‘Cái bắt tay triệu đô’ - Bạn có bảy giây để tạo nên sự khác biệt thật sự
‘Cái bắt tay triệu đô’ - Bạn có bảy giây để tạo nên sự khác biệt thật sự
Trước cả khi bạn mở lời, cách bạn đi đứng, bắt tay, giao tiếp bằng mắt và kết nối với đối phương đã nói lên rất nhiều điều về bạn.
Cái Bắt Tay Triệu Đô
(8 lượt)

Năm 2017, cả thế giới hướng về nước Mỹ khi tổng thống đắc cử là một nhân vật gây ngạc nhiên: Donald Trump - vị tỷ phú vốn nổi tiếng với tác phong có phần bỗ bã, khác xa hình ảnh lịch thiệp thường thấy ở các chính khách. Từng hành động của Trump đều được ghi hình và bàn tán không ngớt. Thậm chí, người ta còn làm video tổng hợp các màn bắt tay giữa ông và nhiều nguyên thủ quốc gia trong các dịp khác nhau: Trump thường bắt tay người khác bằng cách siết mạnh và giằng kéo trong suốt hàng chục giây và hoàn toàn tảng lờ vẻ mặt bối rối của đối phương. Dù là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un, hay cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe… thì cũng không ai thoát được các màn “vật tay” của ông Trump.

 

 Cái bắt tay thể hiện con người cá nhân 

 

Không chỉ vì Donald Trump là nhân vật nổi tiếng, nên từng hành vi của ông mới bị truyền thông và công chúng mổ xẻ nhiều đến vậy mà mở rộng ra, trong cuộc sống hàng ngày, các hành động xã giao tưởng như đơn giản thật ra lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa về con người cá nhân, cũng như đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả tương tác giữa các cá nhân với nhau. Đây cũng chính là chủ đề được khai thác sâu sắc và đa diện trong “Cái bắt tay triệu đô”, cuốn sách được chấp bút bởi tác giả Catherine Molloy, đồng thời là diễn giả và chuyên gia về giao tiếp và ngôn ngữ hình thể với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và đào tạo kỹ năng lãnh đạo.

Trong phần đầu tiên của cuốn sách, tác giả dành nhiều trang để hướng dẫn kỹ thuật bắt tay một cách cụ thể: siết mạnh hay nhẹ, bằng một hay hai tay, kéo dài trong bao lâu, với dáng đứng và ánh mắt thế nào,... Bạn đọc có thể nghĩ chỉ là bắt tay thôi mà, có cần chi tiết đến thế không, nhưng sự thật là cách bạn bắt tay lại tiết lộ rất nhiều về tính cách và tâm lý của bạn. Như màn “vật tay” với lực siết và kéo mạnh trong thời gian dài của Cựu Tổng thống Trump cho thấy ông là người nóng tính và luôn muốn thể hiện quyền lực (điều này cũng thường hiển hiện qua mọi lời nói và hành vi khác của ông mà công chúng thấy qua truyền thông). Ngược lại, một cái bắt tay yếu ớt cho thấy con người thiếu tự tin, hoặc cái chạm hờ hững vào các đầu ngón tay có thể là dấu hiệu của một người ngạo mạn.

Hãy tưởng tượng, trong bối cảnh đòi hỏi thái độ chuyên nghiệp như một cuộc phỏng vấn ứng tuyển việc làm hay gặp gỡ khách hàng tiềm năng, ngay khi lời nói chưa được phát ra, người đối diện đã nhìn thấy cách bạn đi đứng, biểu cảm gương mặt, ánh mắt và cái bắt tay. Bởi một cách hữu thức hoặc vô thức, người khác sẽ đánh giá bạn qua ngôn ngữ cơ thể, và ngược lại, bạn cũng đánh giá người khác bằng phương thức tương tự.

Ứng xử quá vồn vã sẽ gây mất thiện cảm nếu bạn chỉ chăm chăm thể hiện mình mà tảng lờ cảm xúc của người khác. Ngược lại, cho dù có chuyên môn giỏi cùng tính cách nồng hậu, nếu hôm đó tâm trạng bạn không vui và để lộ điều đó qua gương mặt thiếu cảm xúc và cái bắt tay hời hợt, đối phương có thể cho rằng bạn là người tự ti hoặc lãnh đạm - đồng nghĩa với một cơ hội bị tuột mất. 

 

Ngôn ngữ hình thể qua giao tiếp xuyên văn hoá 

 

Cuốn sách cũng dành một phần quan trọng để bàn về ngôn ngữ hình thể trong các nền văn hóa với những phong tục, tập quán khác nhau. Trong bối cảnh toàn cầu hóa với môi trường làm việc thường là sự hợp tác giữa nhân sự đa quốc gia, sự hiểu biết và nhạy cảm về văn hóa là tối quan trọng để giảm thiểu mâu thuẫn và hiểu lầm.

Người Châu Á với truyền thống kín đáo thường bắt tay nhẹ và đôi khi hơi cúi đầu, trong khi người Mỹ thường bắt tay với lực siết mạnh cùng nụ cười và ánh mắt nhìn thẳng vào đối phương, còn người Úc lại có xu hướng chào hỏi nhau bằng những cái vỗ lưng. Người Pháp thường chào nhau bằng cách hôn má trong khi hành động đó là hoàn toàn không phù hợp trong văn hóa Việt Nam. 

Nam giới thường thoải mái và tự tin với hành động bắt tay, còn phụ nữ thường e dè hơn một chút. Thậm chí, ở một số quốc gia theo đạo Hồi giáo, bất kỳ sự đụng chạm cơ thể mang tính xã giao nào giữa hai người khác giới cũng đều không được chấp nhận. Do vậy, Molloy khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ tập quán bản địa trước khi du lịch hoặc công tác ở một đất nước xa lạ, bởi sự hiểu biết và tôn trọng nền tảng văn hóa của người khác sẽ giúp bạn “ghi điểm” trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Giá trị của thông điệp phi ngôn từ được Molloy nhấn mạnh ngay từ tựa đề của cuốn sách, nhưng con số “triệu đô” ở đây không đơn thuần có ý nghĩa về tiền bạc hay các hợp đồng kinh doanh, mà theo tác giả, mục đích là “giúp bạn cảm thấy mình đáng giá triệu đô và chỉ cho bạn cách để khiến các khách hàng của mình có cảm nhận tương tự về bản thân họ”.

Bằng cách cung cấp kiến thức về tâm lý học và sự đa dạng văn hóa, cũng như những chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của tác giả Catherine Molloy trong môi trường giao tiếp quốc tế, “Cái bắt tay triệu đô” đã rất thành công khi truyền đi thông điệp về giá trị của ngôn ngữ hình thể trong việc tạo dựng và gìn giữ mối quan hệ giữa chúng ta. 

Một cách tự nhiên, chúng ta thường đã có cảm giác tốt hay không tốt về một người nào đó ngay từ bảy giây đầu tiên chạm mặt. Và như Molloy đã nhận định trong cuốn sách, “Bạn có bảy giây để tạo ấn tượng. Nếu ấn tượng đầu tiên không tốt, có thể bạn sẽ phải bù đắp bằng mười hai cuộc gặp gỡ suôn sẻ để xây dựng mối quan hệ và tạo thiện cảm.

 

Về tác giả

 

Catherine Molloy là chuyên gia giao tiếp kiêm diễn giả quốc tế về thuật lãnh đạo và kỹ năng bán hàng. Với 25 năm kinh nghiệm trong mảng kinh doanh, đào tạo và điều phối, Catherine đã đào sâu nghiên cứu về giao tiếp và ngôn ngữ cơ thể. Bà là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Auspac Business Advantage - một công ty đào tạo đã được trao nhiều giải thưởng.

Catherine sở hữu chứng chỉ thực hành Lập trình ngôn ngữ tư duy (Neuro-linguistic Programming - NLP), đồng thời bà cũng là một nhà tư vấn có áp dụng mô hình tính cách DISC (Directing, Influencing, Stabilising, Complying). Catherine từng hai lần được trao Giải thưởng Quốc tế Stevie, trong đó có một giải về Giáo dục và Dịch vụ Khách hàng, một giải về Đổi mới Sản phẩm. Ngoài ra, bà còn nhận được Giải thưởng Khu vực của Viện Quản lý Úc dành cho nhà quản lý/chủ sở hữu xuất sắc của năm.

 

Tags: