Cách kể của truyện ngụ ngôn cho ta biết điều gì ?
Cách kể của truyện ngụ ngôn cho ta biết điều gì ?
Không chỉ riêng từng câu chuyện ngụ ngôn mang ý nghĩa, cách những câu chuyện đó được truyền tải cũng có thể dạy ta nhiều bài học sâu sắc.

Tình cờ mấy ngày trước ghé nhà bạn, thấy có cuốn truyện ngụ ngôn thì cầm lên đọc thử, lát sau bị cuốn vào trong từng trang sách. Đọc xong ngồi ngẫm nghĩ thấy cách người ta kể chuyện ngụ ngôn có nhiều điều thú vị để suy ngẫm, tóm gọn là như thế này.


1. Hãy tưởng tượng, câu chuyện bạn đang đọc là về một con lừa già rơi xuống giếng, người chủ ngẫm nghĩ các kiểu rồi lấy đất đá đổ xuống, chôn sống con lừa. Sau một hồi lâm li bi đát, mỗi lúc xẻng đổ lên lưng con lừa liền lắc người cho đất đá rơi xuống, một lát sau con lừa xuống hiện ở miệng giếng và tung tang bay nhảy.

 

 

Bây giờ, hãy lật tiếp một vài trang, con lừa lại xuất hiện, trong vai trò một con vật nuôi đang ganh tỵ với con chó được nuôi trong nhà, nó tìm cách lấy lòng ông bà chủ, bằng cách vào nhà, nhảy chồm lên ông chủ, chạy dưới chân bà chủ, nhảy chồm lên bàn khi mọi người đang ăn uống, sủa những tiếng Be Be hòng lấy lòng mọi người. Kết quả là nó bị đuổi đánh cho một trận nên thân.


Bỏ qua những bài học sau cùng của những câu chuyện trên, có bao giờ bạn tự hỏi tại sao hình tượng con lừa không mãi chăm chỉ, sống tốt qua ngày mà lại sinh tính ganh ghét, đố kỵ hay không? Nếu hai truyện trên là cùng một con lừa, thì nó xấu hay là tốt?


Trong cuộc sống, sự tiếp xúc va chạm giữa người với người sinh ra nhiều tình huống và cảm xúc khác nhau, có những người họ đối xử với bạn cực kỳ tốt, nhưng cũng là họ, lại làm tổn thương những người khác một cách cố ý. Cùng một người đấy, họ là người xấu hay là người tốt?


Vốn dĩ chẳng có gì là tốt đẹp hoàn toàn hay xấu xa hoàn toàn cả, người ta đối xử tốt với bạn vì họ quý bạn, họ làm tổn thương bạn vì họ không muốn nhìn thấy bạn. Chẳng thể nào lấy một hành động thương mến để nói rằng đó là người tốt, và chẳng thể nào lấy một va chạm để đánh giá người đó không tốt. Chẳng thể nào thấy con lừa cố gắng tránh sự vùi dập của ông chủ mà cho nó là tốt hoàn hoàn, cũng như rằng thấy nó quậy phá mà can tâm giết thịt nó. Thế nên, khi nói đến con lừa, thì đừng đánh giá nó qua con chữ bạn thấy trên một trang giấy. Và cũng chẳng nên đánh giá một ai đó, qua một hành động bạn gặp tiếp xúc.


2. Vì sao tai thỏ lại dài? Vì nó đi ăn trộm cà rốt, bị phát hiện rồi giằng co, người ta nắm được cái tai rồi ra sức kéo lại, thỏ ra sức chống cự. Kết quả tai thỏ bị kéo dãn, thành dài như bây giờ.


Vì sao đít khỉ lại đỏ? Vì nó chơi không đẹp, bị các loài ghét, bày mưu chà đít nó bằng ớt trái. Kết quả đít sung vù, đỏ rực như bây giờ.


Vì sao gà trống lại gáy để đánh thức mặt trời? Vì ngày trước khi bắn bớt mặt trời, còn mặt trời kia sợ quá núp sau núi, các loài họp lại tìm cách gọi mặt trời dậy, chim muông các loài hát hay được tuyển nhưng tiếng nhỏ, không vang xa đến mặt trời. Chỉ mỗi tiếng gà trống lại gáy vang hơn cả, mặt trời nghe tiếng gáy cũng thấy an tâm, rồi mới ló dậy. Từ đó về sau gà trống dậy từ sớm để gáy vang trời, đánh thức mặt trời dậy.


Những sự khác biệt trong hình dáng, đặc điểm của mỗi loài luôn có một câu chuyện ở phía sau đi cùng, nó sẽ được truyền tải đến bạn một cách sinh động và hư cấu nhất có thể. Sẽ có những lúc, bạn sẽ đọc được một câu chuyện truyền tải thông điệp chăm chỉ học tập, về một con cò ngày lặn lội mò cua bắt cá, đêm về lôi sách ra đọc, có hôm ngủ gật lộn cổ xuống ao, từ đó nó luôn đem sách vở bên mình để mỗi khi rảnh lại lôi ra đọc. Câu chuyện có thể kết thúc ở đấy, nhưng người ta viết thêm rằng nếu bạn bạn bắt được con cò, hãy để ý dưới cánh sẽ có một nhúm lông màu vàng, đó chính là sách vở con cò đem theo để học. Đấy, sẽ có những tình huống, được diễn giải là khiến những con vật thay đổi theo hướng như ta đang nhìn thấy.

 


Có những khi, loài nào đó vốn không như vậy, nhưng vì một chuyện gì đó, nó lại như vậy. Cái chuyện gì đó nhẹ là lời nói hay hành động giữa các loài vật với nhau, nặng hơn là một biến cố nào đó khiến loài đó sợ hãi, thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại hoặc sợ biến cố đó lại xảy đến lần nữa.


Điều này cũng giống như giữa người với người. Sự điều chỉnh thái độ, hành vi phần nhiều xuất phát trong quá trình tiếp xúc vào trao đổi với nhau, nhằm tìm kiếm sự cân bằng và hòa hợp với đối phương. Và có những khi, thái độ hay hành vi của người khác thay đổi với mình, là vì ta làm tổn thương họ, họ phải điều chỉnh để tạo nên khoảng cách, không lại sợ gợi tổn thương hay tổn thương lần nữa. Những điều ấy giống như việc con cò đem sách vở theo bên mình vì sợ lại lộn cổ xuống ao giữa đêm hôm.


Ta không còn nói chuyện với ai đó, vì họ không còn thú vị như ngày trước.


Ta không còn cười chào khi gặp ai đó, vì điệu cười cuối cùng họ dành cho ta là mỉa mai.


Có những khi, lời nói hay hành động của ta lại rất vô tư, không có tính sát thương nhưng lại gây tổn thương cho người khác. Những lúc ấy, ngay lúc ấy, ta sẽ không hiểu ngay vấn đề gì đang diễn ra, chỉ đến khi có sự thay đổi, thì mọi chuyện đã thay đổi. Và, nếu chỉ cần xin lỗi rồi sửa lỗi là xong hết mọi chuyện, thì cuộc sống đã không phức tạp như ta đang thấy, và tảng băng cũng chẳng phần chìm lại nhiều hơn cả với phần nổi.

 

Nguyễn Kỳ Lân

Tags: