Tạo nên sự mới lạ cho những tác phẩm thiếu nhi quen thuộc
Mỗi lần một tác phẩm kinh điển được viết lại, nó sẽ tiếp cận được và mời được những độc giả mới bước vào khám phá song song ý tưởng mới lẫn ý tưởng cũ. Bởi vì một câu chuyện kinh điển viết lại vẫn giữ lại nhân vật, tình tiết chính trong phiên bản cũ, nhưng đồng thời tạo ra những chi tiết, bối cảnh mới gần gũi, quen thuộc với độc giả thời nay hơn. Trong “Ba chú sói con và gã heo mập xấu xa”, tình huống truyện một bên xây nhà một bên đạp đổ vẫn được giữ nguyên, nhưng vật liệu làm nhà hay “công cụ phá hoại” ngôi nhà đều được đổi thành những thứ mà trẻ em thời nay quen thuộc. Vai trò và tính cách của các nhân vật được hoán đổi một cách đầy thú vị, lần này ba chú sói con hiền lành sẽ tìm cách xây nhà kiên cố, còn gã heo mập xấu xa tìm mọi cách phá hủy căn nhà. Phiên bản hiện đại cũng đưa ra những góc nhìn, thông điệp mới, nhân văn hơn, phù hợp hơn với quan điểm của xã hội mà trẻ đang sống. Tất cả những điều này giúp các bạn nhỏ vừa cảm thấy kết nối với câu chuyện hơn, thích thú đọc sách hơn, vừa dễ dàng tiếp thu những bài học ý nghĩa mà câu chuyện gửi gắm.
Kích thích sáng tạo - Phá vỡ khuôn mẫu
Mỗi nhân vật động vật trong sách thiếu nhi thường có một hình mẫu nhất định, chẳng hạn như sói độc ác còn heo ngờ nghệch. Điều này có lợi vì giúp trẻ nhỏ dễ nắm bắt tính cách nhân vật và theo dõi diễn biến câu chuyện. Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ toàn đọc những câu chuyện được viết theo lối truyền thống như vậy, các em sẽ bị hạn chế những góc nhìn đa dạng khác về một vấn đề. Với phiên bản hoán đổi vai trò và tính cách của sói và heo trong “Ba chú sói con và gã heo mập xấu xa”, trẻ em có thể phát hiện ra những góc nhìn mới, khác và độc đáo. Chẳng hạn như, các em nhận ra ba chú sói con dù bị gã heo mập xấu xa tấn công hết lần này đến lần khác, nhưng các chú không chiến đấu lại gã bằng sự tức giận, bằng bạo lực, không tàn nhẫn đến mức ăn thịt gã (như trong phiên bản cũ). Các chú sói con ở phiên bản mới đối xử với gã heo bằng thứ “vũ khí của Gandhi”, đó là giao tiếp phi bạo lực, đối xử với nhau bằng lòng trắc ẩn và sự bao dung. Khả năng tư duy không đi theo lối mòn, có thể nhìn sự việc từ một góc nhìn hoàn toàn khác, không bị giới hạn bởi truyền thống, tiền lệ, quy định như thế được gọi là kỹ năng sáng tạo, một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu mà lứa thế hệ các em rất cần được trang bị để có thể thành công trong tương lai.
“Ba chú sói con và gã heo mập xấu xa” là tác phẩm được chăm chút bởi bàn tay của hai tài năng lớn trong ngành sách thiếu nhi - Tác giả kỳ cựu người Hy Lạp Eugene Trivizas, người đã viết hơn 100 cuốn sách cho trẻ em, và họa sĩ minh họa lừng danh người Anh Helen Oxenbury, người từng hai lần được trao tặng Huân chương Kate Greenaway. Lời văn gãy gọn, dí dỏm, nhiều cụm từ thú vị sẽ khiến trẻ muốn lặp đi lặp lại như “thổi vèo thổi véo thổi veo veo”, kết hợp cùng tranh vẽ nhân vật động vật có ngoại hình đáng yêu, biểu cảm sinh động khiến “mỗi trang sách đều toát lên sự dí dỏm”, như nhận xét của tạp chí Times. Nếu bố mẹ đang tìm một “làn gió mới” cho bạn nhỏ đã thuộc làu những câu chuyện thiếu nhi kinh điển thì “Ba chú sói con và gã heo mập xấu xa” sẽ là một lựa chọn tuyệt vời.
Crabit Books