Chị Nguyễn Thái Hà là CEO Công ty tuyển dụng nhân sự John Hunt, đồng thời là chủ nhân của một kênh TikTok chuyên về tuyển dụng với gần 260 ngàn lượt theo dõi.
Không ngại đưa ra những quan điểm thẳng thắn trong việc đánh giá ứng viên, tuyển dụng nhân sự; chị là người thay đổi quan điểm của nhiều người làm nhân sự khi không ngại xuất hiện trên các nền tảng xã hội để chia sẻ về nghề nghiệp cũng như kinh nghiệm tìm kiếm việc làm, phát triển bản thân cho các bạn trẻ.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng, cuối cùng chị lại “tìm thấy mình” trong nghề nhân sự. Và quá trình tự học hỏi, phát triển để khẳng định bản thân trong nghề của chị có sự đóng góp không nhỏ của việc đọc sách. Trạm đọc đã có cuộc trò chuyên với chị về chủ đề này cũng như những cuốn sách mà chị tâm đắc.
3 cuốn sách tôi đọc một cách vui thích và nhận được nhiều bài học từ nó
Trong 2017, 2018 là giai đoạn tôi sinh hai con nhỏ liên tiếp và chỉ làm cộng tác cho một số công ty. Giai đoạn đó khá tẻ nhạt và tôi phải tìm cách để làm phong phú cuộc sống của mình lên.
Trong thời gian này, tôi đã đọc tiểu thuyết của nhà văn chuyên viết chuyện trinh thám tên là Jeffery Deaver. Ông viết rất kỹ, thậm chí những chi tiết rùng rợn nhất cũng được mô tả cụ thể.
Tôi đã mua toàn bộ sách của ông được xuất bản tại Việt Nam, và ngăn trên cùng giá sách của tôi được dùng để trưng bày sách của ông, dù sách của ông khá đắt so với thu nhập của tôi thời điểm đó.
Sách của ông kể về một thám tử tài ba của nước Mỹ bị khuyết tật sau một vụ tai nạn khi khám nghiệm hiện trường – thám tử Lincoln . Ông chỉ có thể cử động rất ít cơ thể của mình và phải ngồi xe lăn.
Sách của Jeffery Deaver mang đến cho tôi hai bài học.
Thứ nhất, câu chuyện của vị thám tử là câu chuyện về nghị lực, sức mạnh của trí óc; giúp độc giả có thể được truyền cảm hứng để vững vàng, mạnh mẽ tiến bước. Tôi thực sự tin vào câu nói: có những nghề nghiệp mà người lành chỉ có thể cạnh tranh với người khuyết tật bằng chính cơ thể của mình thôi. Còn cạnh tranh về trí tuệ thì không biết ai hơn ai.
Thứ hai là khả năng làm việc chi tiết. Sau khi tôi nhận thấy khả năng làm việc chi tiết có thể mang lại thành công lơn và có thể thay đổi toàn bộ cục diện của toàn bộ câu chuyện, thì tôi đã cố gắng tập trung vào phát triển năng lực làm việc chi tiết của mình. Trước đây tôi làm giỏi các việc mang tính tổng thể hơn, như lên kế hoạch, chiến lược chẳng hạn.
Cuốn sách thứ hai là cuốn Becoming của Micheal Obama, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ
Đây là cuốn sách dày nhất tôi đã từng đọc, cũng là cuốn sách tôi đã đọc tập trung nhất, trong một tháng liền, để đọc hết được cuốn sách đó.
Cuốn sách kể về quá trình một thiếu niên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo trở thành đệ nhất phu nhân nước Mỹ. Cuốn hồi ký này có rất nhiều chi tiết, nhưng có một chi tiết tác động mạnh mẽ nhất, khiến tôi tin tưởng rằng mình đang đi đúng hướng đó là khi Micheal kể về thời gian bà làm luật sư ở một văn phòng luật.
Bà nhận thấy cách tuyển dụng luật sư mới ở văn phòng từ năm này qua năm khác giống hệt nhau: chỉ tuyển sinh viên của những khoa luật, trường luật lớn như Havard; còn tỷ lệ sinh viên của những trường khác chỉ chiếm vài phần trăm.
Bà đã đưa ý kiến của mình lên hội đồng tuyển chọn là nên mở rộng tiêu chí tuyển dụng. Một con người nên được xem xét cả quá trình, chứ không chỉ nên xem xét tên trường đại học của họ.
Điều này cũng trùng khớp với tư duy tuyển dụng của tôi từ trước đến nay. Tôi biết rằng có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và trên thế giới ưu tiên tuyển chọn sinh viên từ những trường Top. Sự ưu tiên này có thể là ngầm, hoặc được công khai trên thông tin tuyển dụng.
Nhưng với niềm tin cá nhân, tôi cho rằng tên trường đại học không thể nói hết được về một con người. Và tôi thấy rằng để có thể làm được việc trong các doanh nghiệp, thì không thể chỉ dựa vào 4 năm đó được.
