MC Lê Anh - Trịnh Lê Anh được sinh ra một gia đình có mẹ làm giáo viên tiểu học, bố là cán bộ công chức nhà nước, nhưng với niềm đam mê và năng khiếu về diễn thuyết nên Lê Anh đã bén duyên với nghề dẫn chương trình từ rất sớm. Năm 1994, cậu học sinh lớp 11 THPT Thăng Long đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước với Giải nhì toàn năng Cuộc thi Học sinh Thanh lịch Hà Nội. NSND Phạm Thị Thành là giám khảo chấm cho Lê Anh giải nhất về hùng biện ở cuộc thi này sau đó đã mời anh về Nhà hát Tuổi trẻ làm cộng tác viên dẫn chương trình. Đó là những bước khởi đầu cho nghề dẫn chương trình lúc đó còn chưa hình thành ở Việt Nam.
Năm 1995, tốt nghiệp PTTH, Lê Anh thi đỗ vào Học viện Ngoại giao và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Lịch học hai trường kín cả ngày nhưng tối tối anh vẫn đạp xe đi dẫn chương trình ở quán ca nhạc sinh viên với mức cát sê từ 20.000 đồng một tối.
Đến năm 2003 Lê Anh được biết đến với vai trò người dẫn chương trình chuyên nghiệp khi xuất hiện trong chương trình "Khoảnh khắc bị đánh cắp" trên VTV1, tiếp theo là các chương trình Robocon, Điểm hẹn âm nhạc, Chắp cánh thương hiệu, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Con đường âm nhạc, Hộp đen, Hà Nội 36 phố phường… Anh đã xuất hiện đậm đặc trong gần 30 chương trình của các nhà đài, song công việc chính của anh là làm giảng viên đại học. Đam mê truyền thụ tri thức anh quan niệm "đi dạy cũng là đi học, học liên tục để khán giả sẽ luôn nhớ mình là một MC tri thức". Hiện nay, anh đang là Trưởng Bộ môn Quản trị Sự kiện, Khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Quan điểm của anh về việc đọc sách: Những người trẻ nên tìm đến những cuốn sách bổ sung cho các bạn nhãn quang, dẫn hướng bạn đến hành động. Từ đó, chúng ta mới có thể hội nhập và trở thành một công dân toàn cầu. Nếu không chịu đọc những thứ kích thích chúng ta có một suy nghĩ lâu dài, ta sẽ không nhận thức được đủ trách nhiệm của mình với chính mình và xã hội.
Dưới đây là 3 cuốn sách tâm đắc của MC Lê Anh và nhận xét của anh về từng cuốn.
Văn hóa Việt Nam - Những hướng tiếp cận liên ngành
Cuốn sách có thể hơi "nặng ký" để đọc thường thức, vì thường được dùng cho mục đích học thuật là chính. Tuy nhiên, nếu bạn có tình yêu dành cho văn hóa, con người và nhất là không muốn bỡ ngỡ về chính quê hương mình, hãy tìm đọc và học từ cuốn sách đồ sộ này.
Người tình
"Người tình" là cuốn tiểu thuyết kinh điển mang tinh thần đương đại trong cách kể câu chuyện tình yêu của một cô gái Pháp mới mười lăm tuổi sống tại nước thuộc địa. Kiệt tác văn chương của Marguerite Duras càng mang ý nghĩa đặc biệt khi gắn với hình ảnh nguyên mẫu và bối cảnh đất nước ta ở vùng hạ lưu sông Mekong những năm 1930s. Có thể nói, cuốn sách là một lăng kính độc đáo về con người và cuộc chiến tại Việt Nam.
Tớ là Dâu
Cuốn sách là tập hợp những suy nghĩ thú vị và cực kỳ hài hước của một anh chàng Tây về tất tần tật mọi thứ ở Việt Nam, từ ngôn ngữ, lối sống đến ấm thực. Thật khó định nghĩa thể loại văn học này, nhưng nó khiến tôi (và có thể cả bạn) cứ thấy vui hết cả vẻ ra, và yêu tiếng Việt hơn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khen "Tớ là Dâu" ngon như nhai kẹo lạc, là đủ biết cuốn sách này hay thế nào rồi đấy!