Chúng tôi không cố gắng bảo vệ con khỏi sai lầm và thất bại vì chúng tôi không muốn tước đi những cơ hội học hỏi quý giá của con. Với chúng tôi, thất bại mang tới những lợi ích mà con không thể có được bằng bất cứ cách nào khác. Dù trải nghiệm đó không hề dễ chịu nhưng đó lại là một món quà quý. Chúng tôi không coi thất bại là thất bại, mà coi đó là kinh nghiệm trên con đường đi tới thành công.
Vậy những lợi ích của việc thất bại là gì?
Khi gặp thất bại, chúng ta phải trải qua những cảm xúc tiêu cực và thất vọng. Nhưng nếu được bảo vệ khỏi những cảm xúc đó, trẻ có thể tin rằng mình bất lực và không có quyền làm chủ. Điều con bạn cần không phải là không gặp thất bại mà là học cách đối phó với những thất bại nhỏ…
Những thất bại nhỏ như vậy được coi là các cơ hội để luyện thép. Bảo vệ con khỏi những cơ hội đó nhiều khả năng chỉ làm tăng thêm ở con tính dễ bị tổn thương hơn là thúc đẩy khả năng phục hồi. Khi bị người lớn tước đi cơ hội trải nghiệm thất bại, trẻ sẽ dễ bị tổn thương hơn khi gặp thất bại trong tương lai.
Bài học lớn nhất mà thất bại mang lại là giúp chúng ta hiểu về hậu quả do những quyết định của mình mang lại. Chúng ta sẽ học được rằng khi tôi làm A thì hậu quả sẽ là B. Nếu không học, tôi sẽ không qua được kỳ thi; nếu không chăm chỉ tập luyện, tôi sẽ bị loại khỏi đội tuyển… Trải nghiệm những kết quả này dạy cho trẻ hiểu được sức mạnh của các quyết định mà chúng đưa ra.
Khi cha mẹ và giáo viên làm hỏng quá trình này bằng cách bảo vệ trẻ khỏi thất bại, ví dụ như phụ huynh xin điểm cho con, giáo viên nâng điểm cho học sinh, thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang đẩy trẻ vào nguy cơ phải gánh chịu những hậu quả tự nhiên. Nhiều nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được bảo vệ khỏi thất bại thường chán nản hơn, ít hài lòng hơn với cuộc sống khi đến tuổi trưởng thành.
Chúng tôi luôn coi sai lầm là bản chất của việc học. Khi trải nghiệm những điều mới và phát triển năng lực, chúng ta không thể tránh khỏi sai lầm. Nói cách khác, nếu bạn có thể làm đúng ngay từ đầu thì đó là một may mắn. Hãy coi thất bại là một điều bình thường chứ không phải là biểu hiện của sự bất tài và cần phải tránh xa. Nếu không, trẻ sẽ bắt đầu e ngại và né tránh những thử thách cần thiết để học và phát triển năng lực.
Khi con thất bại, chúng tôi không cố gắng bảo vệ con khỏi cảm giác tồi tệ vì con cần nếm trải sự cay đắng của thất bại. Chỉ khi thực sự “sống” với thất bại, con mới nhận được những bài học quý giá mà nó đem lại.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khích lệ nỗ lực của con. Ví dụ như khi con thi trượt lái xe hết lần này đến lần khác, tôi nói, “Con đã cố gắng hết sức rồi đấy chứ, chỉ là con chưa thực sự xử lý được tốt tất cả các tình huống trên đường mà thôi. Con cần thêm thời gian luyện tập.” Khi tập lái, con căn chỉnh chưa tốt, xe va vào vỉa hè và xẹp lốp, con đã rất sợ và mất bình tĩnh, tôi bảo con, “Không ai lái xe thành thạo mà không từng bị tai nạn cả. Chỉ có luyện tập mới làm nên sự thành thạo.” Khi con nghiện game (thất bại trong việc kiểm soát bản thân), chúng tôi cho con niềm tin rằng con sẽ vượt qua, cho con thời gian, giúp con tự vượt qua chính mình và xây dựng khả năng phục hồi.
Tóm lại, trẻ cần được tự do học hỏi, trải nghiệm và phát triển năng lực mà không đánh mất ý thức về giá trị của bản thân. Đừng đánh giá thấp con, đừng trừng phạt khi con thất bại. Trải nghiệm thất bại sẽ khiến con kiên cường hơn, vì thế sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong tương lai.
“Nơi có cảnh đẹp nhất là nơi cao nhất, nơi mà bạn nhiều lần trượt chân và phải rất khó nhọc mới lên tới được.”
– Cherry Vũ.
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: