Nỗi oan của người viết kiệt tác về mưu đồ bậc quân vương
Nỗi oan của người viết kiệt tác về mưu đồ bậc quân vương
"Quân vương" là một trong những cuốn sách gây tranh cãi bậc nhất. Tác giả Niccolò Machiavelli bị đánh đồng với những góc tối mà ông viết trong sách.
Quân Vương - Thuật Cai Trị
(166 lượt)

Italy từng có truyền thống gọi một số nghệ sĩ xuất chúng chỉ bằng tên thánh. Chẳng hạn, nhắc tới Raphael, người ta hiểu đó là Raffaelo Santi. Nhưng ngoài Raphael còn những người khác cũng được hưởng đặc ân này như Michelangelo, Giotto...

 Việc có họ của gia đình mình trở thành một tính từ cửa miệng thậm chí trong nhiều ngôn ngữ ngoại quốc thì chắc chỉ có một trường hợp duy nhất: Niccolò Machiavelli.

Họ tên trở thành tính từ miêu tả một kiểu người

Cách gọi chỉ bằng tên thánh dành cho Michelangelo hay Raphael thể hiện sự trân trọng, tôn vinh, coi tài năng của các nghệ sĩ này là độc nhất vô nhị, vô tiền khoáng hậu.

Còn họ Machiavelli đi vào nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh trong vai trò một tính từ ngắn gọn, hàm chứa dường như tất cả tính cách xấu xa nhất của con người, nhất là những con người tham gia “Trò chơi vương quyền” từ cổ chí kim: Trí trá, nham hiểm, đa nghi...

Dường như chỉ tính từ “Machiavelli” với chữ cái “M” không viết hoa là đủ gói gọn tính cách của con quỷ đội lốt người. Vậy Niccolò Machiavelli là ai mà họ lại gắn liền tất cả phần tính cách tối tăm nhất của con người như thế?

Với những ai chưa từng biết bản thân nhân vật Niccolò Machiavelli, mà chỉ biết ý nghĩa của tính từ “machiavelli”, cơ hội tìm hiểu tường tận về cuộc đời ông sẽ là trải nghiệm hấp dẫn, thậm chí bất ngờ, nhất là nếu bạn mới chỉ biết tới ông qua tác phẩm chính trị luận Quân vương, vốn đã tương đối quen thuộc ở Việt Nam.

Trong khi trên thế giới đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu về cuộc đời ông được xuất bản, tại Việt Nam, tiểu sử Machiavelli của tác giả Miles J.Unger mới được chuyển ngữ và phát hành. Đây là cơ hội đầu tiên cho đông đảo độc giả được biết đến con người thật của nhân vật trứ danh song còn khá lạ lẫm, thậm chí ít nhiều bí ẩn này.

Từ những nguồn tư liệu còn lưu lại, Unger đã tổng hợp, phân tích, đem đến cho độc giả bản tường thuật sống động, chi tiết về cuộc đời của nhân vật rất đáng để được tìm hiểu rõ hơn.

Bởi, ngoài trước tác Quân vương, bản thân cuộc đời Machiavelli cũng là pho sử nhỏ hấp dẫn, nơi mỗi người đọc thích tìm hiểu về lịch sử đều có thể tùy sở thích tìm thấy điều cuốn hút với bản thân mình.

Machiavelli tham gia tích cực vào đời sống chính trị của thành Florence, cũng như có dịp can dự trực tiếp vào mạng lưới những quan hệ chằng chịt phức tạp giữa các quốc gia Italy, vào thời kỳ cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16. Cuộc đời của ông, bên cạnh những thăng trầm của riêng nó, cũng trải dài qua một thời kỳ đầy biến động.

Cuộc đời ông đã chứng kiến những năm tháng thịnh vượng nhất của Florence dưới thời Lorenzo de Medici, vắt qua cơn cuồng nộ tôn giáo điên khùng của Savoranola, qua tham vọng của gia tộc Borgia, trải qua toàn bộ cuộc chiến dai dẳng giành quyền kiểm soát Italy giữa nhà Valois và nhà Habsburg, và kết thúc cùng năm với cuộc cướp phá Roma nổi tiếng năm 1527.

Trên những trang sách của Unger, các biến cố riêng tư trong đời của Machiavelli được lần giở lại trong mối liên hệ với tình hình chính trị đương thời, cung cấp cho độc giả bản tường thuật sống động về hành trạng của Machiavelli, cũng như tình hình Florence nói riêng và Italy nói chung.

Đó là những đặc trưng về con người, về chính trị của một thời kỳ đã được Machiavelli tóm lược lại trong tác phẩm để đời Quân vương của ông.

Cuốn tiểu sử của Unger đem đến lời giải thích về lý do thúc đẩy Machiavelli viết nên Quân vương, cũng như lý do khiến tên họ ông bị ghi nhớ lâu dài theo cách không mấy ai mong muốn vì chính sự nổi danh của tác phẩm đó, sự nổi danh theo cách tác giả viết ra nó vừa không ngờ vừa không muốn thấy.

Quân vương là sự tổng kết chính trường Florence tàn khốc

Đa phần độc giả ngày nay, khi nghe nói tới cái tên này, lập tức nhớ ngay tới quyển chính trị luận mỏng Quân vương mà ông là tác giả. Những gì được Machiavelli viết lại trong Quân vương vô tình lại khiến họ của ông trở thành cách gọi tóm lược cho tinh thần của tác phẩm này.

Quyển sách tiểu sử của Unger cũng cho chúng ta thấy nguyên do tại sao thật khó đánh giá đúng về con người Niccolò Machiavelli, cũng như tác phẩm Quân vương, nếu không đặt cả tác giả và tác phẩm vào bối cảnh đương thời.

Đó là bối cảnh Italy chia năm xẻ bảy, trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng của các láng giềng hùng mạnh như vương triều Valois tại Pháp và dòng họ Habsburg trong vai trò hoàng đế của đế chế Roma.

Đồng thời, đó cũng là thời kỳ của toan tính thâu tóm miền bắc và trung Italy của Cesare Borgia, sự tranh giành ảnh hưởng giữa lãnh địa giáo hoàng, các nước Cộng hòa Venice, Florence, Công quốc Milan...

Thời kỳ đầy bạo lực, toan tính chính trị không từ bất cứ thủ đoạn nào của các quốc gia Italy chính là thực tế được phản ánh lại trong Quân vương.

Đây là cuốn chính trị luận được Machiavelli tổng kết lại qua kinh nghiệm thực tế nhiều năm lăn lộn chính trường, nếm trải cả vinh quang lẫn thất thế, thậm chí có lúc cận kề mất mạng.

Chính vì tổng kết lại một cách trung thực cuộc tranh đấu tàn khốc không khoan nhượng trong nội bộ và giữa các quốc gia Italy đương thời, khi đọc Quân vương, hiển nhiên người đọc, đặc biệt là những người đọc ngoại quốc và sống xa thời của Machiavelli, không thể cảm nhận được quyển sách này từ góc độ thực tế.

Số phận của Quân vương, cũng như số phận của chính Machiavelli, có chút gì đó pha lẫn bi hài.

Về bản thân quyển sách, Machiavelli viết nó ra nhằm mục đích rất thực tế. Ông muốn viết nó như một tổng kết súc tích các hình thái quốc gia và nhà cầm quyền đang hiện hữu ở Italy khi đó; từ các thành bại thực tế của từng trường hợp đúc kết nên bài học để một nhà cầm quyền đương thời học hỏi, cân nhắc.

Cụ thể, nhà cầm quyền đó là ai? Là gia tộc Medici đang nắm quyền ở Florence và đang ngờ vực Machiavelli. Còn Machiavelli, đang tìm một phương cách lấy lại ân sủng của nhà Medici để có cửa trở lại chính trường, hy vọng Quân vương sẽ là món lễ vật trí tuệ đủ thuyết phục mở ra cánh cửa hồi sinh sự nghiệp cho mình.

Trong hoàn cảnh toàn Italy là sân khấu cho vở diễn “Cừu và sói”, những ai mong sống sót, không muốn trở thành cừu, chỉ còn một lựa chọn là trở thành sói. Có những con sói bẩm sinh và có những con sói cần được học hỏi để trở thành sói.

Giuliano de Medici, người nắm quyền ở Florence mà Machiavelli muốn có được ân sủng, cũng không là ngoại lệ. Có lẽ vì thế, Machiavelli đã rất khéo léo lựa chọn đúng chủ đề này để viết nên Quân vương làm lễ vật cho Medici.

Và thật dễ với bất cứ ai đã đọc qua Quân vương để hiểu vì sao một khi những gì được viết trong sách bị đánh đồng là suy nghĩ, tính cách của tác giả, cái họ Machiavelli lại trở thành tính từ đồng nghĩa những gì bất trắc nhất trong tính cách con người.

Nói vậy có nghĩa giả sử không viết ra Quân vương, có lẽ Niccolò Machiavelli đã được yên nghỉ êm ả, hay biết đâu sẽ được biết tới như tác giả của Luận bàn về Mười quyển đầu bộ Lịch sử Roma của Titus Livius, tác phẩm mà ông đã bỏ ra nhiều tâm huyết nhất.

Song nếu không viết Quân vương, Machiavelli đã không phải là Machiavelli nữa. Đó chính là phần bi hài của chính con người ông.

Machiavelli được khắc họa trong các trang tiểu sử Unger có vẻ là con người mâu thuẫn với chính mình. Biết rõ chính trường đầy phản trắc và vô ơn của thời mình, song Machiavelli không thoát nổi vòng kiềm tỏa của danh lợi.

Vật chất mà nói, bị gạt bỏ khỏi chính trường với Machiavelli cũng ít nhiều đồng nghĩa với mất đi nguồn sống cho bản thân và gia đình.

Tinh thần mà nói, sự nghiệp chính trị phụng sự Florence chính là lẽ sống cả đời của Machiavelli, là nơi duy nhất ông thi thố được tài năng của mình.

Đóng lại quyển sách của Unger, độc giả sẽ có thêm một hiểu biết về một trong những nhân vật đặc biệt nhất trong lịch sử phương Tây cũng như thời kỳ lịch sử sóng gió khốc liệt nhân vật đó đã trải qua.

Và có thể tính từ “machiavelli” sẽ vẫn còn tồn tại trong nhiều ngôn ngữ với ý nghĩa nó đang được dùng, nhưng chí ít giờ đây không còn ai có hiểu biết còn đánh đồng nó với nhân vật Niccolò Machiavelli nữa.

Theo  dịch giả Lê Đình Chi

PGS. TS Lê Đình Chi (sinh năm 1977) công tác tại Đại học Dược Hà Nội. Ông là người chuyển ngữ nhiều cuốn sách văn học, lịch sử, tiểu sử nổi tiếng như: Napoleon đại đế, Lịch sử (Herodotus), Những kỳ vọng lớn lao, Những người nuôi giữ bồ câu, Biểu tượng thất truyền
Tags: