuẩn cũng cho thấy, sự cảm thông của sinh viên đại học đã giảm tới 40% trong suốt 20 năm qua.

 


Với một số người trẻ hiện nay, tình bạn không còn là thứ tình cảm đáng trân trọng nữa. Trước đây, phải nói chuyện gián tiếp với bạn bè khiến ta cảm thấy cách trở, phiền hà, nhưng trong thời đại công nghệ, chuyện ấy đã trở nên thường tình nghiễm nhiên.

Turkle đã nhìn ra sự tiến hóa của “tình bạn thời công nghệ”. Ở thời điểm đầu, các bạn gái vị thành niên dành thời gian trau chuốt profile trên Facebook. Sau đó, chúng chuyển sang Snapchat - nơi tin nhắn bị xóa vĩnh viễn sau khi bạn click đọc, và tiếp đến là Instagram - mạng xã hội chuyên dùng để chia sẻ hình ảnh chụp từ smartphone. Nền tảng của các mạng xã hội này cho phép bạn tự xây dựng hình ảnh cá nhân bằng cách đăng ảnh và chia sẻ trạng thái chứ không chỉ dừng lại ở vài dòng mô tả bản thân (description). Snapchat ngày càng phổ biến với lứa tuổi teen vì các em không muốn bị phụ huynh nhòm ngó như Facebook. Trong năm 2016, Snapchat đã trở thành mạng xã hội quan trọng thứ hai tại Mỹ, chỉ sau Facebook. Tính năng FaceTime của Apple cũng mang đến nhiều phiền toái, vì giơ điện thoại ra trước mặt đồng nghĩa với việc bạn không thể làm gì. Với một số bạn trẻ, FaceTime chỉ là công cụ giết thời gian bằng cách trò chuyện, bạn có thể vừa lướt web vừa nói chuyện và thoải mái tắt máy bất kể lúc nào bạn muốn.

Khi dùng smartphone, điều mà các bạn trẻ ít khi làm được là dành tất cả tâm trí để trò chuyện. Chúng tôi đã gặp không ít lời phàn nàn kiểu như: “Tôi chẳng biết làm cách nào để toàn tâm toàn ý nói chuyện với một người”, “Ngay cả khi đi với bạn bè, tôi cũng phải mở điện thoại lướt mấy trang mua sắm online…” Nhiều bạn trẻ vị thành niên nghĩ rằng họ đã trò chuyện quá nhiều trên mạng ảo nên không cần khoảng thời gian nói chuyện trực tiếp. Một nhóm học sinh cùng lớp thể dục chia sẻ với chúng tôi rằng các em đã lập ra nhóm chat chung trên mạng ngay sau buổi học đầu để làm quen, và các nhóm cùng phòng cũng vậy.

 


Mối quan hệ trong gia đình cũng thay đổi theo sự tiến hóa của công nghệ. Tranh cãi bằng miệng bây giờ chuyển thành “cãi nhau qua tin nhắn”. Collin, một người đàn ông trẻ, khi gặp rắc rối vì không đáp ứng được kì vọng của gia đình (trong đó có bố mẹ và anh, chị, em) đã quyết định mang cuộc cãi vã lên Gchat (tính năng trò chuyện của Google) để màn tranh cãi đỡ căng thẳng hơn.

Nhưng mỗi khi phải dừng lại để hỏi về một câu chưa hiểu rõ lắm, Collin tại tự vấn chính mình: “Tại sao phải sợ việc nói chuyện thẳng thắn, mặt đối mặt chứ?” Anh không ngừng nghĩ về câu trả lời. Gia đình anh sau đó không còn cãi vã trên mạng nữa, và họ trở về là một gia đình “thực thụ”.

Nhiều người cho rằng các ứng dụng nhắn tin và trò chuyện trực tuyến sẽ làm cuộc đối thoại trở nên lãng mạn, tuy nhiên, nó luôn tiềm ẩn những mối nguy hại. Adam - một kiến trúc sư 36 tuổi không thể vượt qua ám ảnh khi kết thúc mối quan hệ tình cảm lâu năm. Thuở còn mặn nồng, Adam cảm thấy được bình yên khi có bạn gái Tessa bên cạnh. Hai người thường nhắn tin qua mạng xã hội hơn là gọi điện thoại vì tin nhắn cho phép họ tạm dừng hoặc bắt đầu lại cuộc trò chuyện một cách dễ dàng. Trong 3 năm yêu nhau, cặp đôi đã có một bộ sưu tập tin nhắn dài tới không đếm nổi. Adam cho biết cách nói chuyện của anh khi online không phải là tính cách thật, đó chỉ là hình mẫu anh muốn trở thành.

Bộ phim Her của Spike Jonze kể về một nhà văn sau khi ly dị vợ mình đã mua một hệ điều hành máy tính có trí thông minh nhân tạo và khả năng giao tiếp như con người. Hệ điều hành này tự nhận mình là nữ. Hai người nhanh chóng trở nên thân thiết như bạn bè, rồi trở thành tình yêu và thậm chí tình dục. Khán giả có thể cười nhạo sự khờ khạo thảm hại của nhà văn trong phim mà quên mất họ đang cười chính mình. Chính chúng ta đang say mê những chiếc điện thoại, máy tính bảng đời mời đến mức thiếu vắng nó một chút là bứt rứt không yên. Và bạn ở bên nó nhiều hơn cả bên cạnh những người thân yêu. Kiểu mối quan hệ như trong phim sớm hay muộn cũng xảy ra, cho đến khi con người nhận ra sự sung sướng, hạnh phúc ảo ấy hóa ra lại thật vô hồn, lạc lõng. Turkle cho hay: Công nghệ khiến chúng ta quên đi mọi thứ đang tồn tại trong cuộc sống này.”

 

Hàng loạt người xem chụp ảnh bức tranh Mona Lrisa tại bảo tàng Louvre, Paris năm 2012

3.

Tại sao các thiết bị công nghệ dần dần ăn mòn cảm xúc của chúng ta, cả trên mạng ảo và ngoài đời thật? Để tìm ra câu trả lời, hãy xem chúng ta đang tương tác như thế nào với người khác trên mạng ảo. Mối quan hệ giữa người với người qua Internet là mối quan hệ mang tính tập thể, lan tỏa, nhiều tương tác nhưng lại ngắn ngủi và thiếu đồng bộ - Joseph M.Reagle Jr, - giáo sư môn giao tiếp tại Đại học Northeastern bàn trong cuốn Reading the Comments. Với Reagle, mạng lưới quan hệ kiểu này trải khắp từ các bài share Facebook tới các bài review sản phẩm trên Amazon.

Reagle thực hiện nhiều khảo sát về Internet với mục tiêu tìm ra “kết nối may mắn”. Ông kì vọng tìm thấy một cộng đồng mạng tốt đẹp, nơi chúng ta có thể thoải mái và văn minh bài tỏ quan điểm cá nhân. Nhưng trong quá trình tìm kiếm, giáo sư của chúng ta toàn gặp những cộng đồng tiêu cực. Ông thường gặp những bài viết dựng chuyện nhằm làm nhục người khác, những dòng nhận xét, đánh giá kiểu bức xúc, ức chế hoặc kiêu ngạo, khoe của. Thật là một thế giới rỗng tuếch vì thiếu đi cảm xúc!

Nói thêm về vấn đề này, những bài viết và nhận xét ẩn danh là thứ tồi tệ nhất. Một cá nhân nặc danh nào đó làm dấy lên một chủ đề nóng để những người online hiếu kì vào ngồi lê mách lẻo và bình luận những lời lẽ ác ý nhất. Kẻ ẩn danh này thường nhắm vào phụ nữ hoặc họ chính là những phụ nữ nghiện tám chuyện. Chủ đề yêu thích của chị em bao gồm những chuyện như giật chồng, đánh ghen, bóc mẽ đời tư để đe dọa và thường công khai cả lý lịch, địa chỉ và hình ảnh của khổ chủ. Cùng với sự phát triển của Internet, những tình trạng kể trên đã khiến nạn tống tiền, hiêp dâm và bạo lực tăng lên không ngừng.

 


Các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter dường như sinh ra dành cho những kẻ ngồi lê mách lẻo. Tiền thân của Facebook là trang Facemash. Khi đang học năm thứ 2 tại Harvard, Zuckerberg đã lập ra trang Facemash nhằm bình chọn bức ảnh nóng bỏng nhất của các nữ sinh trong ký túc xá. Gần đây lại xuất hiện một mạng xã hội mở “tuyệt đối” tên là Yik Yak. Không cần tiểu sử, không cần mật khẩu, không cần thiết lập các vòng quan hệ khiến ai cũng có thể tham gia để tâm sự với những người...vô danh quanh mình. Nhưng thay vì sử dụng Yik Yak để trò chuyện và chia sẻ tài liệu, giới học sinh sinh viên biến nó thành nơi nói xấu và bôi nhọ các giáo viên.

Reagle không phản đối tính năng bình luận bởi ông không muốn làm mất tính dân chủ vốn có của Internet. Nhưng hy vọng chúng ta có thể tạo ra những trang web văn minh hơn, nơi người sử dụng không lãng phí thời gian vào chuyện vô bổ, không nghe theo lời chi phối của kẻ vô danh và hơn hết không bị gặm nhấm cảm xúc thật.

 

4.

Nếu Internet có hại hơn là có lợi, có lẽ chúng ta nên ít sử dụng nó hơn. Nhưng mọi chuyện chẳng đơn giản như vậy. Bài viết về “Chứng rối loạn nghiện Internet” lần đầu tiên được công khai trên mặt báo vào năm 1995 và một năm sau đó, các nhà nghiên cứu chính thức coi nó là 1 phần của bệnh tâm thần. Ở thời điểm đó, triệu chứng này chỉ dừng lại ở mức say mê các ứng dụng trên máy tính. Từ cuối thập niên 90, với sự ra đời của e-mail và điện thoại di động, triệu chứng này càng trở nên trầm trọng đến độ người dùng mang theo Blackberry ở mọi nơi mọi chỗ họ ghé qua.

Những năm trở lại đây, mạng xã hội kết nối qua Internet đã làm giới trẻ điên đảo. Lướt newfeed đã trở thành thói quen thường ngày và người dùng cho thấy sự hiện diện của mình bằng cách bấm nút “Like” cho các bài đăng của bạn bè (trên Google+ là +1s, Instagram là trái tim và Pin trên Pinterest). Và thật thiếu sót nếu không kể đến thành công của ứng dụng di động trên smarphone chỉ sử dụng thao tác lướt tay đơn giản như Tinder, Angry Birds, Instgram…

Cách đây 20 năm, công việc mơ ước của sinh viên Mỹ là làm việc tại các ngân hàng và tổ chức tài chính như Goldman Sachs hay Morgan Stanley. Ngày nay, sinh viên ở các trường danh giá như Standford, CalTech hay Harvard đều mong muốn làm việc cho các tập đoàn công nghệ như Google, Facebook. Vậy là tất cả những thứ trường học dạy bạn để làm được nhiều nghề khác nhau nay bị cưỡng ép lại một nghề: kĩ sư công nghệ.

Nhiều kĩ sư làm việc tại Thung lũng Sillicon xuất thân từ trung tâm nghiên cứu Persuasive Technology Lab tại Standford. Trung tâm này được thành lập bởi nhà nghiên cứu B.J.Fogg, người đã mất nhiều thời gian sử dụng các phương pháp tâm lý học thực nghiệp để chứng minh “Mô hình hành vi” (Fogg Behavior Model). Thuyết này chỉ ra rằng các nhà sáng lập có thể giữ chân bạn vì họ vô cùng thấu hiểu tâm lý người dung dựa trên 3 loại động lực: cảm giác, mong đợi và liên kết xã hội. Fogg đã có nhiều bài thuyết giảng tại các tập đoàn công nghệ lớn về ý tưởng “công nghệ thuyết phục”. Đó là ý tưởng biến các sản phẩm công nghệ với thiết kế đặc biệt hấp dẫn người dùng, khiến họ tạo lập thói quen mới cho sản phẩm đó (một triệu chứng của nghiện công nghệ). Một ví dụ về Facebook, có bao giờ bạn đặt câu hỏi vì sao newfeed luôn tràn ngập những thứ bạn muốn xem và facebook luôn cho bạn những gợi ý chuẩn xác? Thuật toán của Facebook cũng dựa trên nguyên lý “công nghệ thuyết phục”.

Nir Eyal - nhà phát triển trò chơi trực tuyến cũng là học trò của Fogg chỉ ra cách ứng dụng nguyên lý này vào thực tiễn trong cuốn Hooked: How to Build Habit-Forming Products. Eyal đánh giá Facebook là một ứng dụng đạt tới thành công vì tạo lập được thói quen của người dùng. Bất kì lúc cảm thấy cô đơn, chán trường, thiếu động lực hay bị kích động, chúng ta đều tìm đến Facebook để dập tắt cảm giác tiêu cực. Dần dà, Facebook xây nên một bức tường thành vững chắc với người dùng khiến họ không thể chuyển sang dùng một mạng xã hội khác.

Giá trị của một ứng dụng được xác định bằng số thời gian mà người dùng sử dụng ứng dụng đó vì đó là quãng thời gian người dùng nhìn thấy các quảng cáo. Ở Mỹ, trung bình mỗi người dùng Facebook 40 phút mỗi ngày.

Theo Eyal, người trẻ hiện nay đang bị mắc phải cảm giác “sợ bỏ lỡ” những thứ xảy ra trên mạng ảo, tên khoa học là FOMO. Với Facebook, bạn phải like, bình luận và chia sẻ để chứng minh sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của mình.

 


Instagram cũng là một minh chứng cho thấy các nhà sáng lập thông thạo ngành tâm lý học đến mức nào. Người dùng sẽ phải online liên tục nếu không muốn bỏ lỡ những bức hình mới nhất của bạn bè, và việc này dần dần trở thành thói quen. Năm 2012, Facebook mua lại Instagram, một khởi đầu mới với 30 nhân viên và mức giá quá hời 1 tỉ USD. Giờ đây, chúng ta nghiện Instagram hệt với cách chúng ta đã và đang nghiện Facebook.

Tất nhiên, đăng ảnh lên Facebook và Instagram cũng làm gia tăng hội chứng FOMO. Sẽ có bao nhiêu người like ảnh của bạn? Họ sẽ bình luận gì? Họ sẽ nghĩ gì? Những câu hỏi đó không ngừng thôi thúc bạn liên tục check noti. Giống như ngành công nghiệp thuốc lá khiến người hút thuốc càng ngày càng nghiện bằng cách cho nhiều nicotin vào điếu thuốc hơn, các kĩ sư công nghệ không ngừng tạo ra xu hướng trên mạng ảo khiến người dùng bỏ thời gian để xem và làm theo. Có thể chúng ta đã quên rằng, chỉ nên bỏ thời gian vào những thứ giá trị.

Tuy nhiên, Turkle phản đối thuật ngữ “nghiện” mạng xã hội. Bà cho rằng người nghiện luôn cảm thấy ốm yếu và bắt buộc phải cai còn công nghệ là cảm xúc chứ không phải vật chất. Khi ham mê Internet, bạn sẽ thấy mình ở giữa cuộc chiến tranh thuốc phiện, nơi các nhà tiếp thị chấp nhận con nghiện như một thị trường kinh doanh tiềm năng.

 

5.

Mặc dù công nghệ đã biến mối quan hệ của con người trở thành một bức tranh ảm đạm và tồi tệ, Turkle vẫn tin rằng chúng ta có thể kiểm soát công nghệ, mặc dù rất nhiều người trẻ chẳng nhớ nổi trước khi “nghiền” Internet mình là người như thế nào. Họ không thể nhớ nổi lần cuối bạn bè của mình cùng nhau đi dã ngoại, cùng nhau trò chuyện vui vẻ mà không bị phân tâm bởi bất kỳ điều gì là khi nào.

 


Vậy chúng ta phải gì để vừa có thể tận hưởng các tiện ích của Internet, vừa không bị chúng chi phối và tha hóa? Turkle cho rằng chúng ta nên có những biện pháp khắc phục tổng hợp như tự ý thức, tăng cường trò chuyện đối mặt với mọi người và đặt ra giới hạn cho bản thân. Tất cả những điều này bạn có thể tìm đọc chi tiết trong cuốn Walden của Henry David Thoreau. Là một người dùng thông minh, chúng ta có thể feedback để các hãng công nghệ cải tiến ứng dụng di động của họ.

Các nhà sản xuất lớn hiện nay đều quan tâm đến “nền kinh tế chú ý” (attention economy) - khái niệm được giới thiệu bởi Tristan Harris trong các bài giảng trên Youtube, khái niệm này cho rằng các hãng công nghệ không giúp người dùng sử dụng thời gian một cách thông minh mà chỉ muốn thu hút càng nhiều sự chú ý càng tốt.

Harris muốn các nhà sáng lập hãy xem xét quyền lợi thời gian của người dùng khi thiết kế ứng dụng. Ví dụ, Gmail và Facebook nên thường xuyên hỏi người dùng xem họ muốn tiêu tốn bao nhiêu thời gian mỗi ngày vào chúng, và nhắc nhở họ khi gần hết thời gian đó. Ứng dụng Messenger nên báo cho người dung biết họ không cần chờ đợi khi cuộc nói chuyện bị gián đoạn quá lâu. Và Itunes không nên quảng cáo các game gây nghiện vì chúng kích thích người xem.

Trên đây là những lời khuyên hữu ích để bạn kiểm soát thời gian sử dụng Internet. Hãy nhớ rằng các hãng công nghệ ngày càng tinh vi hơn và sẽ tạo ra nhiều sản phẩm gây nghiện cho cả trẻ em và người lớn. Chúng ta thấy thật khó kiểm soát ham muốn công nghệ, nhưng sau khi bạn đọc bài viết này, hãy hành động vì bản thân và những người xung quanh. 

Tiêm Tiêm dịch/ Trạm Đọc

Theo NYbook