Cuốn sách số 3 là “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” của tác giả Chi Nguyễn hay được biết đến với bút danh là The Present Writer
Chị Chi Nguyễn sở hữu một hệ sinh thái mang tên The Present Writer bao gồm podcast, kênh youtube, blog. Chị ký tên The Present Writer ở tất cả tác phẩm của mình.
Tôi không phải là người sống theo chủ nghĩa tối giản, nhưng tôi đã đọc cuốn sách và là một trong những độc giả đầu tiên đặt pre-order khi cuốn sách được tái bản.
Với cuốn sách tôi đã nhận được 2 bài học rất lớn: Thứ nhất, sống tối giản không phải là sống một cuộc sống nghèo khổ, cái gì cũng phải ki cóp, cái gì cũng phải suy nghĩ thật kỹ trước khi mua; mà sống tối giản là tập trung vào những điều quan trọng.
Tôi thấy đây là tư duy mà hầu như người thành công nào cũng áp dụng. Bởi ta đâu có thời gian, nguồn lực, công sức cho mọi thứ. Vậy nên ta nên tối giản, và chỉ tập trung vào những thứ ta coi là quan trọng.
Thứ hai, tối giản không chỉ là tối giản về vật chất, tức là bớt mua quần áo, sắm sửa đồ đạc trong nhà, mà tối giản là tối giản tổng thể, toàn bộ. Tối giản trong mối quan hệ, ta nên dành thời gian cho những mối quan hệ quan trọng, bớt những mối quan hệ xã giao/ khách sáo, bởi nó không mang lại cho chúng ta giá trị gì.
Tối giản những nỗi âu lo. Chúng ta chỉ nên lo âu về những điều thực sự xứng đáng để lo âu. Còn những điều không xứng đáng khác như: người khác có thích mình không, hay những phán xét của người khác về mình… thì mình nên tối giản.
Chúng ta cũng có thể tối giản về tư duy. Có những thứ rất đơn giản, nhưng chúng ta cứ làm nó phức tạp, cồng kềnh lên.
Đấy là hai bài học tôi có thể ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống của mình. Và cuốn sách cũng giúp tôi nhận ra rằng suốt 9 năm nay tôi đã ở cạnh một người siêu tối giản mà tôi không biết đó là chồng tôi (cười).
Độc giả có thể tiếp tục theo dõi chia sẻ của CEO John Hunt Nguyễn Thái Hà về 6 cuốn sách tâm đắc của chị tại kênh youtube của Trạm đọc
Sách chuyên ngành
Trước khi chia sẻ về nhóm sách này, tôi muốn nói với độc giả rằng: không phải lúc nào trong đời chúng ta cũng được làm những việc mình thích. Người chuyên nghiệp có thể làm những việc họ không thích nhưng họ thấy mình phải làm. Việc đọc những cuốn sách chuyên ngành với tôi cũng tương tự thế.
Ở nhóm sách này tôi cũng muốn chia sẻ với độc giả 3 cuốn sách.
Cuốn thứ nhất là Work Rules- Quy tắc làm việc của Google, do Laszlo Bock, Phó chủ tịch cấp cao về phát triển con người của Google viết.
Trọng tâm cuốn sách nói về hai quan điểm quản trị con người của Google.
Thứ nhất là: con người cơ bản là tốt, nhân viên xứng đáng được tin tưởng. Nhân viên sinh ra là để được tin tưởng, chứ không phải để dò xét.
Thứ hai người thực sự sở hữu công việc là nhân viên chứ không phải là sếp. Vì vậy người tham gia vào việc viết quy trình, phỏng vấn, ra quyết định… phải có nhân viên chứ không chỉ là sếp. Đơn giản là vì người trực tiếp thực hiện công việc là nhân viên, nên họ có quyền, có khả năng và xứng đáng được tin tưởng để làm điều đó. Điều này khác với tư duy quản trị nhân sự của rất rất nhiều sếp tại VN.
Ngay đầu cuốn sách tác giả đã viết: nếu một nhân viên đang tốt mà vào doanh nghiệp họ lại xấu đi theo một cách nào đấy, thì đó là lỗi tại doanh nghiệp.
Tôi cảm thấy may mắn vì đã biết cuốn sách này trước khi lên làm sếp. Bởi khi nhân viên gây ra một lỗi lầm nào đó thì chúng ta hay mặc định đó là lỗi của họ, họ đang trở nên tồi đi; mà chúng ta không đặt ra câu hỏi: doanh nghiệp hay người chủ doanh nghiệp đã sai sót ở đâu.
Cuốn sách thứ hai là OKRs- Hiểu đúng làm đúng của doanh nhân Mai Xuân Đạt, chuyên gia về OKRs có tầm ảnh hưởng tại Việt Nam, đồng thời là người cố vấn, người đồng hành, người thầy của tôi. Cuốn sách đã cho tôi một số kỹ năng, tư duy đúng về điều quan trọng.
Trong cuộc đời con người chỉ có vài điều quan trọng để chúng ta tập trung thôi. Và trong các chu kỳ của kinh doanh, phát triển bản thân, chúng ta đều có thể sử dụng quy tắc OKRs.
Thứ nhất điều quan trọng là gì? Điều quan trọng là điều chúng ta có thể gạt bỏ những điều quan trọng khác để làm điều quan trọng hơn đó. Trong chu kỳ quý 3 tháng chúng ta chỉ có 3 điều quan trọng để làm thôi.
OKRs không chỉ có thể áp dụng trong công việc mà còn có thể áp dụng trong cuộc sống, trong gia đình và phát triển bản thân. Trong mỗi giai đoạn cuộc đời chúng ta chỉ có 3 điều thực sự quan trọng để tập trung.
Từ khi biết đến OKRs, thì khả năng tập trung của tôi tốt hơn nhiều. Tôi không phải đặt câu hỏi: mình có nên làm việc này không. Tôi chỉ việc đối chiếu xem việc đó có đang phục vụ cho bộ OKRs của mình không. Nếu không tôi sẽ mạnh dạn nói không.
Đặc biệt, với một người có rất nhiều việc để làm như tôi, thì việc nói không rất quan trọng. Ví dụ mỗi tuần tôi đều nhận được lời mời làm speaker của các chương trình, sự kiện. Nếu sự kiện nào tiệp với bộ OKR của tôi thì tôi sẽ nhận lời sự kiện đó; còn những sự kiện khác thì tôi sẽ mạnh dạn nói không, mà không cảm thấy áy náy hay có lỗi.
Thứ hai tôi học được cách để mình quyết tâm đạt mục tiêu hơn. Đó là: Một mục tiêu có sự quan sát của người khác thì chúng ta dễ kỷ luật với nó hơn.
Ví dụ bạn tự hứa với bản thân là 5h30 bạn sẽ dậy trong 21 ngày liên tục. Nhưng nếu chỉ bạn biết mục tiêu đó, thì hôm sau có thể bạn sẽ tặc lưỡi ngủ tiếp, và bạn dễ mặc cả vì có ai biết (mục tiêu) đâu.
Nhưng nếu bạn công bố mục tiêu đó với cả thế giới bằng một status trên Facebook, thì ngày hôm sau bạn sẽ có cảm giác rằng: cả thế giới đang nhìn xem bạn có thức dậy vào 5h30 không, dù có thể chả ai để ý (đến điều đó).
Vì vậy trước những mục tiêu quan trọng, để có thể gia tăng khả năng hoàn thành nó thì tôi sẽ công bố nó với một tập thể, có thể là nhóm bạn thân của tôi, nhóm nhân viên của tôi hoặc những người theo dõi tôi trên FB, thì tôi sẽ có động lực hoàn thành mục tiêu đó hơn.
Cuốn sách thứ ba là cuốn True North – Chính Bắc là cuốn sách về lãnh đạo mà nhà lãnh đạo nào cũng nên đọc.
Trong đó tác giả kể rất nhiều câu chuyện về tuổi thơ khốn khó, cơ cực, về nỗi đau, tổn thương trong quá khứ của những người đã làm lãnh đạo ở các đon vị có tên tuổi trên thế giới như Starbuck chẳng hạn.
Có một bài học mà tôi ấn tượng là: việc dũng cảm thừa nhận mình đã gặp tổn thương, đau đớn trong quá khứ là phẩm chất của những người làm lãnh đạo. Và họ thậm chí biết ơn những điều đó, bởi nó giúp họ trở thành những con người tuyệt vời như bây giờ.
Một bài học mà tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn trẻ là: nếu muốn gia tăng sự tự tin, và không muốn ai động vào mình thì tốt nhất là thừa nhận luôn những gì mình có, kể cả nhược điểm.
Thừa nhận mình không giỏi tiếng Anh, thì sẽ không có ai thách thức khả năng tiếng Anh của bạn. Điều này chỉ xấu khi bạn không biết nói tiếng Anh, nhưng bạn lại cố tỏ ra mình giỏi tiếng Anh, và lúc người ta nói tiếng Anh với bạn thật thì mới lộ ra điều đó…
Từ khi đọc cuốn sách này tôi mới bớt cảm giác phải duy trì hình ảnh hoàn hảo, chỉ phô ra những thứ mình đẹp, còn những thứ chưa tốt lắm thì giấu đi. Từ đó tôi thoải mái thừa nhận những góc khuất của con người mình, thoải mái công nhận những thất bại của mình. Và tôi nhận ra mình sống vui hơn, thoải mái hơn. Tôi nhận ra rằng: cuộc đời này hóa ra không khắc nghiệt đâu, chẳng qua là mình tưởng tượng như vậy thôi (cười).
Đọc thêm: CEO John Hunt Nguyễn Thái Hà: Tôi đã phải học hỏi rất nhiều để làm tốt được nghề!
Việt Hà ghi