CEO John Hunt Nguyễn Thái Hà: Tôi đã phải học hỏi rất nhiều để làm tốt được nghề!
CEO John Hunt Nguyễn Thái Hà: Tôi đã phải học hỏi rất nhiều để làm tốt được nghề!

Chị Nguyễn Thái Hà là CEO Công ty tuyển dụng nhân sự JOHN HUNT, đồng thời là chủ nhân của một kênh TikTok chuyên về tuyển dụng với hơn 260 ngàn lượt theo dõi

Không ngại đưa ra những quan điểm thẳng thắn trong việc đánh giá ứng viên, tuyển dụng nhân sự; chị là người thay đổi quan điểm của nhiều người làm nhân sự khi không ngại xuất hiện trên các nền tảng xã hội để chia sẻ về nghề nghiệp cũng như kinh nghiệm tìm kiếm việc làm, phát triển bản thân cho các bạn trẻ.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng, cuối cùng chị lại “tìm thấy mình” trong nghề nhân sự. Và quá trình tự học hỏi, phát triển để khẳng định bản thân trong nghề của chị có sự đóng góp không nhỏ của những cuốn sách. Trạm đọc đã có cuộc trò chuyên với chị về chủ đề này cũng như những cuốn sách mà chị tâm đắc. 

 

Chị Nguyễn Thái Hà - CEO Công ty tuyển dụng nhân sự JOHN HUNT

Theo chị JOHN HUNT đứng ở đâu trong thị trường tuyển dụng?

Nếu nói về tên tuổi thì JOHN HUNT là cái tên mới toanh trên thị trường.  JOHN HUNT mới gia nhập thị trường tháng 4/2022, nên khi người ta nhắc đến những công ty tuyển dụng nổi tiếng trên thị trường thì người ta sẽ kể ra những tên khác mà không có chúng tôi.

Tuy nhiên JOHN HUNT đã lựa chọn một hướng đi mới mà không nhiều doanh nghiệp trên thị trường lựa chọn. Đó chính là việc coi văn hóa doanh nghiệp là 1 trong 3 tiêu chí quan trọng nhất để chọn lựa một ứng viên.

Có một suy nghĩ phổ biến là: người cứ làm được việc, làm giỏi thì tự nhiên sẽ được doanh nghiệp; cứ vào doanh nghiệp là sẽ trở thành người có hiệu quả làm việc cao.

Nhưng thực tế điều này không đúng. Một người có hiệu suất cao cần đảm bảo 3 tiêu chí: thứ nhất là làm được công việc đó; thứ hai là họ yêu công việc/ yêu việc tạo ra giá trị/ yêu việc cống hiến; thứ ba là họ phải cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện ở môi trường đó.

Nói một cách đơn giản giống như việc nấu cơm của phụ nữ. Đây là đầu việc mà hầu hết phụ nữ đều làm; nhưng để ra được bữa cơm ngon thì thứ nhất họ phải biết nấu, thứ hai là họ phải yêu thích việc nấu ăn, họ phải cảm thấy vui, hạnh phúc khi ở trong bếp; thứ 

ba là họ phải cảm thấy nó tạo ra giá trị, có đóng góp cho gia đình của họ. Đấy mới gọi là bữa cơm trọn vẹn và trong công ty, trong doanh nghiệp cũng thế.

Vậy người được tuyển dụng nói gì về JOHN HUNT?

Điều này cần phải nói lại một chút về sự khác biệt thế hệ. Thời của bố mẹ tôi - những người 6x, 7x – thì với họ đi làm, có một công việc ổn định, có lương hàng tháng để lo liệu chi tiêu cho gia đình thế đã là một công việc tốt.

Nhưng đối với các bạn trẻ gen Z, gen Y thì họ không thế. Theo một khảo sát mới nhất của một doanh nghiệp hàng đầu về dịch vụ tuyển dụng, cung ứng nhân sự, thì có tới 44,91% ứng viên trả lời: họ nghỉ việc vì văn hóa công ty không phù hợp.

Tức là người lao động hiện nay đề cao những giá trị khác bên cạnh cơm ăn áo mặc, tiền lương như trước đây. Họ cần cảm thấy hạnh phúc, họ cần cảm thấy thuộc về nơi đấy. Và khi họ không còn cảm thấy điều đó nữa thì họ sẽ rời đi.

Những nhân sự mà chúng tôi là cầu nối đưa đến cho doanh nghiệp họ đều nhận thức rất rõ nét về điều đó. Họ đã ý thức được rằng: công việc là một phần của cuộc sống. “Tôi muốn hạnh phúc với cuộc sống thì tôi phải hạnh phúc với công việc”. Hoặc là họ đã có những trải nghiệm đau thương trước đấy: họ được trả lương cao, nhưng mỗi ngày đi làm là một gánh nặng, đấy là một nhà tù giam lỏng tâm hồn. Lương nhận đủ nhưng họ không cảm thấy hạnh phúc. Họ đề cao hạnh phúc trong công việc và đó là những ứng viên phù hợp với JOHN HUNT.

Tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng, nhưng hiện nay chị lại đang là CEO của một công ty tuyển dụng, vậy chị đã học hỏi thêm như thế nào để đảm nhận được công việc hiện tại?

Câu chuyện đến với nghề tuyển dụng của tôi rất đúng với câu nói: nghề chọn người. Trong suốt quá trình trưởng thành, thì mọi người từ thân đến không thân đều nhận xét: nói chuyện chính là khả năng tốt nhất của tôi.

Tôi đã thử sức mình với rất nhiều công việc khác nhau, ví dụ: thử đi làm nhân viên bán hàng, làm tổng đài viên cho một nhà mạng nổi tiếng tại Việt Nam, làm MC cho các sự kiện, làm biên/ phiên dịch… Các công việc này tôi đều làm được, kết quả công việc ở mức điểm 7/10, nhưng bản thân tôi vẫn thấy những công việc ấy có gì đó chưa khớp, chưa thấy mình hoàn toàn thuộc về nó.

Sau khi tốt nghiệp đại học, một buổi chiều tôi đang quét nhà cho bố mẹ, thì nhận được một cuộc điện thoại của một chị trước đó hay gọi tôi đi làm MC sự kiện khi còn là sinh viên. Chị nói với tôi: “Hà ơi có công ty này đang tuyển chuyên viên tuyển dụng, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ yêu cầu khả năng tiếng Anh thôi, chị nghĩ ngay đến em, em có muốn thử không?”

Tiếng nói phát ra trong đầu tôi lúc ấy là “ừ thì thử thôi, mình không có gì để mất thì đâu có gì để sọ”. Thế là tôi đã đi phỏng vấn và vượt qua được vòng phỏng vấn đó.

Và đó chính là cánh cửa để tôi đến với nghề tuyển dụng này. Đến giờ đă gắn bó với nó được 8 năm; đã đi từ level thấp nhất của nghề, là nhân viên mới tinh không biết gì và đến bây giờ là giám đốc điều hành một đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng.

Đó là một chặng đường không dài – 8 năm không phải là thòi gian dài với sự nghiệp của một con người - nhưng là một chặng đường ý nghĩa mà tôi đều nhớ đến những bước chuyển của nó.

Quay trở lại câu hỏi chính, thực sự là tôi đã phải làm  rất nhiều thứ, để có thể bắt kịp với tốc độ phát triển của nghề, cũng như được làm nghề đúng đắn.

Tôi đã làm nhiều cách. Thứ nhất là cho bản thân thử sức ở nhiều môi trường đa dạng. Công ty nhỏ đã làm rồi. Công ty to cũng làm rồi. Nội bộ cũng làm rồi mà headhunting (săn đầu người) cũng làm rồi, để mình được va chạm với nhiều góc cạnh của nghề, để mình không thiên kiến cũng không chủ quan...

Thứ hai là tìm đến những người thầy giỏi. Những người mà mình cảm thấy phù hợp với cách làm, tư duy, phù hợp lối sống và các giá trị cá nhân.

Thứ ba là hấp thụ thông tin bằng nhiều cách, trong đó có đọc sách, nghe podcast, xem youtube, tiktok, nghe radio… Tóm lại tôi luôn giữ cho đầu óc của mình ngày nào cũng có một thứ gì mới để nạp vào.

Độc giả có thể tiếp tục theo dõi buổi trò chuyện này tại kênh youtube của Trạm đọc 

  

 Nói về việc đọc sách, chị thường đọc những loại sách nào?

Với các loại sách đọc, tôi chia ra làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là rất thích, tôi có thể đọc chủ động và đọc lúc nào cũng được, thậm chí đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhóm thứ hai là nhóm tôi không quá thích thú về mặt cảm xúc, nhưng tôi xác định đây là một đầu việc phải làm.

Nhóm sách về chuyên ngành tuyển dụng nhân sự, quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự thuộc nhóm sách thứ hai. Dù không có sự thăng hoa về cảm xúc, nhưng vì đã xác định là công việc phải làm, nên tôi đọc cẩn thận, nghiêm túc.

Nhóm sách thứ nhất nói nhiều về tâm lý con người, về phát triển bản thân, về phụ nữ, về cảm xúc bên trong con người.

Và tôi cảm nhận nhóm sách số 1 tác động đến con người tôi và cách làm việc của tôi được nhiều hơn, bởi suy cho cùng nghề tuyển dụng nói riêng và quản trị nhân sự nói chung là tương tác giữa người và người. Và giữa người và người thì không thể lúc nào cũng mang chuyên môn và kiến thức ra để nói được; mình sẽ phải đối đãi bằng tâm tư tình cảm, bằng suy nghĩ bên trong.

Thói quen đọc sách của chị như thế nào và nó có thay đổi theo thời gian hay không?

Phải thú thực là có. Tôi cảm thấy rất may mắn vì là người thích đọc sách và yêu thích môn Văn từ nhỏ. Và những hoạt động gắn với môn học này, cụ thể là viết và đọc tôi cũng thích. Tôi vẫn còn nhớ hồi còn là học sinh lớp 4, lớp 5, mẹ tôi đã mua cho tôi cuốn sách “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố.

Tôi quý cuốn sách đó lắm, vì đó là cuốn sách mẹ tôi phải đi xe máy lên tận trung tâm của một thị xã nhỏ ở Quảng Ninh thì mới mua được cho tôi. Trong giờ ra chơi khi các bạn ra ngoài chơi đùa, thì tôi đã dành tất cả thời gian đó để tranh thủ đọc từng trang của cuốn sách. Thậm chí tôi còn tập trung muộn trong lễ chào cờ, bị nêu tên trước cờ vì mải đọc sách.

Thật may là tôi vẫn duy trì được thói quen đọc sách đó khi học cấp ba, rồi lên đại học. Đến khi lấy chồng, tôi cũng gặp một “ông chồng” một năm đọc từ 70-80 cuốn sách, và coi việc đọc sách là nếp không thể bỏ hàng ngày. Có thể không nói chuyện với vợ nhưng phải đọc sách (cười).

Khi vợ chồng tôi có căn nhà mới, chúng tôi đã dành một diện tích lớn trong nhà để bày sách của mình và các con. Các con tôi bây giờ cũng tiếp nối văn hóa đọc đó. Hai bé đều biết đọc rất sớm. Có thể khẳng định việc đọc là một nếp trong gia đình tôi. Chúng tôi đều dành phần thời gian nhất định trong ngày cho việc đọc sách.

Tuy nhiên, khi tôi trở nên bận rộn hơn với vai trò là một người làm sếp, làm công tác chuyên môn,  thì tôi đã chuyển việc đọc sang nhiều hình thức: không chỉ đọc sách giấy, mà còn hấp thu kiến thức theo nhiều hình thức khác, ví dụ đăng ký tài khoản VIP để nghe sách nói, đọc blog, nghe podcast… Tôi có thể tranh thủ làm việc đó khi tôi lái xe trên đường, di chuyển bằng grap, gấp quần áo hoặc nấu ăn…

CEO yêu thích đọc sách của Công ty tuyển dụng nhân sự JOHN HUNT

Chị có bao giờ trao đổi với ứng viên về việc đọc sách hay trau dồi năng lực của họ không?

Chắn chắn là có. Trong tuyển dụng có một hiệu ứng là “Like me – Giống tôi”. Thường nhà tuyển dụng sẽ thích các ứng viên có điểm chung giống mình. Những người thành công nhờ trải qua va vấp... sẽ đánh giá cao những ứng viên có được nhiều bài học nhờ “lao ra” cuộc đời như họ. Những người thành công nhờ luôn trau dồi tri thức, thì họ sẽ đánh giá cao những ứng viên có văn hóa tiếp thu tri thức giống mình. 

Là người luôn dành thời gian cho việc hấp thụ tri thức mới, nên tôi đánh giá cao những người như thế.

Tuy nhiên tôi sẽ không gò mình hỏi ứng viên: Em có đọc sách không? Nếu họ trả lời rằng “không” thì tôi sẽ gạt phăng họ đi.

Tôi sẽ hỏi một câu hỏi tổng quát hơn, đó chính là: Em có tự đánh giá mình là người coi trọng việc phát triển bản thân không? Em đã làm như thế nào để giúp mình đi trên bậc thang tuyến tính chứ không phải dậm chân tại chỗ?

Nếu ai đó trả lời là họ đọc sách thì tôi sẽ hỏi tiếp là họ đọc sách gì? Cuốn sách khiến cho họ ấn tượng nhất là gì? Có thể kể hay tóm tắt cho tôi một đoạn hay không? Hoặc điều gì của cuốn sách giúp họ thay đổi mạnh mẽ từ bên trong?...

Nếu họ trả lời được những câu đấy. Về nhà tôi sẽ tìm cuốn sách, xem lại và nếu thấy đúng như vậy, thì có thể xác nhận bạn ấy có đọc sách và đọc một cách nghiêm túc.

Điều này cũng áp dụng tương tự với những cách khác, phương thức khác…

Tôi cho rằng việc phát triển bản thân không chỉ để mỗi cá nhân có thu nhập tốt hơn, địa vị cao hơn, mà để thấy bản thân mình có sự thăng tiến và trưởng thành thật sự từ bên trong.

Thực ra rất dễ để nhận diện những ứng viên như thế. Nhóm thứ nhất họ xác định công việc là làm công ăn lương, tách rời cuộc sống, khi đi làm họ sống một cuộc đời khác, khi về nhà tôi sống một cuộc đời khác; thì họ sẽ phản ứng kiểu khác.

Còn những người tiệp công việc vào cuộc sống ,  thì họ sẽ có suy nghĩ : phát triển trong công việc có nghĩa là phát triển cuộc sống, phát triển bản thân; thì cách làm của họ sẽ khác.

Đọc tiếp: 6 cuốn sách tâm đắc của CEO John Hunt Nguyễn Thái Hà

Việt Hà thực hiện

Tags: