Cha mẹ là NGƯỜI LÀM VƯỜN không phải là THỢ MỘC
Cha mẹ là NGƯỜI LÀM VƯỜN không phải là THỢ MỘC
Nếu chúng ta muốn có sự kết nối với con, muốn con phát triển lành mạnh và hạnh phúc chúng ta cần làm tốt vài trò của mình ở từng giai đoạn phát triển khác nhau của con mình. Từ làm cha mẹ khi con còn nhỏ sang làm huấn luyện viên, người cố vấn, người bạn của con.
Tiến sĩ Cherry Vũ, tên Việt Nam là Vũ Anh Đào, CEO của công ty tư vấn toàn cầu Teal Unicorn, Two Hills có trụ sở chính tại New Zealand, là Tiến sĩ về Chính sách Công, Đại học Victoria Wellington, Thạc sĩ Quản lý Công ĐH Potsdam, CHLB Đức và 3 bằng cử nhân Việt Nam: Luật, Văn Hoá, Tiếng Anh. Chị còn là một trong 100 người phụ nữ trên thế giới có đóng góp lớn trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp linh hoạt (Lean and Agile) toàn cầu, là diễn giả quen thuộc trong các hội nghị quốc tế lớn về cách làm việc và quản lý mới. 
Tiến sĩ Cherry Vũ và con trai

Mới đây, chị đã chia sẻ câu chuyện của một bà mẹ về những sai lầm trong quá trình nuôi dạy con. Mặc dù có cha mẹ độc đoán, nhưng khi có con, người mẹ ấy lại lặp lại cách dạy con truyền thống đầy khắc nghiệt mà không hiểu con cần gì, muốn gì, thích hay không thích.

Câu chuyện như sau:

"Nhà tôi có 3 đứa con nhỏ. Khi con gái lớn bảo tôi, con ước gì em út bé lại để có thể "bắt nạt" em; có lần gái lớn lại nói "sao mẹ không sinh một em khác mà lại sinh ra em K nhỉ?". Tôi không để ý, chỉ coi đó là lời của một đứa trẻ con.

Thời tiết tháng 3, 4 rất khó chịu, lúc nóng, lúc lạnh, không khí thì ẩm ẩm khiến cho đôi khi không biết phải mặc quần áo như thế nào cho hợp. Gái út 4 tuổi, chỉ thích mặc quần áo cộc, trong khi mẹ cứ bắt buổi tối trước khi đi ngủ phải mặc đồ dài do sợ đêm lạnh. 

Gái út chất vấn sao mẹ được mặc đồ cộc mà lại cứ bắt con mặc đồ dài thế. Mẹ bảo: "Vì con bé, sức đề kháng thấp nên mặc dài cho đỡ lạnh, không bị ốm". Gái út dằn dỗi, nhưng mà con thích mặc quần áo cộc giống mẹ. Mẹ sau hồi giải thích lòng vòng đầy tính khoa học thì bực mình gắt lên "con nói nhiều quá" rồi lảng việc khác, cũng chẳng để ý vẻ khó chịu của con.

Mọi chuyện ngày nào cũng vậy và tôi cũng giống bao bà mẹ trên đất nước này, hàng ngày quay cuồng với tỉ thứ việc từ cơ quan, việc nhà và những vấn đề xoay quanh lũ trẻ. Rồi tôi cũng sẽ thành bà mẹ như những bà mẹ từ thế hệ trước để lại, để mặc con mình lớn lên với bao ấm ức trong lòng. Thật ra, khi còn như chúng nó, tôi cũng từng ấm ức như vậy.

Cho đến hôm nay, tôi chợt giật mình nghĩ lại về vai trò của cha, mẹ - con trong cuộc sống bộn bề này. Tôi là người chủ động, con tôi hoàn toàn bị động. Chúng không tự chọn được sinh ra trong gia đình có tôi là mẹ, chúng không tự quyết định được mình là con thứ mấy trong đàn con của tôi. Vậy mà chúng bị mẹ đặt lên vai những gì? Phải ở sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Phải tắm giặt hàng ngày. Phải cất đồ đúng chỗ. Phải, phải, phải… những điều mẹ muốn.

Con do tôi đẻ ra, nhưng tôi bắt con chị trông em, tắm cho em, cho em ăn. Mà lại bắt đúng lúc con đang mải việc của con nữa. "Em" là con tôi hay "con của chị nó"?". Thế nên có lúc con  không thích có em cũng là phải thôi.

Một con bé 4 tuổi đâu hiểu thế nào là đề kháng thấp, là ảnh hưởng sức khỏe. Điều đáng lẽ mẹ nên làm là hoặc cho mặc đồ cộc giống mẹ, hoặc mẹ mặc đồ dài như con thì mẹ lại gân lên bao lí lẽ, để rồi mẹ cáu, con thì ấm ức.

Tôi cho con học đàn, vì đàn giúp phát triển bán cầu não, vì kính thích sáng tạo, vì biết đàn rất dễ hòa nhập cộng đồng, vì…, vì…, vì… Có cả tỉ lí do thích đáng để phải học. Nhưng có một cái vì không bao giờ tôi để ý: vì con tôi thích/không thích.

Tôi dẫn con học tiếng Anh ở trung tâm tốt, học phí đắt, học với giáo viên bản ngữ. Nhưng mấy năm trời trình độ con tôi chưa thành xuất sắc, còn mẹ thì suốt ngày cằn nhằn sao con chả nói được cái gì nên hồn. Mãi sau này tôi mới để ý rằng con tôi thích tiếng Hàn hơn.

Tôi không ngại nói xin lỗi con, nhưng sửa lỗi thì tôi ít làm. Có mắc phải thì lại dùng câu giải thích cũ rích rằng "Mẹ quên". Đến một ngày, con tôi cũng "Con quên" với tôi.

Còn cả đống abc, xyz nữa để nói. Mà tôi dám chắc đó không phải là câu chuyện/vấn đề của riêng tôi/gia đình tôi đâu. Nghĩa là bấy lâu nay những bà mẹ kiểu như tôi cứ rối tung lên, không phân biệt nổi giữa PHẢI và MUỐN. PHẢI là của mẹ, nhưng nó thật sự "phải" hay là "trái". Vì cái PHẢI đó của mẹ không gặp được cái MUỐN của con, bỗng nhiên nó thành trái mất rồi.

Tôi sinh ra trong gia đình có bố mẹ thuộc thế hệ 5x, kiểu bố mẹ thời kì đó là độc đoán. Tôi đã từng oán hận sự độc đoán đó của bố mẹ mình, tôi đã từng nhủ mình trong những ấm ức thuở nào rằng nếu sau này tôi làm mẹ, tôi nhất định sẽ không thế. Và rồi, tôi lại thế một cách đầy bản năng. Tôi bây giờ, ít chia sẻ với chính bố mẹ mình, bởi tôi biết có nói ra thì ông bà cũng sẽ áp đặt bằng quan điểm khác. Liệu đến một ngày, con tôi cũng như vậy với tôi thay bằng những ríu rít đủ thứ linh tinh, lang tang? Tôi thực sự sợ hãi khi nghĩ đến viễn cảnh đó.

Tôi phải làm gì? Bài học đầu tiên ngày hôm nay chưa chỉ ra cho tôi cách đối phó với khủng hoảng tuổi teen, chưa cho tôi biết tôi phải làm gì khi phát hiện ra một hậu quả khủng khiếp do con mình gây ra, chưa bảo tôi làm thế nào để con sẵn sàng coi tôi là bạn. Nhưng tôi biết rằng, tôi muốn con tôi như thế nào thì tôi hãy như thế đã. 

Tôi phải sửa tôi chứ không phải nắn con. Tôi cần cải mình thành nước chứ không phải là đá. Tôi phải biết chấp nhận sự không hoàn hảo của con, vì tôi cũng đâu siêu phàm. Tôi bớt đảm đi, bớt càm ràm đi,….đừng gây áp lực lên người khác nữa. Rồi mọi thứ sẽ đi vào quỹ đạo của nó. Và rồi tôi sẽ khác tôi của ngày hôm qua".

Qua câu chuyện trên, Tiến sĩ Cherry Vũ cho biết: "Chúng ta thường bị những thói quen, những niềm tin dẫn dắt hành động của mình. Khi làm cha mẹ cũng vậy, chúng ta không được dạy làm thế nào để con cái phát triển tốt nhất. Thay vì đóng vai trò của người làm vườn, nhiều cha mẹ chọn làm thợ mộc.

Người làm vườn sẽ hiểu từng cái cây của mình và tạo mọi điều kiện (nước, dinh dưỡng, ánh sáng...) để mỗi cái cây có thể phát triển tốt nhất theo khả năng của nó. Người thợ mộc sẽ coi con như một khúc gỗ và đục đẽo theo ý của mình.

Thật đáng tiếc, con người không phải là khúc gỗ nên nỗ lực biến con thành "sản phẩm" theo ý mình thường không đạt. Mà nếu có đạt con cũng không hạnh phúc vì chúng không được là chính mình.

Nếu chúng ta muốn có sự kết nối với con, muốn con phát triển lành mạnh và hạnh phúc chúng ta cần làm tốt vài trò của mình ở từng giai đoạn phát triển khác nhau của con mình. Từ làm cha mẹ khi con còn nhỏ sang làm huấn luyện viên, người cố vấn, người bạn của con".

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Con mình chẳng lẽ lại “vứt” – Không có một đứa trẻ nào là sự thất bại của tạo hóa

Đừng bảo vệ con khỏi thất bại, hãy để trẻ trau dồi khả năng phục hồi sau thất bại

Tags: