Cảm xúc: Kẻ lừa dối bạn mỗi ngày
Cảm xúc: Kẻ lừa dối bạn mỗi ngày
Tôi thông thái không phải vì tôi biết, mà bởi vì tôi biết rằng tôi không biết.

Kết quả của bất cứ quá trình tự xem xét nào đều có thể khiến ta tự thấu hiểu bản thân sâu sắc. Nhưng lạ thay, kết quả thực sự của việc này lại không hẳn là như thế. Ta khám phá tâm trí càng nhiều, thì lại càng nhận ra rằng những giọng nói nội tâm khiến ta rối bời hơn – và từ đó, ta sẽ đánh giá cao việc mình đã đánh giá sai lầm về các sự việc và cảm xúc của chính mình như thế nào. Quá trình tự xem xét được đánh giá là thành công khi kết thúc với một sự thú nhận rằng ta biết quá ít về bản thân của mình. Đó là một nghịch lý hiển nhiên của Socrates: Tôi thông thái không phải vì tôi biết, mà bởi vì tôi biết rằng tôi không biết. (I am wise not because I know, but because I know I don’t know.)

Thái độ phê bình đối với tâm trí ta có một cái tên đặc biệt: Hoài nghi cảm xúc. Hoài nghi cảm xúc có liên quan đến sự thận trọng cao độ khi suy xét về bản năng, động lực, sự tin tưởng và niềm đam mê. Thái độ này không phải là thứ ta nên ghét bỏ và khinh miệt, mà thay vào đó nên nhận thức được rằng những thứ kể trên thay đổi dễ dàng ra sao và chúng cũng chẳng khó khăn gì để trở nên khác biệt so với những mối quan tâm đích thực của chính ta.

Bộ não con người là loại công cụ vĩ đại, có thể tư duy, tổng hợp thông tin, ghi nhớ là tưởng tượng ở một quy mô và tốc độ khác thường. Nhưng chúng cũng là những cỗ máy không hoàn hảo, và sự không hoàn hảo này rất khó nhận thấy nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Nó không hoàn hảo ở chỗ không thể thông báo về tình trạng của nó cho ta được biết, và vì vậy ta có quá ít thông tin về việc làm thế nào để bảo vệ những cơ thế tâm thần của chính mình.

Phần lớn sự không hoàn hảo của bộ não có thể được quy cho cách mà loại công cụ này tiến hóa qua hàng triệu năm. Có nghĩa là ta phải đối mặt với những mối đe dọa tiềm tàng mà một vài trong số những mối đe dọa đó đã không còn tồn tại trong thời đại này, và đồng thời, bộ não của ta không có cơ hội để phát triển những cơ chế phản hồi đầy đủ với vô số những chông gai trong xã hội phức tạp thời nay. Ta nên cảm thấy buồn lòng trong tình huống này và thương xót cho bản thân mình. Nhưng ta vẫn có cách giải quyết. Đây là vài điều ta cần biết để trông chừng bộ não khiếm khuyết của mình:

1. Bộ não bị ảnh hưởng bởi cơ thể theo cách mà nó không nhận ra:

Bộ não cực kỳ tệ trong việc thấu hiểu tại sao nó lại có những suy nghĩ và ý tưởng nhất định. Nó luôn có xu hướng quy những thứ đó cho những điều kiện duy lý, khách quan của thế giới, hơn là việc nhận ra rằng chúng xuất phát từ tác động của cơ thể lên các quá trình tư duy. Nó không chú ý đến sự thật rằng mức độ nghỉ ngơi, lượng đường, hormone và các yếu tố sinh lý khác đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành các ý tưởng. Bộ não liên hệ chặt chẽ với các hoạt động và tình trạng cơ thể, những thứ cơ bản đều là về khía cạnh sinh lý. Vì vậy, ta có cảm giác rằng đây chắc chắn là câu trả lời phù hợp chứ chẳng nghĩ đến những phương án khác, chẳng hạn như  ta sẽ quyết định ly hôn, bỏ việc, chứ chẳng nghĩ đến việc cần phải nghỉ ngơi hoặc ăn thứ gì đó để tăng lượng đường huyết.

Sự chán nản có thể là một tác nhân mạnh mẽ khác, một cách thầm lặng và vô hình khiến nhận định của ta sai lệch. Friedrich Nietzsche, một người theo chủ nghĩa hoài nghi, sống vào thế kỷ 19, đã nhấn mạnh: “Khi ta mệt mỏi, ta bị tấn công bởi những suy nghĩ mà ta đã chế ngự được từ lâu” – nếu nghĩ về câu nói này thật kỹ càng, ta thấy rằng ta hiếm khi dừng lại để nhận định rằng có phải là sự mệt mỏi tác động lên quan điểm của ta hơn là những sự thật khách quan của thế giới, và điều này lại còn phản trực giác của bản thân. Ta lập tức kết luận một các quả quyết rằng ta mang một mối hận thù đối với loài người, chứ không đếm xỉa đến việc ta cần đánh một giấc để đầu óc tỉnh táo trở lại.

 

Dục vọng cũng ảnh hưởng đến nhận định của ta, khiến ta “thấy” sự nhạy cảm, điều tử tế hay một thay đổi nào đó ở người phối ngẫu của mình, tuy nhiên, đấy có lẽ chỉ là những vẻ đẹp hơi khác so với bình thường và chẳng có gì hơn. Triết gia theo chủ nghĩa hoài nghi người Đức Arthur Schopenhauer từng nói: “Sau cuộc ái ân, có thể nghe thấy tràng cười của quỷ.”

2. Bộ não bị ảnh hưởng bởi những gì xảy ra trong quá khứ, nhưng tự nó lại không nhận ra được điều này:

Bộ não tin rằng nó đang nhận định một tình huống mới mẻ nào đó theo cách của chính nó hiện tại, nhưng thật ra, theo một cách không thể tránh khỏi, nó đang bị ảnh hưởng bởi những phương thức hành động và cảm xúc trong quá khứ. Khi chúng ta suy nghĩ theo những lối mòn quá khứ, ta sẽ tiết kiệm được thời gian, và cũng là một thuận lợi thực sự trong quá trình tiến hóa, ngoại trừ việc có quá nhiều tình huống trong thời điểm hiện tại khiến ta nhầm lẫn, những tình huống gần như tương tự với những điều đã xảy ra trong quá khứ khiến ta phản hồi theo cách ta từng làm, trong khi thật ra vẫn còn tồn tại những vấn đề khác chưa được xem xét.

Trong những khoảnh khắc mơ hồ ấy, bộ não có thể vội vàng đưa ra những kết luận tồi tệ. Ví dụ như nó có lẽ sẽ cho rằng bất kỳ lão già có cách nói chuyện tự tin nào cũng đều có ý định làm bẽ mặt nó, nhưng thực tế, suy nghĩ đó xuất hiện là do nó đã bị ảnh hưởng bởi việc từng bị một người đàn ông, một người cha, làm từng làm như vậy – hoặc nó nghĩ rằng thật khó để bắt chuyện với phụ nữ, chỉ vì trong thời thơ ấu từng có một người phụ nữ cụ thể nào đó khiến nó đau khổ.

3. Bộ não kém trong khoản tự kiểm soát, nhận ra niềm đam mê, và nó sợ những thứ không đáng để sợ:

Bộ não luôn thích thú với những thứ không tốt cho bản thân nó như đường, muối và tình một đêm. Ngành quảng cáo biết cách khai thác những nhược điểm về mặt nhận thức này một cách hoàn hảo. Sự mơ hồ của chúng ta có nguồn gốc từ những đối tượng từng khiến ta thật sự quan tâm trong quá khứ. Những ước muốn của ta từng được nhận ra một cách rõ ràng trong những môi trường đơn giản, nhưng trong những điều kiện phức tạp của thời hiện đại, chúng gây nên sự hỗn loạn.

 

Điều tương tự cũng xảy ra đối với sự sợ hãi: trong quá khứ, nỗi sợ chỉ đơn giản xoay quanh thứ chắc chắn sẽ giết ta. Nỗi sợ giúp ta tìm cách thoát ra khỏi những nguy hiểm thật sự. Nhưng ngày nay, có quá nhiều thứ tác động lên hệ thống sợ hãi của chúng ta mà chẳng cần là những mỗi đe dọa đến tính mạng. Ta sợ hãi – một cách chẳng cần thiết - khi chuẩn bị nói chuyện trước đám đông, nhưng đồng thời lại chẳng quan tâm đến những mối đe dọa tiềm tàng trong thời đại (nóng lên toàn cầu hoặc khủng hoảng tài chính).

4. Bộ não vị kỷ:

Bộ não được lập trình để nhìn nhận sự việc theo quan điểm của chính nó – hoặc nhìn nhận theo phương thức mà văn hóa xã hội của nó để lại. Nó thường không tin rằng còn tồn tại cách nhìn nhận vấn đề nào khác. Người khác có thể vì vậy mà lấy làm khó chịu, hoặc kinh khủng hơn - là chịu sự sỉ nhục hoặc tự thương xót bản thân.  Chỉ vào những phút cuối, theo quan điểm tiến hóa, thì rằng bộ não mới bắt đầu cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác (một trong những triệu chứng của việc ta đang học cách nhận lấy khoái lạc từ các tiểu thuyết). Nhưng đây vẫn là một khả năng thương cảm mỏng manh, có xu hướng sẽ đổ vỡ đặc biệt là khi bộ não đang mệt mỏi, và ai đó lại đang cố gieo vào nó một ý tưởng lạ đời.

Một cách thường xuyên, ta tự giải thích về các động lực và tâm lý của người khác chỉ bằng sở thích, mối bận tâm và quá khứ của chính ta – điều này khiến ta thất bại khi đã không nhận định những thứ có thể đã xảy ra trong cuộc đời của họ, những thứ mà không nằm trong tầm hiểu biết của ta. Ai đó không liên lạc lại với ta sẽ nhanh chóng bị kết tội là đang có âm mưu tệ hại nào đó (do ta chẳng nghĩ đến công việc hoặc người dì bị ốm của họ), hoặc một cái nhìn lướt qua khuôn mặt của ta có thể được suy diễn là kết quả của việc ta đã lỡ lời hôm trước (có thể là do họ đang bận suy nghĩ về những công việc ngập đầu vừa được giao vào sáng sớm).

5. Bộ não không phải là kẻ suy nghĩ độc lập:

Bộ não phát triển theo cách phụ thuộc vào phương thức hoạt động của hội nhóm hay bè đảng, vì sự sinh tồn của chính nó. Vì vậy nó được lập trình để hòa hợp với những ý nghĩa cộng đồng và quan điểm thịnh hành. Nó hầu như không thích tự trở thành một nguồn dữ liệu hoặc tư tưởng để người khác noi theo. Những quan điểm của người khác ảnh hưởng đến nó một cách nặng nề bất chấp việc những quan điểm đó ngu muội ra sao – hoặc thật ra là phổ biến ra sao. Bởi vì ta xuất phát từ các nhóm nhỏ, một hoặc hai lời thán tụng có thể khiến ta hạnh phúc; một lời chỉ trích có thể khiến ta tổn thương. Điều này lại khiến mọi việc rối mù lên trong thời đại Twitter. Ta nhạy cảm quá mức đối với niềm tin của nhóm người khác, dù số người ấy có thể ít ỏi đến mức nực cười.

Thận trọng với những khiếm khuyết trong bộ não của ta mang lại cho ta những thuận lợi quan trọng:

  • Ta quan tâm đến những khiếm khuyết tiềm năng trong nhận định của ta hơn – và vì vậy cơ hội để tránh không chọn chúng cao hơn. Ta chỉ bắt đầu không phạm sai lầm khi ta biết rằng phạm sai lầm có thể xảy ra mọi lúc.
  • Khi giao thiệp với người khác, ta có thể tự vấn bản thân rằng hành động của họ có xuất phát từ một khiếm khuyết trong bộ não hay không. Điều này giúp ta dám đứng lên tranh cãi về quan điểm của họ và cũng trở nên tử tế và lịch thiệp trong mắt của họ hơn so với việc cư xử theo trực giác.
  • Khi giao thiệp với những nhóm đông người, ta có thể nhận ra rằng bộ não hành động rất kỳ lạ - nhưng điều đó hoàn toàn bình thường và không có lý do gì để cảm thấy tổn thương khi ý tưởng của ta bị phản đối.
  • Nhưng nhận thức được những khiếm khuyết của bản thân có nghĩa là ta phải cố mang theo sự tử tế và lòng khoan dung khi hành động: luôn luôn, ta không nên đặt áp lực lên bản thân lẫn người khác, vì ta đang cố thực hiện vài điều khó hiểu đối với họ, khi phải sử dụng một loại công cụ vô cùng rắc rối và không ổn định.
  • Tóm lại, nhiệm vụ khắc phục những khiếm khuyết của loại thiết bị mà tự nhiên đã ban cho ta có tên: giáo dục, văn hóa và văn minh.

Có ba điều then chốt mô tả vẻ ngoài của một người hoài nghi cảm xúc.

 

Đầu tiên, họ tạo ra một khoảng cách rộng thênh thang giữa cảm tính và hành động.

 

Họ không hành động theo cảm tính một cách mặc định. Bởi nguồn gốc cảm tính của họ thường không được rõ ràng, họ chỉ miễn cưỡng chọn cảm tính là kim chỉ nam của mình. Họ cảm thấy rằng nên từ bỏ người bạn đời của mình, nhưng lại cho rằng đó chỉ là những suy nghĩ thoáng qua. Họ cảm thấy rằng nên bỏ việc, nhưng họ lại không làm rõ nguồn gốc của cảm giác đó. Họ cảm thấy hồi hộp khi dự định bắt chuyện với ai đó, nhưng họ không chắc rằng sự thôi thúc đó có hợp lý hay không. Người hoài nghi luôn cân bằng giữa cảm xúc và hành động.

Sau khi xem xét sự yếu đuối của tâm trí con người, những học giả theo trường phái chủ nghĩa hoài nghi của Hy Lạp cổ đại khuyên bảo chúng ta nên học cách phát triển một thái độ của thứ mà ta gọi là “epoche”, nghĩa là “dè dặt” hay “nghi ngờ những nhận định”. Nhận ra được những khiếm khuyết hay mắc phải, ta sẽ không bao giờ vội vàng kết luận, mà để cho những suy tưởng của ta ổn định lại, để chúng có thể được tái đánh giá vào những thời điểm khác, và ta sẽ đặc biệt thận trọng khi biết rằng những suy nghĩ của ta có thể bị tác động bởi khoái lạc tình dục, mệt mỏi và quan điểm đám đông.

 

Người hoài nghi cảm xúc thường e dè về sự duy lý

 

Họ nhận thức sâu sắc được rằng những lý lẽ thuần túy, hợp lý thật ra lại là những nô lệ của xúc cảm. Cảm tính của ta có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lý lẽ. Ta có thể thấy được rằng điều này cũng xảy ra đối với người khác. Họ tự cho rằng lý lẽ của họ là chân lý và sự thật. Nhưng rõ ràng họ bị tác động bởi cảm xúc nhất thời: họ khao khát muốn chứng minh ai đó đã sai lầm, cố gắng gây ấn tượng với người khác; họ trốn tránh vấn đề thực tế. Và nếu điều đó diễn ra đối với người khác, thì theo như những nhận định của những người hoài nghi cảm xúc, điều đó cũng sẽ thỉnh thoảng diễn ra đối với ta.

Việc hoài nghi cảm xúc như những bước lùi rụt rè. Thật tốt để nghĩ rằng những tranh cãi duy lý của ta được cách ly cẩn trọng khỏi sự ảnh hưởng của cảm xúc, cả những nỗi sợ và dục vọng, thứ ảnh hưởng đến tâm trí của ta. Người hoài nghi cảm xúc cũng biết rằng họ không nên tin chắc về bất cứ điều gì. Họ trở nên e dè hơn, sẵn sàng thừa nhận rằng vẫn còn một cách tư duy nào đó khác nữa, sẵn sàng đón nhận những suy nghĩ khiến họ biết mình ngu muội. Chủ nghĩa hoài nghi của họ chỉ bảo họ, khiến họ khoan dung với người khác hơn, khiến họ khiêm tốn trong lời nói hơn.

 

Người hoài nghi cảm xúc sẵn sàng xem xét lại niềm tin và thái độ của mình.

 

Họ có thể cảm thấy khá chắn chắn vào bản thân ngay lúc này nhưng lại nhận ra rằng còn có thể có những thay đổi hợp lý khác. Kết luận của họ chỉ có tính tạm thời. Họ hiểu rõ tình trạng thất thường của tâm trí. Rằng, tuy kỳ lạ nhưng lại vô cùng quan trọng, chẳng có thời khắc nào mà ta có thể tận dụng được hết tất cả mọi thông tin trong đầu của mình. Ta không thể đại diện cho toàn bộ chính bản thân ta để đưa ra quyết định trong khi thời gian đang hối thúc. Ta không thể một cách ngay lập tức sử dụng được hết tất cả các trải nghiệm của mình, ta không thể hành xử công bằng trong một khoảnh khắc tức thời nào đó, nhưng đấy lại là những thứ thật sự cần thiết để suy nghĩ và cảm nhận về một vấn đề cụ thể.

Tâm trí không đại diện cho bản thân của nó một cách tức thời: nó bộc lộ dần theo thời gian, và vì vậy nó cần thời gian để đưa ra câu trả lời tốt nhất. Nhưng ta lại thường chẳng có thời gian. Điều ta nói là thứ ta cảm thấy cần được nói vào thời điểm đó, nhưng nó không hẳn đã phản ánh được đầy đủ thứ ta sẽ nói nếu ta có cơ hội chọn lọc và tập hợp tất cả những mảnh suy nghĩ, trải nghiệm quan trọng và có liên quan đến vấn đề đó trong cuộc đời ta. Và nếu ta có thời gian, thì có thể ta sẽ đưa ra những kết luận rất khác so với những điều ta đang giải bày vào thời khắc hiện tại.

Việc ta nhạy cảm với những thay đổi cảm xúc không phải là lỗi của ta: đó là kết quả của sự không tương thích giữa hệ thống lý lẽ mà ta được kế thừa từ suốt lịch sử tiến hóa và bản chất phức tạp của các sinh kế mà ta phải đảm nhiệm. Ta không thể tái cấu trúc toàn bộ bản thân: ta sẽ bị cuốn vào những điều vị kỉ, hờn ghen, kiêu hãnh, ganh đua và những nỗi thống khổ điên cuồng, giận dữ.

Nói cách khác, ta đã bị tự nhiên kết án rằng ta phải sống cùng với sự không hoàn hảo, ta phải đi tìm thế giới của ta, định hình cuộc sống của ta dựa theo những cơ chế của một trí não thi thoảng lại thể hiện sự khiếm khuyết nguy hiểm của mình.

Nhưng ta vẫn có thể tiếp tục bước đi, dù hẳn là còn cả một đoạn đường dài nữa, để khắc phục những vấn đề của mình nếu ta đã chuẩn bị cho điều đó; nếu ta chấp nhận rằng ta là những dung dịch muối đặc sệt định kiến, là người đang nhìn vào thực tại thông qua những ô cửa kính trầy xước, nhòe mờ và vì vậy, ta phải thường xuyên nghi ngờ nhận định của mình, tiết chế động năng của bản thân, điều chỉnh chế độ ăn hợp lý – và giữ gìn sức khỏe.

Ta cuối cùng cũng sẽ học được cách xem xét bản thân khi ta có một bức tranh miêu tả toàn bộ những điều ta có thể biết – và cũng để miêu tả về những hiểu biết hạn hẹp của mình, để ta khiêm tốn hơn xưa.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo The Book of Life.

Tags: